Khung cảnh trong một ngôi làng ở huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều người tìm cách sang Anh Quốc để mưu sinh. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)
Việc khám phá ra thi thể 39 người chết vì ngạt và rét bên trong một chiếc xe container ở phía sau một xe tải tại miền Nam nước Anh là một điều nhắc nhở mạnh mẽ cho người ta thấy những nguy hiểm mà con người có thể chấp nhận để đi tìm một cuộc sống tốt hơn.
Cảnh sát đầu tiên nghĩ rằng tất cả những nạn nhân đều là người Trung Quốc, nhưng nay người ta biết rằng hầu hết là người Việt và một số tin còn nói có thể tất cả đều là người Việt. Điều lạ là hầu hết những nạn nhân này đều đến từ một vùng của Việt Nam, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nghệ An và Hà Tĩnh vốn vẫn là hai trong những tình nghèo nhất tại Việt Nam từ xưa tới nay và dân chúng vẫn có truyền thống đi kiếm ăn phương xa nếu không nói là di cư sang sống tại nơi khác. Nhưng có lẽ chưa thời nào họ lại mạo hiểm đi xa và đi trong nguy hiểm như thế này.
Theo như tường thuật của phóng viên đài Al-Jazeera trong môt chương trình đặc biệt về việc buôn bán nô lệ hiện đại năm 2016, trong đó một phóng viên của đài giả làm người muốn xuất ngoại bất hợp pháp thì chuyến đi đầy nguy hiểm. Trên nguyên tắc, đám buôn người này sẽ đưa những người muốn đi lậu bằng máy bay sang Nga. Từ Nga họ sẽ được chở bằng xe sang Tây Âu rồi từ đó sang Anh. Những người đi đều được trấn an rằng cả tiến trình này không có gì nguy hiểm và chỉ mất chừng vài tuần.
Nhưng thực tế khác hẳn. Con đường đi của họ đầy những hiểm nguy, bạo lực, và đối với phụ nữ còn có thêm vấn đề sách nhiễu tình dục. Điều tra của Al-Jazeera cho thấy một số phụ nữ Việt sang Anh may mắn kiếm được việc tại các tiệm nail và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình, cũng có nhiều người bị buộc phải làm nô lệ không công hoặc là được trả luơng rất ít và còn phải đi làm mại dâm vào buổi tối.
Không có công ăn việc làm, môi sinh hủy hoại, băng đảng buôn lậu người, lơ là và khuyến khích của các giới cầm quyền cũng như cách đối xử kỳ thị của chính quyền đối với cộng đồng Công Giáo,… đều là những yếu tố đóng góp vào việc người ta bỏ ra đi.
“Hầu hết mọi người ở đây đều có một bà con ở nước ngoài.” Đó là lời ông Bùi Thạc mà người cháu ông là Bùi Phan Thắng đang bị e sợ là nằm trong số những người chết trong chiếc container tại Anh.
Và ông nói thêm: “Hầu hết các gia đình tại đây đều có người ra nước ngoài. Người già ở lại nhưng người trẻ đều phải kiếm đường ra nước ngoài vì ở nhà không kiếm ra việc.”
Đối với chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam thì việc xuất khẩu lao động là một trong những chính sách được đặt ưu tiên, nhất là đối với những tỉnh nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh. Thu nhập đầu người tại hai tỉnh này thấp hơn nhiều so với toàn quốc. Trong lúc thu nhập đầu người trung bình cho toàn cõi Việt Nam là $2,540 một năm thì tại Nghệ An chỉ có $1,636 và Hà Tĩnh $2,217. Nếu không nhờ có tiền của những người ra nước ngoài gửi về thì tình trạng còn tệ hơn nhiều. Theo thống kê chính thức, Nghệ An nhận được trung bình mỗi năm khoảng $255 triệu.
Nhưng cơ hội được đi xuất khẩu lao động chính thức không nhiều và phải có quan hệ. Và nếu bạn là một người Công Giáo thì cơ hội này lại càng nhỏ. Thành ra không có gì lạ khi đa số những người đi lậu này là người Công Giáo. Trong số những nạn nhân chết trong vụ này mà đã được nhận diện, đa số đều có tên thánh.
Thị xã Kỳ Anh là một huyện lỵ nhỏ nằm ở phía Ðông Nam tỉnh Hà Tĩnh, ngay phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Đây là một nơi có phong cảnh rất đẹp, có cảng Vũng Áng là nơi mà có thời là một trung tâm buôn lậu lớn trong khoảng sau 1975, thời Cộng Sản Việt Nam còn bị phong tỏa kinh tế.
Những năm về sau, tuy rằng cuộc sống không còn được phồn thịnh như thời còn cảng Vũng Áng nhưng cũng không đến nỗi nào. Nhưng đến năm 2016 một tai họa đổ xuống đầu thị xã Kỳ Anh và cả huyện.
Nằm giữa những bãi cát bờ biển và những thửa ruộng nghèo, các ống khói khổng lồ của nhà máy luyện thép Formosa Steel Plant đè nặng lên đầu cái góc nhỏ này của tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy này, chủ là công ty Đài Loan Formosa Plastic, năm 2016 đả xả nước thải độc hại xuống biển tạo ra một thiên tai môi sinh tồi tệ nhất của Việt Nam biến vùng biển này thành một bờ biển chết mà đến nay vẫn còn chưa hồi phục.
Dân ở đây chỉ còn cách là đi tha phương cầu thực. Và hầu hết những nạn nhân mà người ta biết cho đến nay đều xuất phát từ đây.
Trong một buổi lễ đặc biệt tổ chức tại nhà thờ Mỹ Khánh hôm Thứ Bảy vừa qua, cha Anthony Đặng Hữu Nam, đặt câu hỏi: “Tại sao có biết bao nhiêu người Việt phải trả bao nhiêu tiền chỉ để chết? Tại sao Việt Nam không còn chiến tranh nữa mà người ta vẫn phải bỏ đi sang nước khác?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét