Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

9795 - Ung thư: trách nhiệm của các vị bộ trưởng đến đâu?

Nguyễn Hồng Phúc
Lúc 7g19 ngày 1-5-2019, nghệ sĩ Lê Bình đã ra đi sau hơn năm trời chống chọi căn bệnh ung thư. Đây là căn bệnh dễ dàng bắt gặp ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, và ít nhất có ba vị bộ trưởng trách nhiệm liên đới: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Bộ Y tế.


Bài viết này sẽ cụ thể việc quy kết trách nhiệm đó của ba vị bộ trưởng được xướng tên.
Nhìn từ khoa Ngoại niệu bệnh viện Bình Dân
Bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn hiện được đánh giá là nơi chữa trị vào bậc nhất các bệnh liên quan đến ngoại tiết niệu. 
Ở bệnh viện có 3 khoa Ngoại niệu là Niệu A, Niệu B và Niệu C. Niệu A đặt tại cơ sở mới xây dựng nằm đối diện với bệnh viện có từ 1954. Niệu C nằm ở tầng trệt, và Niệu B ở tầng 1 của bệnh viện. Tầng 1 của bệnh viện có một khu nằm cạnh dãy hành lang hướng ra phía cổng chính của bệnh viện, đây là nơi dành cho những bệnh nhân xạ trị, hóa trị sau phẫu thuật. Dường như chỉ có ai vào đây nằm chữa trị dài ngày, có liên quan tới mổ xẻ thì mới biết đến dãy hành lang của bệnh nhân xạ trị, hóa trị đó.
Khoa ung thư ở Bình Dân có từ trước năm 1975, chuyên điều trị ung thư bằng phẫu thuật và xạ trị. Năm 1984, đây là nơi dùng từ “ung bướu” thay cho “ung thư” để người bệnh bớt mặc cảm và tự tin.
Người viết từng có thời gian dài nằm điều trị ở Niệu B, và chứng kiến rất nhiều ca bệnh sau mổ đã chuyển sang dãy phía hành lang ở tầng 1 để xạ trị, hóa trị. Trò chuyện với những người bệnh, nhận thấy có một điểm chung là hầu hết các ca ung thư đường tiết niệu, phụ khoa đều liên quan tới thuốc trừ sâu hay còn gọi là thuốc bảo vệ thực vật mà họ đã trực tiếp phun tưới ở đồng ruộng.
Trong một lần chia sẻ khi đến thăm người viết, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, một chuyên gia nông học, nói rằng cách đây 2 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã loại bỏ 2 chất độc hại là Paraquat và 2.4-D ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành tại Việt Nam. Thế nhưng bộ này vẫn cho thêm thời gian 2 năm để các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hết lượng đã nhập khẩu.
“Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ban hành quyết định loại bỏ 2 hoạt chất bảo vệ thực vật là Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil khỏi danh mục sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các lần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép các loại thuốc có chứa 2 hoạt chất trên được phép sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, và buôn bán sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Với khoảng thời gian cộng thêm này, các doanh nghiệp sẽ tận dụng để nhập khẩu và sản xuất thật nhiều và đẩy ra thị trường…”. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa nói.
Các hoạt chất mà ông Nghĩa nhắc đến đều đã được thế giới xác nhận đó là chất độc hại, nguyên nhân đưa đến ung thư cho người nông dân khi phun xịt.
Câu hỏi đặt ra: trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường ra sao?
Từ thuốc điều trị ung thư bị làm giả đến ‘nước chấm pha hóa chất’…
Vụ án thuốc điều trị ung thư giả được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu xảy ra ở Công ty dược Việt Nam Pharma, với nhiều tình tiết từng được mô tả là có liên quan đến bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay coi như khép lại mà không đưa ra bất kỳ quy kết trách nhiệm nào của người đứng đầu Bộ Y tế.
Gần đây nhất là vụ ‘nước chấm pha hóa chất’ được Bộ Y tế xác nhận là ‘nước mắm’, cho thấy mặc dù các ‘hóa thực phẩm’ đó nằm trong danh mục được phép sử dụng, tuy nhiên với nhập nhằng cách hiểu để với lợi thế ‘nước chấm pha hóa chất’ cũng được gọi là ‘nước mắm’, có giá thành rất rẻ so nước mắm sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống chỉ với 2 thành phần là cá và muối, đưa đến mâm cơm gia đình người Việt, đặc biệt là người nghèo tiếp tục đối mặt với các thực phẩm ‘hóa chất’, nguy cơ tật bệnh ung thư.
Mâm cơm người Việt hôm nay còn đối mặt với cả bầu không khí bị đầu độc bởi nhiều quyết sách từ Bộ Công thương.
“Khu Vĩnh Tân hiện đang có 3 nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc. Đúng là giờ đây ban ngày ống khói nhà máy của họ xả khói trắng, chẳng rõ có độc hại hay không, song vào ban đêm nếu quần áo phơi ngoài sào quên mang vào nhà, hay các vại nước mà quên đậy nắp, thì sáng dậy sẽ thấy quần áo và nước trong vại phủ lớp bụi đen. Điều này cũng là may mắn lắm rồi, vì hồi dân chúng chưa làm dữ, ban ngày họ cũng xả bụi đen, nhất là lúc trời gió, bụi đen dậy trời Tuy Phong….”. Nhiều người dân sống ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết như vậy.
Các nhà máy nhiệt điện than ở trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đang phát sinh lượng tro xỉ rất lớn.
Vào cuối tháng 7 năm 2017, một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) – Tổ chức điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) – Tổ chức điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA), phối hợp tổ chức, đã đưa ra cảnh báo: Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than tại Đông Nam Á ước tính số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca ở năm 2011 lên thành 15.700 ca vào năm 2030.
Công bố hồi đầu năm nay của Bộ Công thương cho biết, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. 
Trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong vấn đề phát triển nhiệt điện than và hệ lụy tật bệnh ung thư, liệu có được truy cứu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét