Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

15060 - EU cần hành động trong khi Mỹ-Trung đối đầu


Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển biến thành tình trạng xung đột lâu dài, thì dường như một đặc điểm đang định hình cuộc chiến địa chính trị ngày càng khắc nghiệt hơn này mang hơi hướng của một cuộc chiến công nghệ.

Cuộc chiến này sẽ thiết lập nên "người tiên phong" trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng những loại hình công nghệ đang nổi, và theo đó là việc định hình các quy tắc và luật lệ cho các ứng dụng công nghệ này. Trong bối cảnh đó, các khoản đầu tư nước ngoài, việc giám sát các khoản đầu tư nước ngoài và câu hỏi làm cách nào đối phó với tập đoàn công nghệ Huawei, "con cưng" của Bắc Kinh, đã tràn lan trên các trang báo. Thế nhưng, không ai nghĩ rằng vấn đề kiểm soát xuất khẩu liên quan công nghệ đang nổi lại đem lại thách thức tương tự, nếu không muốn nói là thách thức hơn.
Trong nỗ lực vạch ra một hướng đi thoát khỏi thách thức này, các chính phủ châu Âu cần "xắn tay áo" hành động trước khi bị vướng mắc vào những đòi hỏi của hai cường quốc đối địch. Nói một cách cụ thể hơn, EU và các nước thành viên cần thay đổi các cơ chế kiểm soát xuất khẩu của họ nhằm duy trì sự tổn tại của các quy tắc của châu Âu vốn được áp đặt cho việc sử dụng những loại công nghệ nhất định đang gặp phải thách thức từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, EU cũng cần bảo vệ các tập đoàn của liên minh thoát khỏi quyền xét xử ngoài lãnh thổ của Mỹ.
Khi xét đến những rủi ro lớn, điều gây bất ngờ là nhiều nước châu Âu không đoái hoài đến các nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm biến thương mại thành một thứ vũ khí bằng cách định danh những loại hình công nghệ đang nổi có thể được các nước thù địch sử dụng để chống lại Mỹ. Những cải cách được đề xuất về kiểm soát xuất khẩu công nghệ và sản phẩm của Mỹ được liệt kê trong Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA) phần lớn phản ánh các lĩnh vực chế tạo sản phẩm trí tuệ nhân tạo được xác định trong chính sách công nghiệp "Sản xuất ở Trung Quốc 2025" mà Bắc Kinh đang triển khai. Washington tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc, theo đó, đảm bảo rằng Washington vẫn có quyền lực trong quá trình thiết lập các quy tắc và chuẩn mực tương lai. Khi ấy, những hành động của Mỹ hiện nay khiến người ta nhớ lại nỗ lực của Washington trong việc thúc đẩy thực hiện cơ chế kiểm soát xuất khẩu đối với quân nhu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời mà Liên Xô là đối địch của Mỹ. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là vào thời điểm đó, Mỹ hành động đa phương, trong khi hiện nay Mỹ theo đường lối đơn phương. Một ví dụ của hành động đơn phương là vụ Huawei khi Washington (đơn phương) kêu gọi các nước châu Âu đồng minh cấm "cửa" đối với cơ sở hạ tầng của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc này.
Hiện nay, ngoài danh mục sản phẩm quân sự và sản phẩm lưỡng dụng, còn có hai danh mục mặt hàng khác mà chính phủ các nước muốn kiểm soát. Danh mục thứ nhất là cơ sở hạ tầng trọng yếu như điện, đường, trường, trạm, vốn có vai trò to lớn đối với an ninh quốc gia cũng như sự an toàn cho hoạt động kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Danh mục thứ hai là các loại hình công nghệ mới nổi. Đây là những sản phẩm công nghệ mang hàm lượng kỹ thuật số ngày càng cao vốn có thể được chuyển giao giữa các nước mà không cần đi qua qua biên giới lãnh thổ trên thực địa, do đó bỏ qua khẩu kiểm soát hải quan vốn thường được thực hiện trong công tác kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng. Góp phần làm gia tăng thách thức trong công tác kiểm soát xuất khẩu này là một thực tế rằng ngày càng có nhiều loại hình công nghệ "lưỡng dụng" truyền thống và công nghệ đang nổi có thể được sử dụng đồng thời cho nhiều mục đích, từ nâng cao chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng đến các hoạt động quân sự và giám sát hiệu quả khác thường. Ngoài ra, các công nghệ đang nổi được tích hợp ở mọi cấp độ xã hội, nhất là giữa lúc tình trạng hội tụ giữa các loại phần mềm và dòng chảy thông tin ngày càng gia tăng. Điều này khiến các loại công nghệ đang nổi hiện diện ở khắp nơi trong xã hội. Vì vậy, người ta có thể nói về "tính đa dụng" của công nghệ hơn là nói về tính lưỡng dụng.
Lời kêu gọi của Mỹ thực hiện chế độ kiểm soát xuất khẩu dành cho các công nghệ đa dụng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với các nước tham gia hoạt động mua bán công nghệ này mà trọng tâm là các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Những quy định "sinh" ra theo sau quá trình nói trên sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn to lớn đối với các hoạt động của các công ty toàn cầu có trụ sở ở Mỹ. Thực tế, tác động này vượt ra khỏi phạm vi biên giới Mỹ vì Washington có thể áp dụng quyền xét xử ngoài lãnh thổ. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm nước ngoài có hàm lượng nhiều hơn 25% nguyên liệu Mỹ có thể cần giấy phép tái xuất từ Mỹ. Ví dụ, Hà Lan, nước có các công ty dẫn đầu về công nghệ đang nổi, sẽ bị ảnh hưởng to lớn bởi những quy định nói trên vì các công ty có trụ sở ở Hà Lan hoạt động trên cả thị trường Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Hà Lan và EU cũng có chung quan ngại với Mỹ về nguy cơ sinh sôi nảy nở các quy tắc và tiêu chuẩn không theo chuẩn phương Tây thông qua các hoạt động mua bán chuyển giao công nghệ đang nổi. Tuy nhiên, họ không muốn sử dụng cơ chế kiểm soát xuất khẩu như một công cụ chính trị để kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh như một cường quốc công nghệ.
Do đó, việc duy trì các quy định của châu Âu đối với việc sử dụng các loại công nghệ nhất định vốn bị Trung Quốc thách thức và việc bảo vệ trước những nỗ lực của Washington nhằm thực hiện quyền xét xử ngoài lãnh thổ là hai thách thức quan trọng mà châu Âu cần "xắn tay áo" hành động. Quyền xét xử ngoài lãnh thổ có thể dẫn đến các đòn trừng phạt phạm vi rộng lớn đối với các công ty của châu Âu và làm gián đoạn các chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp phụ thuộc vào đó để cải tiến và kinh doanh cạnh tranh sản phẩm của họ. Suy cho cùng, sự hội nhập kinh tế và phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của hoạt động giao thương với Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới hiện diễn ra ở mức độ to lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ với Liên Xô. Điều này đòi hỏi Hà Lan và các thành viên EU, cùng với các cổ đông chủ chốt trong giới kinh doanh và học thuật, cần nhân đôi nỗ lực của mình đồng thời thay đổi chính sách kiểm soát xuất khẩu các loại công nghệ đa dụng. Mặc dù việc tiếp tục duy trì đối thoại song phương với Mỹ đóng vai trò quan trọng song giờ cũng là lúc cần can dự tích cực ở cấp độ toàn EU nhằm kiến tạo một hệ thống kiểm soát xuất khẩu công nghệ đang nổi trên toàn EU một cách thực sự hiệu quả. Ngoài cách thức phản ứng đồng bộ trước sự thay đổi của Mỹ, việc thực hiện cơ chế tự trị của EU và áp dụng cấp giấy phép điện tử là những bước đi cốt yếu.
Khi EU đề ra cách thức đáp trả, liên minh cũng cần phải trao đổi và tham khảo các biện pháp mà các nước có chung chí hướng và chung quan ngại với EU đã thực hiện. Trước hết, EU cần lập ra chiến lược của mình, song cũng có thể tìm hiểu cơ hội hợp tác và phối hợp các chính sách với các đối tác có cùng chí hướng trong những năm tới. Nhật Bản, với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, nổi bật là một đối tác có giá trị trong nỗ lực thúc đẩy cải cách ở Washington, ngay cả khi điều này trở nên rắc rối vì sự cạnh tranh kinh tế diễn ra ở cùng một lĩnh vực. Những hậu quả to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh do Washington đơn phương thúc đẩy thực hiện Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu đòi hỏi khởi động hành động tìm kiếm đối tác nói trên ngay từ bây giờ chứ không phải mai sau.
Theo “The Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét