Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

45 - Đầu năm cuối năm lại nói đến Trump


Nếu có một nhân vật làm câu chuyện đầu và cuối (Alpha and Omega) của 2017, 2018, 2019, 2020, 2021… thì phải là Trump. Cho dù ông có sẽ bị truất phế hay làm Tổng thống một hay hai nhiệm kỳ thì chắc chắn Trump sẽ không bị quên lãng, cộng theo câu hỏi nhức nhối rằng tại sao dân Mỹ bầu cho Trump?

Câu trả lời rất đơn giản và quen thuộc với mọi người Mỹ gốc Việt: giàu thì sướng, nghèo thì được nhà nước lo từ ăn ở, sức khỏe cho đến con cái đi học, chỉ có giới trung lưu là bị chặt thuế đẹp từ trong paycheck! Nên người trung lưu Hoa Kỳ đã phẫn nộ bỏ phiếu cho một ông tỷ phú thô lỗ và bịp bợm nhưng ít nhất trong thời gian tranh cử dám thọt ngón giữa (stick the finger, tức là chửi Đ.M.) vào mặt giai cấp quyền thế (the power elites) lẫn đám trí thức cấp tiến (the liberals) cùng truyền thông dòng chính (mainstream media)… cho đỡ tức.

Có người phản đối, cho rằng giới trung lưu ở Cali, New York không bỏ phiếu cho Trump. Nhưng nhiều người cho rằng Cali ngày nay không còn là Mỹ nữa khi hầu như chỉ có Việt Nam, Mễ, Đại Hàn, Tàu, Ấn Độ sống tại đó.

Giai cấp trung lưu là cột trụ của nền dân chủ. Giới trung lưu đi bỏ phiếu đông nhất và khơi mào cho những cuộc tranh đấu làm thay đổi nước Mỹ tận gốc rễ như quyền bình đẳng màu da, bình đẳng nam nữ, cùng vai trò của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Cho nên không lấy làm lạ khi giới trung lưu bị moi rỗng ruột (the hollowing out of the middle class) thì nền dân chủ Hoa Kỳ cũng bị lung lay: tựu trung vì hai chuyện thuế má và công ăn việc làm.

Một thực tế xã hội là nhà giàu dùng mánh khóe và quyền lực để không trả thuế [*], còn người nghèo không có tiền trả thuế. Giới trung lưu ăn học nhiều nên dễ bị dụ chia thành hai phe cãi nhau: (1) Cánh bảo thủ đòi giảm thuế cho tư bản; (2) Phe cấp tiến đòi tăng thuế cho các chương trình xã hội. Nhưng dù tăng hay giảm thì chỉ có giới trung lưu è cổ trả tiền: một đại công ty được miễn thuế 1 tỷ USD, hay 2000 người nghèo lãnh mỗi người 500 ngàn USD trợ cấp ăn ở, y tế, thì phải có người bù đắp vào lỗ trống đó. Giới trung lưu lý luận, đi bầu và… trả tiền, nhưng không có người đại diện, trong khi tư bản đầy quyền lực (the power elites), còn nhà nghèo thì được thành phần trí thức cấp tiến (the liberals) bênh vực. Trump gọi đây là nền chính trị dàn dựng (the system is rigged). Cho nên sự phẫn nộ nơi lá phiếu cho Trump khác hẳn với phong trào đấu tranh giai cấp vào thế kỷ 19-20 như một hiện tượng xã hội mới của các nền dân chủ Tây Phương trong thế kỷ 21.

Hai cánh Tân Bảo Thủ (neo-conservatism) và Tự Do Cấp Tiến (liberalism) lại đồng quan điểm muốn nước Mỹ làm sen đầm quốc tế (world police) bảo vệ và phát huy cho nền thương mại và tự do toàn cầu (globalization). Hoa Kỳ dàn dựng WTO, tốn kém 1500-4000 tỷ USD (tùy theo cách tính) cho chiến trường Trung Đông, nhưng dân chúng mất tinh thần khi thấy Trung Quốc ngày thêm phát triển và có thể qua mặt Mỹ trong 10-20 năm tới đây. Dân chủ và tiến bộ toàn cầu chỉ là bánh vẽ khi công nhân Hoa Kỳ trong các ngành thép, than đá, xe hơi, điện tử, v.v. mất việc hàng chục năm, hay ngay cả những chuyên viên trên 50 tuổi không hy vọng tìm ra việc làm khác tương xứng. Thôi thì mạnh nước nào lo chuyện của mình trước đã – America First.

Điều cuối cùng khiến dân chúng nổi nóng khi đảng Dân Chủ trước đây bênh vực cho quyền lợi công nhân nay quay sang cổ võ cho dân di cư, đồng tính, phá thai và người nghèo không chịu đi làm để… kiếm phiếu. Cho nên một ông Tổng thống thô lỗ như Trump lại trở thành đầu đàn cho cuộc chiến tranh văn hóa (cultural war) đả phá thành phần Tự Do Cấp Tiến và truyền thông dòng chính. Tư cách và các phát ngôn ngợm nghĩnh của Trump mang đầy tính toán (by design) như thái độ phản kháng (f.y., fuck you hay là Đ.M. mày) chống lại lề lối chính trị xuôi chiều (political correctness) trong xã hội.

Câu chuyện không phải chỉ riêng cho người Mỹ trắng mà lan cả vào bàn ăn của nhiều gia đình gốc Việt: ông già nói chuyện chống Cộng (nhưng chẳng ai để ý); bà già dùng tiền trợ cấp xã hội để gởi về Việt Nam giúp thân nhân; con cái đi làm trả thuế, chi tiền cho mẹ về thăm nhà dù chia hai phe bênh hay ghét Trump; bà con từ Việt Nam ngày càng nhiều tiền gởi con du học, đi du lịch và kinh doanh mua nhà tìm cách định cư sang Mỹ.

Cả thế giới mong rằng sau Trump nước Mỹ sẽ trở lại như cũ để lo chuyện bao đồng thiên hạ. Nhưng Trump đã làm bùng dậy làn sóng phẫn nộ mà trước đây cả cánh hữu lẫn tả đều không ngờ đến. Tiếng nói mạnh nhất trong chính trường ngoài Trump là của Bernie Sander thuộc cánh tả như tấm gương chiếu ngược nhưng đồng thời chống toàn cầu hóa để bảo vệ quyền lợi cho Hoa Kỳ.

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

***

[*] Với mỗi sắc thuế mới thì nhà giàu dùng tiền áp lực lên các chính trị gia viết ra luật thuế, rồi sau đó thuê luật sư, kế toán viên để tránh thuế; còn người nghèo tất nhiên được miễn thuế.


Đ.H.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét