Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

12872 - Tập đoàn quân 74 diễn tập chống bạo loạn, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Hồng Kông?


Người dân Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ trên quy mô lớn đã kéo dài liên tiếp 6 tuần. Chủ Nhật tuần trước (21/7), cảnh sát đã sử dụng lựu đạn hơi cay và súng đạn cao su để giải tán biểu tình. Sau đó, lại có một nhóm xã hội đen mặc áo trắng tấn công người biểu tình. Trong thời điểm nhạy cảm này, Tập đoàn quân 74 thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Trung Quốc lại tiến hành diễn tập chống khủng bố tại Trạm Giang tỉnh Quảng Đông, sự kiện này được coi là có liên quan đến tình hình Hồng Kông. 

Tập đoàn quân 74, Hồng Kông, phản đối dự luật dẫn độ, quân đội
Sự kiện Tập đoàn quân 74 thuộc quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập chống bạo loạn, được cho là có liên quan đến tình hình Hồng Kông hiện nay. (Ảnh từ Weibo)

Hôm thứ Hai (22/7), Tập đoàn quân 74 thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Trung Quốc đăng thông tin trên Weibo chính thức của tập đoàn quân này, cho biết, một lữ đoàn thuộc Tập đoàn quân 74 tiến hành diễn tập xử lý tình huống bạo loạn khủng bố đột phát tại một bãi huấn luyện ven biển ở Trạm Giang tỉnh Quảng Đông. Trang Weibo này còn nói, cuộc diễn tập mô phỏng lần này là để duy trì an ninh trại huấn luyện dã chiến một cách hiệu quả, và còn đặc biệt đề cập đến việc “đảm bảo rằng các biện pháp có thể được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp”. 
Sau khi đăng tải không lâu, dòng Weibo này đã bị xoá, tuy nhiên thông tin này cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông bên ngoài Trung Quốc. Tờ Now News tại Hồng Kông dẫn phân tích của nhà bình luận quân sự, Thượng tá giải ngũ Nhạc Cương nói rằng, lần diễn tập này cho thấy, nếu tình hình Hồng Kông tiếp tục leo thang, trong tình huống cần thiết, chính quyền Trung Quốc có thể sẽ điều động Giải phóng quân đến Hồng Kông để hoàn thành cái gọi là nhiệm vụ “duy trì trị an”. 
Cùng với đó, hôm thứ Hai, nhiều cư dân mạng cũng chia sẻ trên Twitter rằng, có nhiều xe chuyên dụng của quân đội di chuyển về hướng Hồng Kông, dự đoán họ được điều động đến Hồng Kông để “chấp hành nhiệm vụ”.
Trong cuộc họp báo công bố sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết, “Chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Hông Kông, đặc biệt là việc người biểu tình cực đoan tấn công bạo lực vào văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương hôm 21/7″.
Khi được hỏi liệu Giải phóng quân có thể tham gia việc duy trì trật tự ở Hồng Kông hay không, ông Ngô Khiêm nói “điều 14 của luật đồn trú đã quy định rõ ràng”, tuy nhiên lại không cung cấp thêm chi tiết.
Theo điều 14, chính phủ Hồng Kông có thể yêu cầu chính phủ trung ương hỗ trợ bằng lực lượng đồn trú ở Hồng Kông để duy trì trật tự công cộng hoặc cứu trợ thảm họa. Khi yêu cầu của chính phủ Hồng Kông được chấp thuận, lực lượng đồn trú tại đặc khu sẽ điều binh sĩ đến thực hiện nhiệm vụ, sau đó lập tức trở về nơi đóng quân.
Đối với các thông tin nói trên, giới quan sát lo lắng Bắc Kinh đang có kế hoạch sử dụng biện pháp vũ lực đối với Hồng Kông, hoặc trực tiếp tái diễn sự kiện Lục Tứ
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, có nhà quan sát chỉ ra, Hồng Kông hiện nay đang đối mặt với nguy hiểm chưa từng có, cục diện tương tự như phong trào dân chủ cách đây 30 tại Bắc Kinh, không cẩn thận, bi kịch Lục Tứ sẽ tái diễn tại Hồng Kông.
Chủ Nhật tuần trước, có khoảng 430.000 người biểu tình tiếp tục diễu hành phản đối dự luật dẫn độ giao người cho Trung Quốc, sau khi cuộc diễu hành kết thúc, nhiều người đã bị nhóm hơn 100 “côn đồ áo trắng” đuổi đánh tại nhà ga Yuen Long, vụ việc khiến ít nhất khoảng 45 người bị thương. Thời báo Tự do đưa tin, khi đó, nhiều người dân đã gọi điện báo cảnh sát, nhưng cảnh sát lại rất lâu mới xuất hiện; ngoài ra nhiều người tận mắt nhìn thấy cảnh sát ở gần hiện trường xảy ra ẩu đả, nhưng họ lại quay đầu rời đi. Do đó, dư luận nghi ngờ sự kiện xã hội đen tấn công người biểu tình lần này là “hợp tác giữa cảnh sát và xã hội đen”, cảnh sát mặc kệ cho xã hội đen đánh người. 
Luật sư nhân quyền Trương Ngọc Thần tại tỉnh Hà Bắc Trung Quốc phân tích với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng, Bắc Kinh đang dịch chuyển mô hình “duy trì ổn định” thường thấy ở Đại lục đến Hồng Kông. Ông Trương Ngọc Thần cho biết, cảnh sát Trung Quốc Đại lục thường lợi dụng xã hội đen để đàn áp những người đòi quyền lợi, thậm chí là giả mạo người đòi quyền lợi để tạo hỗn loạn và bạo lực, từ đó cảnh sát sẽ có cớ để đàn áp. 
Một mặt khác, sau khi cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng qua đời hôm 22/7, Tân Hoa Xã cũng nhanh chóng công bố thông tin, trên Weibo cũng có rất nhiều thông tin về sự kiện ông Lý Bằng qua đời. Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) dùng từ “hiếm thấy” và “lớn tiếng” để hình dùng thái độ của truyền thông nhà nước đối với sự kiện ông Lý Bằng qua đời. 
Bản tin của RFI dẫn phân tích chỉ ra, ĐCSTQ dùng hình thức cáo phó ông Lý Bằng qua đời để đưa ra định luận mới về Lục Tứ, đây là đang chỉ mũi giáo hướng về Hồng Kông. Tình hình Hồng Kông đang rối loạn, truyền thông nhà nước Trung Quốc mượn thông tin ông Lý Bằng qua đời nhằm đưa ra tín hiệu đe doạ, tức ĐCSTQ có thể sẽ lựa chọn biện pháp quyết đoán đối với Hồng Kông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét