Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

46 - Lược sử blog Việt 2017 (kỳ I)


Tháng 1

08/1: Rồng Pikachu xuất hiện ở Hải Phòng: Công ty CP Công viên Cây xanh Hải Phòng dưới sự chỉ đạo của Sở Xây dựng và UBND Thành phố đã gắn thêm hoa vàng vào hàng cây hình rồng ở đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), biến nó thành một đôi rồng vàng rộm có cái đầu rất giống con chó đá hoặc nhân vật hoạt hình Pikachu. Rồng Pikachu gây bão cười trên mạng xã hội. 

11/1: Sau một thời gian đưa tin, ghi hình về đời sống người dân trong vùng chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra, phóng viên tự do Nguyễn Văn Hóa (SN 1995) bị cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh bắt giam.

14/1: Hàng nghìn ngư dân Đông Yên (Hà Tĩnh) giăng lưới bắt cá biểu tình trên Quốc lộ 1A.

19/1: Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 mét xuất hiện gần khu bờ kè của cảng biển Vũng Áng, gần nhà máy của Formosa.

26/1: Nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga (Thúy Nga) bị công an Hà Nam bắt giam. 

Tháng 2

5/2: Trang facebook của Linh mục Nguyễn Văn Lý khởi đăng “Lời kêu gọi tổng xuống đường ngày 5/3/2017” theo lời kêu gọi 16 điểm của Tập hợp Quốc dân Việt: “Từ Chúa Nhật 05-3-2017 Biểu Tình Ôn Hòa đồng loạt toàn quốc mỗi Chúa Nhật hoặc ngày nghỉ suốt năm 2017, để Bảo Vệ Sự Sống và Cứu Quốc Dân”. 

Khoảng từ đây, xuất hiện phong trào livestream “khai dân trí và làm cách mạng” trên facebook, với một số đại diện tiêu biểu: Huỳnh Quốc Huy, Lâm Ngân Mai, Lisa Phạm, Đoàn Thị Thùy Dương… 

14/2: Hàng trăm người dân ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đi bộ đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) để nộp đơn kiện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan) – thủ phạm chính gây ra thảm họa biển năm 2016. Cuộc tuần hành bị công an chặn lại, bao vây và đàn áp thẳng tay. Nhiều người bị thương, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em. 

17/2: Một vệt nước biển đỏ khác lại xuất hiện ở gần cảng biển Sơn Dương (Kỳ Anh). Nước biển đỏ cũng được phát hiện ở vùng biển Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.

20/2: Phó Chủ tịch UBND quận I, TP.HCM – ông Đoàn Ngọc Hải (SN 1969) – trở
Nguồn ảnh: Zing
 nên nổi tiếng với việc phát động chiến dịch dọn dẹp vỉa hè: “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ… Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. 

Với việc cho huy động xe cẩu để tháo dỡ sạch mọi vật cản trên vỉa hè, kể cả vọng gác, ông được cư dân mạng phong tặng nickname “Hải cẩu”.

26/2: Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đà Nẵng, nói rằng vệt nước đỏ xuất hiện ở Đà Nẵng là do con ruốc biển đẻ trứng.

27/2: Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thừa Thiên-Huế, giải thích vệt nước biển đỏ ở Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế là do tảo biển nở hoa mà thành.

Các cách giải thích khác nhau về hiện tượng này không thỏa mãn công luận mà chỉ khiến người ta nhớ lại vụ “thủy triều đỏ” ở khu vực nhà máy của Formosa vào năm 2016. 

Tháng 3

01/3: Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố báo cáo khẳng định rằng nồng độ chất hóa học trong mẫu nước biển ở các nơi có vệt nước đỏ đều đạt chuẩn.

03/3: An ninh TP. Hà Nội bắt giam hai facebooker Vũ Quang Thuận (SN 1966) và Nguyễn Văn Điển (SN 1981) theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, “tuyên truyền chống Nhà nước”. Trước đó, ông Thuận và Điển làm nhiều clip livestream trên facebook, luận bàn về tình hình chính trị, dân chủ, nhân quyền Việt Nam. 

11/3: Nhóm Green Trees (Cây Xanh) ở Hà Nội công bố báo cáo độc lập khẳng định rằng nước biển ở vùng cửa sông Quyền, Hà Tĩnh có chứa phenol ở mức cao gấp 56 lần so với tiêu chuẩn. Báo cáo của nhóm bị dư luận viên và những người có tư duy dư luận viên công kích dữ dội – điều không bao giờ họ làm đối với các nghiên cứu khoa học theo chỉ đạo của nhà nước.

17/3: Facebooker Bùi Hiếu Võ (SN 1962, cư trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM) bị an ninh TP.HCM bắt vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” với trang facebook Hieu Bui. 

21/3: Sinh viên Phan Kim Khánh (SN 1993, cư trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), nguyên Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt khi chỉ còn vài tháng là hoàn thành chương trình đại học. Anh bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, do đã lập một số trang blog, facebook và youtube chống tham nhũng và cổ súy dân chủ.

Tháng 4

02/4: Buổi tối, hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (SN 1988) và Hoàng Đức Bình (1983) đi uống nước ở quán café và đụng mặt một nhóm công an địa phương. Hai bên va chạm, dẫn đến việc Quyền và Bình phải chạy về một nhà thờ gần đó, của giáo xứ Trung Nghĩa (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ngay sau đó, công an đã bao vây nhà thờ. Giáo dân cũng kéo đến để bảo vệ cha xứ và hai nhà hoạt động. Xô xát bạo lực nổ ra khiến nhiều người bị thương. 

Nguồn ảnh: VOA
03/4: Hàng nghìn người, chủ yếu là giáo dân, tuần hành đến UBND huyện Lộc Hà để biểu tình đòi bồi thường cho các nạn nhân vụ Formosa và phản đối bạo lực của công an nhằm vào dân thường. “Trung ương” (Hà Nội) và Hà Tĩnh cũng lập tức triển khai cảnh sát cơ động để đối phó. Cuối ngày, báo chí đồng loạt đưa tin mô tả đây là một vụ gây rối tập thể và chống người thi hành công vụ ở Hà Tĩnh. 

05/4: Nhà hoạt động môi trường Lê Mỹ Hạnh đột ngột bị một nhóm dư luận viên tấn công khi đang đi bộ ven Hồ Tây ở Hà Nội, cùng ông Trịnh Đình Hòa, thầy giáo tiếng Anh.

08/4: Website của báo Hà Tĩnh đưa tin và đăng tải video clip ghi nhận rằng Nguyễn Văn Hóa đã nhận tội và “sám hối”. Cụ thể, Hóa nhận mình đã “tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước...”. 

Việc ép công dân (chủ yếu là người bất đồng chính kiến) nhận tội rồi quay phim vốn vẫn là truyền thống của lực lượng công an nhân dân Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng ít người để ý rằng những lời nhận tội như vậy không có giá trị pháp lý mà chỉ chứng minh hành vi bức cung và sự lạm quyền, bất chấp luật pháp của cơ quan công an. 

09/4: Cuộc đạp xe tưởng niệm một năm ngày cá chết của nhóm Green Trees ở Hà Nội bị trấn áp ngay từ đầu. Khoảng 20 thành viên của nhóm bị công an bắt đưa về đồn thẩm vấn, cố khép họ vào tội gây rối trật tự công cộng. 

13/4: Huỳnh Thành Phát (SN 1999) và Trần Hoàng Phúc (SN 1995) – hai bạn trẻ hoạt động xã hội – bị an ninh thường phục bắt cóc ở bến xe khi họ tạm dừng ở giáo xứ Cồn Sẻ (Quảng Bình) trong một chuyến đi xuyên Việt. Hai người bị nhóm an ninh này còng tay, trùm đầu, đưa đi khoảng 200km đến một nơi hẻo lánh gần biên giới, rồi lột đồ và hành hung tập thể họ, cướp hết đồ đạc. 

15/4: Những cán bộ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội) đã tìm cách lừa bắt cụ Lê Đình Kình, người thôn Hoành, lãnh đạo tinh thần của cuộc đấu tranh giữ đất của dân Đồng Tâm. Bốn sĩ quan xông vào đá, đạp gãy xương ông già 82 tuổi, quẳng lên xe đưa về nơi lấy cung, gần ba ngày sau mới đưa cụ đi viện chữa trị trong sự canh gác cẩn mật của công an. 

Dân Đồng Tâm đuổi theo cứu ông cụ; trong lúc phẫn nộ, họ đã bắt luôn 38 người của đoàn cưỡng chế, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và công an TP. Hà Nội. Vụ “khủng hoảng con tin” chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam bắt đầu.

 Ảnh không rõ nguồn.
22/4: Đích thân Chủ tịch TP. Nguyễn Đức Chung “xuống” địa bàn Đồng Tâm và ký vào cam kết viết tay rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm những người đã giữ cán bộ, đồng thời làm rõ trách nhiệm người bắt cụ Lê Đình Kình. Hơn lúc nào hết, đây là dịp để những chính trị gia mị dân và thứ báo chí công cụ bộc lộ mình với cách thể hiện khôn khéo: Vừa đủ cấp tiến để lấy lòng dân, lại vừa đủ an toàn.

Công an Hà Nội nuốt lời trong vòng chưa đầy hai tháng sau đó, khi khởi tố vụ án, triệu tập hàng loạt người dân Đồng Tâm, nhưng không một lời làm rõ trách nhiệm những kẻ đã bắt và đánh cụ Kình.

Tháng 5

Nguồn ảnh: SBTN
02/5: Một nhóm 5 người đã xông vào phòng nghỉ khách sạn ở Sài Gòn của bà Lê Mỹ Hạnh xịt hơi cay và hành hung tập thể bà Hạnh, gây thương tích nặng. Trong số này, Phan Sơn Hùng (facebooker Phan Hùng, ở Gò Vấp) trực tiếp quay video và tung clip lên mạng với lời bình: “Màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn!...”. 

Bà Lê Mỹ Hạnh vốn là một nhà hoạt động nhân quyền và môi trường độc lập ở Hà Nội, không tham gia tổ chức, đảng phái và không ủng hộ lá cờ nào. (Cần nói rõ rằng ngay cả khi bà Hạnh có là thành viên của một tổ chức chính trị và có chính kiến ủng hộ cờ vàng đi chăng nữa, việc sử dụng bạo lực đánh đập người khác như vậy là hành động vi phạm pháp luật và là điều không thể chấp nhận trong xã hội văn minh).

03/5: Ông Nguyễn Hữu Tấn, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị phát hiện chết trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long với vết cắt sâu ở cổ (đã được khâu lại). Ông bị bắt hôm trước đó với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Công an giải thích là ông đã cứa cổ tự sát. Gia đình nạn nhân không tin nhưng không có cách nào buộc công an điều tra độc lập được. 

12/5: Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền – thành viên phong trào Con Đường Việt Nam – cáo buộc Quyền kích động vụ “gây rối trật tự công cộng” ở Lộc Hà hôm 3/4, phạm vào Điều 245 Bộ luật Hình sự. 

15/5: Công an Nghệ An chặn xe linh mục Nguyễn Đình Thục, lôi Hoàng Đức Bình – thành viên tổ chức Phong trào Lao động Việt – ra ngoài và bắt về đồn đánh đập. Vài tiếng sau, công an ra một thông cáo báo chí cáo buộc Bình phạm ba tội: gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước.

“Biển chết” –
tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Nhân.
Tháng 6

01/6: UBND tỉnh Trà Vinh ra thông báo sẽ lấy lại giải thưởng được trao năm ngoái cho bức tranh “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân. 

29/6: Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm, kết án blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù. 



Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét