Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

10449 - ‘Trái mìn’ đã gài vào trạm thu phí T2 như thế nào?


             Trả tiền lẻ tại trạm thu phí T2. Hình trích xuất từ VnExpress.net.


Tờ Lao Động vừa nêu lại câu hỏi vốn không mới, đã được cả dân chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức lập đi, lập lại từ lâu nhưng không có bất kỳ cá nhân, cơ quan hữu trách nào thèm trả lời: Trạm thu phí T2 thu phí cho công trình giao thông nào? Trạm thu phí T2 ở Cần Thơ nói riêng và các vấn đề có liên quan đến những công trình giao thông được đầu tư theop phương thức BOT nói chung ở Việt Nam chính là những bằng chứng cho thấy, các liên minh ma quỉ đang dẫn dắt chính phủ…
Trạm thu phí T2 nằm trên quốc lộ 91, dài 142 km, bắt đầu từ đoạn quốc lộ 1 chạy ngang quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) dẫn tới huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) rồi nối vào quốc lộ 2 của Campuchia.
Do quốc lộ 91 hư hỏng trầm trọng, trở thành đại họa giao thông trong khu vực, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) quyết định cải tạo quốc lộ này theo phương thức BOT và đặt một trạm thu phí có tên là T1 ở quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ).
Ngoài quốc lộ 91 chạy xuyên qua các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, ở Cần Thơ còn có quốc lộ 91B, dài chừng 18 km, chạy từ quận Cái Răng, xuyên qua các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn,… rồi chuyển thành quốc lộ 91C.
Quốc lộ 91B là một “huyền thoại” trong lịch sử phát triển hệ thống cầu đường tại Việt Nam: Mất 14 năm (1995 – 2009) để phê duyệt dự án. Chính phủ phải vay bá tánh thông qua phát hành trái phiếu để có 455 tỉ thực hiện dự án, tuy nhiên sau khi khánh thành (2010) chưa đầy một tuần đã… nát bấy và Bộ GTVT giải thích là do xe cộ lưu thông vượt mức thiết kế.
Trách nhiệm về chất lượng quốc lộ 91B nhì nhằng suốt từ đó cho đến năm 2014 thì Bộ GTVT quyết định cải tạo quốc lộ 91B thêm một lần nữa. Lần này theo phương thức BOT: Nhà đầu tư sẽ bỏ ra 600 tỉ để sửa quốc lộ 91B và có quyền tổ chức thu phí. Nhờ vậy, trách nhiệm của tất cả các cá nhân có liên quan tới 455 tỉ mà chính phủ từng vay để sửa quốc lộ 91B được phủi sạch (2).
Nhiều người tin rằng, do nhà đầu tư vào dự án sửa chữa quốc lộ 91B và nhà đầu tư vào dự án quốc lộ 91 là một nên Trạm thu phí T2 mới mọc lên ở vị trí hiện nay: Án ngữ lối ra vào các tỉnh Kiên Giang, An Giang thành ra phương tiện giao thông nào qua lại hai tỉnh này cũng phải lưu thông khoảng vài trăm mét trên quốc lộ 91 và do vậy, phải trả phí như các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 91.
Đó cũng là lý do cả dân chúng lẫn chính quyền hai tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng phản đối. Đầu năm ngoái, đại diện Bộ GTVT chính thức thừa nhận, vị trí Trạm thu phí T2 “bất cập, không công bằng” nhưng chuyển đến vị trí khác hợp lý hơn thì có thể làm vỡ “phương án tài chính của dự án, tiền mà chủ đầu tư vay của ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia” (3).
Có một điểm rất đáng chú ý là lúc đó, trước sự phản ứng dữ dội của cả dân chúng lẫn chính quyền hai tỉnh Kiên Giang, An Giang, nhà đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 91 theo hình thức BOT chỉ trả lời gọn bâng, đại ý: Họ không tự tiện dựng Trạm thu phí T2 ở vị trí ai cũng thấy là kỳ quái đó. Vị trí này không chỉ có sự đồng thuận của ngân hàng mà còn được Thủ tướng phê duyệt.
Nói cách khác, khi cho nhà đầu tư vay tiền, ngân hàng đã thẩm định và tin rằng, vị trí của Trạm thu phí T2 là “đắc địa”, tọa lạc tại vị trí ấy, nhà đầu tư sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi. Chính phủ - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong quản trị, điều hành quốc gia - cũng chỉ thấy yếu tố “đắc địa”, không bận tâm đến sự “độc địa” của Trạm thu phí T2 đối với dân sinh, kinh tế - xã hội trong vùng, nên mới mạnh dạn phê duyệt.
“Trái mìn” Trạm thu phí T2 đã được gài như thế. Lợi ích của nhà đầu tư dự án cải tạo hai quốc lộ 91 và 91B đã rõ. Lợi ích của ngân hàng cũng rõ. Còn chính phủ, tại sao chính phủ tự gài vào thế “há miệng mắc quai”, phê duyệt cho nhà đầu tư đặt Trạm thu phí T2 ở vị trí “độc địa” như vậy? Vì chính phủ cũng có lợi. Ít nhất, lợi ích cũng là không phải bới tìm, nhận và truy cứu trách nhiệm đối với 455 tỉ đã chi cho cải tạo quốc lộ 91B!
Do ba bên cùng có lợi, thậm chí lợi ích quyện vào nhau nên tất nhiên là không bên nào muốn gỡ mìn. Viễn cảnh dự án cải tạo quốc lộ 91 vỡ phương án tài chính, vì chính phủ từng phê duyệt nên khoản tiền chủ đầu tư vay ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia mà đại diện Bộ GTVT đề cập hồi đầu năm ngoái không phải là giải thích cho xong, nó vừa bao hàm yếu tố răn đe, vừa khẳng định... phản đối có hữu lý cũng vô hiệu!
***
Cầu Vàm Cống (dài 2.970 mét, rộng 20,6 mét, trị giá 5.697 tỉ đồng, xây dựng chủ yếu bằng vốn do Nam Hàn hỗ trợ thông qua ODA ưu đãi, chính phủ Việt Nam chỉ bỏ một khoản nhỏ gọi là vốn đối ứng) đã hâm nóng sự bất bình đối với Trạm thu phí T2 vì các phương tiện giao thông qua lại cầu này phải trả phí cho cho nhà đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 91, bất kể họ có sử dụng quốc lộ 91 hay không (4)?
Nhiệt độ của sự bất bình lên cao tới mức nhà đầu tư phải tạm ngưng thu phí (5). Cả dân chúng lẫn chính quyền các tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng đòi dời trạm này đến chỗ nào đó mà nhà đầu tư chỉ có thể thu phí những phương tiện giao thông sử dụng quốc lộ 91. Mong muốn đó vốn hữu lý nhưng không được chấp nhận. Lý do vẫn là phải bảo vệ “phương án tài chính” của dự án mà chính phủ đã phê duyệt.
Do chính quyền tỉnh An Giang phản đối quyết liệt nhất, Bộ GTVT đã gợi ý, nếu muốn dời Trạm thu phí T2 đi chỗ khác, họ phải thanh toán khoảng 80 tỉ chi phí xây dựng trạm mới và 20 tỉ cho 700 mét quốc lộ 91 mà các phương tiện giao thông phải qua lại trước khi lên xuống cầu Vàm Cống (6). Nói cách khác, nơi nào muốn dời Trạm thu phí T2 khỏi vị trí hiện nay sẽ phải “thối” lại cho nhà đầu tư chừng… 100 tỉ!
100 tỉ không phải giấy lộn nên chính quyền tỉnh An Giang không chịu. Đại diện tỉnh này đề nghị cách khác: Lựa chọn - đặt định giải pháp để các phương tiện giao thông sử dụng bao nhiêu mét quốc lộ 91 thì trả bấy nhiêu phí (7). Tất nhiên là nhà đầu tư không mặn mòi với phương thức này. Song đáng ngạc nhiên là đại diện chính phủ cũng cũng không ưng, Bộ GTVT chỉ muốn giảm phí và đương nhiên, thời gian nhà đầu tư được phép thu phí sẽ dài hơn thời hạn mà Thủ tướng từng phê duyệt.
Chính phủ “của dân, do dân, vì dân” không xem 455 tỉ đã vay để cải tạo quốc lộ 91B là khoản đáng phải bận tâm, kể cả khi toàn dân vẫn đang gồng mình trả cho đủ cả vốn lẫn lãi một công trình không sinh lợi, mất cả chì lẫn chài. Còn khoản tiền mà nhà đầu tư mượn ngân hàng nấu cháo trong hai dự án quốc lộ 91, 91B thì chính phủ hết sức quan tâm và dứt khoát không để rơi rớt đồng nào, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
***
Từ 2016 đến nay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán 68 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Ba báo cáo mà KTNN đã công bố cho thấy, gần như toàn bộ các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT cùng có những yếu tố quái gở như nhau:
- Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà chỉ định nhà đầu tư. Cũng vì vậy, lẽ ra BOT là cách để tận dụng vốn riêng của nhà đầu tư trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì các nhà đầu tư hoặc được chính phủ “hỗ trợ” bằng cách đứng ra vay tiền của bá tánh (bán trái phiếu) rồi giao cho các nhà đầu tư… đầu tư. Hoặc làm ngơ cho các nhà đầu tư vay ngân hàng, biến nền kinh tế thành một loại con tin, phải nương theo các nhà đầu tư vì họ mà “hắt hơi”, quốc gia sẽ “sổ mũi”, do hệ thống ngân hàng phải ôm hàng trăm ngàn tỉ… nợ xấu.
KTNN còn phát giác một hình thái đầu tư chưa bao giờ và chẳng đâu có: Nhà đầu tư dùng các trạm thu phí chắt mồ hôi, nước mắt của dân lành gộp vào suất đầu tư và được hệ thống công quyền công nhận là “bổ sung vốn chủ sở hữu” để hưởng thêm đủ loại ưu đãi về mức phí được thu, về thời gian được thu phí.
- Không chỉ có thế, hệ thống công quyền còn cùng nhà đầu tư tính… sai đủ thứ (từ tổng mức đầu tư, khối lượng, đơn giá và nhiều thứ được gộp chung thành một gói, gọi là… “sai khác”). Nếu cộng “giá trị đầu tư” trong ba báo cáo mà KTNN đề nghị phải giảm xuống thì 68 dự án hạ tầng giao thông đã được đầu tư theo hình thức BOT bị khai khống, duyệt khống chừng… 3.670 tỉ đồng. Tổng thời gian được phép thu phí mà KTNN cho là cần giảm để tương xứng với giá trị thực của 68 suất đầu tư này đâu khoảng… 245 năm! Gấp 2,5 lần thời gian cha ông người Việt làm “tôi mọi” cho thực dân!
***
Tác hại của các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo phương thức BOT mang… bản sắc Việt Nam, đối với dân sinh, kinh tế - xã hội có lẽ không cần bàn thêm vì đã quá rõ. Chỉ có vài chuyện đáng bàn vì chưa bao giờ được làm rõ, đó là: Vì sao các sai phạm đã được nhận dạng nhưng chính phủ không nhận trách nhiệm, không sửa sai và dứt khoát không điều tra, truy cứu trách nhiệm của bất kỳ ai?
Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và đầu tư theo phương thức BOT đã cho chào đời những liên minh ma quỷ. Tại sao hệ thống công quyền từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài không ngăn chặn, diệt trừ mà còn để những liên minh ma quỷ này dẫn dắt, thậm chí chi phối tới mức xem những cá nhân chỉ phân biện đúng - sai là kẻ thù, trong một số trường hợp, sử dụng cả công quyền để trấn áp?
Quản trị, điều hành quốc gia như thế là “liêm chính” và “kiến tạo”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét