Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

12828 - Người Phi ‘kiện Trung Quốc’: Bài học quỳ hay đứng cho chóp bu Việt Nam


Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.




Tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp - một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.

Vào năm 2014 khi nổ ra vụ Hải Dương 981, nhân vật được dư luận xem là ‘quốc trưởng’ của chế độ độc đảng Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã thực hiện một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới ManilaPhilippines. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.

Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” - có thể hiểu như một liên minh quân sự nhằm đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.

Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.

Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã không chịu hé miệng thêm. Dù một chút.

Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.

Cũng cho tới nay, đã không có bất cứ động tác kiên quyết nào của phía Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về “Đường lưỡi bò”.

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tình trạng cay đắng của nhà nước Việt Nam từ nhiều năm qua là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một  đối tác chiến lược, kể cả “đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc” và “người bạn Nga truyền thống”, nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh trong vụ HD 981 và vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và 2019.

Song hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” Trung Quốc mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.

Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8/2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó cho đến tận bây giờ, Bắc Kinh không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.

Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ“bắt Trung Quốc” trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà NộiPhilippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.

Khác hẳn thế dám đứng dậy của Philippines, sau vụ giàn khoan HD 981 và cho đến nay, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.

Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” mà không thoát nổi cơn nghẹn họng.

Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét