Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

10457 - Muốn tự chủ hay thảm bại?


                                                            Hình minh họa.


“Thất bại chẳng khiến ai chết cả, nhưng cự tuyệt thay đổi thì thật là chết người.” (Failure isn’t fatal, but failure to change might be) - John Wooden
Tự chủ là một ý niệm rất rộng. Trong tiếng Việt, tự chủ được định nghĩa là biết tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối. Trong tiếng Anh thì có rất nhiều từ đồng nghĩa, nào là self-control, self-management, self-regulation, autonomy v.v… Định nghĩa của self-control là khả năng kiềm chế hay khuất phục những thôi thúc, cảm xúc và hành vi của một người, nhất là để đạt được mục tiêu dài hạn.

Về mặt tâm lý, khả năng này, khi đạt được, sẽ phân biệt con người của ngày hôm nay, con người hiện đại, với con người của thời xa xưa, tổ tiên của loài người, cũng như phân biệt giữa con người với con vật.
Chúng ta tự chủ được là nhờ biết suy nghĩ. Chúng ta biết suy nghĩ hơn các động vật khác là nhờ phần não pre-frontal cortex (PRC). Phần quyết định suy nghĩ, tính toán PRC của con người lớn hơn các động vật khác. Nhờ có PRC nên con người có thể sử dụng lý trí để lên kế hoạch, sắp xếp tư tưởng và hệ thống hóa, lượng giá tình hình và khả năng, rút tỉa kinh nghiệm, và đi đến các quyết định đúng đắn v.v... Những ai biết vận dụng PRC thì có thể điều khiển để giảm bớt các phản ứng cảm tính và các thôi thúc cám dỗ của cuộc đời.
Những người có khả năng tự chủ thường không dễ bị cám dỗ và biết cách tập trung nỗ lực cho những mục tiêu mình muốn đạt được. Tiếng Anh gọi là willpower, có thể dịch là nghị lực hay ý chí. Những người có nghị lực thường kiên trì hơn, biết suy tính đường dài, không dễ nản hay bỏ cuộc, không dễ tự mãn hay chấp nhận những thành quả của mình mà luôn muốn hướng đến hoàn thiện. Đến chân thiện mỹ.
Tóm lại, khi biết sử dụng phần não PRC để kiềm chế phần cảm xúc, tức phần não Amygdala, thì mọi người, mọi dân tộc có thể tự chủ các suy nghĩ và hành động của mình để vươn lên và phát triển. Nền văn minh tiến bộ cũng từ đó mà ra. Biết tự chủ suy nghĩ và cảm xúc của mình, sử dụng các nguồn lực để đạt được bậc cao nhất của con người, như tự hiện thực (self-actualisation), nói theo Abraham Maslow trong Cấp bậc Nhu cầu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là đạt được giác ngộ và, cao hơn nữa, niết bàn.
Thật ra, sự thành công hay thất bại của một người hay một dân tộc nằm trong bài toán, hay chìa khoá, biết mở được biết khai dụng được trí thông minh cảm xúc của con người.
Tiến sĩ Travis Bradberry, tác giả của Thông minh Cảm xúc 2.0, là người viết khá nhiều bài blog phân tích sâu sắc tác động của EQ lên mọi mặt đời sống con người, từ vấn đề cá nhân, tập thể, gia đình cho đến công sở, sự nghiệp v.v... Tôi đã theo dõi các bài viết của Bradberry trong nhiều năm qua với sự thích thú. Những phân tích và nhận định của Bradberry giúp cho quan hệ giữa người lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo tốt hơn, tích cực hơn.
Bradberry cho biết theo cơ quan nghiên cứu của cơ quan TalentSmart của ông với hơn một triệu người thì thông minh cảm xúc (EQ) chịu trách nhiệm cho 58 phần trăm hiệu suất công việc. Những ai thiếu các khả năng này thì sẽ bị thiệt thòi đáng kể.
Ngày 14 tháng Năm vừa qua, Bradberry viết một bài đáng suy ngẫm, có tên “9 loại người không bao giờ thành công tại chỗ làm”. Đọc bài này tôi không thể không liên tưởng ngay lập tức đến tình trạng Việt Nam hôm nay.
Loại thứ nhất là Người Nhút nhát (The coward). Những người nhút nhát thường đổ lỗi cho người khác và che dấu các lỗi lầm nghiêm trọng của mình. Họ cũng thất bại trong việc đứng lên bảo vệ cho những điều đúng. Tất cả đều do nỗi sợ quá lớn của họ.
(Xin mở ngoặc ở đây để nói thêm rằng các chế độ độc tài và các lãnh đạo chính trị đều biết khai dụng nỗi sợ của con người để kiềm chế hay tác động lên các động lực khác, kể cả động lực tốt, của họ. Còn các nhà đạo đức, tôn giáo cũng biết sử dụng nỗi sợ để kiềm chế hay tác động lên các động lực xấu, chẳng hạn như sự tham sân si hay thù hận của con người.)
Loại thứ hai là Kẻ Ma lực/Ám khí (The Dementor). Loại người này dựa trên nhân vật do nhà văn J. K. Rowling tạo ra trong tiểu thuyết nhiều tập Harry Potter. Họ chuyên áp đặt những tinh thần tiêu cực bi quan lên người khác, đem lại nỗi lo lắng sợ hãi trong tình huống không có gì đáng quan tâm quá, hút hết mọi sinh khí và sức sống của tập thể.
Loại thứ ba là Người Tự đại (The arrogant). Tự đại, theo Bradberry, là loại người có sự tự tin ảo, đeo mặt nạ của sự bất an lớn. Họ chỉ làm mất thời gian của chúng ta bởi vì họ thấy những gì chúng ta làm thách thức cá nhân họ.
Loại thứ tư là Người Suy nghĩ Nhóm (The group-thinker). Phương châm và não trạng của họ là “Đây là cách mà chúng ta luôn làm mà”. Họ không có suy nghĩ riêng biệt, độc lập nào cả. Nhóm nghĩ sao thì họ làm theo vậy. Nhưng cách làm cũ sẽ không bao giờ đưa đến điều gì vĩ đại cả.
Loại thứ năm là Người Lắm Thay (The short-changed). Họ hay đổ lỗi cho sự không thành công vì lý do thiếu cơ hội. Họ không hiểu rằng yếu tố may mắn có thể đóng một phần trong sự thành đạt của một người, nhưng tính chăm chỉ đã đưa người ta đến mục tiêu. Thái độ của họ, không phải hoàn cảnh của họ, làm cho họ “lắm thay” là vậy.
Loại thứ sáu là Người Cảm tính (The temperamental). Họ không có khả năng điều khiển cảm xúc của họ. Họ trút hết mọi buồn phiền bực dọc lên người khác, trong khi đó lại nghĩ nguyên do họ làm thế là vì người đó. Họ không suy nghĩ sáng suốt vì để cảm tính lấn át lý trí, và sự mất khả năng kiểm soát cảm xúc của mình đã hủy hoại bao quan hệ với người khác. Họ dùng người khác để xả rác cảm xúc của họ.
Loại thứ bảy là Nạn nhân (The victim). Họ thường trốn tránh trách nhiệm cá nhân bằng cách khi đụng phải những vấn đề dù rất nhỏ, họ thường xem nó như điều bất khả, như núi không thể đi qua. Họ không thấy những thời điểm khó khăn là cơ hội để học hỏi và phát triển mà là để rút lui.
Loại thứ tám là Người Cả tin (The gullible). Họ giống như gió chiều nào ngã theo chiều đó, cho đến khi gặp bão. Họ cần phải biết rằng nếu họ dám đứng lên bảo vệ ý kiến của mình, bảo vệ cho những gì được xem là đúng, thì họ sẽ chiếm được sự kính trọng hơn.
Loại thứ chín là Người Xin lỗi (The apologiser). Có những người hay xin lỗi, vì thiếu tự tin, đối với các ý kiến và hành động của mình. Họ sợ thất bại, nên xin lỗi cho an toàn. Những lời xin lỗi không cần thiết là rẻ tiền và làm khó dính. Điều nên nhớ là giọng nói và ngôn ngữ cơ thể (body language) phản ánh tầm quan trọng của ý tưởng của mình.
Bradberry biện luận rằng tất cả các sở đoản này, những thứ gây nhiều thiệt hại cho sự nghiệp của một người, đều có thể khắc phục được bằng cách gia tăng thông minh cảm xúc, EQ. Chỉ cần một chút ý thức và khao khát mạnh mẽ để thay đổi thì không có gì là bất khả cả.
Quý bạn đọc nghĩ sao về chín hạng người trên? Trong con người Việt Nam, nó ở mức độ nào, tầng nào, và lĩnh vực nào, nhiều nhất?
Kẻ ma lực, tự đại, cảm tính, và hèn nhát trong xã hội Việt Nam nổi bật nhất là ai?
(Úc Châu, 20/05/2019)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét