Tổng Thống Trump rất sung sướng tuyên bố trước phiên họp khoáng đại của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong mùa thu 2017: “Không có một chính quyền nào trong lịch sử đất nước Mỹ đạt nhiều thảnh quả như tôi”. Lời tự khen của ông đã khiến các đại biểu cười rộ. Ngày 20.01.2019 đánh dấu hai năm tại chức Tổng Thống của doanh nhân địa ốc Donald Trump và cũng là thời điểm đánh giá những lời hứa của ông trong nửa nhiệm kỳ.
“Cởi trói kinh tế”
Chính sách kinh tế của Trump mang đặc điểm biệt lập và bảo hộ. Kinh tế phát triển dựa trên cải cách thuế má sẽ tạo viêc làm mới. Trump chủ trương giới hạn tự do thương mại và buộc các doanh nghiệp Mỹ nên sản xuất trong nước. Như đã hứa trong lúc tranh cử, Trump đã rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada (NAFTA) bằng một hiệp định mới. Cũng như thương thảo lại với Âu châu về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership – TTIP).
Trong chính sách năng lượng, Trump khai thác tối đa tài nguyên để Mỹ bớt lệ thuộc dầu nước ngoài, bất chấp vấn đề ô nhiễm môi trường. Trump chỉ thị tái lắp đặt các đường dẫn dầu mà chính quyền Obam đã tạm ngưng vì vấn đề môi sinh. Ngày 01.06.2017 Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận Bảo vệ Khí hậu Paris, mặc cho thế giới phản đối.
Tình hình kinh tế trong hai năm qua ổn định. Đất nước thực sự đã khởi sắc từ những năm cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Obama, nhưng các biện pháp cải cách của chính quyền Trump như bãi bỏ các quy định bảo vệ môi sinh và giảm thuế cho doanh nghiệp, đã đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thuế doanh nghiệp từ 35% giảm xuống 21% giúp các doanh nghiệp tăng mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm và đạt nhiều lợi nhuận. Lương của giới trung lưu tăng 1,2% đến 1,9%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%. Nhưng việc giảm thuế này sẽ tạo ra khối nợ công khổng lồ và khủng hoảng tài chính, theo cảnh báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ.
Tuy nhiên chính sách bảo hộ kinh tế qua cuộc chiến thương mại do Trump khởi động lại làm nền kinh tế quốc gia bị chao đảo. Mức phát triển từ 4,2% trong quý 2 đã tụt xuống 3,4% trong quý 3 và tiếp tục giảm dưới 3% trong quý cuối năm. Chỉ số cổ phiếu Dow Jones ở mức cao nhất trong tháng chín cũng bị mất hơn 10% vào cuối năm.
Trong diễn văn nhậm chức, Trump công bố sẽ tu sửa đường xá, cầu cống và phi trường để tạo thêm việc làm. Nhưng đến nay kế hoạch hạ tầng cơ sở dự kiến tổn phí 1500 tỉ vẫn chưa đưa ra Quốc hội thảo luận.
Giảm thâm hụt thương mại
Vấn đề thâm hụt trong cán cân thương mại là mối lo ngại rất lớn của chính quyền. Trump cho rằng Mỹ đã chịu thiệt thòi trong các thỏa ước thương mại. Ông kết án Trung Quốc cướp việc làm, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo và trộm cắp công nghệ của Mỹ. Stephen Bannon, nguyên trưởng chiến lược gia của Tổng thống Trump còn cho rằng, Mỹ từ lâu đã là “quốc gia triều cống“ của Trung Cộng vì các công ty Mỹ bị Trung Cộng ép buộc chuyển giao nhiều sản phẩm công nghệ cao cấp và các phát minh khoa học kỹ thuật, cũng như các chính quyền tiên nhiệm để Trung Cộng hàng năm mang về nước một lượng tiền trên 300 tỉ USD qua giao dịch thương mại. Tệ trạng này phải chấm dứt.
Chính quyền Trump công bố huỷ các thoả ước đa phương và ban hành các biện pháp áp thuế quan vào hàng nhập cảng từ Trung Cộng và cả các quốc gia đồng minh Âu châu, Nhật, Hàn. Khởi đầu chính sách áp thuế đơn phương đã gây nhiều hoang mang và khó khăn cho các quốc gia bị trừng phạt. Nhưng chỉ sau vài tháng, các quốc gia này đã liên minh trả đũa, khiến chính sách áp thuế của Trump không mang lại hiệu quả như mong đợi. Thặng dư thương mại của Bắc kinh với Mỹ trong năm 2018 vẫn tăng 17% lên 323 tỉ USD và mức xuất siêu của các quốc gia Âu châu chỉ trong 11 tháng đã tăng thêm 20% lên 129 tỉ USD.
Chính sách tăng thuế thép, nhôm và nhiều sản phẩm nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại của các công ty Mỹ ở nước ngoài. Tại Trung Cộng, nhiều hãng thông báo doanh thu cũng như lượng hàng bán bị giảm như Apple, Mattel, Tiffany Ford, GM, Tesla. Số xe sedan của hãng xe Ford bán ra trong tháng 12.2018 giảm gần 30%. Lượng xe bán của hãng xe GM cũng giảm 15% trong quý ba. Ngay ngành rượu tại California cũng báo lượng xuất cảng qua Trung Cộng giảm 15% trong quý ba. Trong tháng 12 Trung Cộng giảm 35,8% lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trước tình trạng hai bên đều bị thiệt thòi trong cuộc xung đột thương mại nếu còn tiếp tục đối đầu, nên Mỹ và Trung Cộng đã đồng ý đình chiến và thương thảo lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ đạt thỏa thuận với Trung Cộng, một thỏa thuận “công bằng“ cho tất cả vào năm 2019.
Lợi ích Mỹ trước hết
Trong diễn văn nhậm chức, Trump đã nêu hai khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” (America First) và “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again), làm tư tưởng chỉ đạo cho đường lối cầm quyền. Lợi ích quốc gia là yếu tố cốt lõi của chính sách đối ngoại và an ninh.
Trump thường nhắc, Mỹ trong vai trò cảnh sát thế giới đã chi phí quá lâu và quá nhiều để bảo vệ các quốc gia khác. Trong tương lai, các quyết định của chính quyền Trump trong chính sách đối ngoại sẽ không để hướng dẫn bởi những giá trị nhân quyền, dân chủ, tự do công lý mà chỉ dựa vào những tính toán kinh tế và chiến thuật.
Trump ngợi khen những lãnh tụ cộng sản, độc tài, sát nhân như Tập Cận Bình, Kim Jong Un, Mohammad bin Salman, Putin, Duterte, Trần Đại Quang…
Trump đòi các đồng minh phải tăng đóng góp tài chính cho liên minh quân sự. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Washington Post, Trump nói, ông ta không chỉ giảm sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài, mà còn giới hạn vai trò của Mỹ trong Minh ước NATO vì NATO quá tốn kém cho Mỹ. Là Tổng thống, Trump sẽ giới hạn sự tham gia quân sự ở khu vực Á châu-Thái bình dương. Các nước Nam Hàn và Nhật bản phải chi phí nhiều hơn cho sự phòng thủ quốc gia.
Trump xem chính sách đối ngoại của Obama và Clinton là một “thảm họa”, nên ông ta huỷ bỏ mọi thỏa thuận quốc tế mà chính quyền Obama ký kết, bất chấp hậu quả. Trump quyết định dời Toà Đại Sứ Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hủy bỏ thỏa ước nguyên tử với Iran. Rút khỏi Hiệp ước Vũ khí Nguyên tử Tầm trung (INF). Tại Syria, Trump công bố rút quân mà không hội ý đồng minh.
Bỏ TPP – Quà tặng cho Trung Cộng
Chỉ sau 3 ngày nhậm chức, Donald Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được xây dựng trong gần một thập niên. Với 12 quốc gia ven Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Canada, TPP chiếm gần hai phần năm nền kinh tế toàn cầu. Trump đã gọi đó là một “một thảm họa tiềm tàng cho đất nước chúng ta”.
Trong những năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại hoặc xung quanh các nước láng giềng của Trung Quốc, củng cố các liên minh an ninh tại châu Á và can thiệp công khai vào các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Giới lãnh đạo Bắc Kinh coi các hành động này, cũng như việc xúc tiến hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những nỗ lực để “kiềm chế” Trung Quốc theo chiến lược xoay trục về Á châu.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định chủ trương chống Tầu, nhưng công luận thế giới đã không hiểu được lý do sâu xa việc rút lui khỏi Hiệp định TPP và nhận xét quyết định của Trump có ý nghĩa như một món quà dành cho Trung Quốc.
Chống tham nhũng và bảo vệ bảo thủ
“Drain the swamp“ – làm khô vũng bùn – là khẩu hiệu của Trump trong cuộc tranh cử Tổng thống 2016. Ông kết án giai tầng tinh hoa ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn là thành phần lũng đoạn đất nước mà chính quyền Trump cần phải dẹp bỏ. Nhưng thật nghịch lý, chính nhà tỉ phú Trump lại móc nối lợi ích kinh tế cá nhân và gia đình với các hoạt động của chính quyền. Ông hủy bỏ cuốn sổ khách (guestbook), liệt kê các cuộc thăm của giới vận động hành lang trong tòa Bạch Ốc để tránh bị điều tra, đưa thân nhân vào các chức vụ cố vấn trong chính quyền, dùng tiền thuế đãi khách đến khu chơi golf của ông ở Florida, sau đó lại kiếm thêm tiền nhờ giới vận động hành lang ngủ trong khách sạn cao cấp của ông ở Hoa Thịnh Đốn.
Cử tri quốc gia bảo thủ và các giáo phái tin lành cực đoan đã đưa Trump lên ngôi vị Tổng Thống nên chờ đợi Trump có những quyết định thay thế nhân sự trong Toà án Tối cao, thuận lợi cho phe bảo thủ. Các thành phần này đã “tha lỗi” cho lối sống phóng túng của Tổng Thống khi Trump thành công cất nhắc hai thẩm phán trẻ bảo thủ là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh vào Toà án tối cao. Hai thẩm phán mới sẽ bảo vệ lâu dài cho lập trường bảo thủ trong những vấn đề pháp lý liên hệ phá thai, quyền công nhân, bảo vệ môi sinh, quyền bầu cử…
An ninh biên giới
Trump không phân biệt các vấn đề di dân, phạm pháp và khủng bố. Đối với ông di dân là “mẹ đẻ của mọi vấn đề“. Ông ra sắc lệnh cấm công dân các nước Lybia, Ba Tư, Somalia, Syria, Yemen, Bắc Hàn và Venezuela không được nhập cảnh.
Trong cuộc tranh cử, Trump hứa sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico và nhiều lần quả quyết Mexico sẽ thanh toán tiền xây tường. Nhưng chính quyền Mexico đã không bỏ tiền ra cho Trump xây tường, nên ông yêu cầu Quốc hội Mỹ hãy chi 5,7 tỉ USD cho việc xây tường. Vì Quốc hội từ chối, Trump ra lệnh đóng cửa chính phủ khiến 800.000 công chức nghỉ việc không lương. Dư luận phỏng đoán Trump dùng chiến thuật kéo dài sự kiện này để chứng minh ông là người “cứng rắn“, luôn nghĩ đến an ninh của người dân.
Thay đổi tùy hỷ, nộ của Tổng Thống
Một vấn đề gây nhiều trở ngại cho sự tin tưởng vào đường lối và chính sách của chính quyền Trump là sự thay đổi liên tục đề tài, lập trường và nhân sự. Trong lúc tranh cử, Trump kêu gọi chính quyền Mỹ không nên can dự vào cuộc chiến ờ Syria, nhưng ngày 27.04.2017 ông ra lệnh dội bom, bắn hoả tiễn vào nước này.Trường hợp tranh chấp với Bắc Hàn, vào tháng 8. 2017, Trump đe doạ sẽ đánh phủ đầu quân sự, nhưng cuối cùng tuyên bố “vinh dự “ đươc gặp lãnh tụ độc tài Kim Jong Un vào ngày 12.06.2018 tại Tân Gia Ba. Về mặt thay đổi nhân sự, danh sách các viên chức cao cấp từ chức hoặc bị sa thải ở chính quyền Trump trong hai năm 2017-2018 rất dài. Tổng cộng Trump đã mất 13 thành viên nội các trong hai năm cầm quyền, trong khi tổng thống Obama chỉ mất 9 người của nhiệm kỳ bốn năm đầu.
Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, Cố vấn an ninh Michael Flynn, Giám đốc cục điều tra Liên bang (FBI) James Comey, Giám đốc thông tin Mike Dubke, Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Sean Spice, Chánh Văn phòng phủ tổng thống Reince Priebus, Giám đốc Truyền thông Anthony Scaramucci, Trưởng chiến lược Stephen Bannon, Phó cố vấn an ninh Dina Powell, Trưởng phòng Thông tin Hope Hicks, Cố vấn kinh tế Gary Cohn, Bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson, Phó Giám đốc cục điều tra FBI Andrew McCabe, Cố vấn an ninh, tướng H. R. McMaster, Bộ trưởng cựu chiến binh David Shulkin, Giám đốc sở bảo vệ môi trường Scott Pruitt, Cố vấn luật pháp Donald F. McGahn, Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, Chánh Văn phòng phủ tổng thống John Kelly, Chánh Văn phòng phó tổng thống Nick Ayers, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis… là những nhân vật trong chính quyền Trump đã từ chức hoặc bị sa thải.
Mức độ tín nhiệm Trump
Trung tâm nghiên cứu Pew Research Center thực hiện cuộc thăm dò ý kiến người dân trong 25 quốc gia Âu châu về mức độ tín nhiệm Barack Obama và Donald Trump trong các vấn đề quốc tế. Kết quả những người được hỏi đã trả lời tín nhiệm Obama hơn Trump. Tại Tây Ban Nha, Trump nhận được mức tín nhiệm thấp nhất: 7% so với 75% cho Obama. Tại Đức chỉ có 10% dân chúng tin Trump đã hành xử đúng trong các vấn đề toàn cầu, so với Obama ở mức 86%. Tại Pháp, kết quả ý kiến cũng tương tự như tại Đức. Riêng ở Ba Lan, Trump nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao 35% . Tuy nhiên, cũng tại đây Obama vẫn dẫn đầu với 58%.
Tại Mỹ, Trump vẫn còn được 40% cử tri bảo thủ tín nhiệm, dù bị nhiều tai tiếng, so với 55% không hài lòng về chính trị của ông. Các nhà phân tích kết quả thăm dò dân ý cho rằng, sở dĩ hiện tại Trump còn giữ được 40% mức tín nhiệm là nhờ sự đoàn kết của Đảng viên Cộng hoà ở các cơ sở điạ phương và sự hỗ trợ của các giáo phái tin lành cực đoan, bài ngoại.
Donald Trump được bầu làm tổng thống một phần do những lời hứa sẽ cải thiện nước Mỹ theo khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trờ lại“. Nhưng giờ đây, sau đúng 2 năm nhậm chức, Mỹ chưa vĩ đại, lại bị phân hóa hơn bao giờ hết.
Dân túy thành công trong các cuộc bầu cử nhờ hứa hẹn. Nhưng dân túy không giải quyết được vấn đề nào cả. Thực hiện những lời hứa mị dân như giảm thuế, xây tường… sẽ tốn kém tiền bạc, dẫn đến nợ công cao, thâm hụt ngân sách.
Trump đang đối mặt với thực tế: Nợ công, thiếu hụt ngân sách, kinh tế trì trệ… Một khi Đảng Dân chủ đối lập đưa ra được một chương trình chính trị có khả năng tập hợp nhiều thành phần dân chúng trong một liên minh đủ sức đối đầu với phong trào quốc gia dân túy, thì kịch bản tái ứng cử của Trump có ít xác xuất xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét