Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

12807 - Thiên Hạ của Tập Cận Bình

Wall Street Journal - Tác giả: Gordon Chang
Dịch giả: Jackhammer Nguyễn
Lời dịch giả: Tác giả Gordon Chang, một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa, vừa có bài viết trên báo Wall Street Journal, phân tích tham vọng của Trung Quốc hiện nay dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Tuy không đồng ý với một số luận điểm của tác giả, nhưng phân tích và suy luận của ông Chang đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết đoán ở Biển Đông.
Cũng xin nhắc lại, năm 2011, ông Chang từng tiên đoán rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ xáo trộn, dẫn tới sự sụp đổ vào năm 2015-2016, nhưng điều này đã không xảy ra.
Để có góc nhìn đa chiều, kính mời quý độc giả đọc bài viết sau đây của tác giả Gordon Chang:


Hoàng đế Tập Cận Bình. Nguồn: Spectator

***
Thoạt đầu, tôi cứ lấy làm lạ tại sao Tổng thống Trump cứ hay nói tới chủ quyền quốc gia! Bây giờ thì tôi hiểu, nói đúng hơn là Chủ tịch Tập Cận Bình làm cho tôi hiểu điều đó. Trump là “điều” đứng giữa chúng ta và một thế giới bị người Tàu thống trị.
Ông Trump nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc hồi năm 2017: Chúng tôi không mong muốn các nước khác nhau chia sẻ chung những nét văn hóa, truyền thống, hay là cùng một hệ thống nhà nước, nhưng chúng tôi nghĩ là tất cả các quốc gia đều có hai điều căn bản của chủ quyền quốc gia, đó là tôn trọng quyền lợi của chính nhân dân họ, và tôn trọng chủ quyền những nước khác.
Ông Trump lặp đi lặp lại đến 21 lần từ chủ quyền trong bài diễn văn đó. Tại sao thế? Chẳng phải nước Mỹ đã là một quốc gia có chủ quyền gần 200 năm nay rồi sao? Ý tưởng về chủ quyền quốc gia đã xuất hiện ba thế kỷ nay rồi, nay ông Trump nhắc lại, có vẻ không cần thiết.
Trong khi đó thì khoảng chục năm nay, Chủ tịch Tập cho thấy, [ông có] một ý tưởng vô cùng can đảm rằng Trung Hoa là quốc gia duy nhất có chủ quyền trên thế giới. Thành ra tôi đi đến chuyện tôi tin rằng việc ông Trump tuyên bố bảo vệ chủ quyền là việc cần thiết đế giữ vững hòa bình và ổn định trên thế giới.
Nhiều chuyên gia trên thế giới sẽ nói với bạn rằng, nước Tàu và nước Mỹ đang cạnh nhau làm kẻ thống trị trên thế giới. Trên khía cạnh nào đó thì điều này đúng. Nhưng cái ý đó lại hàm ý một cách sai lầm, rằng nước Mỹ đang khư khư giữ địa vị thống trị của mình trên thế giới. Mà ý đó là của người Tàu, họ cho rằng đế quốc Mỹ đang đi vào thời kỳ cuối của sự suy tàn, và họ buộc lỗi người Mỹ là tìm cách ngăn chận sự trỗi dậy chính đáng của người Tàu.
Thực tế là nước Mỹ tìm cách giữ một hệ thống quốc tế mà người Tàu muốn lật đổ để xiển dương cho một ý niệm về đế quốc Trung Hoa.
Đó chính là ý tưởng về hệ thống triều cống phiên bang của người Tàu. Trong hệ thống ấy thì chư hầu gần xa phải công nhận quyền thống trị của người Tàu, và các hoàng đế Tàu có một “thiên mệnh” cai trị toàn bộ cái được gọi là “thiên hạ”, dịch nôm na ra là tất cả mọi thứ dồn vào một cục dưới gầm trời này.
Người Tàu từ bỏ cái khái niệm thiên hạ trong cả thế kỷ 20, nhưng bây giờ họ lại muốn đề cao nó vào thế kỷ 21 này.
Ông Vương Phi Linh (Đại học Georgia Tech) nói với tôi rằng, Thiên Hạ là một truyền thống chính trị bên Tàu, nó là lý tưởng của người Tàu, và bây giờ cái lý tưởng đó được hồi phục tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ông Vương là tác giả quyển sách: “Trật tự Tàu: Tập quyền, Đế quốc, và bản chất của quyền lực Tàu”.
Ông nói tiếp rằng người Tàu họ mơ (làm chủ) thiên hạ lắm, trong đó có một hệ thống trên dưới đâu ra đó, theo kiểu của họ.
Chính ông Tập là người đưa ra chuyện Trung Hoa mộng, rồi nào là hồi sinh dân tộc Trung Hoa nữa. Đưa ra cái vụ hồi sinh ra đây tức là hồi phục lại cái đế chế Tàu chứ còn gì nữa.
Hồi năm 2008, khi khai mạc Olympic Bắc Kinh, ông Tập lúc đó là Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, người Tàu trương ra khẩu hiệu: Một thế giới, một giấc mơ. Đấy lại Thiên Hạ đấy.
Có ít nhất hai nhà nghiên cứu của đảng Cộng sản Tàu đã nghiên cứu áp dụng cái khái niệm Thiên Hạ, cho Trung Hoa mộng của họ.
Từ đó đến nay, ông Tập lại càng ít úp mở hơn, trong diễn văn mừng năm mới năm 2017, ông nói thế này: Trung Hoa luôn cho rằng thế giới là một và tất cả mọi người trong trời đất này là một gia đình.
Còn hơn thế nữa là để bảo đảm cho thông điệp cách mạng ấy lan tỏa, Bộ trưởng Ngoại giao của ông Tập bèn viết một bài mang tựa đề: Tư tưởng Tập Cận Bình tong chính sách ngoại giao. Bài này được đăng trong Tạp chí Học tập của Trung ương Đảng Cộng sản Tàu vào năm 2017.
Ông Vương viết như sau: Phát kiến của đồng chí Tập đã vượt qua những lý thuyết phương Tây về quan hệ quốc tế trong suốt 300 năm qua. Tư tưởng của đồng chí là nền cho ý thức hệ của đảng như tư tưởng Mao Trạch Đông vậy”.
Tôi chắc là ông Vương muốn đề cập đến hiệp ước Westphalia vào năm 1648. Theo hiệp ước đó thì chủ quyền của các quốc gia được công nhận. Nay ông Vương bảo tư tưởng của ông Tập vượt qua cái ấy, tức là chỉ có một chủ quyền được công nhận thôi, đó là chủ quyền Tàu, trong một thế giới thống nhất dưới quyền cai trị của người Tàu.
Theo ý kiến của ông Charles Horner, nhà nghiên cứu ở Học viện Hudson, thì trên thế giới này có nhiều nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa lắm, nhưng chỉ duy có ông Tập là đồng nhất cái dân tộc chủ nghĩa của ông ta với lại hình ảnh một đế quốc toàn cầu.
Với một suy nghĩ như thế, cho nên ông Tập cư xử với các lân bang của ông một cách vô luật vô lệ, coi họ là những chư hầu, chiếm đất chiếm đai, đối xử trịch thượng với các nhà lãnh đạo thế giới.
Ông Vương Phi Linh viết như thế này: Khái niệm Thiên Hạ, chắc chắn đã tạo nên cái nhìn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các nước láng giềng, rồi xa hơn là các nước khác nữa. Họ không có bình đẳng (với nước Tàu), bị Tàu ảnh hưởng, kiểm soát bằng cách này hay cách kia, khi thì là sức mạnh, khi thì là sự sợ hãi, khi thì là mưu mô xảo quyệt, khi thì là ân huệ ban phát,…
Nhiều người nghĩ rằng, nước Tàu là một quốc gia quan trọng, không mong muốn gì hơn là bảo vệ chế độ và lãnh thổ của mình. Với cái tham vọng Thiên Hạ của ông Tập, thì người ta sẽ cần tới cái bảo vệ chủ quyền của ông Trump, thậm chí là cái vụ “nước Mỹ trên hết” của ông ấy.
Các ý tưởng đó không phải là không cần thiết để khiêu khích, nó cần để bảo vệ một trật tự thế giới đã có trăm năm nay, chống lại một sự đe dọa đang hiện hữu để lật đổ nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét