Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

461 - Lấy cờ làm quần: Đúng hay Sai?





Như thường lệ, mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng to là chúng ta đổ ra đường ăn mừng với đầy đủ những cách thể hiện khác nhau. Người thì hát, người thì hú, phố phường trở nên đông đúc và náo nhiệt một cách bất thường. Một thiếu nữ nào đó ở thành phố Hồ Chí Minh có một cách thể hiện khá độc đáo: cởi đồ và quấn cờ Việt Nam che ngực và bộ phận sinh dục. Hành động của cô ngay lập tức được ghi hình lại và tạo nên một cơn sóng trên mạng xã hội. Một cơn mưa đá trút xuống đầu thiếu nữ này khi nhiều người chỉ trích cô là mất dạy, vô văn hoá, coi thường lá cờ tổ quốc. Có người còn cho rằng cờ tổ quốc không phải để che bộ phận sinh dục và không thể có thứ tự do ngôn luận nào biện minh cho việc đó được. Hàm ý của họ là phải cấm hành động mà họ cho là báng bổ này.


Cô gái quấn cờ quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên lá cờ gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Trên thực tế thì Bộ luật Hình sự Việt Nam từ xưa đến nay đều có tội “xúc phạm quốc kỳ” và nhiều người đã bị kết án tù nhiều tháng hoặc nhiều năm vì phạm tội này. Hành vi của họ hầu hết là nhổ, bẻ cột cờ, ném cờ xuống đất, dẫm đạp lên lá cờ hoặc đốt cờ.
Vậy thì xét về luật thực định, việc quấn cờ quanh bộ phận sinh dục rất có thể cấu thành tội xúc phạm quốc kỳ. Nhưng việc cấm đoán này liệu có hợp lý hay không?
Lý lẽ của phe ủng hộ cấm xúc phạm quốc kỳ đó là quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, chứa đựng tình cảm và xương máu của người Việt Nam, do đó xúc phạm quốc kỳ cũng chính là xúc phạm quốc gia, coi thường những người đã chiến đấu và hy sinh vì lá cờ đó.
Đối với họ, việc quấn lá cờ quanh bộ phận sinh dục là hành vi xúc phạm và không thể chấp nhận được cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức.
Có hai cách để phản bác những lý lẽ này và bảo vệ nữ cổ động viên nhiệt tình kia, một là bác bỏ lập luận cho rằng hành vi đó mang tính xúc phạm, hai là bác bỏ lập luận cho rằng xúc phạm lá cờ là hành vi phạm tội.
Bộ phận sinh dục khác với những bộ phận khác?
Lý lẽ đầu tiên của những người phản đối việc cấm đoán đó là bộ phận sinh dục không kém quan trọng hơn những bộ phận khác trên cơ thể, và nếu có thể quấn cờ quanh đầu, quanh cổ, quanh thân người được thì cũng có thể quấn quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên được.
Điều này nghe có vẻ vô lý vì bộ phận sinh dục là nơi bài tiết và quan hệ tình dục, hậu môn cũng là nơi bài tiết, vốn là những chỗ có thể không sạch sẽ gì và vẫn luôn được coi là chỗ cần phải che kín. Có lý do vì sao người ta phải đi vệ sinh và quan hệ tình dục ở chỗ kín đáo.
Tuy nhiên, phe kia có thể đối lại rằng, bộ phận sinh dục là nơi con người làm hai việc quan trọng và thiêng liêng bậc nhất của đời mình: quan hệ tình dục (với cả hai giới) và sinh con đẻ cái (với phụ nữ). Do đó, nó không kém quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác, kể cả lá cờ.
Còn nếu bạn cho rằng hậu môn là nơi bẩn thỉu của cơ thể thì vẫn còn những nơi khác có thể bẩn không kém, trong đó có miệng được nhiều người cho là nơi bẩn nhất với hơn 615 loại vi khuẩn có “hộ khẩu thường trú”.
Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng, cả hai giới nam và nữ đều quan hệ tình dục bằng miệng, tức là cho miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục. Và các cổ động viên bóng đá nhiệt thành nhất, yêu nước nhất cũng dùng miệng hôn lên quốc kỳ.
Nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới, kể cả ở Bhutan, bộ phận sinh dục thậm chí còn được tôn thờ như một linh vật và hàng năm có lễ hội linh đình đón rước linh vật này.
Vậy thì lý lẽ cho rằng quấn quốc kỳ quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên nó là kém vệ sinh và kém văn minh hơn dùng miệng hôn lên quốc kỳ có vẻ không được thuyết phục cho lắm, cho rằng hành vi này là xúc phạm quốc kỳ lại càng kém thuyết phục hơn.

Ca sĩ Lady Gaga và bộ đồ lót cách điệu từ quốc kỳ Mỹ trong một bức ảnh đăng năm 2016 trên Instagram của cô. Ảnh: Instagram.
Xúc phạm thì sao?
Người ta có thể lập luận cho rằng quấn cờ quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên lá cờ là không có tính xúc phạm. Nhưng nếu nó thực sự xúc phạm đến tình cảm của một nhóm người, hay đại đa số người dân trong xã hội thì sao?
Điều đó là rất có thể xảy ra. Trên thực tế, việc quy định tội xúc phạm quốc kỳ là khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là với hành vi đốt cờ.
Vào những năm 1980, có đến 48 trên 50 bang của Mỹ có luật cấm xúc phạm quốc kỳ, ai phạm tội sẽ bị xử lý hình sự.
Thế rồi có một chuyện xảy ra vào năm 1984 ở tiểu bang Texas ở miền Nam nước Mỹ. Một nam thanh niên tên là Gregory Lee “Joey” Johnson, thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Cách mạng, một tổ chức của Đảng Cộng sản Cách mạng Mỹ, đốt cờ Mỹ bên ngoài khu vực tổ chức đại hội của đảng Cộng hoà.
Hành động của Johnson nằm trong một cuộc biểu tình phản đối các chính sách của đương kim Tổng thống Ronald Reagan. Không ai bị thương nhưng nhiều nhân chứng nói rằng họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Johnson sau đó bị bắt và bị toà án bang Taxas xử một năm tù giam cùng với một khoản tiền phạt 2.000 USD. Vụ án sau đó lần lượt được cả hai bên kháng cáo lên đến tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tại toà, luật sư của Johnson lập luận rằng, việc đốt cờ là một hành vi ngôn luận có tính biểu tượng (symbolic speech) vốn được xem như là cách Johnson biểu đạt quan điểm chính trị của mình và do đó hành vi ngôn luận này phải được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Mỹ.
Bên cạnh đó, lá cờ bị đốt thuộc sở hữu của Johnson, anh ta có quyền dùng nó để biểu đạt quan điểm của mình bằng bất cứ cách nào, kể cả đốt. Chừng nào hành vi đốt cờ này không xâm phạm đến quyền lợi hay tài sản của người khác thì nó không thể bị coi là bất hợp pháp.
Một chi tiết thú vị nữa là, phe Johnson cho rằng bản thân việc đốt cờ không những không xúc phạm lá cờ Mỹ, mà còn tôn vinh giá trị tự do mà lá cờ đó đại diện. Nếu đốt cờ mà không bị trừng phạt có nghĩa là lá cờ đó thực sự đại diện cho những giá trị tự do mà người Mỹ thường rao giảng.

Cờ Mỹ bị đốt trong một cuộc biểu tình ở bang South Carolina năm 2015. Ảnh: Corbis.
Kết quả, Johnson thắng khi năm trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện cho rằng luật cấm đốt cờ của tiểu bang Texas là vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Phán quyết ghi rõ quan điểm của phe đa số của Tối cao Pháp viện như sau: “Chính quyền không được cấm đoán việc bày tỏ quan điểm bằng lời nói hay không bằng lời nói chỉ vì xã hội cảm thấy bị xúc phạm và không thể chấp nhận được quan điểm đó, ngay cả khi việc này liên quan đến lá cờ của chúng ta”.
Điều đó có nghĩa là, cho dù xã hội có cảm thấy bị xúc phạm đi chăng nữa thì hành vi đốt cờ cũng phải được coi làm một phần của quyền tự do ngôn luận.
Các án lệ của Mỹ quy định rằng, để cấm đoán một hành vi ngôn luận nào đó thì hành vi đó phải có khả năng kích động bạo lực và gây tổn hại cho người khác, ví dụ hô “cháy” giữa một rạp hát đông người mặc dù không có đám cháy nào cả.
Án lệ Texas v. Johnson cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các bang ở Mỹ về sau đã bãi bỏ luật cấm xúc phạm quốc kỳ. Đồ lót cách điệu quốc kỳ Mỹ cũng được bày bán công khai trên trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon.
Nếu đốt cờ mà còn không bị cấm và không phải ngồi tù thì việc quấn cờ quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên lá cờ cũng không nên bị trừng phạt như vậy.
Thế giới chia rẽ

Đội tuyển bơi lộ Singapore gây tranh cãi khi mặc đồ lót hình quốc kỳ tại một giải bơi châu Á năm 2010 ở Trung Quốc. Ảnh: Daily Mail.
Dĩ nhiên bạn có thể lập luận rằng văn hoá mỗi nước mỗi khác và không thể lấy luật Mỹ ra để làm mẫu cho Việt Nam được.
Một khảo sát của Tạp chí Luật Quốc tế của Đại học Michigan cho thấy thế giới cũng rất chia rẽ về việc này. Nếu như hành vi xúc phạm quốc kỳ không bị cấm ở Mỹ, Úc, Canada thì ở Pháp, Israel hay Saudi Arabia, bạn có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí ngồi tù.
Trang Flag Desecration trên Wikipedia cũng cho thấy Trung Quốc, Nhật, Phần Lan, Đức, Ý cấm xúc phạm quốc kỳ, trong khi Anh, Na-uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Romania lại không cấm.
Đến đây, chúng ta có thể rút ra ít nhất hai điều:
  • Mọi người đều có thể phê phán hoặc ủng hộ hoặc giữ vị trí trung lập về việc nữ cổ động viên quấn cờ quanh bộ phận sinh dục và ngồi lên lá cờ dựa trên quan điểm riêng của mình về tự do và đạo đức. Ở chừng mực này, đó hoàn toàn là quyền tự do của mỗi người.
  • Việc nhà nước có được phép trừng phạt hành vi quấn cờ và ngồi lên cờ của nữ cổ động viên trên hay không là vấn đề gây tranh cãi và khác biệt giữa các nước trên thế giới.
Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nếu chính quyền truy tố nữ cổ động viên kia về tội xúc phạm quốc kỳ thì chúng ta có cơ chế nào để tranh luận với chính quyền về tính hợp hiến và hợp lý của điều luật này hay không? Nói cách khác, có căn cứ nào để toà án tuyên rằng tội xúc phạm quốc kỳ là vi hiến hay không?
Hiện chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, nhưng căn cứ pháp lý là có.
Hiến pháp 2013 đã lần đầu tiên minh định rằng toà án của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”. Điều đó có nghĩa là các thẩm phán có thể dựa trên cách hiểu của mình về “công lý” để xét xử hay không?
Xin để ngỏ câu hỏi này cho các bạn.
Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét