Một năm qua đi, vần vũ bốn mùa xuân hạ thu đông, khắp dải đất hình chữ S này không thiếu những biệt thự siêu đẹp mọc lên, những siêu xe được tậu về… Thế nhưng phảng phất đâu đó người ta vẫn nghe thấy thanh âm của những tiếng kêu xé vì oan ức, vì thiếu sữa mẹ, vì thiếu bàn tay cha, tiếng người ta gọi nhau bàn thảo để giúp đỡ một cộng đồng, một hoàn cảnh nào đó. Bỏ qua những hoàn cảnh này, có một thực tế đáng bàn về tính xin ăn, lòng nhân từ thiên vị của người Việt.
Vì sao nói thế, bởi lẽ cuối năm là mùa người Việt dù giàu hay nghèo cũng cố gắng sắm mâm cỗ gia tiên, sắm cho con cái, ông bà cái áo mới, là dịp để cả gia đình đoàn viên sau một năm bôn tẩu xứ người làm ăn, cố gắng làm thêm chút việc, bon chen thêm chút để kiếm thêm tiền tiêu Tết. Đây cũng là lúc mà một bộ phận không nhỏ những người chuyên dắt mối, là ông trùm, bà trùm ăn mày cho xuất quân. Họ bảo kê hoặc thuê, ép nhiều người giả vờ thành người tàn tật, có người còn bò bằng cả hay tay, lết đất từ km đường này qua km đường khác, có những bà mẹ bồng con đứng lay lắt nơi góc chợ để xin từng đồng lẻ của người đi qua hay những phụ nữ trạc tuổi ngũ tuần bồng theo bình chuyền nước, chuyền đạm lòng thòng dây đi xin tiền để trả viện phí.
Việc ai đó động lòng giúp đỡ hoặc rủ thêm bạn bè chung tay giúp đỡ hoàn cảnh khó ở Việt Nam quả thật không hiếm, nó xuất phát từ sự cảm thông, yêu thương đồng loại. Tuy nhiên điều đó cũng không ngoại trừ việc đôi khi người ta buộc phải làm người tốt nếu không muốn bị nghĩ là mình vô cảm.
Thử đến một quán cà phê, quán bún hay quán cơm, từ thành thị đến nông thôn, mùa này hiếm khi người ta không rơi vào tình trạng lưỡng lự, khó xử. Đang uống cà phê cần yên tĩnh, đang ăn miếng cơm lót bụng, bỗng dưng một “cụ già” trạc 50 tuổi hay một “em bé” trạc 15 xuất hiện và xin vài ngàn để ăn cơm, một lát sau lại có một cụ già khác xuất hiện xin vài ngàn lẻ để uống thuốc… Người ta không còn cảm giác muốn tặng nữa bởi hôm trước vừa gặp ở một quán nước cách đó không xa, hôm nay lại gặp. Có lẽ người đi xin vài ngàn lẽ không nhớ nhưng người bị xin lại nhớ nhiều bởi chính họ hôm trước vừa buông lời xì xầm những người ở bàn đối diện rằng anh ta/chị ta quả thật vô cảm, có vài đồng lẻ mà cũng không chia sẻ cho người ta.
Đi chợ, khi chỉ còn vài ngàn lẻ phải tính lên chi xuống, nhiều phụ nữ cũng không ngại chia sẻ với những người phụ nữ bồng con đi chợ xin tiền hoặc những người tàn tật nhờ một người tàn tật khác đẩy xe đi xin. Thế nhưng sau đó không lâu, chị ta nhìn thấy người phụ nữ đó lên xe hơi, người tàn tật nó lên xe buýt với dáng vẻ bình thường.
Rõ ràng có một thực tế đáng bàn ở đây. Người đi xin không cần quan tâm đến phẩm giá của mình hay nguồn gốc đồng tiền mình có được. Họ đánh vào lòng thương cảm, vào tinh thần lá lành đùm lá rách của những người Việt khác và làm giàu bằng cách lừa lọc, ép người khác vào chỗ thụ động trắc ẩn.
Ngược lại, nhiều người cho đi hẳn chưa chắc đã tốt. Nhiều người sẵn sàng chia sẻ với người khác khi họ nghèo đói hoặc lâm cảnh ngặt nghèo, sẵn sàng kể về hoàn cảnh khốn khổ của người được giúp đỡ với người khác như tìm kiếm một sự cảm thông. Thế nhưng khi người đó cố gắng làm lụng, khấm khá lên chút thì lại bị chính ân nhân của mình đi bôi nhọ, nào là từng thế này, từng thế kia, hoặc là gia đình đó vợ chồng sao đó… Dường như người ta ăn mày sự tử tế của mình trên cái nghèo của người khác. Và khi người đó hết nghèo thì xem như mất một mối để làm từ thiện, để chứng tỏ lòng tốt, lòng bao dung và hơn hết là mình giàu hơn người đó.
Cũng có những người chẳng bao giờ mở hầu bao của mình để giúp đỡ một người Việt nghèo khổ mình gặp trên đường, nhưng lại sẵn sàng chi mạnh tay để giúp đỡ một khách Tây nào đó đang treo bảng ‘Free’ bên đường. Ở đây cũng có thể giải thích là người ta quá sợ người Việt rồi, sợ vào cái nghề giả ăn mày hoặc cái tính muốn moi tiền của người khác nên tránh xa những hoàn cảnh đó. Cũng có thể lý giải là người Việt mến khách. Nhưng cũng có thể lý giải theo tâm lý sính ngoại của người Việt. Từ kẹo Tây, rượu Tây, vật dụng từ Tây, cứ gắn nhãn Tây vào là không thiếu người hỏi và người Tây cũng vậy, giúp đỡ một người Tây oai vang hơn nhiều giúp một người Việt (mặc dù cũng không thiếu khách Tây đang bôi nhọ hình ảnh của đất nước họ bằng cách qua nước khác đi xin để du lịch).
Cuối năm, những đoàn từ thiện lần lượt rời bản doanh để đi đến những bản làng xa xôi, mang chút ít quà bánh mong đồng loại mình có cái Tết ấm hơn. Cuối năm, không ít người Việt xa quê trở về quê ăn Tết. Đón họ là những cái ôm, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi, những thức quà quê chỉ ngày xưa mới có, hay rủ nhau đi thắp hương mộ ông bà. Đón họ cũng có thể là những cái ôm vắt kiệt sức lực, nào là thăm người này, họp người kia, nào là chi phí sửa mộ ông bà, sửa nhà cửa cha mẹ, chi phí lo đám này, đám nọ… Người phương xa chỉ còn cách gắng gồng lưng mà chi trả để rồi xuân còn Tết qua, lại lao sang trời Tây cày thí xác để trả nợ, để về thăm quê dịp cuối năm, hoặc để ổn định và một đi không trở lại.
Cuối năm, người Việt đôi khi hóa thân thành ăn mày để ăn mày mồ hôi, nước mắt của đồng loại. Cũng có người biến mình thành ăn mày, ăn mày của người thân. Cũng có người trở thành ăn mày trên những đồng tiền cứu trợ, hỗ trợ người nghèo bị bóp xén. Tâm lý dễ xin và dễ cho đôi khi trở thành lưỡi dao nhiều người lợi dụng để gọt chút lòng tốt hoặc sự ám ảnh về sự tử tế của người Việt để làm giàu.
Chẳng biết đến bao giờ đất nước thôi nghe tiếng ăn mày giả dối cuối năm, để một lần, mọi lòng tốt đều đến được đúng nơi và người cần thêm được chút hơi ấm!?
Thử đến một quán cà phê, quán bún hay quán cơm, từ thành thị đến nông thôn, mùa này hiếm khi người ta không rơi vào tình trạng lưỡng lự, khó xử. Đang uống cà phê cần yên tĩnh, đang ăn miếng cơm lót bụng, bỗng dưng một “cụ già” trạc 50 tuổi hay một “em bé” trạc 15 xuất hiện và xin vài ngàn để ăn cơm, một lát sau lại có một cụ già khác xuất hiện xin vài ngàn lẻ để uống thuốc… Người ta không còn cảm giác muốn tặng nữa bởi hôm trước vừa gặp ở một quán nước cách đó không xa, hôm nay lại gặp. Có lẽ người đi xin vài ngàn lẽ không nhớ nhưng người bị xin lại nhớ nhiều bởi chính họ hôm trước vừa buông lời xì xầm những người ở bàn đối diện rằng anh ta/chị ta quả thật vô cảm, có vài đồng lẻ mà cũng không chia sẻ cho người ta.
Đi chợ, khi chỉ còn vài ngàn lẻ phải tính lên chi xuống, nhiều phụ nữ cũng không ngại chia sẻ với những người phụ nữ bồng con đi chợ xin tiền hoặc những người tàn tật nhờ một người tàn tật khác đẩy xe đi xin. Thế nhưng sau đó không lâu, chị ta nhìn thấy người phụ nữ đó lên xe hơi, người tàn tật nó lên xe buýt với dáng vẻ bình thường.
Rõ ràng có một thực tế đáng bàn ở đây. Người đi xin không cần quan tâm đến phẩm giá của mình hay nguồn gốc đồng tiền mình có được. Họ đánh vào lòng thương cảm, vào tinh thần lá lành đùm lá rách của những người Việt khác và làm giàu bằng cách lừa lọc, ép người khác vào chỗ thụ động trắc ẩn.
Ngược lại, nhiều người cho đi hẳn chưa chắc đã tốt. Nhiều người sẵn sàng chia sẻ với người khác khi họ nghèo đói hoặc lâm cảnh ngặt nghèo, sẵn sàng kể về hoàn cảnh khốn khổ của người được giúp đỡ với người khác như tìm kiếm một sự cảm thông. Thế nhưng khi người đó cố gắng làm lụng, khấm khá lên chút thì lại bị chính ân nhân của mình đi bôi nhọ, nào là từng thế này, từng thế kia, hoặc là gia đình đó vợ chồng sao đó… Dường như người ta ăn mày sự tử tế của mình trên cái nghèo của người khác. Và khi người đó hết nghèo thì xem như mất một mối để làm từ thiện, để chứng tỏ lòng tốt, lòng bao dung và hơn hết là mình giàu hơn người đó.
Cũng có những người chẳng bao giờ mở hầu bao của mình để giúp đỡ một người Việt nghèo khổ mình gặp trên đường, nhưng lại sẵn sàng chi mạnh tay để giúp đỡ một khách Tây nào đó đang treo bảng ‘Free’ bên đường. Ở đây cũng có thể giải thích là người ta quá sợ người Việt rồi, sợ vào cái nghề giả ăn mày hoặc cái tính muốn moi tiền của người khác nên tránh xa những hoàn cảnh đó. Cũng có thể lý giải là người Việt mến khách. Nhưng cũng có thể lý giải theo tâm lý sính ngoại của người Việt. Từ kẹo Tây, rượu Tây, vật dụng từ Tây, cứ gắn nhãn Tây vào là không thiếu người hỏi và người Tây cũng vậy, giúp đỡ một người Tây oai vang hơn nhiều giúp một người Việt (mặc dù cũng không thiếu khách Tây đang bôi nhọ hình ảnh của đất nước họ bằng cách qua nước khác đi xin để du lịch).
Cuối năm, những đoàn từ thiện lần lượt rời bản doanh để đi đến những bản làng xa xôi, mang chút ít quà bánh mong đồng loại mình có cái Tết ấm hơn. Cuối năm, không ít người Việt xa quê trở về quê ăn Tết. Đón họ là những cái ôm, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi, những thức quà quê chỉ ngày xưa mới có, hay rủ nhau đi thắp hương mộ ông bà. Đón họ cũng có thể là những cái ôm vắt kiệt sức lực, nào là thăm người này, họp người kia, nào là chi phí sửa mộ ông bà, sửa nhà cửa cha mẹ, chi phí lo đám này, đám nọ… Người phương xa chỉ còn cách gắng gồng lưng mà chi trả để rồi xuân còn Tết qua, lại lao sang trời Tây cày thí xác để trả nợ, để về thăm quê dịp cuối năm, hoặc để ổn định và một đi không trở lại.
Cuối năm, người Việt đôi khi hóa thân thành ăn mày để ăn mày mồ hôi, nước mắt của đồng loại. Cũng có người biến mình thành ăn mày, ăn mày của người thân. Cũng có người trở thành ăn mày trên những đồng tiền cứu trợ, hỗ trợ người nghèo bị bóp xén. Tâm lý dễ xin và dễ cho đôi khi trở thành lưỡi dao nhiều người lợi dụng để gọt chút lòng tốt hoặc sự ám ảnh về sự tử tế của người Việt để làm giàu.
Chẳng biết đến bao giờ đất nước thôi nghe tiếng ăn mày giả dối cuối năm, để một lần, mọi lòng tốt đều đến được đúng nơi và người cần thêm được chút hơi ấm!?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét