Công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước (Long An) (Ảnh chụp màn hình)
Tuần này có hai chuyện được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bàn luận rôm rả: Hiện trạng liên quan tới chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và ngành giáo dục tỉnh Long An tiếp thị áo lót cho nữ sinh trong tỉnh. Có vài lý do để xem thiên hạ luận gì về chuyện ngành giáo dục tiếp thị áo lót trước khi bàn tới biển Đông…
Không chỉ người sử dụng mạng xã hội mà nhiều cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước chưng hửng rồi sôi sùng sục khi xem qua một công văn do Phòng Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) huyện Cần Đước, tỉnh Long An, phát hành.
Trong công văn ấy, Phòng GDĐT Cần Đước bảo rằng, vì Sở GDĐT Long An có “kế hoạch phối hợp – hỗ trợ Công ty Dệt may Nguyên Dung” bán “áo lót kháng khuẩn” nên Phòng GDĐT yêu cầu các trường giới thiệu sản phẩm này cho phụ huynh và nữ sinh…
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận định đây là chuyện lạ lùng vì trường học vốn là nơi dạy chữ, dạy làm người, lẽ ra phải trong lành, tại sao lại biến thành chốn kinh doanh, buôn bán xô bồ (1)?
Nhiều độc giả của tờ báo vừa kể như Lê Hoàng Hiện, Nguyễn Tú, Trần Đăng Ân trả lời: Vì… hoa hồng, vì tiền. Nhiều độc giả khác như Thanh Quảng thì than: Chỉ vì “miếng ăn” mà các viên chức hữu trách trong ngành giáo dục vấy bẩn môi trường giáo dục.
Phản ứng của công chúng trên mạng xã hội gay gắt hơn nhiều. Chẳng hạn ở diễn đàn có tên Nhật ký yêu nước. Nhiều thành viên của diễn đàn này đùa, có lẽ sắp tới, ngành giáo dục sẽ giúp tiếp thị quần lót, băng vệ sinh, bao cao su cho… học sinh cấp hai (2)!
Không dè kiểu nói đùa dường như quá trớn ấy lại gần… đúng! Một thành viên tên là Trần Tuyển tiết lộ, ngôi trường nơi ông làm việc đã từng tổ chức tiếp thị băng vệ sinh cho nữ giáo viên sau cuộc họp giáo viên toàn trường!
Nguyen Tran một thành viên khác của diễn đàn Nhật ký yêu nước bảo rằng, đó không phải là suy nghĩ nông cạn. Tiếp thị áo lót cho nữ sinh cấp hai trong toàn tỉnh là hám tiền, để tiền che lấp nhân cách.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống giáo dục tại Việt Nam bị sử dụng để tiếp thị - khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và cũng chẳng phải chỉ học sinh mới bị thúc ép mua nón, mua giày, mua đồng phục, mua sữa,… và mua cả… tăm, giáo viên cũng là nạn nhân – bị buộc mua đồng phục của nhà cung cấp được chỉ định. Thậm chí Ban Giám hiệu cũng không thoát khi bị cơ quan giáo dục cấp trên “khuyên” hãy ký hợp đồng với một doanh nghiệp chuyên chế biến thực phẩm – cung cấp các suất ăn như mới xảy ra tại Hải Dương... Đó là lý do Đức Lân bảo rằng, Bộ GDĐT nên bổ sung thêm nhiệm vụ cho hệ thống trường học, ngoài “dạy tốt, học tốt”, còn phải “buôn bán tốt”!
Giữa trận bão dư luận, một số thành viên của diễn đàn Nhật ký yêu nước như Tĩnh Tâm, Trinh Tien,… nhắc nhở: Giáo viên không có lỗi, đừng rủa giáo viên. Giáo viên không được hưởng gì. Lỗi là ở thượng cấp ép họ.
Nguyễn Thanh Yên hoang mang, vì lẽ gì mà chỉ cần hứa hẹn cho tiền là lãnh đạo ngành giáo cho phép đủ nơi vào trường học bán bất kỳ thứ gì. Vì sao tình trạng này xuất hiện đã lâu và càng ngày càng trầm trọng, giờ tiếp thị cả áo lót?
***
Tuy ông Nguyễn Thanh Tiệp - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Long An đã khẳng định với báo giới rằng, cơ quan của ông đã thu hồi công văn yêu cầu các Phòng GDĐT, khiến các Phòng GDĐT như Phòng GDĐT huyện Cần Đước yêu cầu Ban Giám hiệu các trường cấp hai trong toàn tỉnh giới thiệu áo lót cho nữ sinh, đồng thời thừa nhận đây là “thiếu sót do chủ quan trong ban hành văn bản”, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và hứa sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý”… nhưng dư luận vẫn chưa lắng xuống.
Sau khi facebooker Loc Pham bày tỏ sự ngán ngẩm về “thầy bà ngày nay”. La Trinh Tường – một thân hữu của ông Loc – nói thêm: Phật chạy, Chúa cũng chịu thua! Hết thuốc chửa rồi! Tương tự, Lưu Trường Thủy lắc đầu: Hết sức nhảm nhí. Đúng là một gánh chèo ở cái xã hội đầy nhớp nhúa (3)...
Do đâu ngành giáo dục liên tục phạm đủ loại “thiếu sót do chủ quan” khi vận hành như Giám đốc Sở GDĐT Long An vừa thú nhận và càng ngày càng đổ đốn? Do thể chế! Một thể từ thập kỷ này sang thập kỷ khác chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý” chứ không thay đổi phương thức quản trị - điều hành, cung cách tuyển chọn - sử dụng nhân sự đảm nhận vai trò quản lý thì xã hội không nhớp nhúa mới là… lạ. Sự kiện hệ thống giáo dục được sử dụng để tiếp thị, phối hợp – hỗ trợ tiêu thụ áo lót trong nữ sinh cấp hai không đơn thuần là vết nhơ của ngành giáo dục.
Khi một ngành như ngành giáo dục đã cũng như đang vận hành theo kiểu như thế thì tiếp thị áo lót cho nữ sinh giống như hỗ trợ để lột trần bản chất thể chế hiện hành. Cứ đối chiếu cho kỹ và ngẫm nghĩ thêm sẽ thấy, với thể chế như hiện nay thì biển Đông ra sao!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét