Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

43 - Đầu năm nghĩ về tình người và về hòa giải, hòa hợp trong xã hội Việt Nam

Sáng nay đến thăm con gái nhỏ đang ốm. Nhìn khuôn mặt đỏ bừng do tác động của thân nhiệt 38°C mà thấy thương nó quá. Kiểm tra việc nó uống thuốc rồi hai bố con tâm sự với nhau như khi nó còn bé, mỗi lần nó sốt như thế này là tôi thường ngồi cạnh giường xoa lưng, xoa đầu giúp nó ngủ. Hôm nay nó không ngủ dù tôi lại chăm sóc nó như thời nó bé xíu.

Đang xoa đầu thì chợt nhiên nó hỏi tôi một câu: “Bố ơi, sao người Việt Nam ác thế? Sao họ thích đánh nhau mà cả một nhóm xúm vào đánh một người. Họ giật tóc, đánh vào mạng sườn rồi còn đạp lên đầu khi người kia đã nằm dưới đất? Tại sao những người đứng xung quanh không xô vào can mà chỉ đứng nhìn???”.

Hỏi ra thì nó cho biết là nhìn thấy những video clip các cháu học sinh nữ đánh nhau mà thỉnh thoảng có ai đó đăng trên mạng rồi tag tên tôi vào nên hiện trên trang của nó. Đang bí chưa biết giải thích thế nào thì con gái bồi thêm cho một câu: “Họ cũng ác như cái cô trong chuyện cổ tích mà bố kể cho con nghe hồi bé à?”. Chỉ một câu hỏi ngắn như vậy đã đưa tôi trở về thời gian cách đây gần 30 năm, khi con gái mới 3 tuổi.

Hồi ấy, trong những ngày vợ tôi, một bác sĩ nhi khoa phải trực đêm, trực cấp cứu trong bệnh viện thì tôi thường mang truyện cổ tích của Séc ra đọc cho hai đứa trước khi chúng đi ngủ. Vừa để ru chúng ngủ và đồng thời cũng giúp tôi củng cố thêm cái vốn tiếng Séc của mình. Hồi đó tôi đã đọc cho hai đứa nghe nhiều chuyện cổ tích lắm. Một tối tự nhiên hai đứa “dở quẻ” muốn nghe tôi kể về chuyện cổ tích Việt Nam và thế là tôi đã kể cho chúng nghe cậu chuyện “Tấm Cám”. Tuy lúc đó khả năng tiếng Séc của mình còn kém rất nhiều so với bây giờ nhưng tôi cũng đã cố gắng tóm tắt để hai đứa hiểu. Đến đoạn Tấm dùng thân thể Cám làm mắm biếu bà mẹ ghẻ thì cả hai cùng bịt tai lại, không muốn nghe nữa và đó cũng là câu chuyện cổ tích Việt Nam duy nhất mà chúng đã được nghe. Hành động của hai đứa đã giúp tôi hiểu ra. Chúng không thể, không muốn nghe và không chấp nhận những chuyện “cổ tích” như vậy mặc dù con gái lớn mới 7 tuổi và con gái thứ hai mới 3 tuổi.

Có lẽ chẳng người Việt Nam nào, từ già đến trẻ mà không biết chuyện “Tấm Cám”. Hồi nhỏ, chúng tôi đã được học, được đọc, thậm chí còn được xem các vở diễn về câu chuyện này nhưng cả lũ học sinh chúng tôi đều hể hả với sự trả thù của cô Tấm trước sự ngược đãi của mẹ con Cám. Không thày cô nào, không sách vở nào chỉ cho chúng tôi sự tàn bạo đến rợn người của Tấm, một cô gái được cả xã hội khen ngợi.

Vì hồi nhỏ tôi là con mọt sách, đọc rất nhiều nên tôi đã đọc cả tập truyện cổ tích của Andersen, của anh em Grimm hay những truyện cổ tích của Nga nên tôi vẫn nhớ rằng kết thúc của các câu chuyện đều có hậu, người hiền lành, dù trước đó bị bạc đãi sẽ được hưởng hạnh phúc, còn những kẻ tàn bạo sẽ bị trừng phạt nhưng không kẻ nào bị trừng phạt dã man nhưng mẹ con Cám.

Sau buổi bị hai con gái phản đối thì tôi đã đến thư viện thành phố để mượn về nhà những tập truyện cổ tích của các nước trên thế giới rồi hàng tối đọc cho các con nghe. Tôi bắt đầu để ý đến kết cục của các câu chuyện nhưng không bao giờ tôi thấy được một kết cục như câu chuyện “Tấm Cám” của Việt Nam. Cũng từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu nhưng ở cái thời chưa có internet, chưa có thông tin phổ cập như bây giờ thì rất khó.

Tôi lao vào tìm hiểu lịch sử của các nước trên thế giới, kết cục của các cuộc chiến tranh để rồi nhận ra rằng chính có các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa mới có những hình thức trả thù đối phương, thậm chí đối với những người cùng chiến tuyến chông Phát Xít Đức nhưng không đứng trong hàng ngũ cộng sản tàn bạo như vậy. Một trong những ví dụ điển hình là binh đoàn không quân RAF (Royal Air Force) của những người lính Séc – Slovakia phục vụ trong đội quân của Hoàng Gia Anh đã góp nhiều chiến công rực rỡ trong cuộc chiến tranh với Phát Xít Đức ở Đại chiến thế giới lần thứ hai sau chiến thắng hồi tháng 5.1945 đã trở về quê hương Tiệp Khắc của mình với mong ước được góp xây xây dựng đất nước nhưng họ đã chịu hậu quả thảm khốc của nhà cầm quyền cộng sản. Những ai trong số đó không chạy ra nước ngoài đều bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ trong những điều kiện khốc liệt và bị đưa để những mỏ uran để khai thác quặng uran cung cấp cho Liên Xô chế biến, sử dụng trong năng lượng nguyên tử. Tại các nước Đông Âu khác đều có những tình trạng tương tự.

Tôi lại nghĩ đến việc nhà cầm quyền Hà Nội, ngay sau ngày 30.4.1975 đã bắt tất cả các binh sĩ và những ai đã làm việc cho nhà nước VNCH đi cải tạo nhưng thực tế là tống họ vào những trại giam với điều kiện khắc nghiệt trong nhiều năm. Có người phải chịu cuộc sống đó hàng chục năm. Hành động đó đâu có thể che đậy bằng hai chữ CẢI TẠO. Đó là hành động TRẢ THÙ. TRẢ THÙ MẤT TÍNH NGƯỜI với tất cả những ai đã không đứng cùng trận tuyến với họ. Điều đã không xảy ra sau cuộc chiến tranh Bắc chống Nam ở Mỹ từ những năm 1861 – 1865.

Sau những năm 1990, khi xuất hiện internet thì tôi bắt đầu tìm hiểu sâu về lịch sử của quê hương mình. Điều đó đã giúp tôi nhận ra một điều là các triều đại phong kiến ở Việt Nam đều đã có những hành động đối xử với nhau như vậy. Hình phạt “Chu di tam tộc”, từ người già đến trẻ sơ sinh, đào bới hài cốt của những người đã chết để hủy hoại, … hình thành từ những năm phong kiến xa xôi. Thế chế sau, khi đã tiếm quyền, lật đổ thể chế trước đã luôn tìm mọi cách hủy diệt tất cả những gì đã có được từ trước, từ con người đến tài sản quốc gia. Có lẽ vậy nên ở Việt Nam bây giờ chỉ còn tồn tại rất ít những di tích lịch sử của các triều đại phong kiến.

Hồi còn sống ở Việt Nam, tôi thường được nghe giải thích việc nghèo nàn các di tích lịch sử vì lý do phong kiến Việt Nam là phong kiến nghèo nàn nên không để lại cho hậu thế nhiều di tích lịch sử đáng giá. Sau này, khi ra sống ở nước ngoài, được tận mắt nhìn thấy những di tích lịch sử của các nước bên Châu Âu, nhìn các nước nâng niu, trân trọng từng di tích một thì tôi mới hiểu ra những điều tôi được nghe trước đây chỉ là những điều giả dối. Chỉ cần so sánh cái Lăng Hoàng Cao Khải mà tôi thường vào lang thang khi còn sống ở Việt Nam trước đây với cái gọi là “Lăng Hoàng Cao Khải” bị tàn phá tan hoang bây giờ thì cũng đủ hiểu.

Ngày nay, dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản thì cái tình người ở Việt Nam càng ngày càng trở nên tồi tệ. Sự vô cảm, sự hằn học đang ngày càng tăng trong quan hệ xã hội không chỉ với người ngoài mà ngay trong các gia đình. Trong khi có những cá nhân, những nhóm ít người đang cố gắng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn thì đại đa số thờ ơ với số phận đó. Trong khi dân làng này sẵn sàng quyết tử để chống lại bọn cường hào cướp đất thì dân làng bên cạnh vẫn ung dung sống như không hề có chuyện gì xảy ra. Họ cho rằng những điều đang xảy ra không đụng chạm đến miếng cơm, manh áo của họ. Formosa là một đại thảm họa cho môi trường, cho con người Việt Nam nhưng mấy ai quan tâm, trăn trở. Hình như họ nghĩ rằng đại thảm họa đó không đụng chạm gì đến cuộc sống của họ, của gia đình họ. Hình như họ nghĩ rằng đại thảm họa đó chỉ gây ảnh hưởng cho những ai trực tiếp sống ở vùng đó và vì vậy những người dân sống ở vùng đó phải tự lo.

Nhiều người, nhất là những ai đang đứng dưới lá cờ của đảng cộng sản cho đến bây giờ vẫn lên tiếng chửi bới những ai đã sẵn sàng mang mạng sống của mình ngoài biển khơi đến tìm cuộc sống tự do cho bản thân, cho gia đình. Họ đã phải bỏ tất cả tài sản của mình lại đằng sau để ra đi dù chỉ với hai bàn tay trắng. Liệu có mấy ai cảm nhận được tâm tư đau đớn của họ trước khi bước chân xuống thuyền để ra biển khơi cho dù tương lai hoàn toàn mù mịt.


Hy vọng vào sự hòa giải – hòa hợp của những ai đang mang ý thức hệ cộng sản là một điều không bao giờ có thể thực hiện được. Đó là tội lỗi của chế độ cộng sản. Chúng đã sản sinh ra những con người với những suy nghĩ ích kỷ, luôn nuôi nấng thù hận như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét