Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

12849 - Ngày 29/07/1914: Hoàng đế Đức và Sa hoàng trao đổi điện tín





Vào đầu giờ chiều ngày này năm 1914, Sa hoàng Nicholas II của Nga và người anh em họ của ông, Hoàng đế Wilhelm II của Đức, bắt đầu một cuộc trao đổi điện tín liên tục liên quan đến cuộc chiến vừa mới nổ ra ở vùng Balkan và khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn châu Âu.
Một ngày trước đó, Áo-Hung đã tuyên chiến với Serbia, một tháng sau vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand và vợ ông tại Sarajevo bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia. Trước khi xảy ra vụ ám sát, Đức đã hứa với Áo-Hung sẽ hỗ trợ vô điều kiện trong bất kỳ hành động trừng phạt nào đối với Serbia, bất kể việc đồng minh hùng mạnh của Serbia, tức Nga, có bước vào cuộc xung đột này hay không.
Vào thời điểm tối hậu thư của Áo – Hung dành cho Serbia bị từ chối vào ngày 25 tháng 07, Nga, bất chấp những kỳ vọng của Áo-Đức, đã ra lệnh động viên quân đội, tin rằng Berlin đang sử dụng cuộc khủng hoảng do vụ ám sát như một cái cớ để phát động một cuộc chiến tranh nhằm củng cố quyền lực ở Balkan.
Mối quan hệ giữa Nicholas và Wilhelm, hai người cháu của Nữ hoàng Anh Victoria, từ lâu đã trở nên khó khăn. Mặc dù Wilhelm tự coi mình là đứa cháu được yêu thích nhất của Victoria, vị nữ hoàng vĩ đại đã cảnh báo Nicholas hãy cẩn thận với “những hành động tinh quái và không ngay thẳng” của Wilhelm. Victoria đã không cho mời vị hoàng đế Đức, người mà bà mô tả với thủ tướng của mình là “một gã thanh niên nóng nảy, tự phụ và ương ngạnh”, tới Đại lễ Kim cương (Diamond Jubilee) của bà năm 1897, cũng như sinh nhật lần thứ 80 của bà hai năm sau đó. Bản thân Sa hoàng Nicholas đã bình luận vào năm 1902 sau cuộc gặp với Wilhelm rằng: “Hắn là một gã điên cuồng!” Tuy nhiên, vào thời điểm này năm 1914, hai người anh em họ đang đứng ở trung tâm của cuộc khủng hoảng sẽ sớm leo thang thành Thế chiến I.
“Vào thời điểm nghiêm trọng này, tôi kêu gọi ngài giúp tôi,” Sa hoàng Nicholas đã viết cho hoàng đế Đức trong một bức điện gửi vào lúc một giờ sáng ngày 29 tháng 07. “Một cuộc chiến đáng xấu hổ đã được tiến hành với một quốc gia yếu ớt. Sự phẫn nộ ở Nga mà tôi hoàn toàn chia sẻ hiện đang rất lớn. Tôi dự đoán rằng tôi sẽ sớm bị áp đảo bởi áp lực đè nặng và buộc tôi phải thực hiện các biện pháp cực đoan dẫn đến chiến tranh.” Thông điệp này được gửi đi cùng lúc với một bức thư khác của Wilhelm gửi Nicholas để bày tỏ mối lo ngại về ảnh hưởng tại Nga của lời tuyên chiến của Áo và yêu cầu ông phản ứng một cách bình tĩnh và thận trọng.
Sau khi nhận được bức điện của Sa hoàng, Wilhelm đã gửi thư trả lời: “Tôi… chia sẻ mong muốn của ngài rằng hòa bình nên được duy trì. Nhưng… tôi không thể coi hành động của Áo chống lại Serbia là một cuộc chiến ‘đáng xấu hổ’. Áo biết bằng kinh nghiệm rằng những lời hứa của người Serbia trên giấy là hoàn toàn không đáng tin cậy. Tôi hiểu hành động của họ là nhằm đảm bảo đầy đủ rằng những lời hứa của Serbia sẽ trở thành sự thật. Vì vậy, tôi cho rằng Nga hoàn toàn có thể là khán giả của cuộc xung đột Áo-Serbia mà không khiến châu Âu phải liên lụy vào một cuộc chiến tranh kinh khủng nhất mà châu lục này từng chứng kiến.” Mặc dù Wilhelm đảm bảo với Nga hoàng rằng chính phủ Đức đang nỗ lực để dàn xếp một thỏa thuận giữa Nga và Áo-Hung, ông cảnh báo rằng nếu Nga thực hiện các biện pháp quân sự chống lại Áo, hậu quả sẽ là chiến tranh.
Việc trao đổi điện tín tiếp tục trong vài ngày tiếp theo, khi hai người nói về mong muốn gìn giữ hòa bình, ngay cả khi đất nước của họ tiếp tục động viên cho chiến tranh. Vào ngày 30 tháng 07, hoàng đế Đức đã viết cho Nicholas: “Tôi đã đi đến giới hạn cuối cùng trong nỗ lực để cứu vãn hòa bình… Ngay cả bây giờ, ngài vẫn có thể cứu vãn hòa bình châu Âu bằng cách chấm dứt các biện pháp quân sự của ngài.” Ngày hôm sau, Nicholas trả lời: “Nói một cách nghiêm túc, chúng tôi không thể dừng việc chuẩn bị quân sự của mình, đây là điều bắt buộc do sự động viên quân sự từ phía Áo. Chúng tôi không hề mong muốn chiến tranh. Chừng nào các cuộc đàm phán với Áo về Serbia vẫn còn đang diễn ra, quân đội của tôi sẽ không có bất kỳ hành động khiêu khích nào. Tôi trao cho ngài lời hứa long trọng của tôi về điều này.” Nhưng lúc đó mọi thứ đã đi quá xa: Hoàng đế Franz Josef đã từ chối lời đề nghị hòa giải của hoàng đế Đức, nói rằng đã quá muộn vì Nga đã huy động quân đội và các đội quân của Áo đã hành quân đến Serbia.
Đại sứ Đức tại Nga đã đưa ra tối hậu thư vào đêm hôm đó – đòi Nga dừng việc huy động quân đội trong vòng 12 giờ, hoặc Đức sẽ bắt đầu huy động quân đội của mình, một hành động chắc chắn sẽ dẫn tới chiến tranh. Đến bốn giờ chiều ngày 01 tháng 08, tại Berlin, không có câu trả lời nào đến từ Nga. Trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Đức, gồm Thủ tướng Đức Theobald Bethmann von Hollweg và Tướng Erich von Falkenhayn, Hoàng đế Đức Wilhelm đã đồng ý ký lệnh động viên quân đội.
Cùng ngày hôm đó, Sa hoàng Nicholas đã thúc giục hoàng đế Đức phải đảm bảo rằng việc động viên quân đội của ông không chắc chắn đồng nghĩa với chiến tranh. Wilhelm đã bác bỏ điều này. “Ngày hôm qua tôi đã chỉ cho chính phủ của ngài cách duy nhất để tránh chiến tranh… Tôi có nghĩa vụ phải huy động quân đội của mình. Câu trả lời đồng ý ngay lập tức và không thể nhầm lẫn từ chính phủ của ngài là cách duy nhất để tránh được sự khốn khổ vô tận này. Cho đến khi tôi nhận được câu trả lời đó, tôi không thể thảo luận về chủ đề trong bức điện của ngài. Thực tế tôi phải yêu cầu ngài ngay lập tức ra lệnh cho quân đội của ngài cam kết một cách vô điều kiện không thực hiện bất kỳ hành động xâm phạm nào đối với biên giới của chúng tôi.” Cuối cùng, Đức đã tuyên chiến với Nga vào cùng ngày hôm đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét