Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

8754 - Làm sao để một cuộc cách mạng thành công?




Hàng ngàn người dân Venezuela xuống đường biểu bình. Ảnh trên mạng

Những ngày gần đây, cả thế giới hướng về Venezuela. Cuộc cách mạng Venezuela là một cuộc cách mạng đã được báo trước. Trước tình trạng lạm phát và mất giá của đồng tiền Bolivar, khoảng cách giàu nghèo và tham nhũng tràn lan khiến người dân Venezuela rơi vào tình cảnh cùng quẫn trong thời gian dài.
Mâu thuẫn xã hội Venezuela đã lên tới đỉnh điểm khi vụ ám sát Tổng thống độc tài Maduro diễn ra hồi tháng 9/2018. Chỉ 3 tháng sau, 23/1/2019, cuộc cách mạng thực sự đã nổ ra với việc Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố làm tân Tổng thống Lâm thời.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cuộc cách mạng nhưng phần lớn chúng đều bị dìm trong biển máu. Tại sao các cuộc cách mạng đều không mang lại một kết quả tốt? Theo tôi, để có được một cuộc cách mạng thành công cần có những yếu tố sau từ bài học của Venezuela:
1.- Muốn một cuộc cách mạng thành công phải có một mô hình mới đúng đắn thay thế mô hình cũ
Khi mô hình cũ hoạt động không còn hiệu quả và hay xảy ra nhiều lỗi khiến dân chúng phẫn nộ thì những mô hình mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, những người nắm giữ quyền lực ở mô hình cũ này không bao giờ chịu buông tay hoặc thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng của dân chúng. Họ sử dụng những phương tiện bạo lực như công an, quân đội, truyền thông để dập tắt các mô hình mới có khả năng chống lại họ.
Mặt khác họ không có cách nào để sửa chữa các lỗi do họ gây ra. Nguyên nhân chính là họ đã bị chính những lỗi này dắt mũi và không cách nào thoát ra được. Do đó, họ ngày càng trở nên độc tài, thâu tóm quyền lực và sử dụng bạo lực trong việc giải quyết các xung đột xã hội. Những mô hình mới thì không có cơ hội phát triển ở những nước độc tài. Do những người lãnh đạo mô hình cũ tìm mọi cách tiêu diệt từ trong trứng nước.
Những người lãnh đạo mô hình cũ bị hạn chế ở tầm nhận thức của họ. Ví dụ ở Việt Nam, những người lãnh đạo đất nước đang ở độ tuổi 50, 60 và người lãnh đạo cao nhất ở độ tuổi 70. Như vậy, họ là những người sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh nên họ không được học hành bài bản. Họ mang kiến thức và tư duy của thập niên 70, 80 ở thời điểm họ trưởng thành vào lãnh đạo đất nước. Những vị lãnh đạo ấy đi lên bằng con đường tranh đấu, diệt trừ nhau, cộng với luồn cúi khiến nó trở thành một văn hóa lãnh đạo sau này.
Họ lớn lên ở thời kỳ đóng cửa nên họ không có tư duy kinh tế thị trường. Điều họ sợ nhất là người dân được tiếp xúc với văn minh phương Tây, làm cho dân trí nâng cao dẫn đến nhiều sự thay đổi mà họ không kiểm soát được. Cho nên khi dân trí nâng cao bao nhiêu thì họ tạo ra các bộ luật nhiều bấy nhiêu để kìm hãm nó. Với cách làm độc tài này sẽ tạo ra một bầu không khí xã hội ngột ngạt, căng thẳng chứa đầy mâu thuẫn giống như quả bóng được bơm căng, chỉ chờ phát nổ.
Tuy vậy, một trong những cách giải quyết khủng hoảng xã hội của họ là tạo ra những đợt xả hơi bằng những lời hứa suông, bằng những chiếc bánh vẽ trong tương lai, hay triệt hạ một vài đối thủ hoặc bằng các trò giải trí với sự can thiệp rầm rộ của truyền thông. Tuy nhiên, khi những thứ ấy lắng lại thì mâu thuẫn xã hội lại bùng lên, bởi đó không phải là cách giải quyết vấn đề triệt để. Massage không chữa lành căn bệnh ung thư đang phát triển trong con người, mà muốn chữa lành bệnh phải tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư.
Một mô hình mới được thay thế khi và chỉ khi có những con người mới thay thế. Họ được đào tạo bài bản ở các nước văn minh, họ có khả năng dẫn dắt quần chúng và xây dựng một mô hình phù hợp với hoàn cảnh đất nước mà ít xảy ra xung đột với mô hình cũ. Nhưng điều này sẽ mất rất nhiều thời gian bởi điều ấy được tính bằng thế hệ. Có lẽ thế hệ 8x, 9x mới có thể đảm nhận được trọng trách này. Bởi khi sinh ra họ đã thoát khỏi thời kỳ bao cấp đóng cửa và tiếp thu các luồng tư tưởng mới nhờ kinh tế thị trường và internet. Tức là chúng ta phải mất ít nhất 20 năm nữa mới có thể làm một cuộc cách mạng thành công, thay đổi mô hình đang tồn tại. Đó là cách ít gây ra xung đột bạo lực nhất và cũng sẽ mất nhiều thời gian nhất.
Dân trí không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải được tích tụ qua thời gian. Tuy nhiên, dân trí cũng có thể thay đổi nhanh chóng khi có một lực tác động thật mạnh vào xã hội như chiến tranh, khủng hoảng tài chính, xung đột tôn giáo, sắc tộc hoặc có một lực lượng nào đó chi phối, dẫn dắt.
2. Người lãnh tụ truyền cảm hứng
Nhà tâm lý học vĩ đại Gustas Le Bon nói rằng: “Đám đông không có lãnh đạo là một đám đông bỏ đi”. Cho nên vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Họ là người truyền cảm hứng cho người khác. Họ dẫn dắt quần chúng, khiến quần chúng hành động có mục tiêu, có lý trí. Hầu hết các cuộc biểu tình tự phát đều không có những người lãnh đạo tổ chức. Những người ấy đại diện cho đám đông phát đi những thông điệp chính thức của cuộc biểu tình.
Một đám đông tự phát rất dễ dẫn đến bị kích động, dễ bạo loạn và dễ khiến cho lực lượng cảnh sát lấy đó làm cái cớ chống bạo loạn. Đây là một điều rất nguy hiểm, và có thể cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu.
Người lãnh tụ là người đại diện cho đám đông, là biểu tượng của đám đông và là sức mạnh quy tụ đám đông. Biểu tượng của một đám đông bao giờ cũng là một người lãnh tụ, một lá cờ, một bài hát và một biểu tượng mang ý nghĩa tinh thần nào đó. Nếu thiếu đi những điều này đám đông sẽ thiếu sự tưởng tượng cần thiết để có một niềm tin mãnh liệt.
Người lãnh tụ phải luôn là người gần gũi với đám đông nhưng cũng là người có khoảng cách rất xa với từng người trong đám đông. Họ xuất hiện thường xuyên và được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Người lãnh tụ đám đông dễ bị nguy hiểm nhất bởi mọi mục tiêu phá hoại đám đông đều bắt đầu từ việc thủ tiêu người lãnh tụ. Do đó không phải ai cũng có đủ dũng khí để làm người lãnh tụ.
3. Phải có lực lượng hậu thuẫn
Đó là một lực lượng đóng góp tiền của, tài sản để duy trì đám đông trong một thời gian dài. Đó có thể là những người ủng hộ từng chai nước nhỏ bên đường, hoặc một bữa ăn nhỏ cho những người biểu tình. Cuộc cách mạng nào cũng cần một lực lượng giàu có đóng góp để nuôi sống nó lúc ban đầu.
Mặt trái của các cuộc cách mạng hay các cuộc biểu tình là không tạo ra của cải xã hội, thậm chí còn phá hoại tài sản xã hội, tiêu hao nguồn lực của cải xã hội. Do đó, cần phải có người nuôi dưỡng nó. Những người có khả năng nuôi sống đám đông thường ít tham gia các cuộc biểu tình. Bởi lẽ họ còn rất nhiều việc để làm, họ còn phải có thời gian để tạo ra của cải để đóng góp cho cách mạng và các cuộc biểu tình. Sự phân công lao động này là cần thiết, không phải họ sợ chết hay hèn nhát mà là họ cần phải làm như vậy để duy trì đám đông.
Nếu các cuộc biểu tình không có khả năng kéo dài thì cuộc cách mạng khó có khả năng thành công. Mặt khác chính những lực lượng hậu thuẫn này mới là nhân tố chính tạo ra sức mạnh bền bỉ cho các cuộc biểu tình. Họ là những khán giả cổ vũ nồng nhiệt cho cách mạng.
4. Truyền thông là phương tiện không thể thiếu
Truyền thông, là công cụ tuyên truyền, là phương tiện không thể thiếu để tạo nên một cuộc cách mạng thành công. Kẻ nào nắm giữ được truyền thông kẻ đó làm chủ được quần chúng. Truyền thông ở thời kỳ hiện nay gần như là một sự cân bằng giữa các bên: bên cách mạng và bên bảo thủ. Do vậy, mọi sự dối trá đều sẽ bị phán xét. Không lực lượng nào  làm truyền thông hiệu quả mà dùng sự dối trá.
Truyền thông là cách làm cho quần chúng tin vào mục đích của cuộc cách mạng, làm cho cuộc cách mạng có định hướng và được dẫn dắt. Truyền thông là phương tiện truyền tải đường lối của người lãnh đạo đến quần chúng cũng là thể hiện nguyện vọng của quần chúng đến nhóm lãnh đạo. Bên cạnh đó truyền thông còn là phương tiện để kết nối đến những người ở xa ngoài cuộc cách mạng kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo nên chính nghĩa cho cuộc cách mạng.
5. Một tổ chức điều phối các cuộc cách mạng
Thật là thiếu sót khi không kể đến một hoặc một số tổ chức điều phối các cuộc cách mạng. Họ có thể là người dựng lên lãnh tụ, họ kêu gọi sự hậu thuẫn của những người có tiền. Hơn hết, họ có một tổ chức chặt chẽ để làm truyền thông và các công việc bên rìa cuộc cách mạng. Họ định ra đường hướng của cuộc cách mạng.
Nếu không có một tổ chức đứng đằng sau duy trì một cuộc cách mạng thì thời gian cuộc cách mạng không thể kéo dài, cuộc cách mạng không thể có biểu tượng để quy tụ. Nó sẽ nhanh chóng bị đàn áp. Tổ chức này có thể là một đảng phái, một đoàn hội hoặc một nhóm người có cùng chung ý chí, cùng chung mục tiêu và có khả năng giải quyết các vấn đề của đám đông. Nói một cách chính xác thì tổ chức tạo nên đám đông. Tổ chức là cái đầu của đám đông khiến cho đám đông được dẫn dắt.
Tôi cho rằng để có được một cuộc cách mạng thành công cần nhiều hơn các yếu tố tôi vừa kể trên. Chúng ta cần phải liệt kê nhiều hơn nữa, phân tích thêm nhiều yếu tố khác như: thời cơ, sự khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn đường lối chính trị, chiến tranh xâm lược, tranh giành quyền lực nội bộ, xung đột giữa các tầng lớp trong xã hội, tác động của quốc tế…
Đây là một cuộc cách mạng giải quyết tận gốc rễ các mâu thuẫn xã hội nên sẽ không tránh khỏi sự chia rẽ, hoài nghi, hoài niệm và những bức bối dồn nén được giải phóng. Nhưng thà chịu đau đớn để cắt đi khối u và tiêu diệt toàn bộ tế bào ung thư còn hơn sống trong đau khổ và thất vọng. Đất nước Venezuela đang trải qua những ngày phẫu thuật đầy kinh hoàng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét