Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

9822 - Vietnam Caucus sẽ lên tiếng với Trọng khi ông ta đặt chân đến Washington?



Cho dù Nguyễn Phú Trọng có kịp phục hồi khỏi cơn tai biến  và đến Washington vào mùa hè năm nay theo lời mời của Donald Trump, ông ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích về Việt Nam vi phạm nhân quyềnb và những yêu cầu quyết liệt phải cải thiện nhân quyền. Một phần không nhỏ phản ứng này chắc chắn sẽ đến từ Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.

  Alan Lowenthal - một trong những thành viên trụ cột của nhóm Vietnam Caucus


Trong thời gian Trọng phải chịu biến cố sức khỏe, cấp dưới trực tiếp của ông ta là ‘Phó tổng bí thư đảng’ Trần Quốc Vượng đã thay Trọng tiếp đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Patrict Leahy, thăm Việt Nam - một trong những động tác làm tiền đề cho cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới.

Các thượng nghị sĩ trên đã có các cuộc gặp với một số những chóp bu của đảng, chính phủ và Quốc hội Việt Nam và đã đề cập đến một số các trường hợp tù nhân lương tâm bao gồm danh sách 7 tù nhân lương tâm được Đại sứ quán Mỹ chuẩn bị, điển hình là trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải chịu án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong một phiên tòa vào năm 2010. Trường hợp của công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị giam giữ tại Việt Nam để điều tra cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, cũng được đưa ra trong chuyến thăm đó.

Ngay sau khi trở về Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ Tim Kaine - một trong số thành viên của đoàn thượng nghị sĩ trên - đã nói: "Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền." (RFA Việt ngữ).

Phát ngôn trên của Tim Kaine cũng là thông điệp mang tính cảnh báo về chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, nếu có diễn ra, sẽ không thể suôn sẻ theo cái cách mà một chế độ chuyên đàn áp nhân quyền trông đợi.

Vietnam Caucus quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Tình hình đang chuyển biến thuận lợi hơn hẳn cho Vietnam Caucus. Cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ không chỉ mang về chiến thắng cho người của đảng Cộng hòa mà còn tạo ra thế chiếm lĩnh lưỡng viện của đảng này. Nhờ thế vai trò của Nhóm Vietnam Caucus - vốn thường gắn với đảng Cộng hòa - trở nên nổi bật hơn.

Năm 2015, một Thượng nghị sĩ Mỹ là Ed Royce đã phải đệ trình ra Quốc hội dự luật về chế tài nhân quyền Việt Nam. Theo dự luật này, vấn đề chính yếu không chỉ là hạn chế những khoản tín dụng và viện trợ có tính cách ưu đãi từ phương Tây, mà cả thực hiện những biện pháp chế tài đối với những trường hợp quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nếu Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được thông qua, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với tay tới.

Theo luật mới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mà cụ thể là Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động (DRL), sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một bản danh sách bao gồm tên các quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt Nam. Nếu bị đưa vào danh sách này, hàng loạt quan chức Việt Nam sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản cố định, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của họ, kể cả của thân nhân của họ, sẽ bị phong tỏa vô điều kiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét