Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

12833 - Chuyến đi chưa hẹn ngày về

Nguyễn Hoàng Quân

Một bài viết của ca sỹ Hoàng Quân, hiện là thành viên của Trung tâm Asia và cũng là một tình nguyện viên nhiệt huyết trong các buổi sinh hoạt của tổ chức VOICE
Nguyễn Hoàng Quân hiện sống ở Houston, Texas. Anh sang Mỹ định cư năm 2012 khi đang học năm thứ ba trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Gần đây khi trả lời Nhật báo NGƯỜI VIỆT ở California - Hoa Kỳ. Hoàng Quân cho biết: “Đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp, nhưng lý tưởng chính của Quân khi đi hát lại là “muốn thúc đẩy cho phòng trào dân chủ và nhân quyền trong nước.”
Cũng chỉ vì những điều này mà anh vừa về Việt Nam và lập tức bị cơ quan An Ninh Bộ Công An (A67) thẩm vấn trong 5 tiếng đồng hồ và sau đó họ đã trục xuất không cho anh nhập cảnh vào quê hương mình.
Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh.
VOICE Australia
CHUYẾN ĐI CHƯA HẸN NGÀY VỀ
Tôi vừa trở về Mỹ sau một chuyến đi dài khá mệt mỏi, mang nỗi buồn của thân phận lưu vong, chẳng hẹn ngày về nơi quê cha đất tổ. Cái cảm giác bị những người đồng bào cùng màu da tiếng nói chối bỏ trên chính quê hương mình, thật xót xa dường nào. Tôi được khuyên nên viết lại về chuyến đi này để giải tỏa tâm lý cho mình, và hơn nữa là để chia sẻ kinh nghiệm với anh em có tinh thần tranh đấu tại hải ngoại khi có việc cần phải về Việt nam và không may phải làm việc với an ninh cộng sản.
Sau hai ngày ở Phi Luật Tân gặp gỡ một số anh em, thăm trại tỵ nạn Bataan thăm những mộ phần vô danh chỉ ghi ba chữ VBP (Vietnamese Boat People) trong tiếng kinh cầu hồn, tôi xót thương cho thân phận người Việt lưu vong, sống tỵ nạn chết cũng tỵ nạn, tôi có cảm giác người Việt sau biến cố 30/04/1975 họ như những đứa con ghẻ của lịch sử, bị phân biệt đối xử, bị ruồng rẫy và bị lãng quên.
Quê hương ai đi xa cũng nhớ, dù biết có thể có rắc rối nhưng tôi vẫn quyết định về thăm Việt nam, viếng mồ mả ông bà, thăm anh em bạn hữu, và thăm các chú bác thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại tại Việt nam là những người đã hy sinh tuổi thanh xuân và một phần thân thể để tự vệ và bảo vệ tự do, đang có cuộc sống cơ cực, bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi và bị sống trong mặc cảm của những người thua cuộc trên chính quê hương mình. Ngày 9 /7/ 2019 tôi về tới phi trường Tân Sơn Nhất lúc 8: 30am. Quả như linh tính, tôi bị hải quan phi trường giữ lại, sau một tiếng rưỡi đồng hồ chờ đợi, tôi được viên an ninh phi trường tên Phúc mời vào phòng làm việc. 
Tôi lần lượt lần việc với ba viên an ninh mặc thường phục còn tương đối trẻ, họ không đeo bảng tên, cả ba trước khi làm việc với tôi cũng không hề giới thiệu, khi tôi hỏi tên thì mới giới thiệu là Thành, Hải và Tuấn. Tôi hỏi họ làm việc cho cơ quan nào? Họ trả lời làm việc cho Cục chống phản động và khủng bố (hay thường gọi là A67) sau khi bị trục xuất tôi mới biết A67 là lực lượng có quyền lực nhất của Bộ công an, từ an ninh tỉnh, thành phố đều dưới quyền của họ, kể ra tôi có “duyên“ vì một số anh em đấu tranh trong nước cũng chưa từng làm việc với A67. Tôi hỏi anh Thành tại sao các anh không mặc đồng phục? anh Thành hù tôi. “Buổi làm việc hôm nay chỉ là trò chuyện, nếu mặc đồng phục tôi sẽ làm việc với anh ở một tâm thế khác“. Tôi nói đáng lý ra tôi không làm việc với các anh vì các anh không mặc đồng phục và không đeo bảng tên thì làm sao tôi biết các anh là ai mà làm việc. Anh Thành nói tôi yên tâm vì nếu không có trách nhiệm gì ở đây thì làm sao họ vào đây được. 
Tuy họ là cán bộ an ninh cấp cao và cá nhân tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm làm việc với an ninh, nhưng tôi đánh giá rất thấp cung cách làm việc, nhận thức và khả năng phản biện của họ. Tuy nhiên, tôi không dám khinh thường họ về thủ đoạn và sự bẩn thỉu, nhất là khi tôi đang trong tầm tay của họ và tôi biết rằng một khi họ theo dõi ai thì họ sẽ thu thập thông tin về người đó càng nhiều càng tốt, lợi dụng điểm yếu để vu khống nhằm triệt hạ danh dự và uy tín của người đó để không còn tiếng nói tranh đấu nữa.
Tôi lần lượt làm việc với anh Thành, Hải và Tuấn, cả ba bề ngoài nhìn chung cư xử chừng mực và tử tế với tôi, có lẽ vì tôi là công dân Mỹ, tôi biết an ninh cộng sản thuộc loại “mềm nắn rắn buông“ chứ cũng chẳng tử tế gì, hoặc vì tôi cũng không thuộc loại “phản động thứ dữ“ nên họ cũng chẳng muốn phiền khi phải đụng tới Lãnh sự quán Mỹ. Anh Thành và anh Tuấn thuộc loại làm cho xong việc, anh Thành nói chuyện với tôi thì liên tục ngáp ruồi, chỉ hỏi chứ không thèm phản biện, anh Tuấn thì hỏi những câu vớ vẩn đại loại như: ”Ở Việt nam anh Quân có nhiều bạn bè không?“. 
Riêng anh Hải là “người Bắc và rất có lý luận”, anh cuồng đảng vô đối, anh chống chế đủ kiểu, cốt làm sao để bảo vệ thế độc tôn của đảng, trong câu chuyện của anh với tôi, anh chẳng hề nhắc tới hai chữ nhân dân, đó sẽ là bi kịch của cuộc đời anh và đồng đảng của anh khi chỉ biết “ còn đảng còn mình “. Đến hôm nay tôi vẫn còn mệt mỏi với những lý luận dối trá kiểu tuyên giáo cộng sản của anh Hải, anh nói ro ro như cái máy, rập khuôn, bài bản nhưng sáo rỗng, nhiều lúc mơ hồ đến mức tôi không hiểu anh muốn nói cái gì. Anh yêu cầu tôi tắt nguồn điện thoại, nhưng lại tròn mắt khi tôi yêu cầu anh cũng hãy làm như vậy, vì anh đã quen thói cửa quyền, trịnh thượng của quan chức nhà sản.
Trong 5 giờ đồng hồ làm việc, ba viên an ninh hỏi tôi những vấn đề tương đối giống nhau, và dẫn dắt câu chuyện theo chiều hướng phức tạp và dài dòng. Tuy hơi mệt vì đi đường dài, nhịn đói nhịn khát và ít nhiều họ trấn áp tinh thần tôi, tôi lúc nào cũng phải ở trong tư thế đề phòng và chuẩn bị tinh thần để ứng phó với các kiểu “ný nuận”, nhưng cũng may tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để phản biện và biết phân biệt điều gì nên nói hay không nên nói. Nhưng cũng có lúc bị hố, hoặc chọn thái độ im lặng vì không hiểu họ đang muốn nói gì, và vì đuối quá cũng chẳng thèm quan tâm hay hỏi lại để mặc nụ cười nhếch mép để lộ hàm răng trắng dã của anh Hải.
* Dưới đây là nội dung buổi nói chuyện, tôi viết lại theo trí nhớ, có thể không theo trình tự và không đầy đủ vì tôi không nhớ hết.
Đầu tiên họ hỏi tôi thông tin cá nhân: địa chỉ nhà ở Mỹ và Việt nam, email, số phone, Facebook thì họ thừa biết nhưng vẫn cố tình hỏi tôi, ban đầu tôi viết những thông tin đó trên giấy, sau 30 giây suy nghĩ tôi từ chối không cung cấp và xé vụn tờ giấy ngay trước mặt anh Hải. Tôi nói, anh đang có hộ chiếu Mỹ của tôi trên tay, những thông tin cần thiết về tôi đều có trong đó, anh muốn biết thông tin gì thêm thì cứ liên lạc với Lãnh sự quán Mỹ. Anh hỏi hộ chiếu Mỹ của tôi đựoc cấp vào ngày 10 tháng 10 phải không? Tôi không nhớ nên xem lại thì thấy ghi (10 September 2018) tôi nói lại September là tháng Chín nha anh. Họ hỏi tôi có biết gì về nha sỹ Chu Văn Cương - chủ tịch tổ chức Phục Hưng, các đài phát thanh Đáp lời sông núi và Tiếng nước tôi hay không? Tôi trả lời tôi biết anh Chu Văn Cương còn các đài phát thanh kia có nghe nói nhưng không rành lắm, sau khi bị trục xuất tôi có nói chuyện với anh Cương, anh dặn tôi từ nay đi đâu làm gì phải cẩn thận vì trong tổ chức Phục Hưng đã có người bị theo dõi gắn cả máy ghi âm trong phòng khách sạn. Họ hỏi tôi tham gia hát trong các chương trình gây quỹ vậy có biết mục đích của các chương trình đó là gì không, biết tại sao hát, và có tham gia vào nội dung sắp xếp chương trình không? Tôi trả lời dĩ nhiên tôi hoàn toàn biết những chương trình gây quỹ đó để yểm trợ cho các tổ chức và phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt nam, yểm trợ các nạn nhân của thảm họa Formosa, tri ân các thương phế binh của QLVNCH, giúp đỡ người tị nạn, trợ giúp tù nhân lương tâm và gia đình họ, thắp nến cầu nguyện cho quê hương, biểu tình phản đối Trung cộng.... tôi biết nhưng vẫn làm là vì tôi thấy nó có ích cho đất nước và đồng bào, tôi không tham gia sắp xếp nội dung chương trình ngoại trừ một vài chương trình Nhóm trẻ của tôi tại Houston đứng ra tổ chức. Họ còn biết tôi hay phát biểu những gì, đi đâu và phỏng vấn ai lúc còn làm trong đài truyền hình Vietv. Họ nói tôi còn trẻ mà sao có tư tưởng quá nặng nề về chính quyền cộng sản, tôi trả lời con người khác con vật ở chỗ có nhận thức, biết phân biệt đúng sai, tôi có nhận định riêng của tôi về tình hình đất nước dưới sự lãnh đạo của các anh, chẳng ai trói buộc được nhận thức của tôi. Họ chuyển qua vấn đề Formosa, họ nói chuyện Formosa đã được nhà nước giải quyết ổn thỏa, cái đó là do tai nạn, anh có thấy người dân nào ở vùng chịu ảnh hưởng phải đi ăn mày không? Anh không tin thì tôi mời anh về những vùng đó mà xem, chúng tôi đang làm và sẽ làm rất tốt để giải quyết vấn đề, tại sao các anh ở hải ngoại cứ lợi dụng chuyện này để chống phá đảng và nhà nước. Tôi nói cách giải quyết của các anh là bắt bớ, đánh đập bỏ tù những người có tiếng nói bảo vệ môi trường, những người lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho người dân chịu thiệt hại bởi thảm họa Formosa phải không? Họ hỏi tôi họ bắt bớ đánh đập ai? Quả thật lúc đó bất chợt tôi chẳng nhớ được ai bị bắt trong vụ Formosa, tôi kể ra trường hợp của Mẹ Nấm và Nguyễn Văn Oai. Họ lúc này như bắt được vàng, rồi bắt bẻ, Nguyễn Văn Oai bị bắt hồi năm 2011 thì có liên quan gì đến vụ Formosa? Họ được thể chế giễu tôi là thiếu thông tin và tiếp cận những thông tin không chính thống. Tôi lúc này hơi mất tinh thần nhưng cũng ráng chống chế hỏi lại, vậy theo các anh thông tin chính thống là thông tin gì? Họ nói thông tin chính thống là những thông tin được nhà nước quản lý, tôi nói thông tin mà phải được quản lý, vậy ở Việt nam có tự do ngôn luận không? Họ nói tôi quan tâm đến vụ Formosa như vậy thì có biết vụ Formosa xảy ra khi nào không? May quá! Tôi trả lời năm 2016, họ còn hỏi lại là có chắc chắn không? . Đây là kinh nghiệm nhỏ khi làm việc với an ninh, nếu không biết hoặc không biết chắc thì cứ từ chối trả lời, kẻo bị họ bắt bẻ. Anh Hải nói tôi là nạn nhân của những thứ thông tin không chính thống. Tôi nói ngay, còn anh là nạn nhân của đảng cộng sản, anh ta tròn mắt nhìn tôi. Họ nói tôi nói giọng Bắc mà ở Đồng Nai thì chắc là người Công giáo di cư và gia đình chắc chịu nhiều thiệt thòi sau năm 1975, tôi nói tôi làm những công việc này không phải vì mối thù mất Nứoc của cha ông tôi hơn 40 năm trước, mà đơn giản là vì tôi muốn nói thay cho những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng đang chịu đàn áp và bất công. Tôi đề cập luôn đến cuộc chiến Nam - Bắc, tôi nói các anh đã vi phạm hiệp định Geneva 1954, để sách động một cuộc chiến phi nghĩa, tắm máu hàng triệu đồng bào ở cả hai miền, cộng sản miền Bắc của các anh là những kẻ xâm lược, quân dân miền Nam bấy giờ họ phải chiến đấu để tự vệ, để bảo vệ cuộc sống tự do, thanh bình và thịnh vượng của họ. Không ai cần các anh phải “ giải phóng “. Họ hỏi tôi rất nhiều về tổ chức Voice, những hoạt động của tôi với tổ chức này và mối liên hệ cá nhân của tôi với luật sư Trịnh Hội, tôi có cảm giác họ để ý tôi từ lúc tôi đi hát giúp gây quỹ và ủng hộ cho những việc làm của tổ chức Voice từ Mỹ, Úc, Canada, Phi luật tân và Thái Lan, họ hỏi tôi có biết mục đích hoạt động của tổ chức này hay không? Tôi chỉ trả lời Voice giúp cho người tị nạn được định cư tại nước thứ ba, các anh buộc họ phải bỏ nước ra đi, thì chúng tôi giúp họ có cơ hội định cư tại những nước tự do, ngoài ra tôi không biết những mục đích khác của Voice, tôi giả vờ không biết Voice đang giúp đào tạo các bạn trẻ từ trong nước để phát triển Xã hội dân sự tại Việt nam, vì tôi không muốn họ lợi dụng tôi để khai thác những thông tin trong lãnh vực hoạt động này của Voice, nhất là khai thác thông tin của các bạn trẻ trong nước đã và đang tham gia những khoá huấn luyện này, để đảm bảo an toàn cho các bạn khi trở về trong nước. Cả ba viên an ninh đều hỏi tôi hơn 10 lần, tôi qua Phi luật tân vừa rồi có gặp luật sư Trịnh Hội không? Tôi đều trả lời không, còn về mối liên hệ của tôi với anh Hội, tôi nói đi hát chung thì biết nhau vậy thôi, ngoài ra không nói gì thêm. Thực tế tôi quý mến anh Hội như anh trai tôi, hiểu những công việc anh đang làm, anh là tấm gương cho tôi về sự phục vụ, hy sinh và dấn thân, mỗi lần gặp nhau anh ôm tôi bằng những cái ôm rất chặt và tôi cũng vậy. Họ tiếp tục hỏi tôi người Việt ở hải ngoại có cái nhìn như thế nào về chính quyền Việt nam? tôi trả lời có cái nhìn không thiện cảm, họ nói tiếp, các anh ở hải ngoại luôn đòi hỏi chính quyền Việt nam phải thay đổi, vậy anh có thể chỉ ra cho chúng tôi biết cần phải thay đổi như thế nào? Tôi mạnh dạn trả lời thẳng, cộng sản các anh không thể thay đổi mà chỉ có thể loại bỏ mà thôi, câu này không phải tôi nói mà là do một ông cựu lãnh tụ cộng sản Liên xô nói. Sau khi ra ngoài, chắc để hỏi ý kiến cấp trên, họ quyết định không
cho tôi nhập cảnh và lập tức trục xuất khỏi Việt nam. Anh Hải nói với tôi, việc tôi không được nhập cảnh hôm nay là do thái độ và sự không hợp tác của tôi khi làm việc với họ, nhưng anh Hải khuyên tôi đừng bi quan vì tương lai sự việc có thể thay đổi nếu tôi thay đổi cái nhìn và những việc làm của tôi với chính quyền cộng sản. Tôi trả lời ngay, tôi sẽ không thay đổi và tôi sẽ còn làm nhiều hơn nữa trong khả năng của tôi để một ngày nào đó tôi được về quê hương trong tự do và thanh bình mà không ai có quyền ngăn cấm tôi. Họ yêu cầu tôi ký vào biên bản làm việc, tôi dứt khoát không ký, tôi nói các anh đã trục xuất rồi thì những giấy tờ này không còn giá trị, nên sau đó họ cũng không đưa giấy cấm nhập cảnh cho tôi ký, đáng lý ra tôi nên giữ lại tờ giấy này, vì đó là bằng chứng cho thấy cộng sản Việt nam hèn với giặc nhưng lại đi sách nhiễu kiều bào, những người họ vẫn gọi là “ khúc ruột ngàn dặm”. Tôi nói khát nước và đói bụng các anh đi với tôi ra ngoài mua đồ ăn được không, họ không cho tôi ra, tôi hỏi anh Tuấn có nước uống không, anh nói tôi thôi ráng đợi chút nữa, lúc sau anh Hải vô nói tụi tôi cũng như anh có ăn uống gì đâu, mà tôi biết có mời anh cũng chẳng dám uống đâu, tôi nói đúng rồi anh Hải rành quá, tôi định hỏi họ đầu độc bao nhiêu người rồi nhưng lại thôi. Lúc sau họ mời một cô nhân viên của hãng máy bay vô làm việc với tôi, tôi quyết định đi Thái Lan chứ không quay trở lại Phi. Sau cùng anh Hải nói, trước khi rời Việt nam tôi có điều gì muốn nói không? Tôi nói, tôi biết các anh cũng chỉ đang làm theo chỉ đạo, tôi chẳng thù ghét gì các anh cả, việc các anh cấm tôi nhập cảnh và bị trục xuất hôm nay, tôi rất buồn vì từ giờ đến cuối đời không biết tôi còn có dịp về thăm quê hương hay không? Nhưng tôi buồn và xót xa hơn nữa, vì với tấm hộ chiếu Mỹ tôi có thể đi hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng tôi lại bị chính những người đồng bào cùng màu da tiếng nói ngăn cấm tôi trên chính quê hương tôi. Tôi nói tiếp, là con người ai cũng có lương tâm để biết phân biệt đúng - sai, phải - trái, là con người Việt nam cả tôi và anh cũng có lương tâm của một người Việt nam nữa, tôi tin rằng trong sâu thẳm lòng anh, anh biết rõ điều gì tốt, điều gì không tốt cho quê hương đất nước, vậy điều gì anh thấy không tốt thì anh bớt làm lại. Nhìn mặt anh Hải lúc đó tôi biết anh vẫn còn có chút lương tâm con người. Anh nói với tôi việc tôi bị cấm nhập cảnh hôm nay là do quyết định của tôi, tôi nói đúng rồi, không có gì miễn phí, và tự do cũng vậy.
Đồng hành với tôi còn có Minh Tâm, người bạn đời của tôi. Hai chúng tôi bị giam riêng mỗi người một phòng. Minh Tâm bị theo dõi kỹ và lâu hơn tôi. Năm viên an ninh làm việc với Minh Tâm đem theo một tập hồ sơ dày với đầy đủ hình ảnh được lập từ 6 năm trước, từ khi sinh hoạt với Hội phụ nữ Âu cơ, giúp gây quỹ cho TPB QLVNCH, Formosa, Voice... Minh Tâm là người mạnh mẽ, khôn ngoan và sắc xảo nên an ninh cũng chẳng khai thác được gì mà còn phải nghe nhiều bài học về dân chủ.
Sau khi làm xong mọi thủ tục, 3 viên an ninh “áp giải“ chúng tôi đến tận cửa máy bay, tôi đi vệ sinh họ cũng canh trước cửa. Trên đường đi nhìn ra bên ngoài, qua khung cửa kiếng của phi trường, lòng tôi dâng trào nhiều cảm xúc, tôi muốn khóc nhưng không khóc được, lúc này tôi yếu đuối hơn bao giờ hết, tôi thầm nghĩ trong lòng rằng mình đã mất quê hương thật rồi. :(
Về đến Thái Lan chúng tôi mệt muốn xỉu. Lúc này chúng tôi nhớ đến những người đấu tranh trong nước mà thấy thương vô cùng khi biết họ phải chịu đựng nhiều áp lực đến nhường nào khi phải làm việc với an ninh cộng sản.
* Sự kiện này tuy buồn và xót xa nhưng đem lại cho tôi hai trải nghiệm quý giá:
- Như người chiến sỹ ít nhất cũng phải một lần ra chiến trường đối mặt và chiến đấu với quân thù. Tôi nghĩ, thật cần thiết cho tôi cũng nên có một lần trong đời đối mặt với an ninh cộng sản.
- Cho tôi trải nghiệm được cảm xúc và nỗi đau của những thân phận người Việt lưu vong, của thế hệ cha ông hơn 40 năm trước phải bỏ xứ ra đi bất chấp hiểm nguy, của những người tị nạn hiện tại đang trốn chạy sự truy bắt của cộng sản, đang sống lay lất, khổ cực tại Thái lan, của những người tù nhân lương tâm bị trục xuất ra khỏi Việt nam. Tôi thấy mình vinh dự được “khóc cười cùng vận Nước“
* Đồng thời sự kiện này cũng cho thấy
- Cách hành xử vô nhân đạo của CSVN khi sách nhiễu kiều bào về nước, cho thấy tuyên truyền của cộng sản về hoà hợp hoà giải dân tộc chỉ là dối trá, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lòng thù hận, và mỹ từ “ Kiều bào là khúc ruột ngàn dặm “ chỉ là mị dân.
- Qua cách hành xử của an ninh Cục chống phản động và khủng bố đối với một người chưa có ảnh hưởng lớn và không có tấc sắt trong tay như tôi. Cho thấy sự sợ hãi và yếu kém của CSVN, họ sợ những tiếng nói đấu tranh dù nhỏ nhất. Người cộng sản quyết tâm bảo vệ đảng đến cùng bất chấp thủ đoạn và lương tâm, vì sự tồn vong của đảng gắn liền với quyền lợi cá nhân của họ.
Tôi vẫn chưa bao giờ bi quan về một tương lai tốt đẹp cho Việt nam. Tự do, dân chủ, nhân quyền, công bình, nhân bản, bác ái là cái đích chung dân Việt đang hướng tới. Nhưng nếu ai hỏi tôi có ước mơ gì thật cụ thể cho Việt nam, thì tôi ước mơ được thấy Việt nam có một cuộc bầu cử tự do đúng nghĩa, khi ấy người dân có quyền tự do để bầu ra một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Và nếu mong muốn Việt nam có đa đảng, thì lúc ấy chắc chắn chúng ta cũng phải chấp nhận có đảng cộng sản ra ứng cử, tôi ước mơ lúc đó dân Việt đã sáng mắt sáng lòng để đừng ai bầu cho đảng cộng sản, để chủ thuyết và guồng máy cộng sản phải chết đi trong sự nguyền rủa của nhân dân và cả nhân loại.
Ngày về ấy, tôi hứa sẽ đối xử thật tử tế và nhân bản với anh Thành, anh Hải, anh Tuấn, chứ không đối xử với các anh theo cách mà các anh đã đối xử với tôi và với cha ông tôi. Ngày ấy tôi ao ước được cùng với các anh hát những khúc hát ca ngợi TỰ DO, như lời một bài hát của nhạc sỹ Phan Văn Hưng:
“ Từ khắp bốn phương trời, và muôn lối đi trong đời, gặp nhau trong tâm hồn Việt Nam sáng ngời. Mồ hôi trên cánh đồng, mẹ ru trên núi sông, tình quê hương ta ôm ấp trong lòng. Chúng ta là bước người xông pha, chúng ta là những lớp phù sa, chúng ta là ngọn đuốc bùng to. Chúng ta là TỰ DO”.
Ps: Xin cảm ơn chú Nam Lộc, chị Kiều Ngọc, anh Trịnh Hội, chị Christine Quỳnh, anh Kỳ Anh, anh chị Hiếu - Trang và nhiều anh chị em khác đã dõi theo bước chân của tụi em khi về Việt nam, cũng may chưa ai phải mất công xin chữ ký để vận động thả tụi em ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét