Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

8829 - Quê hương của ai?



Trong chương trình “Xuân Quê hương 2019” ngày 26-1-2019, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại ngân nga “bài chèo” mùi mẫn rất cũ: “Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của tổ quốc”. Không có gì mỉa mai bằng ý nghĩa của hai từ “máu thịt” này, khi có rất nhiều “máu thịt” năm nào cũng nhìn về quê hương từ xa với tâm trạng rũ buồn...
Có bao nhiêu người Việt năm nay, như nhiều năm trước, không được về cúi đầu thắp nén nhang cho ông bà trên chính mảnh đất quê hương mình? Chưa ai thực hiện thống kê này nhưng chắc chắn con số những “Việt kiều máu thịt” nằm trong “danh sách đen” của Bộ Công an không ít. Nhiều “máu thịt” đã bị khước từ nhập cảnh ngay từ sân bay và gần như vĩnh viễn không thể trở về chừng nào chế độ này còn tồn tại. Đó là chưa kể những người bị “trục xuất” bằng cách này hay cách khác: những nhân vật đấu tranh dân chủ bị gán ghép tội “phản động”. Họ không thể trở về và không biết chừng nào mới “được phép” trở về. Quê hương, với nhiều người, trở thành nỗi khắc khoải đến đau lòng. Quê hương, nhiều khi nhớ quá, đặc biệt những ngày giáp Tết, trở thành nỗi nhớ cồn cào ruột gan, nỗi nhớ chảy nước mắt, nỗi nhớ ngậm ngùi đau xé, đến mức không chịu nổi buộc phải thốt lên để cho vơi lòng. “Năm đầu tiên sau 28 năm ở Mỹ nhớ nhà quá nên cũng chưng diện tìm một chút tết. Tranh voi Thái Lan, mai Nhật Bản, dưa hấu, mứt Cali, phong lì xì và cúc vàng của Mỹ cộng với nỗi buồn rất Việt Nam, vậy là Tết nhé” – tâm sự của nhà báo Mặc Lâm. “Nhớ nhà”, chỉ hai từ thôi, nặng như thiên cân vạn lạng.
Quê hương giờ như thuộc “sở hữu” của chế độ cai trị. Nó trở thành “cái nhà” của những kẻ muốn đuổi ai thì đuổi, cho vào thì mới được vào. Quê hương không còn là mái ngói, sân đình, bụi tre, buồng chuối. Quê hương bây giờ là sự ngạo mạn chiếm hữu của một nhúm người cai trị. Quê hương, mỉa mai đến tột cùng, là hình ảnh mà người ở xa muốn về mà về không được; và người “ở gần” thì muốn thoát nhưng đi không xong. Quê hương là hình ảnh mà những kẻ tha hương luôn ôm chặt như một thứ “căn cước tính”, trong khi người đang sống trên đó thì mang tâm trạng của những người “tạm dung” và “lưu vong”. Nước Việt của thế kỷ 21, sau vô vàn biến động lịch sử, sau bao nhiêu năm chiến tranh huynh đệ tương tàn đầu rơi máu chảy, và sau hơn 40 năm “thống nhất”, đã trở thành một nước Việt nặng trịch nỗi buồn chất nặng lên hai chữ “quê hương”. Có dân tộc nào trên thế giới đang chịu cảnh này, như Việt Nam?
Quê hương tôi, quê hương bạn, quê hương chúng ta… Quê hương luôn có một. Dân tộc nào cũng có một quê hương và dân tộc nào cũng hãnh diện với quê hương mình. Nhưng quê hương này đang thuộc về ai? Có chế độ cai trị nào trên thế giới đang tước đoạt cả quê hương của những người cùng một dân tộc? Làm thế nào có thể xây dựng nên một dân tộc vĩ đại khi chế độ cai trị “chiếm hữu” quê hương như một phần thưởng “chiến thắng” và tự cho mình có quyền định đoạt “ai phải đi” và “ai được về”?
Bất luận thế nào, có một điều chắc chắn rằng, người Việt, trong nước hay lang bạt tha hương bất kỳ đâu trên thế giới, cũng có duy nhất một hướng nhìn khi ngắm quê hương: quê hương chúng ta còn đó. Nó luôn ở đó. Nó tồn tại. Vĩnh hằng. Chẳng gì có thể xóa được định tính quê hương trong lòng người Việt. Chế độ cai trị là nhất thời. Quê hương là vĩnh cửu. “Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò/ Khoai nước thơm hương tình ruộng đồng/ Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần/ VN là Việt Nam kiêu hùng” - lời ca khúc Anh vẫn mơ một ngày về của ca sĩ Nguyệt Ánh nhắc rằng hai chữ “VN” nó gần gũi và thiêng liêng thế nào. Nó gắn liền với “hồn thiêng sông núi” và tâm thức Việt, chứ không phải với chế độ cai trị. Nó cho thấy chế độ cai trị có làm gì đi nữa khiến người Việt phải ly tán xa rời quê hương thì hai chữ “VN” ngạo nghễ kiêu hùng vẫn khắc sâu trong tâm khảm, đủ để nuôi dưỡng niềm tin cho một ngày mai tươi sáng hơn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét