Đề xuất bất hợp lý
Chính quyền Hà Nội vừa mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù trong việc trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh, cây cảnh trang trí phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và thành phố, nhưng không qua đấu thầu. Được biết theo q uy định của Chính phủ, việc trồng cây xanh phải áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Hà Nội lý giải cơ chế đặc thù riêng không qua đấu thầu vì Hà Nội thường được Trung ương Đảng, Chính phủ giao thực hiện nhiều nội dung công việc đột xuất, trong đó có trang trí cây hoa, trồng bổ sung cây xanh với khối lượng lớn trong thời gian ngắn, do thời gian gấp nên rất khó xác định kinh phí tổ chức đấu thầu cùng nhiều lý do khác nữa...
Nhìn nhận về vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, ông không dám khẳng định là có khuất tất trong vấn đề này nhưng xét về thể chế thì pháp luật Việt Nam vẫn quy định trong những trường hợp mua sắm bằng ngân sách nhà nước thường phải thông qua đấu thầu nhưng cũng có một số trường hợp cụ thể thì pháp luật cũng có quy định lựa chọn thầu trong một số hoàn cảnh nhất định. Giáo sư nói tiếp:
“Tất nhiên trong việc cây xanh tại Hà Nội là một câu chuyện dài kỳ, trước đây cũng từng có những chuyện chặt cây xanh rồi nhân dân phản ứng rồi kết luận việc đó là không đúng, rồi có những nơi trồng cây xanh mà trồng dày quá chẳng hạn hoặc trồng cây không phù hợp với đoạn phố ấy như đoạn phố quá nhiều cây hoa sữa thì nhân dân kêu là mùi nó hắc quá… thế thì không hiểu xin cơ chế không chọn thầu là vì lý do gì. Đối với cây xanh thì cơ chế đấu thầu vẫn là cơ chế tốt hơn là cơ chế chúng ta lựa chọn.”
Ông Lã Việt Dũng, một người dân sống tại Hà Nội khi nghe thông tin này đã chia sẻ với chúng tôi rằng, anh không hiểu lý do vì sao phía Hà Nội lại đề nghị như vậy vì theo ông, trong nền kinh tế thị trường thì việc càng minh bạch đấu thầu thì càng tốt :
“…các quan chức cộng sản đã có nhiều tai tiếng trong việc làm ăn mập mờ rồi, thậm chí có đấu thầu rồi mà họ còn gian lận được chứ giờ không đấu thầu họ còn trắng trợn hơn nên việc này không đúng theo pháp luật, không hợp lý hợp tình. Họ lý giải như vậy thì càng bộc lộ sự yếu kém của họ bởi vì họ không đủ năng lực để ra được cái đầu bài, chia nhỏ đầu bài ra để chọn được nhiều nhà thầu hợp lý mà phải dựa vào một công ty, có thể làm cả về tư vấn lẫn cung cấp cây xanh cho họ nên nó thể hiện rõ ràng sự không hợp lý, tùy tiện của chính quyền.”
Cũng từ Hà Nội, nhà báo Nguyễn Vũ Bình khẳng định ông phản đối vấn đề này: “…bởi vì tình trạng tham nhũng tại VN nó là quốc nạn rồi mà một quy chế của nhà nước đưa ra là bất kể một chi tiêu ngân sách nào phải thông qua đấu thầu, giờ đòi không qua đấu thầu mà lại đi nói là nhân dân giám sát mà từ xưa tới giờ nhân dân có giám sát được cái gì đâu mà lại đưa ra một lý do trời ơi như vậy. Tôi phản đối việc đó và cho rằng nối giáo cho việc tham nhũng.”
Nhập nhằng tiêu tiền ngân sách
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn khẳng định chắc chắn rằng việc đề xuất của Hà Nội là khuất tất, một dạng của tham nhũng:
“… ví dụ người đi đánh dấu cây để chặt thì được tới 600.000 đồng/cây, rồi người chặt, người tỉa cành thì không biết bao nhiêu triệu nữa. Chặt đã như vậy giờ trồng nó sẽ như thế nào, trồng còn quan trọng hơn cả chặt thì ước tính lên tới bao nhiêu triệu một cây. Cho nên việc này nó vô cùng khuất tất và chắc chắn việc tham nhũng có lẻn vào trong đó, không thể nào chấp nhận một cách thức làm việc mà không qua đấu thầu mà có đấu thầu rồi vẫn còn bị tham nhũng mà nhân dân còn không làm gì được, không kiểm soát được huống chi không qua đấu thầu.”
Được biết, từ năm 2016 – 2018 Hà Nội đã trồng mới 1 triệu cây xanh trên địa bàn với kinh phí hơn 250 tỷ đồng. Đến đầu năm 2019, Hà Nội phê duyệt việc chặt hạ và di dời gần 500 cây xanh để mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở. Vào tháng 4/2019, hàng trăm cây phượng tại khu vực đường Láng Hạ, Xã Đàn, Kim Liên, Đại Cồ Việt chưa kịp nở hoa đã bị nhổ bỏ và thay thế trồng các loại cây mới.
Chỉ trong vòng 2 năm thôi, riêng việc trồng và chặt cây xanh ở Hà Nội đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền từ ngân sách nhà nước. Mà nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân…!
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội nhận định về điều này cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước thông thường người ta cũng hay vẽ ra để sử dụng thì nó diễn ra từ xưa đến nay rồi nhưng muốn xác định cụ thể trong vụ việc nào thì cần phải kiểm tra, thanh tra và có bằng chứng cụ thể mới ra kết luận được.
Cùng quan điểm về việc những đề xuất của Hà Nội chẳng qua là để tiêu tiền ngân sách, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói: “Tôi cho rằng người dân sẽ có những ý kiến như thế nhưng để kết luận được như thế nào thì chúng ta cần phải có chứng cứ nên tôi không dám có ý kiến cho rằng đây đúng là như vậy nhưng khả năng đó cũng có thể xảy ra khi người dân cũng có nhiều ý kiến không chỉ riêng là trồng cây xanh mà nhiều chuyện mua sắm công có vẻ thể hiện sự bất hợp lý nên việc đặc vấn đề như vậy cũng đúng và cần phải được xem xét lại.”
Và việc chạy đua để giải ngân tiền ngân sách là một đặc thù của nhà nước VN. Điều đó hiển diện ở tất cả các dự án và tất cả các địa phương chứ không riêng gì Hà Nội trong dự án cây xanh. Ông Lã Việt Dũng đồng tình:
“…nó gây ra sự bất hợp lý là họ đã có kế hoạch cả năm rồi mà thời gian triển khai thì lại rất ngắn thì khi đó các dự án chất lượng lại không đảm bảo, ví dụ giờ giữa tháng 10 họ làm thì chậm nhất thì phải đến giữa tháng giêng họ phải nghiệm thu, thanh lý và thanh toán cũng như giải ngân hết rồi, điều đó cho thấy trong khoảng thời gian như thế mà xử lý công việc khổng lồ thì chắc chắn nó không đảm bảo.”
Cách phân tích đó cũng được nhà báo Nguyễn Vũ Bình đồng tình:“…các nguồn quỹ và nguồn đầu tư vào các trang thiết bị, chỉnh trang đô thị có thể trong năm người ta chưa sử dụng hết và nó còn tồn đọng nên giờ việc giải ngân số tiền đó là điều rất cần thiết. Ngày xưa tôi ở cơ quan cũng vậy, còn có cái như thế này nữa là nếu quỹ đó không xài hết thì sang năm họ sẽ bị cắt đi nên họ phải bôi ra, bày ra. Năm nào cũng bày ra để sửa chữa lúc đập tường này lúc trám vôi kia để cho hết tiền đó đi, nếu không hết tiền đó thì đến sang năm bị cắt bớt đi mà giảm bớt tiền là giảm bớt nguồn thu vượt quá thực tế nên dư luận đặc vấn đề là hoàn toàn đúng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét