Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

10432 - Tăng vốn dự án Cát Linh - Hà Đông hơn hai lần không qua quốc hội: Xử lý Bộ GTVT ra sao?




Vào kỳ họp quốc hội lần này, hẳn không thể ngẫu nhiên mà cùng lúc với hiện tượng hàng loạt đại biểu quốc hội bỗng oai dũng đăng đàn để đòi chính phủ để cho cơ quan này được duyệt dự án đầu tư công, một số tờ báo quốc doanh đã đột ngột vạch trần một sự thật mà lâu nay chính phủ giấu kín: “Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.770 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng mà không qua cửa Quốc hội”.

Dù chưa khánh thành nhưng nhiều hạng mục của đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã cũ kỹ do thời gian xây dựng quá lâu. Ảnh: Phạm Thắng.


Ngạn ngữ ‘con voi chui lọt lỗ kim’ hoàn toàn có thể thích ứng với vụ việc khổng lồ trên. Không thể tưởng tượng rằng trong một chế độ chính trị có hẳn một cơ quan lập pháp nhưng một bộ chuyên môn như Bộ Giao thông Vận tải vẫn qua mặt một cách sỗ sàng, không coi giới ‘nghị gật’ ra gì, trong khi Luật đầu tư công đã quy định rõ những dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua.

Vì sao lại xảy ra nông nỗi ấy?

Trong thực tế, Bộ Kế hoạch - đầu tư là một ‘cửa’ mà toàn bộ dự án đầu tư công của các chủ đầu tư phải ‘chạy’ qua, khiến phát sinh rất nhiều dư luận và phản ứng về tình trạng ‘ăn không chừa thứ gì’ của bộ này và những bộ ngành liên quan khác nằm trong bộ phận thẩm định và phê duyệt dự án (như Bộ Tài chính và những bộ chuyên môn).

Trước đây, một ít đại biểu quốc hội đã ‘cắc cớ’ về cơ chế duyệt dự án đầu tư công, đặt dấu hỏi về tình trạng quá chậm trễ của phía chính phủ và Bộ Kế hoạch - đầu tư, hàm ý các cơ quan này không chỉ yếu kém về năng lực phê duyệt dự án mà còn phát sinh nạn ăn hối lộ. Tuy nhiên, chính phủ từ thời Nguyễn Tấn Dũng đã át đi tất cả những ý kiến này và bắt giới dân biểu phải ‘câm họng’.

Hẳn đó là nguồn cơn khiến lần đầu tiên gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ có vẻ bừng tỉnh và đang muốn ‘nổi loạn’ trước một chính phủ đã nặng thói quen hành xử ‘trình gì gật đó’.

Danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn nên để cho Quốc hội quyết định thay vì Chính phủ - theo kiến nghị của đa số đại biểu Quốc hội và được báo nhà nước tường thuật, liên quan đến Luật đầu tư công (sửa đổi).

Nếu sắp tới Luật đầu tư công (sửa đổi) bổ sung quy định Quốc hội có thẩm quyền duyệt dự án đầu tư công với mức vốn dưới 10.000 tỷ đồng, chẳng hạn Quốc hội sẽ phê duyệt những dự án đầu tư công có mức vốn trên 1.000 tỷ đồng hoặc từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, đó sẽ là một thắng lợi đáng kể của ‘cơ quan giám sát’, bởi đó sẽ là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện được nhiệm vụ giám sát lại những dự án đầu công mà rất nhiều khả năng trước đây đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư và các ngành khác thẩm định, phê duyệt vô tội vạ, ‘vận dụng’ quá nhiều hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai, cùng quá nhiều cảnh ‘lót tay’.

Đây cũng là lần đầu tiên mà nguy cơ ‘mất nồi cơm’ diễn biến cận kề đến thế đối với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khiến bộ trưởng bộ này - quan chức nung núc mỡ Nguyễn Chí Dũng - chỉ có thể gượng gạo đánh đố: “Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không?”.

Vụ việc tự tung tự tác và vượt quyền của Bộ Giao thông Vận tải về tăng vốn dự án Cát Linh - Hà Đông hơn hai lần không qua quốc hội hoàn toàn xứng với một ‘mức án’ không nhẹ về hành vi hình sự, chẳng hạn như ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và ‘cố ý làm trái…’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét