Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 68/2019/CV-VASEP tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị VCCI có ý kiến chính thức với Quốc hội và Hội đồng Tiền lương Quốc gia xem xét chấp thuận đề xuất của VASEP không tăng lương tối thiểu trong năm 2020 và giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2-3 năm/lần.
Lý do, cứ mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Rộng đường dư luận, xin được lượt ghi các luận điểm của VASEP về vấn đề được coi là nhạy cảm này; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã chấp nhận quyền tự do công đoàn của người lao động.
Buôn bán ế ẩm, quỹ lương làm sao tăng?
Theo luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 áp dụng từ tháng 1-2016, bắt đầu từ năm 2016 doanh nghiệp phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động theo lương tối thiểu và các khoản phụ cấp khác. Đến năm 2018 thì phải đóng các khoản bảo hiểm trên tổng thu nhập.
Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp có số lao động hàng ngàn người và cả cơ quan BHXH khi kê khai mẫu D02-TS, vì mức thu nhập của người lao động hưởng theo sản phẩm nên hàng tháng đều biến động.
Như vậy, việc tăng lương tối thiểu là tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi không làm tăng, thậm chí nhiều khi còn làm giảm thu nhập của người lao động. Đặc biệt là gần đây do giá bán sản phẩm không thể tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn, đang suy giảm, nhất là từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung bắt đầu nên tổng quỹ lương của nhiều doanh nghiệp không thể tăng.
Theo VASEP, mức lương tối thiểu hiện nay đang tăng quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí và nguy cơ lao động Việt Nam mất việc ngày càng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe phân tích: “Ngành thủy sản đang phát triển chậm lại, doanh nghiệp đang phải gánh chịu các chi phí quá lớn do điện tăng giá từ tháng 3/2019, giá xăng dầu luôn đứng ở mức cao; chi phí tiền công – BHXH - phí công đoàn cho người lao động và chi phí năng lượng luôn giữ vị trí thứ hai và thứ ba trong các chi phí của doanh nghiệp thủy sản.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 3,19 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản thì sản phẩm chủ lực lớn nhất là tôm chỉ đạt 1,147 tỷ USD, giảm 3,7%, sản phẩm chủ lực thứ hai là cá tra đạt 790 triệu USD, cũng giảm 5,9%.
Các doanh nghiệp thủy sản thường có số lượng công nhân lớn, cho nên khi tăng lương tối thiểu dù chỉ một tỷ lệ nhỏ, thì chi phí của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể”.
Bảo hiểm xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ‘hốt bạc’ khi tăng lương tối thiểu
Từ năm 2018, luật pháp Việt Nam quy định người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên bắt buộc phải đóng BHXH. Trong khi đó, ngành thủy sản thường có số lượng lao động thời vụ khá lớn, dưới 3 tháng đến 40%-50%.
Như vậy, với việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng làm việc ở lao động thời vụ, đã làm tăng thêm 40-50% số lượng tham gia BHXH bắt buộc và quỹ lương đóng BHXH của các doanh nghiệp thủy sản cũng phải tăng tương ứng. Trong khi đó, người lao động thời vụ khi kết thúc công việc, nếu không có công việc làm khác tiếp nối, xem ra họ không được hưởng bất kỳ phúc lợi liên quan nào từ khoản tiền mà chủ doanh nghiệp đã đóng BHXH cho họ.
Bà Nguyễn Nha Trang, kế toán một doanh nghiệp thủy sản làm phép tính: Mở rộng thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, trừ các khoản hỗ trợ, thưởng sáng kiến, ăn giữa ca/ kíp làm việc (đây là đặc thù của ngành chế biến thủy sản)... thì báo cáo tiền lương thực tế cho thấy doanh nghiệp thủy sản đang trả cao hơn mức lương tối thiểu từ 30-50%. Do vậy từ năm 2018 trở đi, đóng BHXH theo thu nhập thực tế làm mức lương đóng BHXH ít nhất tăng 30%.
Ngoài ra kết hợp tăng mức (30%) + Số lao động thời vụ (+40% nói trên) sẽ tăng thêm (40% x 30% = +0.12%). Như vậy ngoài mức lương đóng BHXH tăng liên tục, thì tỷ lệ đóng BHXH tăng cùng với mở rộng đối tượng làm quỹ lương đóng BHXH của doanh nghiệp đã tăng ít nhất là (40% + 30% +12%) = 82%.
“Theo đó, cùng việc tăng đồng loạt nhiều mức đóng, thì nhiều sợi dây thòng lọng siết cổ doanh nghiệp càng cao, tạo nguy cơ đi xuống vì thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giảm cạnh tranh, thậm chí có thể là phá sản…”. Bà Nguyễn Nha Trang nhận định, và dẫn số liệu của Công ty kiểm toán KPMG để cho thấy mức đóng riêng cho khoản BHXH của chủ doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam cũng đang rất cao so với các nước trong khu vực.
“Tỷ lệ đóng BHXH mức cao nhất là Lào chưa đến 10%. Doanh nghiệp Việt Nam đóng tới 26%, trong khi GDP của Việt Nam cũng chỉ tương đương với Lào, Campuchia và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Brunei”. Bà Nguyễn Nha Trang nhận xét.
Những con số so sánh
Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố ngày 26-4-2019 tại Hà Nội, thì khoảng cách các chỉ số về năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giữa Việt Nam với các nước có thu nhập trung bình và các nước phát triển vẫn còn rất lớn, nhất là trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác; đặc biệt là năng suất lao động thì Việt Nam tụt lại sau.
Năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hiện tại mới chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines,1/2 của Ấn Độ và Thái Lan, và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào bốn năm về trước, tức năm 2015.
Chỉ số CPI [Chỉ số giá tiêu dùng - Consumer Price Index] là tiêu chí quan trọng để làm căn cứ tăng lương tối thiểu. Tiêu chí này trong các đợt xét tăng lương tối thiểu trước đây thường được dự kiến cao hơn trong thực tế, cụ thể là năm 2014 dự kiến tăng CPI là 7% thì thực tế chỉ là 4%, năm 2015 dự kiến là 5% thì thực tế chỉ là 0,63%, năm 2016 dự kiến tăng CPI là 5% thì thực tế chỉ là 4,74%. Như vậy, chỉ trong 3 năm mức dự kiến làm căn cứ tăng lương tối thiểu đã chênh lệch 7,63 % so với thực tế.
Việc chỉ số CPI lấy làm cơ sở để tăng lương tối thiểu trong ba năm 2014 – 2016 đã vượt gần 8%, nên theo VASEP, hiện tại đã đến thời điểm ngừng tăng lương tối thiểu để bù lại cho doanh nghiệp giúp ổn định và phát triển sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp hiện nay, đặc biệt nhóm hàng lương thực thực phẩm là những mặt hàng tác động trực tiếp tới đời sống người lao động lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ của các năm trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét