Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

9796 - Chuyện đi lại


Có những thứ, những điều tưởng đã được đào sâu chôn chặt trong ký ức, bỗng hôm nào đó tự dưng bị ai cầm cái mai cái thuổng phóng một nhát thật mạnh vào, thế là chúng lại bật văng lên. Tôi từng bị rất nhiều lần như vậy. Cũng tại cái số mình vất vả, không thể dễ quên đi như người ta. Hôm nay, 30 tháng 4 dương lịch, nhà nước bây giờ coi là ngày lễ trọng. Chính quyền cho dân chúng nghỉ một mạch những 5 hôm liền để đi chơi, tiêu xài, mua sắm. Họ giải thích, bảo đó là biện pháp kích cầu. Phải kích mạnh cho dân móc túi ăn chơi. Làm “nhiều tiền để làm gì”. Nghe nói trong dân còn giấu cất hơn 500 tấn vàng cơ. Có mà ăn chơi nhòe cũng không hết. 

Và thế là những con đường trở nên nhộn nhịp. Máy bay rợp trời, nhà ga sân bay đông như cái chợ chứa đủ mọi thành phần, từ ông com lê ca vát bệ vệ đi đứng khoan thai, tới anh nông phu quần xắn móng lợn diện dép lê ôm điếu thuốc lào, bất kể chỗ nào cũng khạc, nhổ cái toẹt. Tàu hỏa chẳng chịu kém, băng băng trên đường sắt “đưa ta đến một ngày mai thật đẹp/ôi buổi bình minh dậy dọc đường/mướt xanh bờ liễu vút hàng dương”, chỉ còn thiếu “trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết” bởi cừu dê ở Ninh Thuận, Bình Thuận đang chết khát, phơi xương. Xe ô tô mới khiếp, đủ mọi hãng Phương Trang, Thành Bưởi, Mai Linh… chạy như mắc cửi, đón rước khách chu đáo chả khác gì đón Kim Jong-un ở ga Đồng Đăng bữa nọ. Lại còn những Grab, Uber, Goviet, ta chỉ bấm điện thoại nhoáy một nhát, là chúng phóng tới rước tận nhà. Thật đúng thời hoàng kim của đi lại, giao thông. 

Tôi cứ bồi hồi nhớ lại những năm xa, mà thật ra chưa xa lắm, mới cách vài chục năm, trong cái hồi mà ta quen gọi thời bao cấp. Nhát mai nhát thuổng ấy, chả là hôm qua trên tivi, đài tỉnh lẻ Tiền Giang, chiếu lại bộ phim cũ xì “Chuyến xe bão táp”. Bây giờ, coi nó cũng như đọc lại chuyện cổ tích, chỉ có những ai, thế hệ sống vào những năm tháng ấy mới thấy rợn người. 

Bộ phim ra đời năm 1977 của đạo diễn Trần Vũ kể về thế sự qua một chuyến xe khách. Chiến tranh đã chấm dứt rồi, tưởng trong cuộc sống mới “ta nắm tay nhau xây lại đời ta”, tất cả sẽ sung sướng, đầy yêu thương, ai ngờ con người đối xử với nhau còn khốn nạn hơn cả lúc súng đùng đoàng. Xem mà giận, mà thương. Hồi ấy xem bộ phim này cảm giác thế nào, giờ vẫn nguyên như thế. Cặp Thanh Quý – Vũ Đình Thân nhập vai quá giỏi. Không nghĩ đó là phim. Phim tiếp theo có Quý – Thân là phim “Những người đã gặp” cũng rất tuyệt vời, xuất hiện thêm cả Phương Thanh nữa. Thời ấy mình chỉ hơn Thanh Quý vài tuổi, mấy đứa thầy giáo trẻ chúng mình lúc bụng đói ngồi tán phét với nhau, mình bảo với ông Vy đồng nghiệp, ông ạ, tôi chỉ ao ước được nắm tay Thanh Quý một phát, rồi “nó” có bảo tôi ra cầu Sài Gòn cao tít nhảy xuống sông tôi cũng nhảy. Về sau này điện ảnh đi xuống, chả bao giờ có lại được những Thanh Quý, Phương Thanh như vậy. 

Trong đời, chính tôi từng chịu biết bao nhiêu chuyến xe bão táp. Khổ riết thành quen, không nghĩ mình khổ. Sức chịu đựng của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa xứ ta, nếu có cuộc thi quốc tế, giải nhất cầm chắc. 

Không kể chuyện của người khác làm gì, cứ lấy chuyện chính bản thân mình cho cụ thể. 

Sự đi lại của tôi bắt đầu bằng… đi bộ. Năm 1969 tôi bắt đầu học cấp 3 trường huyện. Trường cách nhà hơn 3 cây số, suốt 3 năm liền học các lớp 8, 9, 10 chỉ rặt đi bộ. Đơn giản là… không có xe đạp. Cả làng chỉ những nhà khá giả, nhà cán bộ mới có xe đạp. Chiếc xe Thống Nhất bán phân phối cho “đối tượng chính sách” đã hơn 200 đồng, nếu xe ngoại như Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu, Diamant, Favorit thì phải 400 hoặc 500. Xe máy Pơ giô cá vàng, xe Mô bi lét Ca xanh giá cả nghìn đồng. Năm 1974 hoặc 75 chi đó, có lần tôi đi bộ trên đường Tràng Thi (Hà Nội), ngó vào dãy phòng trưng bày xe máy của công ty xuất nhập khẩu, đối diện với Thư viện quốc gia, thấy đề giá chiếc xe máy Vespa những 4.000 đồng, đọc xong tưởng muốn chết ngất. Giết ai mà ra tiền lớn như thế. Giời ạ, cái nhà 3 gian của thày bu mình ở quê, nếu giả dụ bán đi, đòi giá 1.000 đồng, chắc người mua nó đem súng phun lửa tới cho một mồi chứ ở đó nói thách. Tạ thóc một nắng hai sương đem lên chợ huyện bán cho mấy bà hàng xáo chỉ được hơn chục bạc, mà bán thóc đi chả nhẽ bóp mồm cả nhà. Không xe đạp thì đừng. Nhìn tôi tiu nghỉu, thày (bố) tôi bảo đi bộ cho khỏe chân con ạ. Mà khỏe thật sự, nhờ đi bộ ròng rã hơn nghìn ngày, tới giờ cái chân còn dẻo dai, cơ thể ít bệnh tật. Chứ hồi ấy giả dụ sắm được chiếc xe đạp, lúc này lại chả suốt ngày nằm vạ cửa nhà mấy ông bà bác sĩ. 

Tháng 4.1977, hai năm sau ngày chấm dứt nội chiến, thống nhất đất nước, tôi vào nhận việc tại Sài Gòn. Hiểu thêm một điều, trong khi mình cũng như thày bu, như hầu hết dân Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, dành dụm từng tí, “dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá” mà vẫn không có được chiếc xe đạp thì trong này hơn chục năm trước, xe máy Honda, Vespa đã len vào từng ngõ nhỏ bình dân, chỉ anh giáo quèn cũng sắm dễ như bỡn. Xe đạp chả là cái đinh gì. (còn tiếp). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét