Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

9797 - Tháng Tư - vì sao không nguôi?


Nhiều năm rồi, hầu như năm nào tôi cũng có bài viết về biến cố lịch sử ngày 30.4.1975. Nhiều năm rồi, nhưng cứ vào những ngày tháng Tư là lòng lại cảm thấy hết sức nặng nề. Và có một điều chắc chắn đó cũng là tâm trạng của rất nhiều người miền Nam nói riêng và người VN nói chung. Nhà thơ Thận Nhiên viết trên facebook một status mang tên PTSD tháng Tư:
“…. Nhìn quanh những bạn bè, người quen, trong cộng đồng VN, nhất là trên Facebook, thì thấy rất nhiều người có các triệu chứng, biểu hiện như mình. Giận dữ, đau đớn, kích động với quá khứ, với lịch sử, với cuộc chiến đã kết thúc 44 năm trước trong những ngày tháng Tư. Cho dù mình chỉ chứng kiến phần nào chứ không trực tiếp tham gia.
Trong thế kỷ 20 vừa qua, Việt Nam trải qua mấy cuộc chiến tranh, với Pháp, với Nhật, với Mỹ, với Campuchia, với Trung quốc, nhưng cuộc chiến để lại thương tích trầm trọng, đau thương nhất trong tâm hồn, thậm chí không thể chữa lành, là cuộc chiến giữa người Việt với nhau.
Không chừng một phần lớn người Việt, ít ra cũng vài thế hệ, mang chứng PTSD này mà không được chữa trị. *** PTSD (Posttraumatic Stress Disorder) là một rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu”.
Tại sao 44 năm rồi nhưng hàng triệu, hàng chục triệu người Việt, không chỉ những người hoặc trực tiếp tham gia cuộc chiến, hoặc sống trong thời chiến, mà ngay cả những người sinh ra trong và sau cuộc chiến vẫn không thể bình an?
Câu trả lời đơn giản, nếu sau hơn 40 năm, đảng cộng sản làm cho đất nước giàu mạnh, người dân thực sự được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, VN có vị thế của mình trên thế giới, thì vết thương của cuộc chiến tranh đã qua, dẫu có tàn nhẫn đến đâu, cũng sẽ tự lành. Cả dân tộc sẽ khép lại quá khứ, chấp nhận thực tại và hào hứng hướng về tương lai. Chính vì họ không làm được như vậy, thậm chí ngược lại, nên nỗi đau vẫn cứ còn mãi, thời gian càng lùi xa, càng đau hơn…
Không có một cuộc chiến tranh nào phải trả bằng một giá máu xương quá đắt nhưng lại hoàn toàn không đáng xảy ra và người dân bị lừa bịp, bị phản bội cay đắng như cuộc chiến tranh VN.
Đảng cộng sản đã phản bội lại chính những lý tưởng, lý lẽ, học thuyết, mục tiêu chiến đấu cho tới mô hình thể chế chính trị mà họ từng mù quáng tin và bắt nhân dân phải tin theo. Họ đã phản bội lại hàng chục triệu người dân miền Bắc, trong đó có hàng triệu người ngã xuống vì tin vào “cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ, giải phóng miền Nam”, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Tất cả những gì họ đã từng hô hào chống lại trước kia giờ đây lại là hiện thực, nhưng tồi tệ hơn gấp nhiều lần, trên đất nước VN.
Không có một đảng cầm quyền nào, một chế độ nào trong lịch sử hơn 4000 năm của VN mà mức độ phá hoại của nó lại kinh khủng và di họa để lại về sau lại to lớn như chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo. Trong đó nghiêm trọng nhất, mất thời gian nhất để phục hồi, xây dựng lại là sự tàn phá về thiên nhiên-môi trường, về văn hóa, đạo đức xã hội, và về nhân cách, khí chất của một dân tộc.
Quê hương sau 44 năm, tương lai đi về đâu?
Cứ nhìn vào chân dung đám lãnh đạo chóp bu và tầm vóc, trí tuệ, tầm nhìn của họ qua từng hành động, phát ngôn, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào đám quan chức bên dưới từ Nam ra Bắc tiếp tục điên cuồng vơ vét, bán đắt bán rẻ mọi thứ còn lại cho tới từng phần lãnh thổ của Tổ quốc, đua nhau hốt hụi chót trước khi nhảy sang nơi khác và hạ cánh an toàn…là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào tầng lớp người giàu trong xã hội, đồng tiền của họ từ đâu ra, cách họ làm giàu, cách họ tiêu tiền, có phần nào dành đầu tư vào những lĩnh vực/những dự án lâu dài mang tính quốc gia, trả nợ lại cho xã hội hay vun đắp cho các thế hệ tương lai hay không… là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào giới trí thức, có bao nhiêu phần trăm lên tiếng vì những bất công, phi lý của xã hội, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào những người trẻ tuổi, hầu hết đang nghĩ gì, mơ gì, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào bức tranh của ngành giáo dục, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào dòng người suốt 44 năm qua vẫn không ngừng bỏ nước ra đi, bằng nhiều con đường khác nhau, ngày càng thêm nhiều thành phần khác nhau kể cả những người thành đạt, các đại gia, các quan chức cộng sản và con cháu họ…là sẽ có câu trả lời.
Và cũng chính vì vậy mà nỗi đau tháng Tư vẫn không hề nguôi vơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét