Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

8779 - Á châu giữa trận thương chiến


Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thật ra chưa có chỉ dấu lắng đọng mà viễn ảnh kinh tế toàn cầu lại thiếu sáng sủa với các tin xấu dồn dập mỗi ngày. Khi ấy, các quốc gia đang phát triển tại Á Châu phải tính sao? Diễn đàn Kinh tế sẽ tỉm câu giải đáp...

Ách tắc chính trị và thương chiến

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ thủ đô Hoa Kỳ nhìn ra toàn cầu người ta thấy quá nhiều dấu hiệu đáng ngại cho năm 2019. Trước hết là ách tắc chính trị tại Mỹ khiến một phần bộ máy công quyền liên bang bị tê liệt cả tháng trời mà chưa có giải pháp ngân sách. Kế đó, kỳ hạn 90 ngày hưu chiến trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ còn 37 ngày mà chưa có kết quả khi triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới lại có thể sút giảm theo dự báo cập nhật vừa qua của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Giữa tin tức dồn dập như vậy, người ta còn được biết kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu sút giảm chưa từng thấy kể từ năm 1990 làm các thị trường tài chính thế giới bị chấn động. Trong cái rừng tin tức như vậy, đâu là yếu tố quyết định cho những người có trách nhiệm về kinh tế tài chính của quốc gia, thí dụ cụ thể là cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta ở vào kỷ nguyên “thông tin tức thời”, với cả triệu dữ kiện hay số liệu tấp nập hàng giờ hàng phút có thể chi phối mọi người và ảnh hưởng toàn cầu trong một thế giới thu hẹp. Nói đến các thị trường tài chính chẳng hạn, ta còn phải thấy một yếu tố khác là đà tăng trưởng quá cao và quá lâu của thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ có lúc điều chỉnh, nôm na là sụt giá khi lãi suất cơ bản lại có thể tăng như trongg năm vừa qua. Khi điều ấy xảy ra, người ta dễ hoang mang chẳng hiểu cái gì là nguyên nhân, cái gì là hậu quả. Trong khi đó, và nhìn vào dài hạn, thì sự sa sút kinh tế của Trung Quốc không là bất ngờ vì được dự báo từ trước. Bây giờ, trong cái khối hỗn mang ấy, đâu là yếu tố có ảnh hưởng nhất mà ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế quốc dân? Bản thân tôi thì cho rằng mâu thuẫn đa diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ còn chi phối các nước trong nhiều năm. Vì vậy, rủi ro lẫn cơ hội sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Nguyên Lam: Như vậy, chúng ta sẽ nói về việc hưu chiến trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi đôi bên đang cố dàn xếp một thỏa thuận trước ngày mùng một Tháng Ba này. Ông thấy có triển vọng gì khả quan hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không lạc quan về triển vọng hòa giải. Chẳng hạn, Bắc Kinh bắn tin là mua thêm 1000 tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ trong sáu năm tới để đôi bên sẽ đạt quân bình mậu dịch vào năm 2024 này. Nhưng Bắc Kinh đã từng hứa hẹn như vậy trong quá khứ mà dù có muốn chưa chắc đã thực hiện nổi vì kinh tế sẽ lệ thuộc hơn vào các sản phẩm của Hoa Kỳ, từ phi cơ tới năng lượng và nông sản Mỹ. Vả lại, thỏa thuận giữa đôi bên có khi vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là mọi thành viên phải chấp hành quy chế tự do thương mại hay “tối huệ quốc” với nhau, chứ không thể có đặc miễn song phương. Thí dụ như đậu nành của Brazil hay gạo của Việt Nam bán vào Trung Quốc thì sẽ thất thế so với với nông sản Mỹ hay sao?
Nguyên Lam: Nếu sự tình diễn tiến như ông vừa tóm lược thì mâu thuẫn giữa hai nước không thể dàn xếp trong một vài tháng, thưa ông có thể như vậy chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn vào việc hai nước ở đôi bờ Thái Binh Dương đang trả giá như đấu võ, ta nên thẩm xét là phe nào ra đòn nặng nhất, phe nào có sức chịu đựng cao nhất, và quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ hay Trung Quốc mới coi trận thương chiến này là sinh tử? Về đại thể thì kinh tế Mỹ ít lệ thuộc vào kinh tế Tầu hơn là ngược lại, vì vậy, Hoa Kỳ có thể đòi mạnh mà ít bị thiệt bằng Trung Quốc. Có bị thiệt hại nhưng không bị nặng như Trung Quốc. Trái lại - đây là khi ta nhớ tới sự sa sút trong đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và lời cảnh báo chính trị nghiêm khắc vừa qua của Tổng bí thư Tập Cận Bình cho đảng viên cao cấp - Bắc Kinh không có đất lùi và sẽ phải chống trả tới cùng, bằng cách này hay cách khác.
11 nước còn lại của TPP vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ đổi ý mà xin tham dự sau nầy.
11 nước còn lại của TPP vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ đổi ý mà xin tham dự sau nầy. AFP
Nguyên Lam: Theo lối phân tích của ông, về việc Bắc Kinh sẽ chống trả tới cùng, bằng cách này hay cách khác, ông dự đoán cục diện sẽ xoay chuyển thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có cuộc tranh chấp về mậu dịch, với võ khí là thuế suất nhập nội như 10% hay 25% trên một lượng hàng trị giá chừng 200 tỷ đô la. Song song, đôi bên còn có mâu thuẫn về chế độ đầu tư của doanh nghiệp xứ này vào thị trường xứ kia với chính sách kỳ thị của Bắc Kinh. Thứ ba, Hoa Kỳ khiếu nại việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc ăn cắp, thậm chí ăn cướp, công nghệ cao của các nước. Thứ tư, việc cưỡng bách chuyển giao công nghệ, hay thuật lý – technologies – còn xâm phạm an ninh của các nước theo kinh tế thị trường, điển hình là vụ Huawei hay Hoa Vi đang bùng nổ. Ngần ấy đòn phép từ phía Hoa Kỳ sẽ tăng sức ép cho lãnh đạo Bắc Kinh, trước sự thẩm xét và tính toán của các doanh nghiệp đôi bên và của các thị trường.
- Nhưng Bắc Kinh vẫn có thể tác động vào thị trường bằng từng bước trì hoãn cho tới khi doanh nghiệp Mỹ mệt mỏi với thiệt hại trước mắt và gây áp lực vào chính trường Hoa Kỳ, vì nếu chấp thuận đòi hỏi của Chính quyền Donald Trump thì hệ thống kinh tế quốc doanh và chính trị của Bắc Kinh sẽ bị rúng động.
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng mâu thuẫn giữa hai nước lại có tính chất toàn diện, gần như là mâu thuẫn giữa hai hệ thống kinh tế chính trị chứ không thu hẹp vào vài ba trăm tỷ đô la về nhập siêu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy và vì thế tôi cho rằng trận thương chiến chỉ là một phần của một trận đấu sẽ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, trong trung hạn là từ hai tới năm năm, Bắc Kinh vẫn còn lợi thế. Vì hết đất lùi, lãnh đạo Bắc Kinh nhắm vào thiệt hại của nhà sản xuất và giới tiêu thụ Hoa Kỳ để chính trường Mỹ gây sức ép cho Chính quyền Trump, như ta đang thấy truyền thông báo chí nhận định mỗi ngày. Nhưng về dài thì các nhược điểm nội tại trong hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc vẫn nổi lên và vượt khỏi khả năng chống đỡ của Bắc Kinh. Đây là ta chưa nói đến yếu tố quốc tế, là phản ứng của các nước khác, nhất là các nước Đông Nam Á, về trận thương chiến và về nhiều vấn đề kinh tế lẫn an ninh khi họ giao dịch với Trung Quốc.

Những chọn lựa

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin bước qua phần hai của chương trình là chọn lựa của các quốc gia đang phát triển trong trận đấu mà ông nói là sẽ kéo dài nhiều năm. Thưa ông, các nước khác có thể làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta hãy nhìn vào hai giải pháp quốc tế. Một là Hiệp định Đối tác Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP, giữa 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN và sáu nước đã ký thỏa ước tự do thương mại với khối ASEAN là Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và New Zealand. Bắc Kinh nỗ lực vận động cho sáng kiến này mà vẫn chưa thành. Giải pháp kia là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP giữa 12 nước. Dù Hoa Kỳ đã triệt thoái, 11 nước còn lại vẫn xúc tiến và hoàn thành, do sự cổ võ của Nhật Bản, Úc, Canada và Mexico. Hai giải pháp khác nhau ở vai trò của Trung Quốc và ở tầm hợp tác rộng lớn hơn.
- Nói cho dễ hiểu thì các nước có sự chọn lựa ngấm ngầm, và thiên về giải pháp toàn diện hơn là chỉ có thỏa thuận thương mại và theo mô hình quản lý kinh tế chính trị của Trung Quốc. Nói cho rõ thì giải pháp TPP đề cao quy luật tự do thị trường hơn là sự can thiệp của nhà nước qua hệ thống kinh tế quốc doanh. Các nước đều thấy quy luật tự do có lợi hơn cho kinh tế quốc dân, chứ cũng chẳng vì bênh vực Hoa Kỳ hay đố kỵ Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Chưa kể là, như ông trình bày nhiều lần trước đây, 11 nước còn lại của Hiệp định TPP đã cải tiến vẫn tin rằng sẽ có ngày Hoa Kỳ đổi ý mà lại xin tham dự sau này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính là những cam kết cải cách có tính chất toàn diện - từ kinh tế tới xã hội, lao động và môi sinh - của 11 thành viên trong Hiệp định TPP mới giúp các nước phát triển về dài. Khi đối chiếu quy định rộng lớn của TPP với các mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ta có thể thấy ra ba chuyện. Thứ nhất, Trung Quốc không thể là đối tác đáng tin với khối TPP của 11 nước, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, Hiệp định TPP còn có thể mở rộng và nhận thêm nhiều nước khác vì lợi ích hiển nhiên của nó. Thứ ba, các thành viên của TPP có thế mạnh khi cần thương thuyết lại với Hoa Kỳ sau này để làm ăn với một thị trường có sức tiêu thụ cao nhất. Thị trường đó là Hoa Kỳ nếu ta chú ý đến sức tiêu thụ đang sa sút của kinh tế Trung Quốc, một nền kinh tế đang có quá nhiều vấn đề nội tại.
Nguyên Lam: Bước vào phần kết luận, thưa ông, ông tổng kết thế nào về tình hình quá phức tạp trước mắt chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang chứng kiến một trận đấu về nội lực giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất mà quá lệ thuộc vào nhau. Thứ nữa, nội lực của Trung Quốc bị suy giảm sau vài chục năm tăng trưởng ngoạn mục và đây là vấn đề cho lãnh đạo Bắc Kinh. Hậu quả trước mắt là nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ chuyển đầu tư từ thị trường Trung Quốc qua các thị trường khác, nên nhiều nước thấy ra cơ hội mới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ng, vẫn nói về nội lực, thì Việt Nam nên nhân cơ hội tiến hành cải cách toàn diện để doanh hiệp nội địa, của người Việt, lên tới trình độ sản xuất cao hơn thay vì chỉ trông chờ vào đầu tư của nước ngoài. Đấy là một nghịch lý mà chúng ta nên hiểu ra.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét