Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

10473 - Nền hành chính thối nát là xô dân vào tội ác.


Không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân, các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, như vậy mới có thân ái hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai chân thật. Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời, bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ.

Bé 12 tuổi ở Hà Tĩnh bị công an xã đánh đập vì nghi ngờ lấy cắp 50.000 đồng.

Trong bài này, từ “hành chính” được hiểu theo nghĩa rộng.

Xưa, hiền triết Mạnh Tử viết: “Nếu nền hành chính thối nát để dân đói khổ, tức là nhà cầm quyền xô dân vào tội ác. Thế mà khi dân phạm tội, lại trừng phạt thẳng tay, thì có khác nào nhà cầm quyền bủa lưới bắt dân đâu! Nếu có một bạc nhân đức lên ngôi vị, người há nỡ bủa lưới, gài bẫy dân sao?” (Mạnh Tử Đằng-văn-Công chương cú thượng- tiết 3)

Câu chuyện em bé 12 tuổi ở Hà Tĩnh bị viên công an xã đánh đập vì nghi ngờ lấy cắp 50 ngàn đồng chỉ là một ví dụ nhỏ. Vì quá quen dùng hình pháp trong những lần trước, nên theo kinh nghiệm, trong lần mới này, người công an lại dùng hình pháp theo thói quen. Ấy là biểu hiện của một nền hành chính lạm dụng hình pháp. Càng nhiều hình pháp thì càng ít hòa hợp. Cho nên các bậc thánh vương xưa không quên lập ra những lễ tiết, những dịp vui chung, để dân tỏ tình quý mến nhau, thắt chặt lại mối giây thân ái, tạm quên mọi chia phôi ngăn cách trong xã hội, để sống vui tươi, cởi mở. 

Văn hóa Việt Nam có hai phần lý nhưng có đến ba phần tình, đã được đúc kết trong những thành ngữ: “tình lý tương tham”, “tham thiên lưỡng địa”. Đây là thành ngữ cực kỳ minh triết, không thể chối cãi được vì đã đóng ấn lên văn hóa dân tộc. Dòng băng rôn cổ động làng xã “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nghe có vẻ hợp lô-gic, nhưng đó một cách tinh ranh nhằm xóa bỏ truyền thống cha ông ta. Không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân, các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, như vậy mới có thân ái hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai chân thật. Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời, bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ. 


Tư tưởng này đúng cho mọi thời, mọi nơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, một trí thức tên tuổi, có nhiều sách in ở nhà sách Khai Trí có sức lan tỏa nhất nhì khắp Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhận xét giống hệt Mạnh Tử. Theo ông, “Gia hình, phạt tội tuy cần, nhưng tìm hiểu lý do khiến dân phạm tội, còn cần hơn gấp bội. Nếu vì chính quyền thất thố, thối nát khiến dân đói khát, khổ sở, sa ngã vào vòng tội lỗi, mà không thay đổi đường lối cai trị, cứ lo phạt dân, hành dân thì sao phải.” 


Tư tưởng này, vì là đúng đắn nên cũng đã thể hiện trong các tòa án ở mọi nơi khi đã đạt trình độ cao. Chẳng hạn nước Pháp khi tòa án phải xử án một người về một hành động tội phạm, tòa sẽ tỉ mỉ tìm hiểu hành trình của người đó từ khi mới lọt lòng cho đến khi trưởng thành, xem thử anh đã hưởng nền giáo dục như thế nào, đã đọc những cuốn sách gì, gặp những ai, trong đời đã tiếp xúc với những luồng tư tưởng gì trước khi biến thành hành động. Nghĩa là, phiên tòa không phải bỏ túi xử một buổi sáng là xong như Việt Nam, mà có khi kéo dài đến hàng tháng, tái hiện lại cuộc đời của anh tội phạm trong vòng 20, 30 năm. Tòa tận tình tận lực nỗ lực tìm hiểu con người. Bên Mỹ cũng tái hiện tư tưởng này. Ví dụ, nếu thấy một người thanh niên đi xe máy nhưng không có bằng, một cảnh sát giao thông ở Việt Nam chỉ biết chạy đến phạt tiền người thanh niên. Đáng lẽ ra phải tìm hiểu xem tại sao người đó không có bằng lái xe, do lười đi học hay không có tiền để đóng lệ phí thi lấy bằng, đó mới là hành chính biết suy nghĩ sâu xa.

Người xưa trị dân, thích thưởng, ngại phạt. Thưởng mùa xuân hạ, phạt mùa thu đông. Khi tới kỳ thưởng, bữa ăn bày thê món, và cho tả hữu ăn uống thỏa thích, để tỏ lòng ham thưởng. Khi tới kỳ phạt, bữa ăn, rút bớt món, bỏ âm nhạc, để tỏ lòng ngại phạt. Hành chính trị dân bằng lễ nhạc đã mất đi, còn hành chính ngày nay trị dân bằng hình luật, cho nên mới sinh ra những câu giáo trình sắt máu: “Phi khảo bất thành cung” ( Không tra tấn thì không có biên bản cung khai). Nếu tiếp tục như thế này thì tương lai còn có nhiều vụ công an viên Nguyễn Song Thao và bé thiểu năng trí tuệ Cẩm Giang nữa, chỉ khác ở tên riêng. 

Nền hành chính của nước Việt đã bị bật rễ kể từ khi nào? Có lẽ kể từ khi văn hóa cái đình yếu đi. Các thể chế chính trị, từ đầu thế kỷ XX đến thế kỷ XXI, một cách công khai hoặc lộ liễu đều ra sức đập bể, thu hẹp đình làng. Mục đích của họ là tước lấy quyền lực của các cụ già làng mà trao cho chú cán bộ trung ương cử xuống. Cái đình vừa là nơi trường học của trẻ con trong làng, những vụ xô xát thì giải quyết trong làng, các cụ bô lão đạo đức phán quyết và dàn hòa, việc nào quá khó mới đưa lên quan huyện. Nhờ sự che chở của làng, chẳng phải đưa nhau lên hình pháp ở huyện, văn hóa hành chính đình làng là nơi có tác dụng giáo dục con người rất lớn. Muốn người dân không rơi vào tội ác, không hại nhau vì những lỗi cỏn con, bắt buộc phải quay lại truyền thống, sớm khôi phục lại triết lý cái đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét