Vỡ mộng
Nhiều người bỏ ra số tiền lớn để đi lao động ở nước ngoài với mộng đổi đời. Nhưng thực tế khắc nghiệt ở xứ người khiến họ vỡ mộng. Cách đây ba năm, tôi tình cờ gặp Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi), chủ một hiệu làm móng ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Anh Quốc.
Một lần khi tôi ghé thăm, Quỳnh nói muốn nhờ giúp đỡ cho một người bạn của mình là An (tên nhân vật đã được thay đổi) mới sang. Người này bỏ một khoản tiền để sang Anh theo diện du lịch nhưng muốn trốn ở lại để đi làm. Quỳnh nghĩ rằng tôi có thể giúp 'môi giới', tìm cho An một khóa học nào đó và nhân đó may ra được ở lại lâu hơn.
"Nhưng nó không có tiền đâu. Có bao nhiêu tiền đã chi hết cho chuyến bay và mấy tuần đầu ăn ở đây," Quỳnh nói.
Theo Quỳnh, nếu giúp được An ở lại lâu hơn thì Quỳnh có thể tạo điều kiện cho An làm ở tiệm móng. Nhưng vấn đề là An không biết tiếng, và tiền cũng đã hết sạch thì không hiểu sẽ học được khóa học nào.
Tôi còn chưa kịp hiểu ai có thể giúp được An trong những điều kiện như vậy thì mấy ngày sau, Quỳnh thông báo rằng An đã bỏ trốn 'biệt tung tích' khỏi nơi ở trọ.
Những trường hợp như An không phải hiếm. Họ tìm mọi đường sang Anh, như thăm người thân, đi du lịch, hoặc đi học ngắn hạn, nhưng sau đó không về. Chưa biết có kiếm được việc làm không nhưng tương lai bấp bênh và họ luôn sống trong sợ hãi bị cảnh sát bắt. Nhiều trường hợp sau một thời gian trốn chui lủi đã bị bắt, bị giam, rồi trục xuất về nước. Tiền mất tật mạng.
Một trường hợp khác là Mai (tên nhân vật đã được thay đổi), đang thất nghiệp ở Việt Nam thì có người giới thiệu sang Hàn Quốc hái nho kiếm khá tiền, lại không vất vả gì. Mỗi tháng ít nhất kiếm được 30 triệu, theo lời tư vấn. Thêm nữa, người tư vấn nói cảnh ở Hàn Quốc đẹp, đồ ăn ngon, như thế vừa đi làm vừa kết hợp du lịch luôn… Mai liền mua vé máy bay rồi đi luôn, nhưng sang đó thì vỡ mộng.
Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt hôm 29/10, Mai cho hay tưởng sang đó 'sướng lắm', hóa ra phải làm hùng hục từ sang sớm tới chiều. Làm luôn tay, chỉ nghỉ vài phút giữa các ca rồi lại làm. Mỗi ngày lương tính ra khoảng một triệu đồng tiền Việt. Nhưng tháng đầu phải nộp cho người môi giới bảy ngày lương. Nhà thuê không rẻ, nên để tiết kiệm phải thuê ở chung với nhiều người rất bất tiện. Làm không có ngày nghỉ thì mới mong kiếm được chút tiền tiết kiệm.
Nếu ốm hay muốn nghỉ thứ Bảy Chủ nhật thì sẽ không có lương những ngày nghỉ. Mang tiếng ở Hàn Quốc nhưng Mai chỉ biết mỗi ruộng nho chứ không có thời gian và cũng không đủ tiền để đi chơi ở đâu. Ngày mùa hè phơi nắng ngoài ruộng cả ngày rát mặt. Nếu làm mùa đông thì mưa tuyết lạnh thấu xương. Đó là chưa kể cứ ba tháng lại phải ra khỏi Hàn Quốc để gia hạn visa rất tốn kém. Tính ra số tiền để dành được chẳng là bao. Mai thấy quá cô đơn và chán nản nên bỏ về Việt Nam.
'Nhiều hệ lụy ở quê nhà'
Đi làm ở xứ người đã vất vả, lại để lại 'nhiều hệ lụy ở quê nhà', như lời ông Trần Trung Thực, 47 tuổi, quê Bắc Giang, hiện đang lao động ở Đài Loan.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 29/10 về cuộc sống ở xứ người, ông Thực nói:
"Tôi tham gia vào đội quân được gọi mỹ miều là xuất khẩu lao động, thực chất là đi làm 'cu li' (lao động chân tay) ở Đài Loan,.. từ năm 2016. Trước đó, tôi là nông dân. Nhưng ruộng ít quá, cấy cầy hay nuôi gà vịt thu nhập ít, lại bấp bênh, nên tôi cùng nhiều người trong xóm đã ra đi."
Trước khi đi, ông Thực phải vay ngân hàng 160 triệu đồng trả tiền môi giới. Sau khi sang Đài Loan, ông nhận mức lương 23.100 Đài tệ, trừ mọi khoản chi phí chỉ còn 12.000 Đài tệ, tương đương 8 triệu đồng một tháng.
"Như vậy, sau ba năm đi làm, tiết kiệm lắm tôi để dành được gần 300 triệu VNĐ. Nhưng lại phải trừ tiền gốc 160 triệu vay mượn lúc đi (chưa tính lãi suất), nên còn vỏn vẹn 128 triệu VNĐ."
Để có hơn 100 triệu đồng ấy gửi về nuôi vợ con ở quê, hơn hai năm trời ông Thực phải làm công việc mạ kim loại rất độc hại. Ngày làm tám tiếng liên tục không nghỉ, chỉ thay phiên nhau nhau ăn cơm rồi lại làm tiếp. Ông Thực sau hai năm đã mắc bệnh đau bao tử, đã có lần phải nhập viện. Mãi gần đây ông Thực mới được chuyển sang làm ở xưởng làm trống, đỡ độc hại hơn.
Để dành dụm được số tiền ấy trong ba năm không phải dễ, theo lời ông Thực. Vì đó là chưa nói tới lúc ốm đau, bệnh tật, "anh em bạn bè cũng có lúc phải chén rượu, chén trà... Ngoài ra, còn những khó khăn khác như bị chủ soi xét, ghét bỏ, bị trù dập và những va vấp khác trong cuộc sống...," ông Thực tâm sự.
Ông Thực cho hay ông không mơ mộng gì làm giàu, và trước khi đi, ông cũng tiên liệu được những khó khăn để chuẩn bị tâm thế đón nhận, nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
"Tôi gặp vô vàn những anh em lao động di công như tôi. Họ đều nói, phải đi 'ba cuốc' (tức là đi ba lần, tổng cộng là chín năm) mới mong tiết kiệm để cất được gian nhà, gian cửa."
"Với những người chấp nhật bỏ quê hương ra đi lâu như vậy để kiếm tiền cho tương lai, thì cũng có vô số hệ lụy như vợ chồng xa cách, không chung thủy, con vắng tình yêu thương của cha mẹ. Có gia đình đã tan nát vì thế."
"Chưa kể, nhiều đêm, đi qua các nhà ga ở Đài Loan, tôi thấy các thanh niên Việt Nam ôm hộp giấy xin tiền bố thí, hảo tâm để giúp đỡ đồng hương bị tai nạn chết. Những cái chết của công nhân di công Việt Nam ở Đài Loan nhiều lắm, nào là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chết do kiệt sức, do cảm... không thể kể hết được."
Riêng trong xóm của ông Thực đã có khoảng 30 người đi xuất khẩu lao động, còn riêng trong toàn xã thì rất nhiều, ông Thực nói ông không thể thống kê.
"Với tư cách là người trong cuộc, tôi mong các bạn trẻ trước khi ký vào hợp đồng xuất khẩu lao động sang Đài Loan hay bất cứ nước nào hãy cân nhắc để không vỡ mộng," ông Thực cảnh báo.
Gần đến hạn hết hợp đồng lao động, ông Thực nói ông quyết định sẽ về, dù chưa biết sẽ làm gì ra tiền ở quê nhà. "Con cái tôi đã đến tuổi dậy thì, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Vợ chồng lâu ngày xa cách cũng thiếu gắn kết. Tôi rất lo lắng. Tôi sẽ về."
Tuy vậy, ông Thực nhận định rằng trong tình cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn như hiện nay, "dòng chảy lao động xứ người sẽ không ngừng tại đây", ông Thực nói với BBC từ Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét