Ảnh chụp từ video đăng ngày 28/04/2019: tàu kiểm ngư Việt Nam lao thẳng vào tàu chiến Indonesia(youtube.com/watch?v=0KMzDoB7yAE)
Vụ va chạm giữa hai tàu kiểm ngư Việt Nam với một tàu hải quân Indonesia ở vùng biển Bắc Natuna ngày 27/04 vừa qua là hậu quả của việc thiếu các quy tắc ứng xử tại khu vực chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế của hai nước. Bộ Ngoại Giao Indonesia hôm qua (29/04) thông báo đã triệu đại sứ Việt Nam tại Jakarta Phạm Vinh Quang lên để yêu cầu giải thích về vụ va chạm giữa hai tàu kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN 264 và KN 213 với chiến hạm KRI Tjiptadi-381 của hải quân Indonesia.
Theo thông cáo của hải quân Indonesia, khi tàu KRI Tjiptadi-381 bắt đầu kéo một tàu cá Việt Nam bị bắt giữ vì đánh cá « trái phép » trong vùng biển Indonesia, thì chiếc KN 264 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã đụng vào chiến hạm Indonesia, còn chiếc KN 213 thì đụng cho chìm tàu cá Việt Nam. Cũng theo thông báo nói trên, lính hải quân Indonesia đã kịp cứu được và bắt giữ 12 ngư dân của tàu cá Việt Nam, nhưng 2 ngư dân kia đã nhảy xuống nước và bơi thoát đi, rồi sau đó được tàu kiểm ngư Việt Nam vớt lên.
Jakarta đã gởi công hàm phản đối đến Hà Nội thông qua sứ quán Việt Nam ở Indonesia về hành động « khiêu khích » của tàu kiểm ngư Việt Nam đối với chiến hạm của hải quân Indonesia. Theo bộ Ngoại Giao Indonesia, hành động của tàu kiểm ngư Việt Nam « gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn chiến hạm Indonesia và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế ».
Nhưng theo phía Việt Nam hôm nay, vụ việc đã xảy ra không đúng như phía Indonesia mô tả. Trả lời câu hỏi của phóng viên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang phân định vùng đặc quyền kinh tế, tàu cá Việt Nam mang số hiệu BĐ 97916 TS cùng 14 ngư dân đã bị tàu mang số hiệu 381 của Indonesia bắt và lai kéo với tốc độ cao khiến tàu cá Việt Nam bị chìm ».
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, tàu kiểm ngư Việt Nam KN 213 đang hoạt động tại khu vực đã kịp thời cứu được hai ngư dân trên biển, đồng thời yêu cầu tàu 381 rời khỏi vùng biển Việt Nam, 12 ngư dân còn lại bị tàu Indonesia bắt và đưa về vùng biển Indonesia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã có công hàm gởi đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị « xác minh thông tin, điều tra làm rõ và không lặp lại hành động tương tự trong tương lai ». Việt Nam cũng yêu cầu Indonesia « thả ngay các ngư dân bị bắt, đối xử nhân đạo và đền bù thoả đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam. »
Từ năm 2014, Indonesia đã đánh chìm hàng trăm tàu đánh cá của các nước khác tại vùng biển Natuna, chủ yếu là tàu Việt Nam, Philippines, chỉ có duy nhất một tàu Trung Quốc. Đến năm 2017, Indonesia đã đổi tên vùng biển phía nam Biển Đông thành biển Bắc Natuna nhằm khẳng định chủ quyền của họ ở vùng này.
Theo giáo sư về Luật quốc tế của Đại học Indonesia, ông Hikmahanto Juwana, trả lời thông tấn xã Antara của Indonesia hôm qua, vụ va chạm ngày 27/04 là hậu quả của sự chồng lấn giữa hai vùng đặc quyền kinh tế ( EEZ) của Indonesia và Việt Nam. Ông Hikmahanto cho rằng vụ này xảy ra là do lực lượng hải quân Indonesia nghĩ rằng họ được phép bắt giữ các tàu cá của Việt Nam, nhưng bên phía lực lượng kiểm ngư Việt Nam thì lại cho là tàu KRI Tjiptadi 381 không được quyền bắt giữ như vậy.
Chính vì vậy, vị giáo sư này đề nghị nên đề ra những quy định mà cơ quan chức năng của hai nước Indonesia và Việt Nam phải tuân thủ khi xảy ra những vụ va chạm trên biển. Theo lời giáo sư Hikmahanto, hiện giờ giữa các nước ASEAN chưa có những quy định như vậy.
Vùng đặc quyền kinh tế không phải là lãnh hải thuộc chủ quyền của một quốc gia, mà chỉ là vùng biển mở rộng từ các quốc gia nước ven biển, vùng này tiếp giáp với lãnh hải, nằm bên ngoài. Trong khu vực đặc quyền kinh tế, quốc gia có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Cho tới nay, giữa Indonesia và Việt Nam chưa có một hiệp định phân định ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế.
Theo lời giáo sư Hikmahanto, rất may là thủy thủ đoàn của tàu KRI Tjiptadi 381 đã không nổ súng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế, bất kể ai phạm lỗi hay có lý, bên nào nổ súng trước là bị xem là có hành động tấn công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét