Tôi chưa lãng mạn tới mức ẩn dụ như người ta “đường cách mạng”, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, “đường hạnh phúc gian nan lắm khúc”, “nào bên nhau cầm tay, ta lên đường hạnh phúc”… Cũng chả phải đường theo kiểu đường lối chính trị chính em. Tôi chỉ nói về đường đi trên mặt đất, cho vùng đồng bằng Nam Bộ.
Báo chí dư luận đang eo sèo về dự án đường sắt trị giá 100.000 tỉ đồng nối từ Lào Cai xuống Hà Nội và bò ra tận biển Hải Phòng. Từ Lào Cai ngược về phía bắc, nối tới đâu thì ai cũng biết. Có người bảo đó là nhánh rễ của “Vành đai và Con đường” dù xứ này mặt thì tuyên bố không ủng hộ nhưng lòng ngấm ngầm thực thi. Tôi kệ, chỉ biết đổ vào đó một trăm nghìn tỉ thì quá khiếp. Cũng chả khác gì từng đổ biết bao nhiêu nghìn tỉ vào cái con rắn bê tông loằng ngoằng Cát Linh – Hà Đông mà chưa biết sẽ thu lại được gì.
Nói tới hai con đường trên, sực nhớ một anh em với nó là tuyến đường sắt chạy tuốt từ Yên Viên (Hà Nội) tới thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ném vào đây cả núi tiền. Đường xe lửa này được mở cách nay 17 năm, mỗi ngày chạy 1 chuyến khứ hồi, chuyến nào đông nhất được chục khách, còn bình thường chỉ có một vài khách, chủ yếu là hai bà buôn rau từ Bắc Ninh về Hạ Long. Duy trì cho nó hoạt động cũng cả núi tiền nữa. Đủ cả nhà ga, lái tàu, người bán vé, người phục vụ, kiểm tu, gác cửa, bảo dưỡng, xăng dầu… hằng ngày chỉ phục vụ hai bà bán rau. Ai cũng thấy, dân thấy, chính phủ thấy nhưng cứ kệ, cùng lắm thì bảo để phục vụ mục đích an ninh quốc phòng là xong. Như cái sân gôn Tân Sơn Nhất phục vụ an ninh quốc phòng, thế là tắt đài, kể cả đài Nguyễn Thiện Nhân.
Tạm gác chuyện lãng phí hoặc nguy cơ lãng phí. Vấn đề còn ở chỗ khác. Những con đường mà tôi vừa kể đều ở phía bắc. Tháng 10 vừa rồi, tôi có việc ra Bắc. Tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” về đường sá. Chưa đi được nhiều, chỉ Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng phải công nhận hệ thống đường giao thông miền Bắc cực kỳ hoành tráng, hiện đại. Những con đường nhựa cao tốc hai làn ngược chiều song song kéo dài ngút tầm mắt. Cửa ô thủ đô đường sá trập trùng, cái cao cái thấp, cái thẳng như thước thợ, cái cong như dải lụa. Đi Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… xe bon bon, cảnh trí hai bên vun vút lướt qua chóng mặt. Nói gì thì nói, chủ nghĩa xã hội xây dựng tới đâu rồi, chưa biết, nhưng đường sá ở miền Bắc đã mấp mé thềm chủ nghĩa cộng sản. Nhớ bài hát của cụ Hoàng Vân “Ơi, những con đường ta yêu biết mấy, đường từ nhà máy, đường về nông thôn”, thật ấn tượng với đường.
Lại nghĩ thương cho miền Tây Nam Bộ. Chỉ cần ra khỏi cửa ngõ Sài Gòn về phía tây, tức là về đồng bằng sông Cửu Long là thấy ngay. Quốc lộ 1 ngày nào, phần qua huyện Bình Chánh (Sài Gòn) và Bến Lức (Long An) nhiều đoạn giờ như cái đường làng, lởm khởm, nhấp nhô. Hai lề đường tan nát, lộn xộn, chả cống rãnh gì, bùn lầy nước đọng. Đi trên đường này vào ngày mưa, không khác xuống địa ngục. Tôi chạy xe máy mấy lần đi Long An, cứ tới nơi đến hoặc sau khi về nhà, người trông như móc dưới cống lên. Đó là chưa kể xe cộ chen chúc, tai nạn rình rập từng phút.
Tôi thỉnh thoảng có việc về Tây Nam Bộ, khi xe đò, lúc xe máy, tận mắt chứng kiến hệ thống đường sá ở đây. Ngoại trừ việc đã có đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương khoảng 70 cây số nối Sài Gòn với miền Tây gánh đỡ cho quốc lộ 1 một đoạn, và mấy cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống (gần nửa thế kỷ mới làm được bi nhiêu cầu), thì hầu như hệ thống đường sá cho vựa lúa chỉ được nâng cấp, sửa chữa, chắp vá, thêm thắt tí chút vào mạng lưới đường mà hãng thầu công lộ RMK của Mỹ hồi xưa từng làm. Nói một cách khách quan, sự đi lại, giao thông của miền Tây Nam Bộ hiện thời thua xa so với miền Bắc, không khác gì vùng sâu vùng xa so với thành phố loại 1. Chỉ có trạm BOT trấn lột là không thua kém.
Cũng dễ hiểu khi ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sốt ruột, thúc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Vựa lúa, thịt cá, trái cây nuôi cả nước mà kéo dài mãi cảnh “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”, để vậy coi sao đặng. Nhưng ông Phúc ạ, tôi nói thẳng, chỉ thêm cái cao tốc ấy cũng chưa giải quyết được bao nhiêu, mới chỉ là trung lộ, còn rất nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác ở nơi này đang nằm trong tình trạng đường làng, nếu không được chăm chút đầu tư, làm mới cho thật tử tế thì còn lâu miền Tây mới cất cánh bay lên được.
Tôi phản đối những ý kiến cho rằng có sự phân biệt vùng miền, nhất bên trọng nhất bên khinh khi nhà nước đổ tiền xây dựng hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cứ nhìn vào thực tế nơi này nơi nọ thì thấy không phải họ nói không có lý.
Đừng nghĩ miền Tây Nam Bộ kênh rạch chằng chịt, đi ghe đi xuồng là ổn rồi, đường sá làm gì cho tốn kém. Đừng đợi tới khi bụng đói meo mới giật mình bảo sao mãi chưa thấy gạo miền tây đưa lên nhỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét