Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

9794 - Tin nóng: Paris sắp tháo gỡ Tháp Eiffel

Chính phủ Pháp và thành phố Paris vừa quyết định sẽ tháo gỡ Eiffel vì tháp không còn công dụng gì, đã quá cũ, và ngân khoản bảo trì quá lớn là một gánh nặng cho ngân quỹ. Giới thẩm quyền cho hay việc tháo gỡ sẽ bắt đầu từ năm tới. Sắt vụn sẽ bán đấu giá cho du khách hay những nhà sưu tầm di tích cổ, có thể mang lại một số tiền đáng kể. Người ta chưa quyết định sẽ xây cất gì thay thế cho tháp Eiffel, nằm trên bờ sông Seine.
Trong số các dự án, có việc xây một khách sạn lớn , hay một tháp mới, với kỹ thuật hiện đại, cao hơn và tối tân hơn tháp cũ, hay một trung tâm thương mại, tập trung những cửa hàng, tiệm ăn sang trọng dành cho du khách.
Một dự án khác nhằm xây cao ốc cho các hãng quốc tế thuê: tháp Eiffel ngự trị Champ-de-Mars, một công viên rộng 24 ha, tại trung tâm một thành phố đất quý hơn vàng.
Tháp Eiffel, cao 324 m, là tác phẩm của Gustave Eiffel, xây cất cho Hội chợ Quốc tế Paris (Exposition universelle de Paris) năm 1889. Sau Hội chợ, tháp được duy trì và trở thành biểu tượng của Paris. Mỗi năm Eiffel đón 7, 8 triệu du khách từ khắp thế giới, đứng hàng thứ 2, sau nhà thờ Notre Dame de Paris, với 12, 13 triệu người thăm viếng.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố một khu thương mại lớn có thể mang lại nhiều ngoại tệ hơn và tốn kém ít hơn trong việc bảo trì.
Dân Pháp nói chung, và dân Paris nói riêng, không phản ứng gì trước quyết định này, vì nghĩ chuyện đó không liên hệ gì tới đời sống hàng ngày hay quyền lợi của họ.
Trong một cuộc thăm dò Sofres, 99% dân Pháp trả lời không có ý kiến.
PS: Cố nhiên tin trên là fake news. Nhưng nếu bạn kinh ngạc, hay bất bình khi đọc, tại sao thờ ơ với tin ngôi nhà thờ cổ 130 năm ở Bùi Chu sắp bị đập bỏ, hay tháo gỡ, hay thay bằng nhà thờ mới, nếu tin này được xác nhận? Hay việc người ta quyết định về một di sản quốc gia, coi như của riêng, không thèm tham khảo ý dân?
HÃY LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC ĐẬP BỎ VÀ HÃY CỨU DI SẢN QUỐC GIA - NHÀ THỜ CHÁNH TÒA BÙI CHU
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m. Trên đầu nhà thờ là nhà xứ và có tháp chuông đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848.
Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phong cách Moroccan.
Một trong những buổi lễ cuối cùng được cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu là lễ Truyền Dầu đã diễn ra vào sáng hôm 18 Tháng Tư.
“Nay thì Nhà Thờ Bùi Chu tuyệt đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Nam Định cũng sắp phải đón nhận số phận buồn thương tương tự như nhà thờ Trà Cổ [bị đập bỏ hồi Tháng Ba, 2017]. Đây là những mất mát bi thảm cho bất cứ ai, không chỉ với người Việt Nam. Sự phá hủy một công trình như Nhà Thờ Đức Bà, hay Nhà Thờ Bùi Chu, là một vết thương lòng cho mỗi chúng ta.” Martin Rama, cố vấn cao cấp tại Ngân Hàng Thế Giới và là giám đốc dự án tại Trung Tâm Phát Triển Đô Thị Bền Vững thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
KTS Đặng Sơn chia sẻ trên trang cá nhân: “Trong các trường hợp đập bỏ di sản tương tự như này, thường là do những người có trách nhiệm đã nghĩ quẩn như sau: Vì nó mục nát nên cần đảm bảo an toàn cho giáo dân, vì muốn nhanh tiện, vì không huy động được tài chính, vì đập bỏ xây mới thì dễ dàng và rẻ hơn trùng tu, vì vướng vấn đề pháp lý với nhà nước, vì bị nhà nước không cấp cho khu đất khác để xây nhà thờ khác, vì cần mở rộng không gian, vì đây là tài sản riêng của nhà thờ nên quyền quyết định là tối cao. Có lẽ bên trong còn nhiều uẩn ức khó nói, nhưng chúng ta thiết nghĩ không nên ngồi im trước một quyết định sai lầm như thế. Không vì Nhà Thờ Bùi Chu có cái mái sắp mục mà xóa bài làm lại, xin miễn ngụy biện nhé!
Theo tôi, cần một bên trung gian đủ uy tín vào cuộc. Một tổ chức như UNESCO có thể đàm phán được ngay với Giáo Xứ Bùi Chu. Chỉ cần họ cân nhắc đưa ra phương án xếp hạng di sản toàn cầu với chuỗi nhà thờ cổ của miền Bắc, trong đó có Nhà Thờ Bùi Chu. Hy vọng cách này không chỉ cứu được Nhà Thờ Bùi Chu mà còn cứu được các di sản tôn giáo quý giá khác của miền Bắc”.
Theo FB Phương Diệu Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét