Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

8746 - Phải chăng Hoa Kỳ cần một kẻ thù chung?



Sự nổi lên của Trung Cộng và sự hung hăng của ông Tập Cận Bình đã là món quà đang rất cần thiết cho nền cộng hòa Hoa Kỳ. Trong hình, hôm 9 Tháng Mười Một, 2017, Đệ Nhất Phu Nhân Mỹ Melania Trump cùng Đệ Nhất Phu Nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện đến thăm trường tiểu học Banchang, Bắc Kinh, và được học sinh tặng quà là một miếng vải đỏ viết chữ “Phúc” thư pháp. (Hình: Ng Han Guan/AFP/Getty Images)


Đó là câu hỏi được một nhà bình luận Janan Ganesh đặt ra trên tờ Financial Times.
Ông Ganesh kể lại là bên ngoài nhà ông ở thủ đô Washington DC, nơi mà ông bảo là trung tâm quyền lực của thế giới, có những cái “ổ gà” mà chiều sâu và đường kính bằng vết chân voi. Tổng Thống Donald Trump, ông nhắc, đã thề sẽ sửa những vết nhơ của “thế giới thứ ba” trong một phần của một cuộc xây dựng hạ tầng cơ sở khổng lồ. Những đối thủ Dân Chủ của ông cũng hứa như vậy.
Ấy vậy hai năm sau triều đại của tổng thống, sự hợp tác thật tự nhiên này vẫn còn hầu như không thể tưởng tượng được sẽ xảy ra.
Chia rẽ đảng phái không phải chỉ là tai họa cho cuộc sống xã hội, nó còn là một sự bực mình nữa ông giải thích. Ngoài việc những con đường có vẻ như là bị những chú voi đi dạo vào nơi mà nhựa đường chưa khô, nó còn đóng cửa chính phủ cho hơn một tháng rồi.
Ông chỉ ra là ông Trump đòi tiền cho bức tường chống lại Mexico. Những người Dân Chủ, vốn từ chối, cũng khăng khăng về quyền của những người bị đưa vào Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ. Một sự trao đổi thông hành lấy bức tường hẳn là chuyện đương nhiên. Nhưng không mấy ai chờ đợi nó sẽ xảy ra. Cả hai đảng đều coi trọng mục tiêu của mình không kém gì việc từ chối mục tiêu của phe kia.
Nếu cái giá của chia rẽ đảng phái thật rõ ràng, lý do tạo chia rẽ không được mấy ai để ý. Thời trang thì đổ cho là tại truyền thông xã hội tạo nên những ghettos thông tin trong đó nhiều triệu người đã chìm đắm trong sự khẳng định những thiên kiến của mình. Những người khác thì chỉ ra, một cách cổ điển hơn, cho những đơn vị bầu cử không có cạnh tranh, vốn đã khiến các chính trị gia không cần phiếu của phe bên kia. Có lẽ, trong một văn hóa phân hóa, sự thần phục đảng phái đã thay thế giáo hội và nghiệp đoàn như là nguồn của cảm giác đồng đạo.
Nhưng ít người nhìn ra bên ngoài Hoa Kỳ cho nguyên nhân của vấn đề. Thời tranh cãi này bắt đầu từ thập niên 1990, thập niên của đàn hạch tổng thống và lần đầu tiên chúng ta thấy hơi hướm của quy định Hastert của đảng Cộng Hòa vốn đòi hỏi là chỉ đưa ra bỏ phiếu những dự luật được đa số ủng hộ bên Cộng Hòa bất chấp sự ủng hộ của phe bên kia đường đi.
Ông Ganesh bảo có thể chỉ là một sự trùng hợp bởi vì đó cũng là lúc cường quốc cuối cùng thách thức Hoa Kỳ, Liên Bang Xô Viết, mới về hưu. Nhưng ông bảo ông không tin. Được khỏi lo về đe dọa từ bên ngoài lần đầu tiên trong nửa thế kỷ, người Mỹ có thể tự do hướng nội và chống lại lẫn nhau. Họ tái đoàn kết, sau cuộc tấn công 11 Tháng Chín, nhưng al-Qaeda quá mơ hồ trong vai kẻ thù để ảnh hưởng đó kéo dài.
Ông Ganesh không phải nhà bình luận đầu tiên nghĩ đến nhu cầu cần một kẻ thù để tạo đoàn kết. Hồi thế kỷ thứ nhất Trước Công Nguyên, sử gia La Mã Sallust viết là nước cộng hòa đã rơi vào tranh chấp nội bộ vì kẻ thù của nó, Carthage, đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến Punic lần thứ ba. Ông bảo mối sợ kẻ thù, hay metus hostilis, tạo kết hợp nội bộ. Không có kẻ thù, người La Mã chĩa dao vào nhau, như ông sử gia viết “khi đầu óc con người được giải tỏa khỏi cái sợ Carthage, sự tham lam và kiêu căng đương nhiên gia tăng.”
Nhưng ông Ganesh chỉ ra là hàm ý ở đây vừa đen tối nhưng đồng thời cũng đem lại lạc quan. Sự vắng mặt của một đối thủ quốc tế đã là một thảm họa cho chính trị nội bộ của Hoa Kỳ. Và sự nổi lên của một đối thủ mới, qua vai trò của Trung Cộng, có thể là một ân huệ bất ngờ. Lần đầu tiên ít nhất từ thập niên 1980, Hoa Kỳ đối diện với một thứ thách thức kinh tế, chủ thuyết và quân sự vốn có thể khiến cho thù nghịch nội bộ trở thành vô lý, nếu không nói là vô lương tâm.
Chất keo của cạnh tranh từ bên ngoài đã kết hợp một Hoa Kỳ đầy tranh chấp trước đây. Trong giai đoạn tiền thập niên 1800, nền cộng hòa non trẻ vẫn còn dễ là con mồi cho những đế quốc Âu Châu đói mồi. Hoa Kỳ cũng đụng Mexico ở ngay lục địa của mình. Nếu không có những kẻ ngoại thù này, một cuộc đụng độ bạo động về vấn đề nô lệ có thể nổ ra sớm hơn là năm 1861. Một phần nào, ở thời thập niên 1930, đã có những kháng cự có tổ chức đến mức một cuộc chiến giai cấp chống lại chính sách New Deal của Tổng Thống Franklin Roosevelt. Cuộc tấn công của đế quốc Nhật Bản thật ra như vậy là cứu tinh.
Rồi đến chính trị đồng thuận của thời Chiến Tranh Lạnh. Nó không toàn hảo. Cuộc chiến Việt Nam đã đầu độc đất nước. Nhưng những phản đối chống lại cuộc chiến, thực ra mà nói, không phải là một vấn đề đảng phái. Nó thường là trường hợp của phe cánh tả chống lại chính phủ của chính họ. Và chỉ một thập niên sau khi Sài Gòn thất thủ, Tổng Thống Ronald Reagan đã sẵn sàng trả giá trao đổi với Chủ Tịch Hạ Viện Tip O’Neill của đảng Dân Chủ trong những hành động mà ngày nay nhìn lại thật là một scandal. Chả trách mà một sử gia bảo nếu Tổng thống Reagan mà sống ở thời nay ông sẽ bị đảng Cộng Hòa coi là phản đảng.
Cái bầu không khí lưỡng đảng đó vẫn còn xa lắm, nếu nó có tới. Nhưng cứ nhìn vào tốc độ mà sự đối đầu của tổng thống với Trung Cộng, một cú shock thời năm 2017, đã được sự chấp thuận của đa số, ngay cả hăng say, mà không những ở Washington mà trong doanh nghiệp nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu tinh thần chiến hữu này có thể nới rộng bao gồm những câu hỏi đối nội trong tương lai chăng. Lịch sử cho thấy rồi nó sẽ xảy ra.
Cũng có thể lắm. Hồi tôi còn đi học, Giáo Sư Kart Deutsch, giáo sư chính trị học của Đại Học Harvard, đã từng định nghĩa quốc gia là “một nhóm người đoàn kết bởi một cái nhìn sai lầm về quá khứ và thù ghét các láng giềng.” Cũng thời đó, Giáo Sư Clinton Rossiter, cũng chính trị học ở Đại Học Cornell, thì viết “Không có gì bằng một kẻ thù, hay chỉ một người láng giềng bị coi như là khác biệt một cách khó chịu về giá trị chính trị và sắp xếp xã hội, để thúc đẩy một quốc gia theo con đường tự nhận diện mình, hay đưa trở lại đúng đường khi nào nó đi lạc.”
Khung cảnh quốc tế có tầm quan trọng của nó trong chính trị một nước. Việt Nam của chúng ta là một điển hình. Từ thời lập quốc, chính những cố gắng đồng hóa của người Hoa đã định nghĩa dân tộc và quốc gia chúng ta. Người Hoa càng tìm cách lấn chiếm thì sự đoàn kết của chúng ta càng mạnh. Khi đế quốc Trung Hoa suy yếu thì nội bộ chúng ta chia rẽ.
Thành ra có thể sự nổi lên của Trung Cộng và sự hung hăng của ông Tập Cận Bình đã là món quà đang rất cần thiết cho nền cộng hòa Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét