Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

10327 - Kính thưa và giới thiệu – Thói háo danh của một số người


Gọi A là một đối tượng nào đó, một nhân vật hoặc một tập hợp người. Khi ta bắt đầu trình bày việc gì đó với A, ta kính thưa A để tỏ ý tôn trọng và tạo sự chú ý của họ. Nếu để thể hiện sự thân thiện thì không kính thưa, mà dùng: “A thân mến”. Khi giới thiệu A với một đối tượng C, ngoài tên ra, nên giới thiệu thêm một vài chi tiết ngắn gọn, thể hiện quan hệ của A với C, hoặc vài điều quan trọng của A mà có nhiều khả năng C chưa biết, cần biết. Nói, giới thiệu những điều người ta biết rồi dễ mang tiếng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Kính thưa và giới thiệu có hình thức và nội dung gần giống nhau, đó là trình bày ra được A có những chức tước gì quan trọng.
Một hôm, tôi được các bạn ở Hội sinh viên mời nói chuyện. Các bạn hỏi cần giới thiệu như thế nào. Tôi bảo chỉ cần giới thiệu thầy kèm tên là đủ. Các bạn băn khoăn, thế thì đơn giản quá, tầm thường quá. Tôi nói, thế thì thay chữ “thầy” bằng “giáo sư” là được. Đúng là đơn giản nhưng không tầm thường. Càng đơn giản càng có phần cao quý. Các bạn đề nghị phải giới thiệu đầy đủ: giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, chủ nhiệm khoa, chuyên gia đầu ngành về KCXD. Tôi không cho phép giới thiệu dài như thế.
Tôi nói, TS thấp hơn GS, vì vậy đã giới thiệu, đã xưng danh GS thì có thể không cần kể ra học vị TS làm gì. Khổ nỗi, ở VN còn có Tiến sĩ khoa học, về bằng cấp là cao hơn tiến sĩ thường. Một số vị TSKH sợ người khác nhầm họ với TS thường nên buộc phải ghi TSKH kèm thêm vào học hàm GS. Còn TS thường thì ghi làm gì.
Tôi giải thích: Sinh viên đến nghe, chỉ cần biết tên thầy. Các bạn đó sẽ đánh giá thầy qua nội dung và thái độ khi nghe trình bày. Người ta cần được giới thiệu tương đối đầy đủ khi mới xuất hiện giữa chốn lạ lùng và cần nhanh chóng thiết lập quan hệ. Còn ở nơi đã tương đối quen và không vội thiết lập quan hệ mà muốn giới thiệu nhiều về mình chỉ chứng tỏ người đó thiếu tự tin.
Nghe điều này, các bạn tôi ở Hải Phòng phản bác rằng ông Trần, hiệu trưởng trường Đại học HP, một người giỏi, rất tự tin, nhưng rất thích người khác thưa gửi hoặc giới thiệu đầy đủ các chứ tước: GS-TS-Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, Nhà giáo nhân dân, chủ tịch Hội đồng XYZ. Tôi tìm hiểu vị hiệu trưởng này, thấy rằng bên ngoài ông rất năng động, có nhiều tài, nhưng bên trong vẫn ẩn chứa sự thiếu tự tin.
Anh Nguyễn Chọn, nguyên Hiệu trưởng Đại học XD. Khi đương chức, mỗi lần được thưa hoặc giới thiệu ở các cuộc họp hoặc mít tinh trong trường, các cán bộ cấp dưới vẫn kể ra đầy đủ những chức danh của anh mà toàn bộ cán bộ của trường đã biết rõ: GS-TSKH, Hiệu trưởng, nhà giáo nhân dân, chủ tịch Hội đồng KH…
Khi anh đã thôi làm Hiệu trưởng, có dịp vui vẻ, tôi hỏi anh: Này anh Chọn, hồi còn làm Hiệu trưởng, mỗi lần được thưa gửi, được giới thiệu rất hoành tráng, rất dài dòng, anh có thấy thích không? Anh Chọn tâm sự: Nào tôi có thích thú, có sung sướng gì cái kiểu giới thiệu và thưa gửi dài dòng như thế đâu. Chúng ta là những nhà khoa học, chuộng sự đơn giản và thực chất. Tôi đã có lần yêu cầu cán bộ ở các phòng chỉ thưa gửi đơn giản, nhưng nào họ có nghe.
Tôi thông cảm với anh Chọn, nhưng nghĩ rằng anh chưa có thái độ cương quyết, anh là người dễ tính, xuề xòa cho xong chuyện.
Quan sát tại các cuộc hội nghị, tôi phân chia những người phát biểu thành 2 loại. Loại CB chính trị và loại CB khoa học. Loại CB chính trị, mỗi lần phát biểu thường nhìn trước, nhìn sau, thưa gửi hết ông này đến bà nọ, rất lễ phép, rất ngoại giao. Thưa gửi chán rồi mới nói lên vài ý kiến rào trước đón sau. Thưa gửi rất phong phú, nhưng ý kiến phần lớn nghèo nàn. Loại CB khoa học thường thưa gửi rất ít, họ nói ngay vào vấn đề.
Gần đây có việc ông Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn hai chức cao nhất. Mỗi lần thưa gửi hoặc giới thiệu, bất kỳ ở đâu người ta cũng xướng lên đầy đủ hai chức đó. Thiết nghĩ có một số lúc cần như vậy. Đó là khi mời ông đến dự các lễ hội. Còn trong công tác, tùy theo việc của Đảng hay Nhà nước mà chỉ giới thiệu chức tước tương ứng. Thí dụ trong cuộc hội nghị BCH trung ương Đảng thì giới thiệu ông Tổng bí thư là đủ, cần gì phải đèo thêm chức Chủ tịch nước, ngược lại, khi làm việc nhà nước, chỉ cần giới thiệu ông là Chủ tịch nước.
Không lẽ khi ông ký để ban bố luật, ngoài chức Chủ tịch còn đèo thêm TBT thì còn ra thể thống gì. Nếu bài này đến được tai mắt ông Trọng, ông nên nhắn nhủ cấp dưới, đừng quá xuề xòa như trường hợp anh Chọn trường tôi (Trừ trường hợp ông thích như vậy. Để đáp lại nhiều người đã gọi ông là Tổng – Chủ cho ngắn gọn).
Có bài của Vô danh rằng:
Kính mời, kính biếu, kính thưa.
Trong 3 kính ấy ông ưa kính nào
Kính thưa là thứ tầm phào
Kính mời, kính biếu, thứ nào cũng hay….
Vẫn biết là thứ tầm phào, nhưng nó tác động đến thói háo danh của những kẻ kém tài, ít đức, thiếu tự tin. Đó là một trong những thói tật xấu của người Việt, được sự thống trị của “đội tiên phong của giai cấp vô sản” làm cho thêm nặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét