Hình minh họa. Sinh viên Hong Kong đeo mặ nạ trước lễ tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hong Kong hôm 5/11/2019, đánh dấu một tháng lệnh cấm đeo mặt nạ tham gia biểu tình ở Hong Kong. Ảnh AFP
Một văn bản do Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. HCM ký mới đây cho biết những tổ chức, cá nhân “xuyên tạc, vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật". Văn bản do bà Nguyễn Thị Minh Hồng ký ngày 21/11 được đưa ra sau khi mạng xã hội xôn xao chuyện một số Facebooker tự nhận là sinh viên Đại học Sư Phạm TP.HCM cáo buộc rằng họ bị hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM ra lệnh miệng cấm sinh viên share post về biểu tình ở Hồng Kông, nếu vi phạm thì sẽ bị đuổi học.
Văn bản không xác nhận mà cũng không phủ nhận tin đồn này.
Những cuộc biểu tình đòi dân chủ và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh của người dân Hong Kong, đặc biệt là của giới trẻ là các sinh viên và học sinh đã diễn ra suốt hơn 5 tháng qua vẫn hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tin tức và hình ảnh về những biểu tình phản đối và đụng độ giữa các sinh viên và cảnh sát Hong Kong tràn ngập mạng xã hội Việt Nam thời gian qua. Thậm chí đã có nhiều người Việt Nam lên tiếng ủng hộ phòng trào này ngay trên Facebook.
Một giảng viên đại học không muốn nêu tên trường vì lý do an toàn nói với Đài Á Châu Tự Do việc “Cấm sinh viên share post về Hồng Kông là làm hại sinh viên”
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học, nói với RFA:
“Theo như tôi biết thì tin ấy là có thật. Là bởi vì tôi có một số bạn trên Facebook làm việc, học ở trường đó thì họ nói là có lệnh đó thật. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về chuyện đấy. Thế nhưng ở Việt Nam bây giờ thì quyền ngạc nhiên hơi nhiều quá rồi nên ở Việt Nam mọi chuyện đều có thể.”
“Ở nước ngoài theo như tôi biết, người ta muốn cấm một cái gì đó thì phải có bản căn cứ vào luật. Ví dụ ở Việt Nam thì có hai văn bản để căn cứ. Thứ nhất là luật Giáo dục, thứ hai là quy chế quản lý sinh viên của nhà trường. Theo như tôi biết, luật Giáo dục trong cái quyền và nghĩa vụ của sinh viên thì không thấy nói gì về chuyện ấy cả.”
“Quyền của người học là học tập, rèn luyện theo chương trình, tôn trọng nhà giáo, cán bộ… Tôi không thấy trong cái này có bất kỳ cái gì quản lý về ý kiến của cá nhân người học cả.”
Hôm 22/11, RFA gọi điện cho bà Nguyễn Thị Minh Hồng và hiệu phó Huỳnh Văn Sơn nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.
Số điện thoại ban giám hiệu của trường này cũng thường xuyên bận máy.
Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, luật Giáo dục “không cấm phát ngôn trên mạng".
Bàn thêm về “lệnh miệng” được cho là do hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, ban hành, bà Ánh nói:
“Nếu như đấy là lệnh miệng thì tôi lấy làm ngờ có lẽ quy chế của nhà trường cũng chẳng có đâu. Tôi không tin là việc như vậy thì có thể đuổi học được sinh viên như người ta nói. Vì muốn đuổi học sinh viên thì phải có luật chứ không thể bỗng dưng làm như thế được. Lệnh ấy do ai đưa ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Đó là chuyện đương nhiên.”
Bà Nguyễn Hoàng Ánh nói rằng bà vừa tìm đọc quy chế trường Đại học Sư Phạm TP.HCM và “không hề nhìn thấy bất kỳ quy định nào như là cái điều mà người ta đang nói đến".
Bàn về việc chia sẻ chủ đề biểu tình ở Hồng Kông trên mạng xã hội ở Việt Nam, bà Ánh nhận định:
“Cá nhân tôi thì không nghĩ rằng đấy là một thông tin nhạy cảm. Bởi vì là không chắc những người share thông tin đấy là người ta đang ủng hộ bên nào. Đó là thông tin mà toàn thế giới đều quan tâm. Nếu như chúng ta mở báo thì hẳn chúng ta đều nhìn thấy rằng trên dòng headline của bất kỳ báo nào trong cả nửa tháng vừa rồi thì luôn có một cột dành cho Hồng Kông.”
“Cho nên, tôi nghĩ là một người sẽ là trí thức trong tương lai, thì việc chúng ta dạy sinh viên quan tâm đến tình hình thời sự chính trị-kinh tế của thế giới, [để họ] sau này trở thành người am hiểu và có thể trở thành người sống có ích cho xã hội, đó là điều cần thiết. Việc hạn chế sinh viên tìm hiểu về bất kỳ lĩnh vực nào trong những chuyện mà thế giới xung quanh đều biết thì đều là làm hại sinh viên cả!’
Chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt việc người dân bày tỏ ý kiến trên mạng, đặc biệt là những vấn đề có tính nhạy cảm như dân chủ, chính trị. Quyền biểu tình của người dân dù được hiến pháp công nhận nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua luật này. Trong những cuộc biểu tình rầm rộ hồi năm 2016 phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng, nhiều người dân đã bị bắt vì tham gia biểu tình. Một số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam ra thông báo chính thức bằng văn bản trên trang web yêu cầu sinh viên không tham gia biểu tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét