Xe Fadil, dòng xe đầu tiên của Vinfast xuất xưởng, tại TP HCM hôm 17/6. (Ảnh Vinfast.vn)
Kể từ khi hãng ô tô 100% vốn Việt Nam VinFast bắt đầu bàn giao những chiếc Fadil đầu tiên cho khách hàng hôm 17/6, nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nhiều lần tường thuật trực tiếp trên mạng rằng loại xe này là “đồ đồng nát”, “kém chất lượng”. Ông Khoa nói Fadil tương đương với một dòng xe “không bán được ở châu Âu, đã bị thải loại ở Đức vào năm 2016”.
Ông Khoa, Tổng Biên tập báo điện tử Thoibao.de có giấy phép ở Đức, cho biết thêm dòng xe đó từng có giá bán hơn 5.100 Euro một chút, tương đương khoảng 133 triệu đồng, và chỉ đạt chuẩn khí thải Euro 4, không thể đáp ứng chuẩn Euro 6 hiện nay ở châu Âu.
Khi chuẩn bị sản xuất dòng xe 5 chỗ nhỏ, hồi tháng 11/2018, VinFast thuộc tập đoàn VinGroup tuyên bố với báo chí là Fadil được nhượng quyền từ hãng Mỹ General Motors (GM). Hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cung cấp thêm thông tin rằng Fadil “sử dụng nền tảng, công nghệ và tiêu chuẩn” của xe Opel Karl Rocks, loại xe cũng có chung nền tảng với Chevrolet Spark.
Qua các buổi live stream trên Facebook và YouTube gần đây, nhà báo Lê Trung Khoa đưa ra so sánh rằng mặc dù VinFast được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và đất đai, song giá bán hiện tại của Fadil ở Việt Nam lên đến xấp xỉ 400 triệu đồng, sát mức giá của các xe nước ngoài cùng phân hạng phải chịu nhiều loại thuế cao từ nhiều năm nay.
Trong một bài báo đăng hôm 24/6, báo Phụ Nữ ở trong nước cũng so sánh giá của Fadil và chỉ ra rằng mức 395 triệu đồng/chiếc là “ngang ngửa, thậm chí cao hơn” các xe cùng loại của những thương hiệu “lớn và nhiều kinh nghiệm, nhiều công nghệ hơn” như Suzuki Celerio, Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo, và Honda Brio.
Tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng xe của VinFast sản xuất trong nước mà giá ngang với xe ngoại “có lẽ là điều mà người mua xe sẽ rất phân vân khi quyết định”.
Một chuyên gia về ô tô, ông Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, có quan điểm tương tự. Ông nói với VOA:
“Tôi thấy nhiều người phản ứng với giá bán quá cao. Tôi cho rằng giá như thế là quá cao. Vượt quá rất là nhiều so với người ta kỳ vọng về cái xe được mang tiếng là sản xuất trong nước”.
Ngoại trừ vấn đề giá xe, về mặt công nghệ, chuyên gia Trần Khắc Huy cho rằng nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức đã “không đúng” khi gọi xe Fadil và dòng xe tiền thân của nó, Opel Karl Rocks và Chevrolet Spark, là “đồ thải loại”.
Theo ông Huy, Opel và Chevrolet có thể đã dừng sản xuất để tung ra các mẫu xe mới và điều đó “không liên quan gì đến vấn đề chất lượng”. Vẫn theo chuyên gia này, hiện nay chính phủ Việt Nam mới chỉ áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 về khí thải của ô tô, vì vậy, xe Fadil “cũng không có vấn đề gì” về mặt này.
Các buổi live stream của nhà báo Lê Trung Khoa đã thu hút lượng người xem tổng cộng lên đến hơn 100.000 và hàng nghìn lời bình luận. Trong đó, theo quan sát của VOA, đa số các ý kiến cho rằng ông Khoa “dũng cảm” cung cấp thông tin để nhiều người biết được “sự thật về chất lượng và giá cả” của Fadil.
Ngược lại, cũng có một lượng đáng kể các ý kiến cho rằng ông Khoa “phá hoại” nỗ lực sản xuất ô tô nội địa của VinFast thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Một số người thậm chí còn đưa ra những lời đe dọa “ám sát”, “giết chết” ông Khoa vì đưa ra những thông tin bất lợi về Fadil.
Theo tìm hiểu của VOA và qua ảnh chụp màn hình được nhà báo Lê Trung Khoa chia sẻ với VOA, những lời đe dọa mạnh mẽ nhất có nội dung rằng vì ông Khoa động đến “một thế lực tư nhân”, nên ông sẽ “rước họa vào thân”, cũng như sẽ bị hoặc đáng bị ông chủ của Vin Group “thuê mafia thủ tiêu”.
Ông Khoa cho VOA biết ông đang đối phó với các lời đe dọa này như thế nào:
“Tôi đã tổng hợp lại, dịch và đưa các thông tin đó cho cảnh sát điều tra Đức, LKA, để họ tiếp tục tìm hiểu xem những chủ tài khoản nhắn tin đe dọa tôi liên tục như thế là ai, có vị trí địa lý nào, địa chỉ IP nào để họ tiếp tục có biện pháp bảo vệ tiếp theo”.
Hôm 24/6, VOA liên lạc với cơ quan cảnh sát LKA để tìm hiểu xem họ nhận được những bằng chứng gì từ ông Khoa và có những biện pháp bảo vệ ông như thế nào. Tuy nhiên, sau 24 giờ, VOA chưa nhận được hồi đáp từ LKA.
Cùng ngày, VOA cũng cố gắng liên lạc với ông Nam Phong, đại diện truyền thông của VinFast, để hỏi về phản ứng của hãng đối với những thông tin do ông Lê Trung Khoa đưa ra. Ông Phong trả lời rằng vì “chưa có đủ thông tin” nên ông “chưa được phép phát ngôn”, đồng thời đề nghị VOA gửi câu hỏi đến qua email.
Ở thời điểm bài được đăng, VOA chưa nhận được câu trả lời từ VinFast sau hơn 24 giờ gửi email đến hãng.
Chuyên gia ô tô Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, cho rằng những thông tin trái chiều do ông Khoa và báo Phụ Nữ đưa ra có thể gây khó cho việc bán hàng của VinFast, không chỉ đối với xe Fadil mà cả hai mẫu xe sedan và SUV 2.0 lớn hơn, có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng trở lên.
Ông Huy nói với VOA:
“Cái tỉ lệ thành công của 3 mẫu xe đó theo tôi là không cao. Thứ nhất, thị trường trong nước thì người ta khá là biết các xe đấy là như thế nào, xuất xứ từ đâu, đã phải chỉnh sửa những gì. Trong nước người ta khá là e dè. Hơn nữa là giá trị khá là lớn so với thu nhập của người Việt Nam. Theo tôi, số lượng bán trong nước sẽ khá là thấp. Còn nếu để mang ra bán ở nước ngoài, theo tôi nghĩ thì mua lại xe của một hãng khác, dán mác của mình vào, chỉnh sửa một tí, rồi lại mang bán thì ra thị trường quốc tế khả năng cạnh tranh về giá là quá thấp”.
Hôm 14/6, tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, “vỏn vẹn” sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện.
VinFast có kế hoạch sản xuất 250.000 xe trong giai đoạn đầu hoạt động, với sản lượng dự kiến tăng lên 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Năm ngoái, hãng cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu vào giữa năm 2020. Hãng cũng nói họ đã nhận được 10.000 đơn đặt hàng trước ở thời điểm cách đây 1 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét