Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

470 - ‘Cơ chế mới’ cho Sài Gòn: Người dân còng lưng đóng thuế!


Đóng đủ loại thuế nhưng người dân Sài Gòn phải đi trên những con đường “không còn chỗ để đi.” (Hình: Văn Lang)
Sau hơn 20 năm đòi hỏi “cơ chế đặc biệt” để phát triển cho Sài Gòn, cuối cùng vào ngày 24 Tháng Mười Một, 2017 vừa qua, Quốc Hội CSVN đã thông qua nghị quyết về “quy chế” cho Sài Gòn. Với 460/465 phiếu thuận (3 phiếu chống và 2 phiếu trắng). Quy chế mới cho Sài Gòn có hiệu lực kể từ ngày 15 Tháng Giêng, 2018.

Theo nghị quyết của quốc hội CSVN, cho phép Sài Gòn được: “Thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.”
Theo nghị quyết này, thì Sài Gòn được phép giữ lại 100% số tiền thu được do tăng thuế, cũng như phí và lệ phí (mới đặt thêm ra cho dân Sài Gòn).Hội đồng nhân dân của Sài Gòn, được phép:”Quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố phí và lệ phí chưa có trong danh mục.” (Danh mục mà trung ương đã tận thu trên toàn quốc).
Nghị quyết của Quốc Hội CSVN cũng yêu cầu Sài Gòn “khoan” thu thuế tài sản (bao gồm thuế nhà và thuế đất), đánh vào những người sở hữu nhiều nhà, đất vì sợ thị trường bất động sản ở Sài Gòn bị “đóng băng.”
Hội đồng nhân dân của Sài Gòn, được phép quyết định:”Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc-ta (ha) trở lên.”
Sài Gòn được phép tăng lương cho công chức, viên chức, không vượt quá 1.8. Dựa trên nguồn thu nhờ tăng thuế và đặt thêm phí, lệ phí.
Sài Gòn được phép vay mượn, dựa trên các nguồn: “Phát hành trái phiếu quốc nội, vay trong nước, và vay lại tiền của trung ương, từ tiền mà trung ương đã vay từ nước ngoài. Số vay không vượt quá 90% số thu ngân sách, (sau khi đã đóng góp cho trung ương). Ngân sách mà Sài Gòn phải đóng cho trung ương chiếm tới 82%, chỉ được giữ lại 18%. Như vậy số tiền được vay tương ứng với 90% của 18% ngân sách mà Sài Gòn được giữ lại. Còn phần “kiếm thêm” do tăng thuế và đặt thêm phí, lệ phí thì không tính.
Ngoài ra, những sở hữu công sản của Sài Gòn, nếu bán đi thì Sài Gòn được phép giữ lại 50%. Phần còn lại dĩ nhiên do trung ương… “quản lý.”
Nhìn tổng thể cái gọi là “cơ chế mới” cho Sài Gòn, thì ngoài việc Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố được quyền chuyển quyền sử dụng đất từ trồng lúa, sang các mục đích khác. Như làm khu dân cư hay khu thương mại…
Còn lại thì toàn thuế, với phí cùng là lệ phí. Mà toàn bộ những thứ này, đều do dân Sài Gòn phải cong lưng mà “cõng…”
Tăng thuế, đặt thêm phí cùng lệ phí để tăng “ngân sách” cho Sài Gòn thực chất là “dùng mỡ nó để chiên nó.” Nhưng nếu tiền bạc không được quản lý tốt, cho những mục đích tốt thì hậu quả sẽ giống như “con rắn tự nuốt cái đuôi của mình.”
Về thuế, chắc chắn có hai thứ thuế mà nhà cầm quyền cộng sản ở Sài Gòn sẽ nhắm tới. Và điều này sẽ gây tranh cãi, thậm chí sẽ có phản ứng quyết liệt từ phía dân chúng.
Đó là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.



“Tư bản đỏ” ngành địa ốc đang lấn chiếm, san lấp rạch Ông Lớn, phía bờ thuộc quận 7. (Hình: Văn Lang)

Về chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo lời của những vị có điều kiện đi đó, đi đây thì rượu, bia và thuốc lá ở Việt Nam thường rẻ hơn các nước, ngay cả với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong khi giá xăng thì lại đặc biệt cao hơn. Do vậy nếu tăng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các loại hàng hóa “đặc biệt” này, chắc sẽ được dư luận đồng tình. Nhất là những ai vốn ghét chuyện “ăn nhậu,” “hút xách”…
Nhưng theo các chuyên gia phân tích thị trường, thì nếu giá bia, rượu, thuốc lá tăng cao (do thuế). Mà đa phần người tiêu thụ lại là dân lao động nghèo, họ sẽ chuyển sang dùng “bia cỏ” (những loại bia không nhãn, do các lò nấu thủ công sản xuất), hoặc uống rượu đế (cũng do các lò nấu thủ công sản xuất) và hút thuốc lá lậu.
Như vậy, chẳng những ngân sách bị thất thu mà còn rất có hại cho sức khỏe của đa số dân chúng. Vì lâu nay, Việt Nam nói chung, hầu như không kiểm soát nổi phẩm chất của các loại đồ uống trôi nổi trên thị trường (nó chỉ được kiểm soát phần nào, bởi chính bia giá rẻ của các hãng chính thống, nhờ sự “nương tay”của thuế).
Cũng có lúc, Sài Gòn muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm vào… nước ngọt. Chỉ thấy mấy hãng sản xuất nước ngọt la oai oái, còn dân chúng thì xem ra rất… thờ ơ.
Về chuyện thuế môi trường, thì đây chính là điều lâu nay dư luận ở Sài Gòn “bức xúc” nhất. Vì như xăng đã bị đánh thuế nhập cảng rồi, lại bị đánh thuế môi trường (từ 1 ngàn đồng/ 1 lít xăng, tăng lên 3 ngàn đồng/ 1 lít xăng, tức tăng 300%). Chưa đủ, bên thuế còn muốn đánh thêm thuế vô từng chiếc xe (dù xe đã phải đóng thuế trước bạ, phí lưu thông hàng năm). Cuối cùng thì lâu nay Sài Gòn vẫn “nhấp nhổm” chuyện thuế bảo vệ môi trường đánh vào “phí” chống ngập lụt trên toàn thành phố.
Đây là điều dư luận “bức xúc” nhất, không chỉ các chuyên gia, mà ngay cả người dân bình thường nhất cũng thấy “rõ như ban ngày.” Ai là kẻ gây ra sự ngập lụt cho Sài Gòn? Tác nhân chính là những công trình lấn chiếm, san lấp sông, rạch ở Sài Gòn. Cụ thể, chính là giới kinh doanh bất động sản. Theo như thanh tra của Sài Gòn, thì tới 70% sông ngòi, kênh rạch của Sài Gòn bị lấn chiếm, san lấp. Trải đều 24 quận huyện, các cấp chính quyền đều có tham gia vi phạm trên địa bàn được phân cấp quản lý.
Điển hình lấn chiếm kênh rạch gần đây nhất được báo chí truyền thông Sài Gòn nêu đích danh. Là dự án Riviera Point, lấn chiếm san lấp rạch Cả Cấm (Q7) tới 90,000 mét vuông, nhưng không xây hồ điều tiết để đền bù nên ây ngập lụt các phường lân cận, trong đó có khu hành chánh quận 7, do chính tay chủ tịch quận ký phê duyệt.
“Phong trào” lấn chiếm san lấp kênh rạch ở Sài Gòn được “phát động” từ thời xây khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Báo chí thời đó đã lên án gay gắt việc san lấp lấn chiếm bất hợp pháp, “phản môi trường, phản khoa học”này. Nhưng mọi việc vẫn ngang nhiên diễn ra, sau này người ta mới biết là có rất nhiều “thế lực” thành phố tham gia cổ phần trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Và kể từ ngày đó tới bây giờ, việc san lấp lấn chiếm kênh rạch vẫn diễn ra… đều đều. Dù thanh tra thành phố có báo cáo, và Thủ Tướng Cộng Sản Nguyễn Xuân Phúc có xác nhận là tham nhũng trong lãnh vực đất đai hiện nay là ghê gớm nhất.
Nội cái việc yêu cầu Sài Gòn “khoan” đánh thuế tài sản, những người đầu cơ đất đai, nhà cửa (từ 2 trở lên). Đủ thấy quyền lực của “nhóm lợi ích” bất động sản mạnh cỡ nào. Chính giới “siêu giàu,” ”siêu cướp” này phải chịu trách nhiệm về môi trường ngập lụt ở Sài Gòn. Chứ không phải dân lao động nghèo ở Sài Gòn. Họ đã là nạn nhân của nhiều thứ, trong đó có tệ nạn ngập lụt, kẹt xe ở Sài Gòn. Nay lại “đè” những nạn nhân bần cùng này ra thu thuế, gánh trách nhiệm cho những kẻ đã “ăn” trên đầu trên cổ của người dân. E rằng, cách đánh thuế bất hợp lý, sẽ biến toàn bộ dân Sài Gòn thành… “dân oan.” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét