Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

10450 - Bộ Giáo dục biến thành bộ “thi”?




Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại nghị trường. Ảnh: Như Ý/ TP

Cả một buổi điều trần trước Quốc hội hôm 31/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ loay hoay giải trình về xử lý gian lận trong kỳ thi 2018 và nhận trách nhiệm; rồi báo cáo về những biện pháp đảm bảo kỳ thì năm 2019 sẽ diễn ra kỷ cương, không có tiêu cực… nhưng chẳng mấy ai tin.
Khổ quá. Ngành giáo dục có biết bao nhiêu việc lớn lao cần đưa ra Quốc hội bàn để “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” thì không bàn, chỉ xoáy vào chuyện cỏn con vô tích sự là thi! Thầy không ra thầy, học không ra học, trò không ra trò… thì thi để làm gì mà quan trọng thế?
Bao nhiêu bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có giúp thay đổi gì? Bao nhiêu cử nhân ra lại đi chăn bò, làm xe ôm, bán hàng rong, cố gắng học làm công nhân, chạy chọt đi xuất khẩu lao động… Vậy mà cứ cắm đầu vào thi cử, bằng cấp! Mãi vẫn chưa mở mắt ra được! Tôi đã mấy lần kiến nghị, giờ xin nhắc lại:
1. Bỏ thi “2 trong 1 đi”! Quanh năm suốt tháng Bộ Giáo dục chỉ loay hoay bàn mưu tính kế, đủ trò, đủ kiểu lo cho kỳ thi; rồi sau đó đi giải quyết hậu quả, mất ăn mất ngủ và nghe chửi từ mọi phía, chả còn đầu óc đâu mà làm chuyện lớn lao.
Không những thế, mỗi “mùa thi” là làm học sinh (HS), cha mẹ HS, giáo viên (GV) căng thẳng, khốn đốn; cả xã hội nháo nhào, rối loạn giao thông, toàn dân đổ ra đường “tiếp sức mùa thi”! Chả khác gì kiểu truyện Nguyễn Công Hoan: Trái núi đẻ chuột.
Kết quả là HS trúng tuyển 95 – 98%, nghĩa là “toàn hệ thống đồng loạt ra quân” chỉ cốt loại vài % HS kém, hoặc chán thi, bỏ dở bài thi. Số đỗ vào thẳng các trường Đại học thì lại chứa đựng nhiều bất minh… Vậy thi có ích gì?
2. GTẢI PHÁP
2.1. HS THPT học môn gì thi môn ấy. Bộ ra đề thi từng môn học theo chương trình và những gợi ý HS cần ôn tập. Nhà trường sẽ tổ chức thi hết môn lần lượt trong cả học kỳ 2 lớp 12, như vậy có thời gian để học sinh ôn tập cá nhân và nhóm một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả. Tùy từng môn có thể thi tự luận, trắc nghiệm, thực hành, vấn đáp hay làm tiểu luận… Như vậy phong phú, sinh động biết bao!
Thi là dịp để HS tự thể hiện kết quả học tập, khẳng định giá trị của mình; thi là một khâu của quá trình dạy học, giúp người GV biết “đầu ra” sản phẩm giáo dục ra sao để rút kinh nghiệm… Thi, như vậy là một hoạt động bình thường, tích cực, vui thích của HS và GV trong quá trình giáo dục. Tại sao Bộ lại biến nó thành một thứ tại họa không chỉ cho ngành giáo dục mà cho cả xã hội?
2.2. Giáo dục không thể có sự bình quân về NHÂN CÁCH, bình đẳng về NĂNG LỰC, nên cả lớp HS giỏi, tiến tiến như nhau là dối trá, láo toét. Tạo hóa đã ban cho mỗi con người là một cá thể độ đáo, không ai giống ai, không lặp lại. Giáo dục là giúp mỗi cá thể “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (Hồ Chí Minh, 1945). Cho nên giáo dục HƯỚNG NGHIỆP vô cùng quan trọng. (Thi “2 trong 1” đã hủy hoại hết giáo dục hướng nghiệp). Nhà trương là nơi phát hiện xem mỗi HS có những năng lực và xu hướng nghề nghiệp gì để giúp các em trả lời các câu hỏi:
– Trong thế giới nghề nghiệp có hàng vạn nghề, tôi yêu thích nghề gì? Tại sao tôi lại thích nghề ấy?
– Tôi có năng khiếu, sở trường hay nói chung là khả năng học và hành nghề đó không? Tại sao?
– Cái nghề mà tôi hứng thú và có khả năng để học, khi ra trường sẽ làm việc ở đâu? Triển vọng thế nào?
– Tôi học nghề này ở đâu là tốt nhất? Hoàn cảnh cá nhân và gia đình có cho phép tôi theo học ở đó không?
– Cuối cùng, sau khi đã tham vấn gia đình, nhà trường, bạn bè… tôi QUYẾT ĐỊNH con đường lập thân, lập nghiệp của mình, có thể là:
+ Vào đời luôn để thực hiện Dự án của mình;
+ Học nghề sơ cấp/ngắn hạn và làm nghề luôn;
+ Học trung cấp nghề;
+ Học Cao đẳng nghề;
+ Tự học thêm để “săn” học bổng nước ngoài;
+ Vào Khoa/trường Đại học nào dễ và hợp với mình;
+ Thi vào Khoa/trường Đại học mình yêu thích, dù khó;
+ Thi Đại học vào nghề mình yêu thích và có khả năng. Dù trượt mấy lần, cũng học và thi bằng được vì đó là Lý tưởng nghề nghiệp của tôi…

Ý nghĩa của việc “phân luồng” và giáo dục hướng nghiệp đối với cá nhân chính là giúp cho mọi HS hiểu mình, hiểu đời, TRƯỞNG THÀNH lên để tự quyết định con đường “vào đời” của bản thân một cách có lý trí và tình cảm. HS không có khả năng vào Đại học khộng bị mặc cảm thất bại, mà giúp HS tin vào sự lựa chọn là hợp với hoàn cảnh của mình và ngầm thách thức “Chưa biết đứa nào sẽ hơn đứa nào đâu”! Hiểu giáo dục như vậy thì việc thi của Bộ giáo dục hiện nay là rất phản giáo dục!
2.3. Thi hết các môn THPT tại trường, Hiệu trưởng sẽ cấp cho HS GIẤY CHỨNG NHẬN học hết THPT để mỗi HS thực hiện sự lựa chọn như mục 2.2. đã nêu trên. Sao? Giám đốc Trung tâm dạy lái xe cấp Chứng chỉ cho người học được, mà Hiệu trưởng trường THPT không đủ tin cậy cấp Chứng nhận cho HS chăng? Lái xe liên quan đến tính mạng bao nhiêu con người, còn Chứng nhận hết THPT chỉ là “Giấy thông hành” để HS đi tiếp trên đường đời. Hơn nữa, dẫu HS tốt nghiệp mũ cao áo dài, bằng Tốt nghiệp do Bộ Trưởng hay Thủ tướng ký đi nữa thì cũng là cho… 98% HS tốt nghiệp thôi mà! Chỉ hình thức cho oai chứ bản chất có gì khác đâu?
2.4. Việc tuyển sinh vào các loại Trường nghề ngắn hạn, trung hạn, Cao đẳng, Đại học sẽ do nhà trường quyết định, thực hiện đúng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình. Tuyển sinh vào các ngành nghề vô cùng phong phú, phức tạp, sinh động, chứ đâu cứ cầm tờ Giấy báo điểm như kiểu thi “2 trong 1” hiện nay, nghiễm nhiên vào trường.
Vào mỗi nghề đâu cứ đủ điểm Tóan, Lý, Hóa, Sinh hay Văn, Sử, Địa, Ngọai ngữ là được? Mỗi nghề, cùng với điểm các môn, còn phải tuyển chọn những người phù hợp về sức khỏe, đặc điểm sinh lý – thần kinh, đặc điểm tâm lý- xã hội, phù hợp với các tiêu chí “MÔ TẢ NGHỀ” mới hy vọng học và hành nghề hiệu quả. Cho nên, tuyển sinh vào mỗi nghề ngoài điểm học các môn, còn phải tuyển chọn những đặc điểm PHÙ HỢP NGHỀ, chẳng hạn:
– Tuyển vào học Phi công, Thợ lặn, nhân viên Cơ yếu, Cảnh sát hình sự, các môn thể thao… phải tuyển rất kỹ về sức khỏe, phải dùng các bộ trắc nghiệm về sinh lý – thần kinh, tâm lý rất chi tiết, công phu;
– Tuyển vào nghề Sư phạm trước tiên cần phải kiểm tra Nghe, Nói, Đọc, Viết tiếng Việt xem có chuẩn không. Người nói ngọng, nói lắp, phát âm không rõ thì phải loại rồi…
– Tuyển đào tạo lái xe chuyên nghiệp, người ta phải kiểm tra hàng loạt trắc nghiệm về tập trung chú ý, phân phối chú ý, về phạn xạ, về sự cân bằng thần kinh hưng phấn – ức chế, về tự chủ cảm xúc …
– Vân vân…
TÓM LẠI, Bộ Giáo dục phải lo “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, trả thi THPT về các trường THPT; trả việc tuyển sinh học Nghề, Cao đẳng, Đại học cho các trường này. Bộ ở tầm cao về quản lý, phải đứng ngoài để điều hành, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá toàn hệ thống. Như vậy Bộ vừa “oai”, vừa “thiêng” chứ đâu lèm nhèm như hiện nay! Đừng ngó thấy nước này, nước nọ, người ta làm thế này, thế kia, mà dao động. Ta thấy cái gì đúng, hợp, hiệu quả với TA thì ta cứ kiên định mà làm. Thực tiễn sẽ trả lời.
Việc thi THPT ở trường nếu có tiêu cực cũng không có gì đáng kể, vì 95 – 98% HS được cấp Giấy chứng nhận để đi tiếp thôi mà. Thi, tuyển sinh ở Cao đẳng, nhất là những Đại học đang “HOT” rất dễ xảy ra tiêu cực. Nhưng Bộ biết khoanh vùng để chỉ đạo, kiểm tra sẽ hạn chế được nhiều. Khi có những vụ gian lận xảy ra, Bộ cũng dễ xử lý, vì ở cấp Khoa, cấp trường rất cụ thể.
Khi đã giao quyền Tự chủ, Tự chịu trách nhiệm cho các Hiệu trưởng thì phải tin tưởng vào họ; trường nào cũng muốn mình có uy tín trước HS, SV của mình và trước xã hội. Còn khi xảy ra các tiêu cực thì Bộ trưởng cũng “nhóm Lò” lên, “không có vùng cấm trong giáo dục”…
Tạm thế đã, còn khi nào thay đổi thể chế, sẽ hy vọng nhiều hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét