Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

10451 - Thương chiến Mỹ Trung và Cơ hội của Việt Nam

Tâm Don

Thương chiến Mỹ- Trung đã giúp Việt Nam có bóng. Nhưng, Việt Nam có xử lý được bóng hay không để ghi bàn thắng lại là một câu chuyện khác. Đã từ lâu Việt Nam không có các phương án xử lý tình huống ngoài phương án nhanh chóng dập tắt những gì khác biệt với mình.
Dự án Trung Quốc ở Quảng Ninh.

Thương chiến Mỹ- Trung là một cơ hội cho Việt Nam trong vấn đề đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI). Chắc chắn là một cơ hội lớn. Ngay cả tổng thống Hoa Kỳ, ông D. Trump cũng xác nhận rằng, nhiều tập đoàn đang nhìn về phía Việt Nam. Trên thực tế, Samsung đã nhìn về phía Việt Nam khi cắt giảm quy mô ở Trung Quốc để dồn về Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới đang đổ dồn về Ấn Độ, Việt Nam, Thailand...để tìm hiểu môi trường đầu tư. Cơ hội lớn cho Việt Nam đang đến.
Nhưng, nhanh chân nhất vẫn là những nhà đầu tư Trung Quốc. Bộ kế hoạch - đầu tư cho biết, Trung Quốc dẫn đầu FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp)vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019. Trong 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD (trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư 2,02 tỷ USD vào Việt Nam, còn các nhà đầu tư Đài Loan  cũng rót gần 575 triệu USD. Tính chung lại, lượng vốn đầu tư từ các vùng nói tiếng Hoa Trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 7,6 tỷ USD.
Rõ ràng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã tác động lớn đến sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư Trung Quốc. Sau một thời gian dài chỉ đứng thứ ba hoặc thứ tư tại Việt Nam, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Nhưng, vô trách nhiệm nhất vẫn là những nhà đầu tư Trung Quốc. Báo chí rầm rập thông tin một dự án FDI của Trung Quốc ở Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép. Theo Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, tháng 11.2018, dự án nhà máy vải không dệt được đơn vị này cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay Công ty KCN Texhong Việt Nam chưa hoàn thiện các thủ tục khác, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, dự án đã thi công hàng loạt các hạng mục: nhà xưởng, nhà điều hành... Trong khi đó Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, doanh nghiệp này chưa được Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường.
Không chỉ có các chuyên gia ở phương Tây lo ngại, từ lâu các chuyên gia Việt Nam đã tỏ ý lo ngại, Trung Quốc là nước có thặng dư vốn nhưng lại chưa có công nghệ cao như Nhật Bản và Hàn Quốc nên sẽ khó có thể phát triển bền vững. Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất của các DN FDI Trung Quốc.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài còn giúp đẩy được công nghệ lạc hậu ra nước ngoài, từ đó các DN Trung Quốc có cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới và lợi dụng được “hai thị trường, hai nguồn tài nguyên” và có cơ hội tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, trong những đại dự án Trung Quốc đầu tư ra ngoài trong vòng 15 năm lại đây, nhiều dự án còn tạo ra hệ quả xấu, đó là thúc đẩy tham nhũng những ở nước đó hoặc là không minh bạch, hoặc là mức độ lan tỏa của dự án đối với người dân địa phương đó rất thấp, thấp hơn nhiều so với các dự án của các nước khác.
Chắc chắn một điều rằng, các dự án FDI của Trung Quốc ở Việt Nam đầy rẫy các sai phạm, dĩ nhiên ở các cấp độ khác nhau.
Nhiều người cho rằng, không thể kiểm soát được các sai phạm ở các dự án FDI đến từ Trung Quốc. Nếu vậy, chính quyền sinh ra để làm gì? Chính quyền sinh ra để nhận hối lộ và tiếp tay cho cái ác thôi sao? Vấn đề quan trọng nhất nằm ở chỗ, không phải là ý muốn vô trách nhiệm của các nhà đầu tư Trung Quốc mà chính là cách hành xử của công quyền Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã đến Mỹ, phương Tây và Nhật Bản, và họ đã phải trở thành những nhà đầu tư có trách nhiệm vì rằng, Mỹ, phương Tây và Nhật Bản đã đối xử với họ theo đúng luật lệ để họ tuân thủ luật pháp. Việt Nam không đối xử và kiểm soát các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc theo luật lệ của mình mà theo cách mà họ cảm thấy đúng.
Việt Nam đã quá ưu đãi cho FDI thông qua các chính sách ưu đãi giá cho thuê đất quá rẻ mạt, ưu đãi về thuế, thuế lợi tức và thuế thu nhập....Các ưu đãi này chỉ làm lợi cho doanh nghiệp FDI mà ít làm lợi cho nguồn thu của quốc gia, ngoại trừ giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các ưu đãi về giá thuê đất cho các dự án FDI đã vô tình tạo điều kiện cho các dự án thâm dụng lao động, công nghệ thấp, hoặc các dự án gây ô nhiễm môi trường như nhiệt điện than, sản xuất sắt thép....sinh sôi nảy nở. Và sự ưu đãi này đã vô tình tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Nếu chính quyền trung ương Việt Nam và các chính quyền địa phương vẫn cứ thực hiện ưu đãi FDI để cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam chỉ là mảnh đất màu mỡ để làm giàu cho ngoại quốc, trong đó có Trung Quốc vô trách nhiệm.
Nếu muốn thu hút các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, các tập đoàn có trách nhiệm và sinh lợi cao, Việt  Nam cần phải xóa bỏ các ưu đãi cho FDI, cần phải lập ra các rào cản kỹ thuật để loại trừ các dự án FDI thâm dụng nhân công, công nghệ thấp, các dự án tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm.
Thương chiến Mỹ- Trung đã giúp Việt Nam có bóng. Nhưng, Việt Nam có xử lý được bóng hay không để ghi bàn thắng lại là một câu chuyện khác. Đã từ lâu Việt Nam không có các phương án xử lý tình huống ngoài phương án nhanh chóng dập tắt những gì khác biệt với mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét