Tuyên bố của tổng thống Trump cho thấy Mỹ sẽ rất khó đóng vai trò là bên trung gian trung thực. Bây giờ là lúc Liên minh châu Âu phải làm rõ rằng họ không cần sự cho phép của Mỹ để theo đuổi sự đồng thuận quốc tế cho hòa bình ở Trung Đông. Đã đến lúc phải chuyển từ lời nói sang hành động.
Có
một đường dẫn thú vị trên trang mạng của Nhà Trắng. Hãy nhấp chuột vào
đó và bạn sẽ thấy một tuyên bố thẳng thừng. “Tổng thống Trump đoàn kết
với Israel để tái khẳng định mối quan hệ không thể phá vỡ giữa 2 nước
chúng ta và để thúc đẩy an ninh và sự phồn thịnh cho tất cả. Hãy sát
cánh với Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu”. Dĩ nhiên, không có
đường dẫn nào khác yêu cầu độc giả phải sát cánh với Tổng thống Donald
Trump và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas theo cách tương tự.
Hẳn
là không ai ngạc nhiên khi mở đường dẫn này ra trước khi Trump chính
thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Israel hôm 6/12. Mỹ đã
luôn là một bên ủng hộ trung thành đối với Israel, và đã duy trì mối
quan hệ đặc biệt với nước này. Nhưng ngay cả như vậy, thì Mỹ cũng đã tìm
cách, với mức độ thành công nào đó, trở thành một “trung gian hòa giải
trung thực” – một bên tham gia không thiên vị và vượt lên trên cuộc
tranh luận đang diễn ra – tại các cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa
Israel và Palestine.
Tuy
nhiên, điều ngày càng rõ ràng trong một khoảng thời gian là vai trò
“trung gian hòa giải trung thực” của Mỹ luôn là một mong muốn hơn là một
thực tế. Thậm chí cho dù họ tìm cách miêu tả mình là không thiên vị,
nhưng trong suốt lịch sử tiến trình hòa bình Palestine-Israel, Mỹ đã
đóng một vai trò phức tạp và mâu thuẫn hơn nhiều. Với sự thay đổi trong
chính sách Jerusalem mới đây, sự thiên vị của Trump đã bị vạch trần.
Đó
là lý do giải thích tại sao tuyên bố này đã dẫn đến sự phản đối và chỉ
trích lan tràn khắp toàn cầu. Động thái đơn phương này đã bị chỉ trích ở
các thủ đô phương Tây, cũng như bởi các bên tham gia khu vực ở Trung
Đông và Bắc Phi. Và bất chấp tuyên bố của chính quyền rằng họ vẫn ủng hộ
một giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine,
miễn là nó được “cả 2 bên chấp nhận”, nhưng hầu như vẫn không có mấy
người tin vào tuyên bố này. Một cú nhấp chuột vào đường dẫn của Nhà
Trắng cho biết sự trung thành của tổng thống nằm ở đâu.
Điều quý giá nhất
Jerusalem
luôn là một tài sản có giá. Tầm quan trọng về tôn giáo của thành phố
này đã củng cố vị trí của nó trong lịch sử. Trong thời hiện đại, thành
phố này đã phải chịu những sự chiếm đóng gây tranh cãi. Cách đây gần
đúng 100 năm, Anh đã chiếm đóng Jerusalem và đặt thành phố này dưới chế
độ thiết quân luật. Tướng Allenby đã đi bộ đến thành phố bị chinh phục
này để chứng tỏ quyền sở hữu “khiêm tốn” của mình, hứa hẹn rằng thành
phố này sẽ được bảo vệ.
Nhưng
lời hứa hẹn của người lính, được đưa ra ngay sau khi ông chiến thắng và
chinh phục một dân tộc bị đánh bại, đã không phản ánh thực tế. Các
chính trị gia của Anh vốn đã hứa hẹn trao Palestine (bao gồm cả
Jerusalem) cho phong trào phục quốc Do Thái trong tuyên bố Balfour, và
nhất trí với người Pháp (trong thỏa thuận Sykes-Picot) rằng họ sẽ chia
nhau các chiến lợi phẩm trong chiến tranh ở Trung Đông.
Và
chuyện đã xảy ra như vậy. Năm 1920, Anh được ủy quyền điều hành
Palestine, và Jerusalem là trung tâm hành chính. Nhiều thập kỷ chia rẽ
sâu sắc đã diễn ra sau đó. 30 năm sau, vào năm 1947, Anh đã “ban tặng”
cho thành phố này một số phận không chắc chắn khi họ giao cho Liên hợp
quốc mới thành lập việc quyết định một giải pháp giữa các tuyên bố của
phong trào phục quốc Do Thái và của Palestine. Liên hợp quốc đã tuyên bố
rằng tình trạng tương lai của Jerusalem sẽ phải chịu sự “ủy thác quốc
tế”. Tuy nhiên, vào năm 1948, sau khi Nhà nước Israel được thành lập và
sau cuộc chiến tranh Arập-Israel, thành phố này đã bị phân chia giữa 2
phe. Jerusalem trở thành biểu tượng của các tuyên bố cạnh tranh nhau về
chủ nghĩa phục quốc Do Thái và chủ nghĩa dân tộc Palestine.
Năm
1967, sau khi Israel chiếm được Đông Jarusalem thuộc Palestine và các
địa điểm linh thiêng trong cuộc chiến tranh sáu ngày, họ đã đơn phương
tuyên bố toàn bộ thành phố này là thủ đô của họ. Do đó, các nỗ lực ngoại
giao nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine và xung đột Arập-Israel
trên phạm vi rộng lớn hơn luôn phải đấu tranh với những sự nhạy cảm về
lịch sử đầy tranh cãi của Jerusalem và tính biểu tượng quan trọng mà
thành phố này truyền cảm hứng. Đôi khi, bản thân thành phố này đã giúp
tạo đà cho hòa bình. Chẳng hạn, vào năm 1977, chuyến thăm của Tổng thống
Ai Cập Anwar Sadat đến Jerusalem và bài phát biểu của ông trước Quốc
hội Israel được khen ngợi là mang tính lịch sử. Nó đã dẫn đến các cuộc
đàm phán do Mỹ làm trung gian hòa giải, cuối cùng dẫn đến hiệp ước hòa
bình Trại David giữa Israel và Ai Cập. Tuy nhiên, Sadat đã phải trả giá
đắt cho chuyến thăm Jerusalem của ông. Năm 1981, ông bị các tay súng
kịch liệt phản đối thỏa thuận hòa bình của ông với Israel ám sát.
Các
nhà ngoại giao và các nhà hòa giải nhìn chung đều nhất trí rằng
Jerusalem là thách thức đáng kể nhất trong tiến trình hòa bình
Palestine-Israel. Gạt sang một bên những thách thức an ninh và chính trị
thông thường mang tính ngoại giao, chính tình trạng tôn giáo của thành
phố này lý giải cho tầm quan trọng của nó đối với hòa bình. Jerusalem là
thiêng liêng đối với hàng tỷ người Do Thái, người Cơ đốc và người Hồi
giáo, bao gồm cả các tín đồ tôn giáo của chính thành phố này, những
người đi qua đó hàng ngày để tới các địa điểm thờ cúng của họ. Các nhà
lãnh đạo đất nước và các nhà ngoại giao nhận thấy rằng việc tìm kiếm
giải pháp có sức thuyết phục cho hòa bình ở Jerusalem sẽ là điều kiện
tiên quyết để tạo đà cho hòa bình trong cuộc xung đột Arập-Israel trên
phạm vi rộng lớn hơn. Năm 1999, khi người Palestine và Israel cam kết
tham gia các cuộc đàm phán Kênh II (không chính thức) về Jerusalem như
là một phần của tiến trình Oslo, giải pháp này chính là điều mà họ đã cố
gắng xác định. Các nhà đàm phán đã tìm cách chuẩn bị nền tảng khi các
cuộc hòa đàm cuối cùng lờ mờ hiện ra trước mắt họ.
Mặc
dù tiến trình hòa bình Oslo không phải là lý tưởng, nhưng nó thực sự
mang lại hy vọng tốt nhất cho một giải pháp thông qua đàm phán cho cuộc
xung đột Palestine-Israel. Ăn sâu bên trong tiến trình đó là sự công
nhận một giải pháp 2 nhà nước – một giải pháp mà trong đó Jerusalem là
yếu tố then chốt.
“Chúng ta phải học từ Belfast”
Một
phần các cuộc đàm phán Kênh II về Jerusalem đã bí mật diễn ra tại
Belfast. Khi đó, Belfast, giống như Jerusalem, là một thành phố bị lịch
sử xung đột dữ dội tàn phá. Belfast là một thành phố bị chia rẽ sâu sắc
và dân cư của thành phố này có xung đột vũ trang với nhau. Năm 2016,
Thỏa thuận hòa bình Belfast đã chấm dứt những rắc rối. Nhưng cho dù có
hòa bình, thì người dân Belfast vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ chia sẻ
một thành phố bị chia rẽ sâu sắc về mặt nhân khẩu học. Giống như
Jerusalem hiện nay, nhiều ranh giới bên trong Belfast đã chia cắt dân cư
của thành phố này. Trung tâm thành phố được bao quanh bởi một vòng an
ninh bằng thép, với rất ít không gian chung thực sự. Ngay cả sau khi có
hiệp ước hòa bình, Belfast vẫn có đặc điểm là các khu vực lân cận mang
tính giáo phái, được minh họa sinh động bằng những bức bích họa, vỉa hè
quét sơn, tranh phu sơn trên tường (graffiti) và cái được gọi là những
bức tường hòa bình.
Tuy
nhiên, các nhà đàm phán Israel và Palestine đến tham dự các cuộc đàm
phán đã bắt gặp một thành phố mà ở đó việc chung sống với nhau sau xung
đột được phản ánh ở các dịch vụ chung, sự phát triển của trung tâm
thương mại của Belfast, các cách tiếp cận chung tới việc duy trì trật tự
và an ninh, và việc kết nối một cộng đồng các tôn giáo mà cách đây một
thế hệ là điều không thể hình dung được. Trong vai trò là người hỗ trợ
chuyến thăm Belfast, tác giả đã sắp xếp để các nhà đàm phán gặp gỡ cảnh
sát và các nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp khác, các nhà hoạt động cộng
đồng từ khu vực giáp ranh dễ xảy ra bạo động mà ở đó các cộng đồng bị cô
lập tiếp giáp nhau, các cựu tù nhân và các nhà hoạt động bán quân sự,
các nhân viên nhà ở, và thậm chí là người đứng đầu dịch vụ thu gom rác
thải.
Mặc
dù không thể liên hệ trực tiếp kết quả của các cuộc đàm phán với
Belfast, nhưng điều rõ ràng đối với tác giả và các nhân viên hỗ trợ khác
là khi các nhà đàm phán ngồi xuống để thảo luận về Jerusalem, nghệ
thuật thực hiện điều khả thi là rõ ràng xung quanh họ. Khi các tấm bản
đồ được trải ra khắp mặt bàn trình bày chi tiết biên giới thành phố, cơ
sở hạ tầng dịch vụ, các đồn cảnh sát, các trạm kiểm soát và các địa điểm
linh thiêng, thì công việc đàm phán mới thực sự diễn ra. Từ cách tiếp
cận thông qua đàm phán, được hỗ trợ kín đáo và có trung gian hòa giải,
các nhà hòa giải ở Belfast đã truyền cảm hứng về một tương lai chung và
tầm nhìn về một thành phố mở cho Jerusalem.
Các
cuộc thảo luận không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đã có những bất đồng,
đặc biệt là khi đề cập đến cuộc thảo luận về những dàn xếp an ninh và
trật tự cho thành phố này. Nhưng điều quả thực đã trở nên rõ ràng là có
thể đạt đến sự đồng thuận thông qua đàm phán một cách kiên định, kiên
trì với đầy đủ thông tin. Tại Belfast, các nhà đàm phán Israel và
Palestine đã nhất trí rằng Jerusalem có thể là một thành phố mở và là
thủ đô của 2 nhà nước. Các nhà đàm phán thậm chí đã bắt đầu phác thảo
những dàn xếp cho việc chia sẻ Khu Thánh địa gồm các địa điểm tôn giáo.
Tác giả nhớ lại rằng trưởng đoàn đàm phán Palestine Faisal Husseini đã
bắt tay với những người đồng cấp phía Israel của ông trong buổi tối cuối
cùng khi họ tuyên bố rằng kinh nghiệm Belfast khiến họ nhận ra rằng
“hòa bình ở một thành phố cho 2 dân tộc nằm trong tầm tay của chúng ta”.
Ron Pundak, một “kiến trúc sư” của Hiệp ước Oslo, đã bày tỏ sự đồng
tình nhưng cũng nói: “Chúng ta phải học từ Belfast. Chúng ta phải kiên
quyết chia sẻ thành phố của chúng ta theo một cách không bao giờ đưa
chúng ta đến điểm thù địch mà ở đó chúng ta có các bức tường hòa bình ở
Jerusalem chia cắt chúng ta giống như ở đây”.
Sự
đồng thuận này đã mở đường cho các cuộc đàm phán Trại David giữa Thủ
tướng Israel Ehud Barak và Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine Yasser
Arafat. Đây là thời điểm khi mà Mỹ rõ ràng đã tìm cách tự miêu tả mình
là “trung gian hòa giải trung thực”. Tại Trại David vào tháng 7/2000,
Jerusalem là một vấn đề cốt lõi trong sự phân xử của Chính quyền
Clinton.
Những
tranh cãi về chủ quyền và việc chia sẻ, đặc biệt khi nó liên quan đến
những tuyên bố của Palestine ở Đông Jerusalem, là rõ ràng ngay từ đầu.
Trưởng đoàn đàm phán của Arafat là Abbas, tổng thống hiện tại của
Palestine. Lập trường mà Abbas đưa ra phản ánh khá sát sự đồng thuận ở
Belfast: “Toàn bộ Đông Jerusalem cần phải được trao trả lại cho chủ
quyền của Palestine. Khu Do Thái và Bức tường phía Tây cần phải được đặt
dưới thẩm quyền của Israel, chứ không phải là chủ quyền của Israel. Một
thành phố mở và sự hợp tác về các dịch vụ thành phố”. Điều quan trọng
là 2 bên cũng nhất trí rằng các địa điểm linh thiêng có thể được quản lý
một cách độc lập. Đây sẽ là một bước đi có ý nghĩa hướng đến việc bảo
vệ những quyền tự do tôn giáo ở thành phố này. Nhưng khi các cuộc đàm
phán sụp đổ và trò đổ lỗi bắt đầu giữa Israel và Palestine, việc Mỹ làm
trung gian hòa giải cũng bị chỉ trích.
Kêu gọi một “trung gian hòa giải trung thực”
Mặc
dù Trại David đã thất bại và các sự kiện của 17 năm qua đã khiến cho
hòa bình có vẻ giống như một khả năng xa vời, nhưng vẫn còn một tia hy
vọng. Tuy nhiên, với tuyên bố của Trump, những ảo tưởng về một hòa bình
do Mỹ làm trung gian hòa giải gần như tiêu tan trong tương lai gần. Hơn
nữa, câu chuyện hoang đường về việc Mỹ làm “trung gian hòa giải trung
thực” đã được phơi bày hoàn toàn.
Trong
một phiên họp khẩn cấp của hội đồng gồm 15 ủy viên vào hôm 8/12, các ủy
viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngoại trừ chính Mỹ đã chỉ trích
quyết định của Trump. Trong một tuyên bố chung, các đại sứ từ Anh, Thụy
Điển, Đức, Italy và Pháp đã nói rõ rằng hành động này là “không phù hợp
với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không giúp ích
gì cho triển vọng hòa bình trong khu vực”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Antonio Guterres nói rằng ông phản đối “bất kỳ biện pháp đơn phương nào
mà sẽ gây nguy hiểm đến triển vọng hòa bình cho người Israel và người
Palestine”. Ông nói thêm: “Trong thời điểm hết sức lo lắng này, tôi muốn
làm rõ rằng không có sự lựa chọn thay thế nào cho giải pháp 2 nhà nước…
Không có Kế hoạch B”. Liên hợp quốc hoạt động dựa trên một sự đồng
thuận quốc tế nói rõ rằng Đông Jerusalem thuộc Palestine, bao gồm khu
vực Thành cổ, vốn bị Isreal chiếm được trong cuộc chiến tranh sáu ngày,
là lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong quá khứ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
từng đảm bảo rằng các nghị quyết của họ về Jerusalem mang lại hy vọng về
một thủ đô chung như là một phần của giải pháp 2 nhà nước, trái ngược
với chuyện đã rồi mà Trump “ban tặng” cho Israel.
Trump
đã đưa ra một quyết định có tính toán và thiên vị ủng hộ các tuyên bố
lãnh thổ của Israel đối với Jerusalem và hợp pháp hóa những tuyên bố này
thông qua nguyên tắc có ảnh hưởng lớn là “sự công nhận”. Hành động của
ông không hề phản ánh thái độ trung lập, cũng không cho thấy mong muốn
hành động như một trung gian hòa giải trung thực cho một tiến trình mà
trong nhiều thập kỷ qua được củng cố bởi cam kết của Mỹ về một giải pháp
2 nhà nước.
Mặc
dù các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu đã thúc
đẩy vai trò như là các nhà trung gian hòa giải trung lập, nhưng họ
thường xuyên bị chỉ trích là thiếu công bằng hơn đối với người
Palestine. Các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, như Bộ trưởng Quốc
phòng hiện tại Jim Mattis và Tướng David Petraeus, cho rằng nhận thức về
sự thiên vị của Mỹ đối với Isreal gây tổn hại đến các lợi ích an ninh
của Mỹ và là một chướng ngại vật đối với hòa bình. Ngay khi Trump nhậm
chức, một sự kết hợp của các nhân tố dường như đã khiến ông phải đưa ra
quyết định về Jerusalem, bao gồm sức mạnh của phong trào Cơ đốc giáo
theo phái Phúc âm của Mỹ, các nhân tố của nhóm vận động hành lang ủng hộ
Israel vốn được xem là những người ủng hộ then chốt cho tổng thống, và
điều gì có thể được miêu tả đúng nhất là sự thiếu cảm thông đối với các
quyền lợi của Palestine.
Tuy
nhiên, điều làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn là một sự miễn cưỡng
rõ ràng giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối với việc cho phép các
“trung gian hòa giải trung thực” tiềm tàng khác đảm nhận vai trò ngoại
giao này. Washington và Jerusalem từ lâu đã ngăn cản Arập, Liên hợp
quốc, Liên minh châu Âu và các sáng kiến khác nhằm giải quyết xung đột
Palestine-Israel. Chẳng hạn, Mỹ gần như lúc nào cũng phủ quyết các nghị
quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ trích Israel về các chướng
ngại vật đối với hòa bình, chẳng hạn như việc xây dựng các khu định cư
bất hợp pháp tại lãnh thổ do Palestine chiếm giữ. Vào năm 2007, một báo
cáo kết thúc sứ mệnh từ nhà ngoại giao cấp cao nhất của Liên hợp quốc
tại Jerusalem đã bị rò rỉ. Trong bản báo cáo đó, ông chỉ trích Mỹ vì đã
đứng về phía Israel và từ bỏ vai trò của mình là một bên trung gian hòa
giải công bằng. Điều này là đúng dưới thời Chính quyền Bush và Chính
quyền Obama, và có khả năng sẽ tiếp tục đúng dưới thời của Trump.
Vì
vậy, như chính Trump đã nói gần đây, chúng ta phải công nhận một thực
tế. Thực tế đó là Mỹ không còn là “trung gian hòa giải trung thực” nữa.
Phải chăng điều đó có nghĩa là châu Âu cuối cùng có thể đảm nhận vai trò
này, bất chấp sự miễn cưỡng của Mỹ và Israel? Đại diện cấp cao về chính
sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đã tuyên bố
rằng châu Âu sẽ cố gắng can thiệp sâu hơn theo một khuôn khổ mà ở đó
“giải pháp thực tế duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine
là dựa trên cơ sở 2 nhà nước với Jerusalem là thủ đô của cả hai”. Mỹ có
thể không tạo điều kiện dễ dàng để cho bất kỳ một bên tham gia nào đảm
nhận vai trò này trong tương lai gần. Tuy nhiên, bây giờ là lúc Liên
minh châu Âu phải làm rõ rằng họ không cần sự cho phép của Mỹ để theo
đuổi sự đồng thuận quốc tế cho hòa bình ở Trung Đông. Đã đến lúc phải
chuyển từ lời nói sang hành động.
Beverley
Milton-Edwards là giáo sư chính trị trường đại học Queen tại Belfast,
nhà nghiên cứu liên kết tại Viện Brookings Doha. Bà là tác giả của nhiều
cuốn sách như” The Palestinian-Israeli Conflict, a people’s history(Routledge), và Contemporary Politics in the Middle East (Polity).
Từ 1999-2003, Milton-Edwards là cố vấn cho các dự án đặc biệt cho Đặc
phái viên EU đối với Tiến trình Hòa bình Trung Đông cũng như là cố vấn
cho Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU. Bài viết
được đăng trên War on the Rocks.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét