Bất cứ người lãnh đạo hay một đảng phái chính trị nào của Việt Nam cũng cần phải đặt vấn đề xây dựng lại niềm tin của người Việt là mục tiêu hàng đầu. Đó là niềm tin vào những giá trị nhân bản cốt lõi của người Việt, của lá lành đùm lá rách, của tinh thần tương thân tương ái, của những giá trị dân chủ mà nước Việt Nam đã thực hành từ Hội nghị Diên Hồng cho đến những năm tự do ở miền Nam trước 1975.
Đó là niềm tin vào sự quật cường của người Việt, của chiến thắng Bạch Đằng, của hội thề Lũng Nhai nghĩa quân Lê Lợi cắt máu ăn thề kháng chiến chống giặc Minh, của “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.”
Đó là niềm tin vào nước Việt và từng người Việt cần cù chịu khó, của “bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu” và “những tấm áo nâu…dắt dìu nhau vào đến Cà Mau” trăm năm mở cõi.
Một nước Việt Nam mới và tự tin phải đương đầu với nhiều khó khăn. Những người lãnh đạo mới cần nói rõ cho người dân biết những điều này trong một đề cương chính trị cụ thể.
Chúng ta sẽ phải làm việc cật lực để vươn lên từ thực trạng của một đất nước nghèo khó với gánh nặng nợ công cao, kết quả của những năm quản lý đất nước tệ hại và thất thoát khổng lồ do tham nhũng.
Tất cả công nhân, thợ thuyền, doanh nhân, trí thức, và nhất là những người lãnh đạo cần làm việc cần cù, sáng tạo và kỹ luật. Những người lãnh đạo phải là những người chính trực, đầy đủ phẩm hạnh và đồng cam cộng khổ cùng người dân và vì nước Việt. Dầu vất vả, người Việt có thể tin rằng cố gắng của họ sẽ được đền bù xứng đáng và công bằng.
Chúng ta sẽ xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ nơi người dân có quyền bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo của mình, có một nền báo chí độc lập đối với những đảng phái và cá nhân lãnh đạo. Người dân có quyền tham gia chính trị, từ vai trò là người chất vấn đến việc thành lập các đảng phái đối lập. Người dân cần cảm thấy họ đang tham gia vào việc quản trị đất nước.
Đó là một nước Việt Nam kỷ luật, pháp luật nghiêm minh và không ai được đứng trên pháp luật. Tất cả người dân đều phải tuân thủ pháp luật, từ lãnh đạo cao nhất cho đến người dân. Đây không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là điều chúng ta phải cố gắng thực hiện cho bằng được.
Chúng ta quan hệ bình đẳng, hữu nghị đối với các nước lân cận, nhất là Trung Quốc. Chúng ta yêu cầu và sử dụng công pháp quốc tế để nước này phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên các vấn đề biên giới và trên Biển Đông.
Đề cương chính trị không chưa đủ, chúng ta cần có chương trình để thực hiện nó một cách nghiêm túc và bền bĩ, vì chúng ta biết rằng những người đang nắm quyền sẽ không dễ dàng buông rời, dầu rất ít, quyền lực.
Chúng ta cần tự hoàn thiện mình nhất có thể. Chúng ta không tự hài lòng là những người chỉ trích những sai lầm của những người đang cầm quyền. Chúng ta phải là những người-lãnh-đạo-đang-chờ. Chúng ta tìm hiểu thấu đáo từng vấn đề từ phát triển kinh tế đến quản lý nhà nước, từ việc giữ hòa khí trên thực địa với Trung Quốc đến việc sử dụng các biện pháp công pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của quốc gia, từ đảm bảo giờ làm và điều kiện lao động của công nhân đến yêu cầu của giới doanh nhân, từ việc phát triển nền kinh tế tư nhân nhưng không bỏ quên những thành phần cơ nhỡ trong xã hội. Đó là những lựa chọn không dễ dàng mà chúng ta cần đề ra những giải pháp cụ thể để đối lập với những cách thức kém dũng khí, ít trí tuệ và thiếu lương thiện của đảng cầm quyền hiện tại.
Tất cả đều rất khó khăn, vì tiếng nói của chúng ta sẽ bị át bởi những lời tuyên truyền và quy chụp của hệ thống thông tin khổng lồ của đảng Cộng sản.
Tất cả đều rất khó khăn, vì những người Cộng sản sẽ đàn áp những cuộc gặp mặt của chúng ta dầu nó ôn hòa đến cỡ nào.
Nhưng đó là cách và điều chúng ta phải làm, không có cách nào khác.
Chúng ta viết lên và tham gia những dự án chính trị, đề ra và vận động cho những giải pháp cụ thể. Chúng ta là những tổ chức có kỷ luật, với những công việc cụ thể, ôn hòa và minh bạch. Chúng ta phải là những người đặt đạo đức lên hàng đầu, trong sạch và vị tha nhân.
Chúng ta bàn về những vấn đề mang tầm vóc quốc gia nhưng cũng có thể đi vào từng khu phố nhỏ. Chúng ta quan tâm đến quốc tế nhưng chúng ta cũng cần chắc là mình sống và sinh hoạt tại địa phương, ngay tại Việt Nam. Chúng ta luôn học hỏi và lắng nghe vì ý thức được việc quản lý một đất nước hay địa phương không chỉ cần có ý chí chính trị mà còn cần rất nhiều kiến thức chuyên môn.
Chúng ta là những đảng phái chính trị sẳn sàng để khi có điều kiện thì có ghế trong quốc hội Việt Nam, khi có nhiều ghế thì thành đảng đối lập, và khi có ý chí của người dân đủ thì chúng ta là đảng cầm quyền.
Chúng ta không có bất cứ nhu cầu lật đổ đảng Cộng sản hay làm hại bất cứ đảng viên Cộng sản nào hay gia đình của họ. Đó là những đồng bào có tiếng nói chính trị khác mà chúng ta cần phải thuyết phục. Dầu biết họ nghi kị và sẳn sàng đàn áp chúng ta, chúng ta cần kiên nhẫn và ôn hòa tranh đấu vì một nước Việt tự do có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm những người đang hay đã là đảng viên Cộng sản.
Những người Cộng sản bằng cách quản lý đất nước kém cỏi đã làm mất đi niềm tin của người dân không chỉ vào nhà nước, mà nguy hiểm hơn là vào chính đất nước Việt Nam. Chúng ta không thể cho phép sự thất bại của những người Cộng sản là sự thất bại của nước Việt.
Đất nước Việt Nam cần thay đổi. Chúng ta đang đứng trước yêu cầu bức thiết của sự tồn vong của người Việt, của nước Việt. Nếu chúng ta quay mặt và tự chối trách nhiệm, ai sẽ là người làm thay chúng ta?
Chúng ta có thể là bất cứ ai, là bạn, là tôi, là những người viết những dòng này, đọc những dòng này, hay đơn giản là những người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét