Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

21 - Ngày 01/01/1863: Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ có hiệu lực



 


Trong thời kỳ Nội chiến Mỹ, Abraham Lincoln đã ban hành Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ, kêu gọi quân đội Liên bang miền Bắc giải phóng tất cả nô lệ ở các bang vẫn đang diễn ra nổi dậy như là “một hành động của công lý, được bảo vệ bởi Hiến pháp, bởi sự cần thiết về mặt quân sự.” Ba triệu nô lệ đã được tuyên bố rằng “từ nay trở về sau, và cho tới mãi mãi, sẽ luôn tự do.” Bản tuyên ngôn đã miễn trừ cho các “bang biên giới” (border state) theo chế độ nô lệ, vốn vẫn thuộc Liên bang khi nội chiến bùng nổ, cũng như toàn bộ hoặc một phần của ba bang thuộc Hợp bang miền Nam do quân đội Liên bang kiểm soát.

Là một chính trị gia từ đảng Cộng hòa, Lincoln đã từng đấu tranh để chế độ nô lệ không được áp dụng tại những vùng đất mới, nhưng không lật đổ ngay lập tức chế độ này, và chính sách này đã tiếp tục được duy trì khi ông trở thành tổng thống. Ngay cả sau khi nội chiến bắt đầu, Lincoln, dù bản thân rất căm ghét chế độ nô lệ, nhưng vẫn thận trọng trong việc công bố Tuyên ngôn Giải phóng. Tuy nhiên, năm 1862, chính phủ Liên bang bắt đầu nhận ra những lợi thế chiến lược của tuyên ngôn này: Việc giải phóng nô lệ sẽ làm suy yếu Hợp bang miền Nam bằng cách khiến họ bị mất một phần lớn lực lượng lao động, đồng thời tăng cường lực lượng cho Liên bang nhờ vào việc tạo ra một dòng nhân lực.


Năm đó, Quốc Hội đã bãi bỏ Luật Xử lý Nô lệ Bỏ trốn (Fugitive Slave Act), cấm chế độ nô lệ ở các lãnh thổ thuộc Mỹ, và cho phép Lincoln tuyển mộ những nô lệ được giải phóng vào hàng ngũ quân đội. Sau thắng lợi quan trọng của Liên minh trong Trận Antietam vào tháng 9, Lincoln đã đưa ra gợi ý về ý định áp dụng Tuyên ngôn Giải phóng cho tất cả các bang vẫn đang nổi loạn (đòi ly khai) vào Ngày Đầu Năm Mới.

Tuyên ngôn Giải phóng đã chuyển đổi Nội Chiến từ cuộc chiến chống lại chủ nghĩa ly khai thành cuộc chiến cho “một sự ra đời mới của tự do,” như Lincoln đã nói trong Diễn văn Gettysburg năm 1863. Sự thay đổi ý thức hệ này đã làm cản trở sự can thiệp của Pháp hay Anh để hỗ trợ chính quyền Hợp bang miền Nam và cho phép Liên bang tuyển 200.000 binh lính và thủy thủ người Mỹ gốc Phi, những người đã tình nguyện tham gia chiến đấu kể từ ngày 01/01/1863 cho đến khi kết thúc chiến tranh. Năm 1865, Tu chính án thứ 13 đã sửa đổi Hiến pháp và chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ.

Nguồn: Emancipation Proclamation goes into effectHistory.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét