Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

8768 - Con mắt không nao núng đã “bắt chết” cả một cuộc Cách mạng văn hóa vô sản của Trung Quốc


Tác giả bài báo: Amy Qin

The New York Times International Edition


Nhà nhiếp ảnh đang thực hiện một sứ mệnh là làm cho đồng bào mình thấy được những gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ 
Nhiếp ảnh gia Lý Chấn Thịnh (nguyên văn: Li Zhensheng = 李振盛 – sinh năm 1940) đang thực hiện một sứ mệnh nhằm khiến cho các đồng bào Trung Quốc của ông nhớ lại một trong những chương hỗn loạn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, một chương mà Đảng Cộng sản cầm quyền đang càng ngày càng cố gắng che đậy.

Ông Lý nói “Cả thế giới đều biết đến những gì đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chỉ có Trung Quốc là không biết. Vì vậy, nhiều người TQ không biết gì về cuộc Cách mạng Văn hóa (ở TQ, tên đầy đủ nguyên thủy là Đại Cách mạng Văn hóa của Giai cấp Vô sản; thường gọi tắt là Đại Cách mạng Văn hóa vô sản hay vắn tắt hơn là Văn Cách) diễn ra trong 10 năm từ tháng 5/1966 tới tháng 10/1976, gây náo loạn sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung quốc nên cũng còn được gọi là “10 năm động loạn”, “10 năm thảm họa”- người dịch).

Ông Lý, 78 tuổi, mặc một chiếc áo vest của giới ký giả màu xanh đậm trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Hồng Kông, nơi ấn bản tiếng Trung đầu tiên của cuốn sách của ông có nhan đề là “Người lính – phóng viên nhiếp ảnh của những tin tức màu hồng” (nguyên văn: “Red-Color News Soldier” – một danh xưng đại loại cũng như “người lính - chiến sỹ của đảng trên mặt trận văn hóa – nghệ thuật! – người dịch), được xuất bản hồi tháng Bảy (2018) bởi Nhà xuất bản Đại học Trung Quốc (Hong Kong).

Pha trộn lịch sử với những hồi ức, cuốn sách ảnh này bao gồm những bức ảnh chọn lọc được ông Lý chụp vào những năm 1960 khi ông làm việc tại một tờ báo địa phương ở phía đông bắc Trung Quốc. Kể từ năm 2003, những bức ảnh này đã được triển lãm tại hơn 60 quốc gia, mang đến cho khắp thế giới những bằng chứng về cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản của TQ – bằng chứng về một cuộc khủng hoảng kéo dài hàng thập kỷ diễn ra từ năm 1966 và khiến cho học trò chống lại thầy cô giáo, con cái chống lại cha mẹ và bạn bè chống lại bằng hữu.

Với ấn bản mới của cuốn sách, ông Li gia nhập đội ngũ nhỏ bé của người Trung Quốc còn sống sót sau sự tự tung tự tác, sau những hành động ngang ngược tàn bạo vô độ của ách cai trị của Mao Trạch Đông, những người mà đang quyết tâm thách thức những trình thuật lịch sử chính thức (hay còn gọi là những những trình thuật lịch sử của đảng, của quốc doanh, của nhà nước – người dịch) vào thời điểm mà Tổng Chủ Tập Cận Bình đang đẩy mạnh sự đàn áp những sự chỉ trích đối với quá khứ bầm dập bởi những chấn thương đẫm máu của đảng của ông ta. Dưới sự cai trị của ông Tập, nhà cầm quyền TQ đã tiến hành một cuộc đàn áp ý thức hệ trên một quy mô sâu rộng đối với những tiếng nói bất đồng, những tiếng nói mà trong lúc nỗ lực để ghi lại lịch sử một cách khách quan thì đang phải đối mặt với đầy rẫy những rủi ro.

Tại Trung Quốc, Cách mạng Văn hóa đã trở thành một chủ đề càng ngày càng cấm kỵ và các nhân viên công lực TQ đã liên tục ngăn chặn các nỗ lực của ông Lý nhằm xuất bản các bức ảnh. Ấn bản mới của cuốn sách của ông chỉ có thể được phát hành trong thành phố Hồng Kông bán tự trị, nhưng điều đó không làm giảm hy vọng của ông về việc đưa các bản sao của nó vào Trung Quốc lục địa.

Ông Lý nói “Chúng tôi sẽ mang những cuốn sách này vào Đại lục từng quyển, từng quyển một. Giống như đàn kiến chuyển nhà vậy”.

Sau khi Mao phát động Cách mạng Văn hóa, cái mà được bắt đầu như một chiến dịch chính trị nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát ở bộ phận lãnh đạo chóp bu, những đã nhanh chóng trở thành một phong trào sâu rộng trên toàn quốc làm rung chuyển, rúng động mọi tầng lớp xã hội. Các nhóm thanh niên vũ trang đối nghịch nhau thường được gọi là Hồng vệ binh đã đấu đá, đánh lộn nhau và chống lại “những kẻ thù gia cấp”, bao gồm các phần tử trí thức, quan chức đủ mọi dạng loại và đủ mọi cấp bậc (từ bí thư đảng ủy công xã nhân dân cho tới các nguyên soái đã từng nếm mật nằm gai từ thời Diên An – người dịch) và nhiều những người khác.

Hàng chục triệu người đã bị bức hại. Có đến hơn 1,5 triệu người chết vì chiến dịch này, theo một số ước tính. Nhiều người đã phải tự sát (một ví dụ điển hình là nhà văn Lão Xá, 1899 – 1966  – người dịch).

“Không có một phong trào chính trị nào khác trong lịch sử Trung quốc gần đây mà những tác hại, những sang chấn của nó lại kéo dài đến thế, sâu rộng đến thế, như Cách mạng Văn hóa”, ông Lý nói.

Ông nói thêm là ông lo ngại rằng nếu không có một sự tất toán lịch sử thanh thỏa (nguyên văn: “without a deep historical reckoning”), thì điều tương tự có thể sẽ lại một lần nữa diễn ra ở Trung Quốc. Đối với nhiều người, việc ông Tập nỗ lực nâng cao vị thế của ông ta đến mức ngang hàng với Mao và mở rộng nhiệm kỳ cai trị của ông tới một mức độ vô thời hạn gợi lên những ngày tháng của một sự cai trị của một nhà độc tài, khi Mao được tôn thờ như một vị thần, và đỉnh điểm thảm họa chính là Cách mạng Văn hóa.

Bộ sưu tập ảnh của ông Lý về cái thời đó (thời Cách mạng văn hóa vô sản) là một bức tranh chân dung mang sắc thái của cả nỗi đau và niềm đam mê (“thời hoa đỏ, sôi nổi vụng về!” – người dịch) mà phong trào đó tạo ra (nguyên văn: “is a nuanced portrayal of both the pain and the passion that the movement generated”). Vào thời điểm mà máy ảnh còn là một thứ đồ khan hiếm, ông Lý được cấp cho một cái quyền hiếm hoi là được phép tiếp cận các sự kiện chính thức (tức là của nhà nước – người dịch), ông đã chụp được hơn 30.000 bức ảnh, mà nhiều bức trong số đó ông đã cất giấu cẩn thận dưới nền nhà của ông tại thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Trong số những bức ảnh đó có bức ảnh các Hồng vệ binh buộc các nhà sư tại một ngôi chùa phải phỉ báng các kinh sách của đạo Phật và cắt trụi tóc của một nhân viên nhà nước vì người này bị cho là nhìn quá giống Mao (nguyên văn: “Red Guards forcing monks at a temple to denounce Buddhist scriptures and tearing out an official’s hair because he was deemed as too closely resembling Mao”). Có nhiều người còn hét lên ngợi ca Mao khi họ bơi trên sông Tùng Hoa (nếu quý vị nào quan tâm có thể nghe lại bài hát “Mao chủ tịch đi bơi trên sông Trường Giang” nhân sự kiện này, phỏng theo giai điệu bài hát Nga “Cây thanh lương trà Ural” hay còn gọi là “Cây thùy dương”, xin truy cập theo địa chỉ này: http://cuucauthuqdtphcm.blogspot.com/2012/07/mao-trach-ong-boi-vuot-song-truong.html - người dịch).

Có nhiều những bức ảnh chụp các quan chức và quần chúng bình thường, một số thì đứng trên ghế, một số bị vấy mực đen, nhiều người cúi đầu, và tất cả đều bị đấu tố trước đám đông vì các hành động được cho là phạm tội, kết án họ phải lao động khổ sai hoặc đem đi hành quyết (nguyên văn: “massive crowds denouncing them for supposed crimes, sentencing them to hard labor or taking them away for execution”).

Lần đầu tiên, những bức ảnh của ông Lý được chú ý rộng rãi ở nước ngoài là vào năm 2003, khi ông làm việc với Robert Pledge, giám đốc của Contact Press Images thuộc thành phố New York, để xuất bản cuốn sách ảnh “Người lính – phóng viên nhiếp ảnh của những tin tức màu hồng”.

Gần như ngay lập tức, các nhà xuất bản ở Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm ông Lý, người mà giờ đây đã chuyển đến New York để được sống gần gũi hơn với các con cái của ông. Biết trước rằng các bức ảnh này chỉ có được một cơ hội mỏng manh trong hy vọng nhận được sự chấp thuận từ các nhà kiểm duyệt chính thức (những vệ binh canh cổng trên mặt trận tư tưởng – người dịch) của Trung Quốc, ông Lý và các biên tập viên ở Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một phiên bản tiếng Trung của cuốn sách mà sẽ khỏa lấp những bức ảnh gây tranh cãi bằng tầng tầng lớp lớp các văn bản (nhưng không ăn thua, làm sao qua được mắt những người lính gác trên mặt trận tư tưởng của đảng cơ chứ - người dịch).

Tất nhiên, các nhà kiểm duyệt đã từ chối cuốn sách vốn đã gần như hoàn chỉnh mà không cần có lời giải thích.

Giờ đây, hơn nửa thế kỷ sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, có rất ít những cuộc thảo luận công khai về thời kỳ đó ở Trung Quốc. Cái mà một số người gọi là chứng mất trí nhớ tập thể dân tộc càng chỉ trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây khi mà các nhà lãnh đạo đã nỗ lực trở lại để tất toán với lịch sử hiện đại của đất nước.

Năm ngoái, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (nguyên văn: “South China Morning Post”) có bài viết cho biết rằng nhà xuất bản do nhà nước quản lý (tức là một NXB quốc doanh! – người dịch) đã chỉnh sửa một cách rõ ràng sách giáo khoa lịch sử cấp trung học trong đó đã bỏ qua những hồi đoạn đề cập đến “những sai lầm của Mao” trong cuộc cách mạng văn hóa. Và một cuộc triển lãm gần đây tại Bảo tàng Thủ đô ở Bắc Kinh đã trưng bày những hình ảnh lịch sử được chụp bởi các phóng viên ảnh của hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đã không đề cập gì đến Cách mạng Văn hóa.

Cách mạng văn hóa không phải lúc nào cũng là đề tài bị giới hạn. Hồi năm 1988, những người tổ chức một cuộc thi nhiếp ảnh trên toàn quốc đã tiếp cận ông Lý với một yêu cầu gần như không thể tưởng tượng được trong môi trường chính trị hiện tại của Trung Quốc.

Ông Lý nhớ lại một trong số những người tổ chức đã nói rằng “Chúng ta không thể để mất cả một thập kỷ lịch sử trong một cuộc thi lớn như thế này”. Vì vậy, ông Lý đã cân nhắc việc gửi các bức ảnh của mình để tham gia cuộc thi.

Ông Lý đã giành chiến thắng trong cuộc thi này. Các phương tiện truyền thông địa phương và các nhà quan sát đã bị choáng váng bởi những tấm ảnh, trong đó mô tả cuộc Cách mạng Văn hóa một cách toàn diện hơn so với những gì đã được nhìn thấy trước đây.

Việc nhận thấy bầu không khí chính trị đã ít nhiều thay đổi kể từ thời điểm đó, đã khiến cho ông Lý càng trở nên quyết tâm hơn trong việc xuất bản những bức ảnh của mình tại Trung quốc đại lục.

Ông Lý nói “Một số người đã chỉ trích tôi, nói rằng tôi đem chuyện nhà kể cho người ngoài nghe, sử dụng một thành ngữ Trung Quốc nói đại ý rằng tôi ‘vạch áo cho người xem lưng’. Tuy nhiên, người Đức không quên quá khứ phát-xít Quốc xã, người Mỹ vẫn nói về lịch sử chế độ nô lệ của họ, tại sao người Trung Quốc không thể nói về lịch sử của chính mình?”.

Mặc dù những bức ảnh của mình không được công bố tại TQ đại lục, nhưng ông Lý vẫn giảng bài về Cách mạng văn hóa tại một số trường đại học Trung Quốc, bao gồm Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.

Năm 2017, một nhà bảo tàng mới đề cập đến cuộc đời và hoạt động nhiếp ảnh của ông Lý đã được khai trương tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên. Nó là một phần của cả một cụm bảo tàng lịch sử tư nhân được xây dựng bởi Fan Jianchuan, một nhà kinh doanh bất động sản và cũng là một người yêu thích lịch sử, và, giống như ông Lý, cũng không xa lạ gì với hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc.

Nhưng đi trên lằn ranh kiểm duyệt cũng có nghĩa là phải có những thỏa hiệp, những nhân nhượng bất đắc dĩ. Ngồi trong phòng khách sạn của mình ở Hồng Kông, ông Lý đề cập đến một cuốn sách mới mà ông đang chuẩn bị xuất bản trong đó có sử dụng những bức ảnh mà ông đã chụp tại Bắc Kinh trong cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989.

Khi được hỏi rằng liệu ông có kế hoạch xuất bản cuốn sách hay không, nhà nhiếp ảnh vốn thường kiên định với ý kiến của mình đã im lặng. Ông do dự, ngần ngại, bởi vì, như ông nói, ông lo ngại rằng nhà bảo tàng ở tỉnh Tứ Xuyên có thể bị chính quyền đóng cửa để trả thù.

Ông Lý nói “Thôi, đừng nói gì về cuốn sách về Thiên An Môn nữa. Đó là câu chuyện của một thời điểm” (ý nói là “nhạy cảm”, vì “nhạy cảm” là một từ rất nhạy cảm, và là một danh từ quốc tế! - người dịch)”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét