Các cuộc biểu tình đang nổ ra trên khắp Trung Đông, gồm cả Iraq-AFP
Khi những ngày cuối cùng của mùa hè ở Trung Đông sắp qua đi, khu vực này liệu có rơi vào một Mùa xuân Ả Rập mới không? Tại Iraq, người biểu tình bị bắn chết trên đường phố. Tại Lebanon, người biểu tình làm tê liệt đất nước và dường như chuẩn bị hạ bệ chính phủ của thủ tướng Saad al-Hariri.
Trong những tuần gần đây, lực lượng an ninh Ai Cập đã đè bẹp nỗ lực phản đối chống lại chính quyền của Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi.
Iraq, Lebanon và Ai Cập có rất nhiều điểm khác biệt. Nhưng những người biểu tình có chung những bất bình, và chúng được chia sẻ bởi hàng triệu người, đặc biệt là giới trẻ, trên khắp Trung Đông.
Theo thống kê sơ bộ có khoảng 60% dân số trong khu vực dưới 30 tuổi. Dân số trẻ có thể là một tài sản lớn với một quốc gia. Nhưng chỉ khi nền kinh tế, hệ thống giáo dục và các thể chế của nhà nước vận hành tốt để đáp ứng nhu cầu của họ, và với một số trường hợp ngoại lệ thì điều đó không xảy ra.
Giới trẻ ở Iraq, Lebanon và những nơi khác trong khu vực thường mệt mỏi vì những thất vọng mà có thể dễ dàng dẫn tới cơn thịnh nộ.
Tham nhũng tràn lan
Hai trong số những khiếu nại lớn nhất của người biểu tình là chống tham nhũng và thất nghiệp. Cái này dẫn tới cái kia.
Iraq được xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo các chỉ số tham nhũng trên toàn thế giới. Lebanon đỡ hơn một chút, nhưng không nhiều.
Tham nhũng được xem như căn bệnh ung thư. Nó nuốt chửng tham vọng lẫn hy vọng của các nạn nhân.
Những người thất bại trong một hệ thống tham nhũng có thể rất tức giận, và rất nhanh chóng ngay cả khi những người có trình độ đào tạo cũng không kiếm được việc làm, và họ chứng kiến có những người đang nhồi nhét cho đầy túi họ.
Khi các thể chế của nhà nước - chính phủ, tòa án và cảnh sát - liên kết với nhau, nó là dấu hiệu cho thấy cả hệ thống đang thất bại.
Ở cả Lebanon và Iraq, người biểu tình không chỉ muốn chính phủ của họ từ chức. Họ còn muốn toàn bộ hệ thống quản trị được cải tổ hoặc thay thế.
Ngọn lửa bùng cháy
Một trong những thực tế thảm hại của Iraq là bạo lực đã ăn sâu vào xã hội. Khi những người biểu tình chống thất nghiệp, tham nhũng và chính phủ xuống đường, ngay lập tức súng đạn được sử dụng để chống lại họ.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Iraq, cho đến nay, dường như là không có người lãnh đạo. Nhưng nỗi sợ hãi trong chính phủ là khi thời gian trôi qua, và thương vong gia tăng, họ có thể trở nên có tổ chức hơn.
Người biểu tình nhắm vào các pháo đài quyền lực của chính phủ, đáng chú ý là Vùng Xanh (Green Zone) bao quanh ở Baghdad. Nơi đây từng là trung tâm chiếm đóng của Hoa Kỳ. Giờ đây nó là nơi tọa lạc văn phòng chính phủ và sứ quán, cũng như nhà của những người nổi tiếng.
Các cuộc biểu tình khởi phát từ Baghdad, và đã lan rộng. Qua một đêm tại thành phố thánh Karbala, có nhiều báo cáo chưa được xác nhận về số người thiệt mạng và bị thương khi những người biểu tình phóng hỏa. Video được đăng tải trên mạng xã hội về những người đàn ông đang chạy khỏi đám cháy.
Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, tỷ lệ thương vong tăng đều đặn. Tin từ Baghdad cho hay một số binh sĩ Iraq xuất hiện cùng với quốc kỳ quấn quanh vai, cho thấy những gì dường như là sự đoàn kết với người biểu tình.
Nhưng báo cáo cũng nói rằng những người đàn ông mặc đồ đen, một số đeo mặt nạ, đã nổ súng. Có giả thuyết cho rằng họ là dân quân thân Iraq.
Công việc dang dở
Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Lebanon hôm 17/10 sau khi chính phủ áp dụng thử thuế đối với thuốc lá, xăng dầu và cuộc gọi trên ứng dụng WhatsApp. Thuế mới này đã nhanh chóng bị hủy bỏ nhưng đã quá muộn.
Lúc đầu, các cuộc biểu tình ở Lebanon rất hòa nhã. Nhưng căng thẳng rất thực tế ở nước này đang hiện ra, với một số vụ bạo lực bùng phát.
Vậy thì đây có phải là một Mùa xuân Ả Rập? Hơn bất cứ điều gì, nó là biểu hiện của công việc còn dang dở từ năm 2011.
Các cuộc nổi dậy năm đó đã không mang lại tự do vốn được mong mỏi cho những người biểu tình chống lại các nhà lãnh đạo chuyên chế. Nhưng người ta vẫn đang cảm nhận hậu quả của cuộc nổi dậy, trong số đó là chiến tranh ở Syria, Yemen và Lybia, và một nhà nước Ai Cập hà khắc hơn.
Và những bất bình đã châm lửa cho các cuộc nổi dậy hồi năm 2011 vẫn còn đó, một số trường hợp còn sâu sắc hơn.
Sự thất bại của hệ thống tham nhũng để đáp ứng nhu cầu của phần lớn dân số và những người trẻ đảm bảo rằng sự giận dữ và thất vọng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ không biến mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét