Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

10445 - Những đứa trẻ đường phố

Minh Châu

   Ảnh: Cô bé Huỳnh Ngọc Lam ở ‘phố Tây’ Bùi Viện, quận 1, Sài Gòn.

Giờ thì Sài Gòn hiếm hoi cảnh những đứa trẻ đường phố bán báo dạo. Đơn giản, báo in ế ẩm chẳng mấy ai mua… Thế nhưng trẻ đường phố bán hàng rong mỗi khi màn đêm buông xuống, thì Sài Gòn nhiều lắm. Với trẻ em đường phố thì Ngày Quốc tế Thiếu nhi, có lẽ chỉ dành cho thiếu nhi nhà khá giả, bởi với trẻ đường phố, tuổi thơ của chúng đã đánh mất từ lâu rồi theo vòng đời mưu sinh trôi nỗi.

Đúng là những đứa trẻ ăn xin ở các ngã tư, giao lộ của Sài Gòn gần như không còn nhiều như hai mươi năm về trước, kể cả giới ăn xin tha phương cầu thực của những nhóm dân đến từ Campuchia như thuở nào. Hôm nay những đứa trẻ này phải thích ứng với hoàn cảnh mới, khi hàng quán nhậu được mở dày đặc lúc đêm về, và người nhập cư tràn vào Sài Gòn đang lấn áp số đông dân cố cựu. Việc mủi lòng bố thí cho kẻ ăn xin, ăn mày giờ đây cũng dần hiếm hoi.

Người đàn bà trung niên là dân nhập cư từ Quảng Ngãi, đang ở trọ tại quận 12 Sài Gòn, giải thích bản thân chị cũng không muốn ôm con theo khi đi bán vé số. Tuy nhiên, nếu gửi con vào các nhà trẻ gần chỗ trọ, thì chị không đủ chi phí để lo, khi giá gửi trẻ thấp nhất ở vùng ven quận 12 bây giờ lên tới 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu cộng với chi phí nhà thuê, ăn uống…, thì số tiền lời kiếm được từ bán vé số sẽ khó kham nổi trước vật giá cứ mãi leo thang.

Sài Gòn có nơi gọi là 'khu phố Tây', tập trung khách du lịch người nước ngoài với đủ mọi thành phần, cùng với vô số phức tạp của lưu dân quốc tế. Những người dân phố Tây hẳn sẽ nhớ đến một bé gái nhỏ xíu, hay bước đi cùng mẹ len qua giữa dòng người đông đúc. Hễ mẹ chỉ vào quán nào là cô bé lại ôm chân khách ở bàn đó để bán kẹo cao su.

Người đàn bà tự giới thiệu tên Thành, nói rằng con bé tên Huỳnh Ngọc Lam, con của chị vốn bị chậm phát triển. Mấy năm trước, gia đình của Thành ở Nhà Bè, rồi cha mẹ mất, chồng có vợ bé. Anh trai của Thành đuổi mẹ con chị đi để tranh giành tài sản... Cũng chẳng biết thực hư. Tội cho cô bé đang phải mưu sinh ở nơi vốn đầy cạm bẫy của những kẻ tình dục ấu nhi nơi phố Tây.

Nhìn Ngọc Lam nhỏ thó lon ton trong các hàng quán, khách không khỏi chạnh lòng. Người ta thương tình cho bé tiền, chứ cũng ít ai lấy kẹo. Nghe lời mẹ, hễ ai cho dù chỉ vài nghìn, cô bé cũng đều gật đầu kèm theo tiếng cảm ơn lí nhí.

Bởi vậy nên ở Sài Gòn, nhiều người nhận xét đúng rằng đó là đô thị hoa lệ: hoa cho người giàu và lệcho dân nghèo. Cũng bởi Sài Gòn bao đời nay là nơi của đất lành chim đậu, nên riết rồi người ta cũng quen mắt với cảnh làn sóng nhập cư vào đây, còn kèm luôn những phận đời bất hạnh, côi cút.

Hình ảnh những đứa trẻ lành lặn có, khuyết tật có, lang thang, vật vờ trên hè phố đeo một chiếc giỏ nhựa với vài thứ hàng hóa cứ lướt qua, tưởng chừng như là một điều vô cùng bình thường của cuộc sống. Nhưng liệu đã có ai thắc mắc: Tương lai của các em sẽ đi về đâu? Ở lứa tuổi còn nhỏ như vậy, các em sẽ phải vật lộn với cuộc sống như thế nào?

Phía sau cuộc mưu sinh lầm lũi của những đứa trẻ nghèo khó ấy, phải chăng đúng như báo chí thường mô tả rằng đó là mơ ước cháy bỏng một tập sách mới, một chiếc xe đạp để được đến trường như bao trẻ thơ khác?. Thực tế cho thấy, trẻ đường phố không quan tâm đong đếm tháng ngày cho mơ ước, không đong đếm mệt nhọc, mà chúng chỉ đong đếm số tiền kiếm được mỗi ngày có đủ để mua nuôi sống mình và người thân...

Đầu tháng 4, năm 2016, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành Luật Trẻ em. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017. Theo luật này (Điều 4), thì “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Và, “Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em”.

“Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Tuy nhiên trên thực tế thì việc thực thi những điều luật đầy mỹ từ ấy ra sao, chắc chẳng mấy vị đại biểu mang tiếng là dân cử nào chịu khó ghé mắt đến. Họ chỉ bỏ công mỗi một lần cho bấm nút thông qua ở nghị trường, để bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân hạ bút ký ban hành.

Những câu thơ một thời được tung hê mỗi dịp có ngày kỷ niệm liên quan, giờ nhắc lại mới thấm thía nỗi mai mỉa, ma mị của các nhà làm chính trị ở xứ Việt: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét