Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

10458 - Giáo dục ở Việt Nam chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản



Ngày 31-5, trước tuyên bố ‘nhận trách nhiệm’ của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở nghị trường Quốc hội, nhưng không nêu rõ ‘nhận xong thì thế nào’, thầy Trần Chút, cựu chủ tịch Hội Ngôn ngữ học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM), đặt vấn đề, phải chăng đây là hệ lụy tất yếu của nền giáo dục Việt Nam vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản?


Nếu là nền giáo dục thích hợp cho việc đào tạo cán bộ của đảng cầm quyền, thì trách nhiệm của người đứng đầu đảng sẽ ra sao, trong trường hợp Phùng Xuân Nhạ, cũng như hàng loạt quan chức đảng viên trong vụ gian lận điểm thi được cơ quan điều tra xác nhận là ‘sai phạm cố tình’?

Chưa có chủ nghĩa xã hội thì làm sao có nền giáo dục xã hội chủ nghĩa?

“Trong Luật Giáo dục hiện hành ghi rằng ‘Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác_Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’. Nội dung này có thể phù hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở chuyên đào tạo cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam. Còn nền giáo dục cho toàn dân thì không thể như vậy. Đó phải là nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đào tạo người lao động Việt Nam tự do sáng tạo, tự chủ, tự lập, tự trọng”. Thầy Trần Chút biện giải.

Như vậy vấn đề có tính nguyên tắc của kim chỉ nam: Thế nào là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trong khi trên thực tế ở lần góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (trích): “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội” sẽ chuẩn hơn”. [https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html].

Liên Xô đã tan rã. Phần lãnh thổ Đông Âu của nó bây giờ thuộc về Liên minh Âu châu. Trung Quốc được cho là có một nền kinh tế thị trường, song với những diễn biến thời sự chính trị - kinh tế hiện tại, cho thấy diện mạo chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc là mớ hổ lốn của nền công nghiệp ‘đánh cắp’. Còn các nhà nước “xã hội chủ nghĩa” Bắc Hàn, Cuba và Venezuela đang trong đống đổ nát về kinh tế.

Hình mẫu tốt đẹp ra sao về cái gọi là ‘nền giáo dục xã hội chủ nghĩa’, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy ở bất kỳ quốc gia xã hội chủ nghĩa nào. Các từ tố gắn theo ‘có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác_Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’, càng khó hiểu hơn. Bởi nói như lời của giáo sư triết học Nguyễn Đức Bình (1927 – 2019), “Không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?”.

Bàn luận thuần góc nhìn học thuật, ông Hồ Bá Thâm, nguyên giảng viên của trường Tuyên huấn Trung ương, cũng bày tỏ phân vân quanh vấn đề chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam theo đuổi, có hình hài ra sao để có thể làm kim chỉ nam cho giáo dục như nhận xét của thầy Trần Chút.

“Dù là sở hữu công cộng và nhà nước của dân nhưng đất nước còn nghèo thì chưa phải là chủ nghĩa xã hội, hay cùng lắm là chủ nghĩa xã hội cổ điển, nguyên thủy. Nhưng một nước giàu mạnh cũng chưa hẳn là chủ nghĩa xã hội, nếu dân không được hưởng và làm chủ thật sự”. Ông Hồ Bá Thâm, nhận xét.

Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu?

Với mối bùng nhùng nói trên, cho thấy việc bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố suông ở nghị trường hôm 31-5, (về giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, đề cập vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình): “Bộ và cá nhân tôi là bộ trưởng, phụ trách ngành, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc” [https://vtc.vn/video-bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-vu-gian-lan-thi-cu-d477828.html]; song không nêu bất kỳ đề xuất tự kỷ luật nào, cho thấy mặc dù như lời nhận xét của thầy Trần Chút “giáo dục ở Việt Nam chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản”, thì việc đào tạo đó cũng đang hư hỏng, cần mạnh dạn thay đổi.

“Nhận trách nhiệm rồi sao nữa bộ trưởng?” là câu hỏi đang đặt ra. Bởi bộ trưởng không nhận trách nhiệm thì ai nhận?. Nếu lứa được nâng điểm năm 2018 sau 4 - 5 năm sau sẽ trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư... thì sao nhỉ? Chưa chắc những năm tiếp theo hoặc những năm trước đó trong sạch. 

Tội cho con em thường dân nỗ lực hết mình, vượt nghèo vượt khó để kiếm được kiến thức vững chắc mong về phục vụ nhân dân, quê hương đất nước, nhưng không có cơ hội khi mà con cháu quan chức, đại gia được trải thảm đỏ từ nhỏ đến khi ra đi làm. Tất cả những điều ấy phải chăng là hệ lụy tất yếu, điều không thể tránh khỏi và vẫn đang tiếp tục xảy ra, khi mà Việt Nam vẫn chăm bẳm vào nền giáo dục vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cầm quyền?

Với một nền giáo dục ‘vì đảng’ đến như vậy, chỉ xét từ năm 2004 đến nay, gần như tất cả những lần bộ trưởng rời khỏi chức vụ đều là do Quốc hội phê chuẩn đề nghị từ Thủ tướng với xuất phát điểm từ yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị; kể cả trường hợp gần đây của ông Trương Minh Tuấn. Chỉ có số ít trường hợp Quốc hội (hoặc cơ quan thuộc Quốc hội) chủ động xoá bỏ tư cách của một người do mình bầu. Đó là khi Quốc hội xoá bỏ tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Bắc Son (do Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm). Và cũng xuất phát từ chỉ đạo mang tính bắt buộc từ Bộ Chính trị.

Lần thứ hai là khi Quốc hội chủ động miễn nhiệm... các đời chủ tịch nước để dọn đường cho chủ tịch nước mới lên. Ông Trương Tấn Sang được miễn nhiệm khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm để ông Trần Đại Quang lên thay. Bãi nhiệm thì chưa xảy ra.

Luật sư Phạm Công Út, diễn giải thêm câu chuyện của nền giáo dục ‘vì đảng’: “Vụ việc ở Sơn La, Lào Cai... phải do thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo, UBND tỉnh triển khai. Có lẽ cấp dưới họ vẫn chờ ý kiến chỉ đạo đấy thôi. Kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thanh tra xử lý kỷ luật. Khởi tố vụ án. Đình chỉ chức vụ từ trưởng ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh, giám đốc sở, thư ký hội đồng thi, giám khảo, chuyên viên... Cuối cùng là ban nội chính tỉnh uỷ có đề nghị xử lý với các phụ huynh hay không”. Nhận thức tới đâu ý kiến tới đâu đều có thường trực cân nhắc. Cấp thi hành chờ cho ý kiến chỉ đạo.

Tất nhiên là với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ có thể phải có công văn yêu cầu điều tra, xác định phạm vi xử lý, đề nghị đại biểu quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội cùng vào cuộc giám sát, kêu nài phó thủ tướng, thủ tướng chỉ đạo, đề nghị ban nội chính trung ương, ban chỉ đạo chống tham nhũng, ban bí thư, tổng bí thư đưa vào chương trình trọng điểm phòng chống tham nhũng...

Tất nhiên, ông Nhạ tin tưởng tổng bí thư chưa chỉ đạo hẳn còn cân nhắc chuyện gì đó. Chứ tổng bí thư đã chỉ đạo thì cũng chưa tới phiên ông Nhạ có việc...”.

Như vậy, liệu trách nhiệm của người đứng đầu đảng cộng sản sẽ được quy kết thế nào, và liệu có ai dám đứng ra kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng hãy tự trọng từ chức, giống như làn sóng yêu cầu bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở hiện nay?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét