Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

10326 - Lịch sử Việt nam thời tự chủ: Những nét đặc trưng về Vua Đinh Tiên Hoàng




Tư chất lãnh tụ của vua Đinh Tiên Hoàng, tức Đinh Bộ Lĩnh, đã sớm xuất hiện từ thuở nhi đồng. Bấy giờ cha là Đinh Công Trứ, từng làm Thứ sử châu Hoan [Nghệ An] cho Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền, chẳng may mất sớm; mẹ là Đàm Thị đem về động Hoa Lư [Ninh Bình] nuôi nấng; ngài thường đi chăn trâu ngoài đồng, chơi với đám trẻ con, chúng đều chịu phục. Cương Mục chép:
Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ Thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác: đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc. Mẹ thấy thế, mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách[2] đều bảo nhau rằng:
‘Chú bé này có độ lượng khác thường, chắc rồi làm nên sự nghiệp’.
 Họ liền đem con em theo ngài, lập ngài làm trùm, đóng ở sách Đào Úc, ngày ngày đi đánh những sách khác chưa chịu phục.”
Dưới thời nhà Ngô, sau khi Ngô vương Quyền mất, Dương Tam Kha, em vợ Vương cướp ngôi của cháu; sau đó bị con thứ của Vương là Ngô Xương Văn truất phế. Năm Tân Hợi [951], Xương Văn lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn vương, sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về kinh sư, cùng trông coi việc nước, Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư cậy núi khe hiểm trở, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều đình làm con tin. Liễn đến, hai Vương trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo quân đi đánh. Cương Mục [Chính Biên, quyển 1] chép:
“ Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói:
 ‘Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?’.
Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ bảo:
 ‘Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì,.
Bèn không giết Liễn mà đem quân về.”
Việc làm Đinh Bộ Lĩnh được cho là vì đại nghĩa, không đoái tưởng đến vợ con gia đình riêng tư; người xưa gọi là “ công nhi vong tư ”; tại Trung Quốc trước Công Nguyên thời Hán Sở Tranh Hùng, Hán Cao Tổ cũng kẹt vào trường hợp tương tự; rồi cũng giải quyết theo phương sách này.
Bấy giờ Hán Cao Tổ tức Lưu Bang cùng Hạng Võ thề làm anh em phò Sở Hoài vương chống lại nhà Tần. Khi chiếm được kinh đô Trường An diệt xong Tần, hai phe tranh tranh Bá đồ Vương, đánh nhau kịch liệt. Sau khi Lưu Bang thất bại tại Bành Thành [205 TCN], cha và vợ đều bị quân Hạng Vũ bắt. Vào năm 203 TCN Hạng Vũ đóng quân tại núi Quảng Vũ chống nhau với Lưu Bang; quân Lưu dựa vào chỗ hiểm tại Vinh Dương [Xingyang, Hà Nam], khiến Hạng đánh mấy tháng không hạ được. Vì thiếu lương muốn giải quyết gấp, Hạng dọa Lưu ra hàng, nếu không tuân sẽ đem cha ra giết. Lưu Bang dứt khoát trả lời “ Nếu có giết thì [nấu ra], chia cho tôi một bát canh với ”; sự việc được chép trong bộ sử Tư Trị Thông Giám[3] như sau:
Hạng Võ đóng quân tại núi Quảng Vũ, chống nhau với quân Hán; trải qua mấy tháng không hạ được, lương thực lại thiếu; Hạng Võ bèn đem Thái Công [cha Lưu Bang] lên thành, và bảo Lưu Bang rằng:
‘Nếu không hạ được thành gấp, ta đem Thái Công ra phanh thây.’
Hán vương [Lưu Bang] bảo:
‘Tôi và anh cùng hướng lên phương bắc nhận mệnh của Hoài vương kết làm anh em; vậy cha tôi là cha anh; bây giờ nếu anh muốn giết ổng, [nấu ra] nhớ chia cho tôi một bát canh với!’
Hạng Bá [chú Hạng Võ đứng bên cạnh] khuyên:
‘Việc thiên hạ trong tương lai chưa biết ra làm sao; y vì thiên hạ không đoái đến gia đình, nếu có giết đi cũng vô ích, mà càng thêm gây họa.’
Hạng Võ đành nghe theo.”[4]
Vào năm Mậu Thìn [968] Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân lên ngôi, tức Vua Đinh Tiên Hoàng; ngài đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt [大瞿越], dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi; bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Việc ngài dùng quốc hiệu với với chữ Nôm “Cồ” viết theo lối giả tá kèm giữa từ “Đại Việt” là một sáng kiến thoát Trung độc đáo, vượt ra ngoài lối mòn Trung Quốc; ngoài ra chữ “cồ” trong ngôn ngữ Việt còn hàm nghĩa “lớn, mạnh”. Sử gia Lê Văn Hưu, sống gần với thời nhà Đinh, có lời bàn về Đinh Tiên Hoàng như sau:
“ Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoang đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”
Về việc bang giao, vua các nước nhỏ như Việt Nam, Cao Ly lúc lên ngôi thường sai sứ dâng biểu cầu phong Trung Quốc; tuy đó chỉ là hình thức nhưng cũng mang dấu ấn thần phục nước lớn. Riêng Vua Đinh Tiên Hoàng khác biệt, bản thân chưa hề liên lạc trực tiếp với Trung Quốc; chỉ cho con là Đinh Liễn tiếp xúc. Thời Ngũ Đại Thập Quốc, Đinh Liễn được nhà Nam Hán cho làm Tiết độ sứ; Tân Ngũ Đại Sử[5] chép:
Nam Hán Lưu Trường niên hiệu Đại Bảo thứ 8 [965], Ngô Xương Văn tại Giao châu mất, phụ tá cho Văn là Lữ Xứ Bình tranh chấp với Thứ sử Phong châu Kiểu Công Hữu, khiến Giao Chỉ loạn lớn. Người trong châu Đinh Liễn mang quân đánh phá được, Lưu Trường giao cho Liễn làm Tiết độ sứ.”( Quyển 65, Nam Hán, Thế Gia quyển thứ 5. Tân Ngũ Đại Sử)[6]
Đến thời nhà Tống nắm quyền cai trị Trung Quốc, Đinh Liễn với tư cách là Tiết độ sứ triều Nam Hán cũ, gửi chế văn sang triều cống; qua nội dung chế văn triều Tống mới biết Liễn làm theo ý Vua cha; Tục Tư Trị Trường Biên của Lý Đào chép:
Trường Biên, quyển 14. Tống Thái Tổ ngày Giáp Tuất tháng 5 năm Khai Bảo thứ 6 [24/6/973], Nam Hán Tĩnh hải quân tiết độ sứ Đinh Liễn nghe tin vùng Lãnh nam[7] đã bình định, bèn sai sứ triều cống; tờ biểu xưng rằng y nhận lệnh của cha là Bộ Lĩnh. Ngày Mậu Dần [28/6/973] ban cho Liễn chức Tĩnh hải tiết độ sứ. (Trong chế văn[8] ban cho Liễn chức Tiết độ sứ đại lược ghi “Cung kính tuân theo lệnh của cha, thấy nhục phải thờ nước ngụy[9]”; do đó biết được biểu văn của Liễn nội dung giống như vậy.”[10](Quyển 14. Năm Khai Bảo thứ 6 [973])
Triều đình nhà Tống do sự kính trọng Vua Đinh Tiên Hoàng, làm một việc ngoại lệ; tuy Vua không xin, vẫn tự ý sai Sứ phong chức Giao Chỉ quận vương:
Triều đình cho rằng Đinh Liễn từ phương xa lo làm tròn chức cống, vốn do ý của cha, bắt đầu bàn bạc tỏ ra kính trọng. Ngày Bính Ngọ tháng 8 [4/9/975] phong Bộ Lĩnh là Giao Chỉ quận vương; sai Hồng lô thiếu khanh Cao Bảo Tự, Hữu giám môn vệ suất Vương Ngạn Phù đi sứ. Cao Bảo Tự là chú Cao Kế Xung[11].” (Tục Tư Trị Trường Biên, Quyển 16)[12]
Trở về với việc nội trị, vua Đinh Tiên Hoàng chủ trương dùng oai lực chế trị thiên hạ, đặt vạc dầu lớn ở sân, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng:
Hễ kẻ nào vi phạm thì bắt bỏ vào nấu trong vạc, hay cho hổ ăn thịt“.
Khiến ai nấy sợ hãi, không dám phạm pháp.
Năm Canh Ngọ [970], đặt niên hiệu Thái Bình năm thứ nhất; cho lập năm Hoàng hậu gồm: 1) Đan Gia; 2) Trinh Minh; 3) Kiểu Quốc; 4) Cồ Quốc; 5) Ca Ông.
Năm Tân Mùi Thái Bình thứ 2 (971), đặt phẩm trật cho các quan văn, quan võ và lãnh đạo các tôn giáo như Phật, Lão: Nguyễn Bặc làm Định quốc công; Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư;[13] Lê Hoàn làm Thập Đạo[14] tướng quân. Ban hiệu Khuông Việt thái sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu; lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ,[15] Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi.[16]
Tháng 2 năm Giáp Tuất Thái Bình thứ 5 (974), chia đất nước làm mười đạo; cũng tổ chức quân đội thành 10 đạo quân, dưới quyền quan Thập đạo, mỗi đạo có mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người, đều đội mũ “Tứ phương bình đính”.[17]
Tháng giêng năm Mậu Dần, Thái Bình thứ 9 (978); lập con nhỏ là Hạng Lang làm Thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương.
Mùa xuân năm Kỷ Mão, Thái Bình thứ 10 (979), Nam Việt vương Liễn giết Thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng, khó nhọc mà có công to; khi nhà vua đã được nước, Liễn được phong là Nam Việt vương lại từng nhận tước phong của Tống. Khi sinh Hạng Lang, nhà vua tư vị cưng chiều, lập làm Thái tử. Vì thế, Liễn bất bình, sai người ngầm giết Hạng Lang.
Tháng 10, viên Chi hậu nội nhân[18] Đỗ Thích[19] giết nhà vua và Nam Việt vương Liễn. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được Đỗ Thích giết đi, rước Vệ vương Toàn lên ngôi. Trước kia, Đỗ Thích làm chức Thư lại ở Đồng Quan, đêm nằm ở trên cầu, bỗng thấy sao sa vào miệng, tự phụ là điềm lạ, manh tâm chiếm ngôi cao. Đến đây, nhân dịp nhà vua đêm ăn yến, say rượu, nằm ở trong sân cung cấm, bèn giết nhà vua cùng với Nam Việt vương Liễn. Do bị lùng bắt gắt gao quá, Đỗ Thích nằm núp ở lòng máng xối trong cung, đã hơn ba ngày, khát lắm, gặp trời mưa, thò tay ra hứng nước uống. Cung nữ trông thấy, chạy báo Nguyễn Bặc. Nguyễn Bặc bắt lấy Thích, chém chết. Rồi cùng bọn Đinh Điền, Lê Hoàn rước Vệ vương Toàn lên ngôi; truy phong nhà vua là Tiên Hoàng đế; Vua Đinh ở ngôi 12 năm, thọ 56 tuổi.
Các Sử gia từng trách vua Đinh Tiên Hoàng 3 điều: thứ nhất bỏ con trưởng lập con thứ, dẫn đến cái chết của nhà vua và Đinh Liễn; thứ hai lập 5 Hoàng hậu; thứ ba, cai trị quá hà khắc.
Về điều thứ nhất, việc anh em tranh giành nhau do lỗi bởi cơ chế quân chủ chuyên chế, ngôi Vua trong chế độ này có nhiều đặc quyền đặc lợi nên sinh ra sự tranh giành. Tại nước ta, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn, đều xảy ra hiện tượng anh em tranh giành ngôi vua. Xét cho cùng mọi đặc quyền đặc lợi trên đời này, nếu không do tài năng bản thân hành xử lương thiện mà có được; đều gây nên thảm họa; hơn nữa việc “Con Vua thì lại làm Vua”, không bảo đảm chọn được người tài ra giúp nước. Cũng vì lý do này phần lớn các nước trên thế giới đều theo chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến.
Điều thứ hai, việc Đinh Tiên Hoàng lập năm Hoàng hậu, càng gây sự xáo trộn trong chốn cung đình, tạo ra tiền lệ xấu, đến đời Vua Lê Đại Hành cũng bắt chước lập năm Hoàng hậu. Sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn như sau:
“Lê Văn Hưu nói: Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài, cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến năm người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập năm hoàng hậụ Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy.”[20]
Điều thứ ba, vua Đinh rút kinh nghiệm từ sự lỏng lẻo yếu mềm dưới thời nhà Ngô dẫn đến loạn Thập Nhị Sứ Quân, nên chủ trương cai trị hà khắc, khiến dân sợ phải tuân theo pháp luật. Thực tế cho thấy chính sách hà khắc khiến dân căm ghét sục sôi, dễ sinh ra biến động; nên các chính trị gia cổ kim chủ trương nghệ thuật cai trị giống như người nấu ăn giỏi, khéo điều hòa nồi canh với các gia vị (điều canh trị quốc), lấy sự khoan nhân hòa hợp với biện pháp mạnh; đó là cách cai trị hữu hiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét