Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

10503 - Việt Nam sẽ bị kiểm soát bởi bao nhiêu đại gia?

Tôi không nghĩ là nên cấm tiệt người uống rượu bia lái xe, nhưng một người “trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật” mà chỉ có 44,21% đại biểu QH đòi cấm lái xe thì rất là khó hiểu. Cuối thập niên 1990s, một quy định tương tự đã bị QH bác. Khi đó, trong “Nhà Kính” của Hội trường Ba Đình vẫn có bán bia và nhiều đại biểu cho rằng, “Không lẽ trong giờ giải lao anh em làm vài li rồi không được lái xe về”. Các nghị sỹ QH lúc đó, thay vì nghĩ tới sự an toàn của quốc dân đã biểu quyết bằng sự cảm thông sâu sắc với “các đồng chí lái xe” trên tinh thần giai cấp.
Năm 2016, sau khi lấy ví dụ từ “hai đồng chí đại tá bảo vệ tiếp cận của mình”, PCT QH Tòng Thị Phóng nói, “Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm, riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết, chị không uống được thì các em phải uống thay”. Mặc dù “chị Phóng” đang nói cận vệ chứ không phải lái xe. Nhưng, ai đã từng nhậu với quan chức khi “thị trường mới mở ra” sẽ thấy chuyện thủ trưởng yêu cầu tài xế uống đỡ rượu cho là rất phổ biến.
Bây giờ quan chức không “tự sát” như vậy nữa, và cách nói của “chị Phóng” là cũng chỉ muốn “các em” biết chị “thấu cảm” với lính lác ra sao; chính sách hiện đang vận hành theo cách riêng của nó. Chúng ta từng thấy thấp thoáng các “nhóm lợi ích” đằng sau Luật Đặc khu và ở điều luật liên quan tới bia rượu này, đại biểu Dương Trung Quốc đã rất thẳng thắn: “Nhiều người bảo là tôi lobby, bảo vệ cho các doanh nghiệp rượu bia, tôi nghĩ rằng tại sao lại không lobby nếu việc lobby đó là chính đáng”.
Tôi đồng ý với đại biểu Dương Trung Quốc.
Năm 2005, khi ở Mỹ chúng tôi có bàn về “nhóm lợi ích”. TS Nguyễn An Nguyên, có lẽ là người đầu tiên, viết điều này trên một tờ báo chính thống của VN. Khi đó, tôi có tranh luận với mọi người rằng, nhóm lợi ích là sự hình thành tự nhiên không nên chống nó; trước một chính sách, các nhóm người trong xã hội không thể có cùng lợi ích. Chỉ riêng việc một quyết định rất chính đáng như Nghị quyết 138, đã làm mất thu nhập của biết bao gia đình người thiểu số trồng hoa anh túc.
Vấn đề là vì sao “nhóm lợi ích nấu rượu” thì khá dễ dàng “lobby” đại biểu Quốc hội mà nhóm dân mất đất trồng rau ở Lộc Hưng, gửi đơn rồi chỉ mỏi mòn trông ngóng. Trong chế độ ta không phải nhóm dân nào cũng có đặc quyền gặp được những nhà ban hành chính sách.
Từ 2015, trong nhóm thảo luận ấy, tôi đã đề nghị thay cụm từ “nhóm lợi ích” mà ta đang dùng với nghĩa tiêu cực, bằng cụm từ “nhóm đặc quyền, đặc lợi”. “Lobby để làm sáng tỏ mọi chuyện” như đại biểu Dương Trung Quốc nói là cần thiết; nhưng làm thế nào để tránh được thứ lobby bằng “những hành vi mờ ám” khi không có một môi trường chính trị minh bạch, khi xã hội dân sự không được tự do hình thành, hoạt động.
Tôi không biết ngành rượu bia có “lobby” hay không mà có tới hơn 50% đại biểu QH quay lưng với nguy cơ người lái xe uống rượu bia. Tôi cũng không cáo buộc gì, chỉ lấy làm lo lắng.
Cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc từng kể, đầu thập niên 1990s, Thủ tướng Nhật, Watanabe nghĩ là Việt Nam sẽ vượt Indonesia và Malaysia… Ông Watanabe không đánh giá cao Philippines vì theo ông, “Phi bị khống chế bởi 100 gia tộc”. Từ lâu, tôi không còn nghĩ tới ngày Việt Nam vượt qua Indonesia và Malaysia nữa. Và, giờ đây khi đọc con số hơn 50% đại biểu QH biểu quyết thế này, tôi lại chỉ tự hỏi, Việt Nam rồi sẽ “bị không chế bởi bao nhiêu gia tộc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét