Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

10490 - Phan Châu Trinh: từ “thuyết tự trị” đến “chế độ tự trị”


Kết quả hình ảnh cho phan chu trinh

Trong số các di cảo của Phan Châu Trinh, có hai văn bản đáng chú ý: bản thảo chưa hoàn thành có tên là Liên hiệp Pháp-Việt hậu chi Tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau Liên hiệp Pháp-Việt, tạm gọi là Tân Việt Nam) và bài thơ dài 500 câu Tỉnh quốc hồn ca II (1). Trong cả hai tài liệu đều có thuật ngữ “tự trị”. Nhưng nếu xem xét kỹ nội dung, ta thấy khái niệm này có sự thay đổi, hay nói đúng hơn là có sự phát triển theo thời gian.

Khái niệm “tự trị” trong bản thảo Tân Việt Nam:


Về tài liệu thứ nhất, Giáo sư sử học Vĩnh Sính (1944-2014) đã phân tích khá chu đáo trong bài viết “Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh” (2). Ông đã nhận xét chính xác về sự khác nhau giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu: “Tuy cùng mang hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan rất khác nhau, thậm chí về sau trở thành đối lập. Phan chủ trương bất bạo động và hoạt động hợp pháp (minh xã), khởi xướng thuyết tự trị, kêu gọi canh tân để tự cường qua chủ trương ‘ỷ Pháp cầu tiến bộ’, rồi từng bước giành lại độc lập quốc gia. Lập trường của Phan được một số thân sĩ chịu ảnh hưởng tân học như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, v.v… biểu đồng tình. Ngược lại, PBC (Phan Bội Châu) chủ trương bài Pháp kịch liệt, hô hào lật đổ chính quyền thuộc địa bằng phương tiện bạo động và bí mật (ám xã). Cần nói thêm là trong khoảng thời gian cuối đời sống trong tình trạng bị giam lỏng ở Huế từ năm 1925 cho đến khi từ trần (1940), PBC có thái độ chính trị ôn hòa so với thời kỳ hoạt động ở hải ngoại” (VS, bđd).
Nhưng có lẽ do thiếu tài liệu, Vĩnh Sính đã viết: “Bố cục của di cảo tự thân cũng chưa được hoàn chỉnh, ngay chính đầu đề ‘Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp’ dễ gây ngộ nhận vì trong suốt di cảo Phan không nói gì cụ thể về một nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp” (bđd). Thật ra, nếu biết được các hoạt động cuối đời của Phan Châu Trinh – nhất là từ đầu năm 1925 cho đến khi ông qua đời (24-3-1926), thì không thể có sự ngộ nhận về “nước Việt Nam mới”.
Người đầu tiên sử dụng khái niệm “tự trị” theo ý nghĩa nói trên có lẽ là Trần Quý Cáp – người đồng chí thân thiết nhất của Phan Châu Trinh, nhà lãnh đạo Phong trào Duy Tân đã bị xử “chém ngang lưng” vào năm 1908, khi mới 38 tuổi. Theo nhà văn-nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, trước năm 1905 Trần Quý Cáp thường hợp tác với Tiểu La Nguyễn Thành – một thành viên quan trọng của phái ám xã. Nhưng càng ngày ông càng nghiêng theo xu hướng của Phan Châu Trinh vì nhận thấy phương pháp bạo động cùng với tư tưởng vọng ngoại có những hậu quả không tốt cho nội lực của quốc dân. Năm 1905, ông sáng tác bài “Sĩ phu tự trị luận”, được Phan Châu Trinh và phái tân học hoan nghênh nhưng phái cựu học không vừa ý (3) (NVX, sđd, tr. 159). Chính bài luận này là một dấu mốc dẫn đến sự hình thành các nguyên tắc căn bản của phái tự trị (hay đảng tự trị – theo cách gọi của Phan Châu Trinh).
Trong bản thảo “Tân Việt Nam”, Phan Châu Trinh đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “tự trị” để định danh trường phái đấu tranh giành độc lập của ông: “thuyết tự trị”, “chủ nghĩa tự trị”, “phái tự trị”, “đảng tự trị”,… Theo ông và các đồng chí của ông (như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), cuộc đấu tranh bất bạo động phải dựa vào sức dân là chính, sự ủng hộ từ ngoại quốc chỉ là yếu tố phụ. Do đó, ông nhấn mạnh đến “khai trí” (mở mang dân trí), “trị sinh” (quản lý đời sống người dân) để phát huy “dân quyền”. Khái niệm “tự trị” ở đây có nghĩa là: tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ vào sự viện trợ của bên ngoài – dù là “đồng văn, đồng chủng” (như Trung Hoa hay Nhật Bản).
Như chúng ta đã biết, mặc dù “phái tự trị” chủ trương đấu tranh công khai, bất bạo động, nhưng sau những cuộc biểu tình chống sưu thuế của nông dân các tỉnh miền Trung vào năm 1908, thực dân Pháp và Triều đình Huế đã tổ chức một cuộc đàn áp quy mô, chủ yếu nhắm vào các nhà nho “tân học” mà họ cho là chủ mưu. Trong một tờ sớ tấu của Phủ Phụ chính (4) dâng lên vua Duy Tân, có đoạn viết như sau: “Tức như hiện nay bọn người hiếu sự ở Nam Nghĩa ngầm mưu xúi giục làm loạn, trước thì dụ dân cắt tóc cải trang, kế thì đặt trường diễn thuyết, sau hết thì mê hoặc nhân dân bằng việc kêu xin giảm thuế, cùng nhau tụ tập, xướng làm dân quyền, dần dần đến công đường náo thị, mà tỉnh, phủ, huyện quan sở tại không ngăn chặn được. Chúng lại lén đến hạt khác lừa phỉnh, gây nên các hạt Thừa Thiên và Bình Định bắt chước làm càn, động phiền xử trí, Quý Bảo hộ bất đắc dĩ mà dụng binh tuần triệt” (5).
Phong trào chống sưu thuế (hay còn gọi là kháng thuế, khiếu sưu, cự sưu) phát khởi từ Nam Nghĩa (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã lan ra nhiều tỉnh khác: từ Thừa Thiên đến tận Khánh Hòa, thậm chí đến cả các tỉnh Bắc Trung Kỳ như Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Theo thống kê (có thể chưa đầy đủ) của Huỳnh Thúc Kháng, số người bị liên lụy tính theo các bản án trình lên cho phủ Phụ chính thẩm duyệt đã lên đến con số 435 người (NTA, sđd, tr. 19). Ngoài trường hợp của Châu Thượng Văn (tuyệt thực đến chết) và những người bị xử tử hình (như Trần Quý Cáp, Ông Ích Đường, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan – Nam Ngãi; Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập – Nghệ Tĩnh,…) có đến 50 người bị lưu đày ra Côn Đảo – chủ yếu là các nhà nho (6).
Điều cần lưu ý là vào lúc này (1908), vua Duy Tân chỉ mới 8 tuổi, toàn bộ quyền hành nằm trong tay Phủ Phụ chính – gồm 6 đại thần, thường họp với sự chủ tọa của Khâm sứ tại Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam) là Fernand Lévecque. Những bản án khắc nghiệt đối với Phong trào Duy Tân có lẽ là do áp lực của các quan lại thuộc phái thủ cựu vốn bất bình với những cải cách của phái tân học. Điều ngẫu nhiên của lịch sử là tám năm sau đó (1916), đến lượt Vua Duy Tân lại bị truất phế vì can dự vào một cuộc nổi dậy bất thành do một số thành viên của Việt Nam Quang Phục hội (thuộc phái Phan Bội Châu) tổ chức. Trong số những nhân vật chủ chốt tham gia vào kế hoạch này, có Trần Cao Vân – một trong 50 người bị đày đi Côn đảo vào năm 1908.

Khái niệm “tự trị” trong bài thơ “Tỉnh quốc hồn ca II”:

Bài thơ dài 500 câu này đã từng được đăng trên tờ báo Việt Nam hồn  tại Pháp từ năm 1925 nhưng theo Giáo sư Nguyễn Văn Dương: “ở trong nước từ năm 1926 cho đến nay (7), mặc dầu  Tỉnh quấc hồn ca I được xuất bản năm 1945, mặc dầu di cảo còn nguyên đó, nhưng Tỉnh quấc hồn ca II vẫn chưa được công bố trọn vẹn”. Về lý do chậm xuất bản, Giáo sư giải thích: “Dẫu sao, đối với phần đông chúng ta, khi đọc đến những câu như “Quyết theo thầy dạy dỗ học đòi” hay “Lòng ta quyết một nhớ ơn quên thù”, thì chắc ai cũng lấy làm chối tai, lấy làm khó nghĩ. Phải chăng vì vậy mà tuy vẫn còn đó, nhưng di cảo lại được con cháu cất kín trong rương, không công bố cho người đời thưởng thức”? (NVD 1995, sđd, tr. 287; NVD 2006, tr. 338). Nhận định này cho thấy óc bài ngoại (ghét Tây) đã ảnh hưởng đến tâm lý nhiều trí thức người Việt trong việc nghiên cứu Phan Châu Trinh, khiến cho sự đánh giá thường thiên lệch, thiếu khách quan.
Đoạn cuối của bài thơ này là đoạn quan trọng nhất vì nó liên quan đến “cương lĩnh chính trị” mà Phan Châu Trinh định thực hiện khi trở về nước, và đoạn thơ này mở đầu bằng câu “Chánh tự trị bắt đầu hứa trước” (8).
“Chánh tự trị” có nghĩa là gì? Giáo sư Nguyễn Văn Dương giải thích: “Ta lại biết sau Chiến tranh thế giới thứ I chấm dứt, Phan Châu Trinh đã có ý định trở về nước hoạt động. Bị thực dân Pháp cầm chân trên đất Pháp lần nữa, Phan Châu Trinh cũng có cách hoạt động của ông. Tựu trung, ông vẫn chủ trương đường lối “cậy Pháp tự trị” mà ông cho là “có nhiều sự hay hơn là nhiều cái dở”. Năm lần bảy lượt vận động với Sarraut, với Bộ Thuộc địa không có hiệu quả, nhưng ông vẫn không lùi bước. Nay qua Tỉnh quấc hồn ca II, ông lại thử đề nghị một chính sách tự trị” (NVD, 2006, sđd, tr. 337).
Thật ra, “chánh tự trị” không có nghĩa là “chính sách tự trị”. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của khái niệm này, cần điểm lại một số hoạt động của Phan Châu Trinh trong giai đoạn cuối đời:
Sau khi một loạt các dự định thành lập các tổ chức xã hội dân sự theo mô hình dân chủ-xã hội không đạt kết quả mong muốn, cuối cùng ông quyết định xin trở về nước, đồng thời xin nhập quốc tịch Pháp. Mặc dù bị các thế lực cực hữu tại Pháp và chính quyền thực dân tại  Đông Dương tìm cách ngăn cản, cuối cùng yêu cầu này cũng được đưa ra tranh luận tại Viện Dân biểu (Chambre des députés, tức Hạ viện Pháp) vào ngày 22-12-1924 (9). Kết quả là Chính phủ Pháp đồng ý cho ông trở về nước, nhưng yêu cầu nhập tịch Pháp bị chặn lại – có lẽ vì thực dân Pháp và cả Triều đình Huế sợ sau này sẽ gặp khó khăn khi cần bắt giam ông.
Sự kiện Phan Châu Trinh được trở về quê hương có liên quan đến sự thay đổi trong bối cảnh chính trị của nước Pháp lúc đó. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 1924, lần đầu tiên Liên minh Cánh tả (Cartel des gauches) giữa Đảng Cấp tiến và Đảng Xã hội SFIO giành được thắng lợi. Tháng 6 năm 1924, Édouard Herriot – đảng viên Cấp tiến xuất thân là một nhà giáo, đã đứng ra thành lập Chính phủ.
Đảng Cấp tiến (Parti radical) (10) mặc dù được gọi là cánh tả nhưng chữ “tả” ở đây chỉ có nghĩa là “cộng hòa, chống quân chủ” theo chiều hướng của Cách mạng 1789. Còn về mặt kinh tế-xã hội, Đảng Cấp tiến vẫn chủ trương bảo vệ quyền tư hữu và ủng hộ một chế độ thuế quan tự do mậu dịch (régime douanier libre-échange), không liên quan gì đến chủ nghĩa Marx. Nói cách khác, Đảng Cấp tiến thực chất là một đảng trung hữu (centre-droit) khi thì liên minh với cánh hữu, khi lại liên minh với cánh tả (Đảng Xã hội) tùy theo hoàn cảnh.
Điều đáng nói là Đảng Cộng sản Pháp (SFIC) chủ trương chống mọi hình thức của trật tự tư sản (ordre bourgeois), vì vậy họ chẳng những không gia nhập Liên minh Cánh tả mà còn phê phán, chỉ trích Đảng Xã hội là “theo đuôi giai cấp tư sản”. Họ không chọn Đảng Xã hội lẫn Đảng Cấp tiến, vì nhìn cả hai đều là xấu xa: một bên là bệnh dịch hạch (peste), còn bên kia là bệnh dịch tả (choléra). Vì vậy khi Chính phủ Herriot thành lập, Đảng Cộng sản đứng về phía đối lập. Điều này cũng ảnh hưởng đến lập trường của Đảng Xã hội (SFIO). Mặc dù có số ghế dân biểu tại Hạ viện khá cao, đảng này ủng hộ Chính phủ Herriot nhưng không tham gia vào Nội các vì sợ bị những người cộng sản chỉ trích là theo đuôi giai cấp tư sản. Do đó, Chính phủ của Herriot chủ yếu chỉ bao gồm các thành viên Cấp tiến và một vài thành viên của các đảng nhỏ khác. Vừa thiếu sự ủng hộ của phái hữu, vừa mâu thuẫn về chính sách kinh tế-xã hội với Đảng Xã hội, Chính phủ này chỉ tồn tại 9 tháng và 27 ngày (từ 14-6-1924 đến 10-4-1925) (11).
Nhưng dù sao thì thắng lợi của Liên minh Cánh tả vào thời điểm này cũng có lợi cho Phan Châu Trinh. Daladier – một đảng viên Cấp tiến, được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Điều này tạo điều kiện cho Phan Châu Trinh có thể trở về nước, bất chấp sự chống đối của phía thực dân tại Đông Dương và phái hữu bảo thủ tại chính quốc.
Mặt khác, Đảng Lập hiến – một tổ chức chính trị của những người Việt do Pháp đào tạo cũng gặp thời cơ tốt, được công khai hoạt động – mạnh nhất là tại Nam Kỳ. Từ cuối năm 1924, đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một số thành viên phái Lập hiến với Phan Châu Trinh. Điều này dẫn đến kết quả là đầu năm 1925, một tổ chức mới được thành lập có tên là Liên hiệp Pháp-Đông Dương (Union franco-indochinois) do Phan Châu Trinh làm Chủ tịch, Trần Văn Khá làm Tổng thư ký. Hạ nghị sĩ Marius Moutet – đảng viên đảng Xã hội và là một thành viên của Liên minh Nhân quyền, được mời làm Chủ tịch danh dự của Hội. Trần Văn Khá lúc này còn là sinh viên, giữ chức vụ Phó Chủ tịch của Hội tương tế Đông Dương (Association mutuelle des Indochinois, AMI). AMI và Hội Giáo dục Tương trợ Nam Kỳ (Société d’Enseignement mutuel de Cochinchine) là những tổ chức dân sự được Chính phủ Pháp cho phép thành lập và là những mầm mống ban đầu của Đảng Lập hiến.
Ngày 3-2-1925, Hội Liên hiệp Đông Dương ra mắt trong một cuộc mít-tinh được tổ chức tại  Phòng họp của các Hội Bác học (Salle des Sociétés Savantes), số 8 đường Danton, quận 6, Paris. Luân phiên chủ tọa cuộc họp là Marius Moutet (đảng viên Xã hội), Maurice Violette (đảng viên Cấp tiến, ủy viên Ủy ban Trung ương của Liên minh Nhân quyền) và Phan Châu Trinh. Các diễn giả người Pháp và người Việt đã lần lượt phát biểu xung quanh chủ đề “Chính sách đối với người bản xứ ở Đông Dương”. Tất cả đều khẳng định ý chí duy trì ngày càng chặt chẽ “liên hiệp giữa nước Pháp và Đông Dương” bằng sự hợp tác chân thành giữa người Pháp và người bản xứ và bằng việc thực hiện một đường lối cải cách, tiến bộ, bình đẳng và công lý (12).
Ngày 25-5-1925, ba ngày trước khi Phan Châu Trinh về nước, lại có một cuộc mít-tinh thứ hai được tổ chức cũng tại Phòng họp của các Hội Bác học. Dưới sự chủ tọa của Phan Châu Trinh và nhà báo Ernest Babut, các diễn giả Nguyễn An Ninh, Trần Văn Khá, Diệp Văn Kỳ, Dương Văn Giáo đã phát biểu và cuối cùng, một bản tuyên bố dưới dạng “ordre du jour” (nhật lệnh, chương trình nghị sự) đã được biểu quyết thông qua (13).
So sánh bản tuyên bố này với bản “Thỉnh nguyện thư của nhân dân An-nam” năm 1919, chúng ta thấy cả hai đều đi theo cùng một hướng: đòi hỏi những cải cách chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa để tiến tới một chế độ tự trị theo kiểu Anh (dominion). Ngoài những yêu sách nêu ra từ năm 1919, còn có một số đòi hỏi khác khá mạnh mẽ. Vd: điều 7: Hủy bỏ “chế độ hành chính và pháp lý đặc biệt dành cho người bản xứ” (indigénat) trong các xứ bảo hộ (Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cambodge và Lào). Indigénat là quy chế áp dụng cho người bản xứ tại các thuộc địa của Pháp, thường được ví như chế độ apartheid mà người Anh áp dụng ở Nam Phi. Quy chế mang tính “phân biệt chủng tộc” này trong thực tế mãi đến cuối cuộc Thế chiến II (1944-47) mới bị hủy bỏ trong các thuộc địa của Pháp.
Mặc dù cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra bằng chứng về sự trao đổi thư từ hay tiếp xúc trực tiếp giữa Phan Châu Trinh với Bùi Quang Chiêu (lãnh tụ của Đảng Lập hiến), nhưng rõ ràng đã có sự gặp gỡ, thương lượng giữa ông và các thành viên quan trọng của Đảng Lập hiến (nhất là Dương Văn Giáo) trước khi ông trở về Việt Nam. Ngoài tờ báo Tribune Indigène (diễn đàn của Đảng Lập hiến), tờ L’Écho annamite (Tiếng vọng An-nam) do Nguyễn Phan Long thuộc Đảng Lập hiến làm Giám đốc chính trị (Directeur politique) cũng là một kênh quan trọng để thông báo tin tức về sự hợp tác, liên kết tả-hữu đó.
Bản thân ông Bùi Quang Chiêu mặc dù có sự hậu thuẫn mạnh từ chính quốc nhưng từ khi Đảng Lập hiến bắt đầu hoạt động công khai thì phái cực hữu và thực dân Pháp cũng tìm cách ngăn trở. Tháng 1 năm 1925, ông Bùi Quang Chiêu bị thuyên chuyển đi Cambodge và đến tháng 2, tờ Tribune Indigène bị đóng cửa.
Sau khi Chính phủ của Liên minh Cánh tả (tức Chính phủ Herriot) đổ, một Chính phủ mới được thành lập, đứng đầu là Paul Painlevé – xuất thân là một nhà toán học, đảng viên Đảng Cộng hòa-Xã hội (Parti républicain-socialiste). Chính phủ này dựa trên liên minh giữa hai đảng: Cộng hòa-xã hội và Cấp tiến. Vào tháng 7, Bộ trưởng Thuộc địa André Hesse đã bổ nhiệm Alexandre Varenne – đảng viên Đảng Xã hội, làm Toàn quyền Đông Dương.
Tháng 10 năm 1925, Bùi Quang Chiêu đã đến Paris. Ngày 21-10-1925, một cuộc mít tinh của Đảng Lập hiến được tổ chức tại Phòng họp của các Hội Bác học. Trong số các diễn giả, chúng ta thấy ngoài Bùi Quang Chiêu và một số thành viên của Đảng Lập hiến như Dương Văn Giáo, Diệp văn Kỳ, Georges Grandjean,… còn có René Maran (tác giả cuốn Batouala, nhà văn da đen đầu tiên đoạt giải Goncourt) và Paul Monet (tác giả cuốn Français et Annamites, người sáng lập Hội quán Sinh viên An-nam tại Hà Nội). Cuối cuộc họp, một bản tuyên bố đã được thông qua để gửi đến Chính phủ Pháp, bày tỏ “sự tin tưởng đối với những tuyên bố của Toàn quyền A. Varenne và chờ đợi những hành động đầu tiên của ông tại Đông Dương”, đồng thời tiếp tục chiến dịch “làm sáng tỏ trước công luận Pháp về các nguyện vọng của người An-nam và tố cáo chính sách đế quốc và “trục lợi” (affairiste) của chính quyền Đông Dương” (14). Ngày 25-10-1925, Bùi Quang Chiêu và Hội Tương trợ Đông Dương (AMI) đón Toàn quyền Varenne đến thăm Hội quán Người Đông Dương (Foyer des Indochinois) tại Paris (15).
Cũng trong dịp này, Bùi Quang Chiêu đã cho ra mắt một tập sách mỏng nhan đề: “Nước Pháp tại châu Á: Đông Dương hiện đại – Tồn tại hay không tồn tại – Tiến tới chế độ tự trị” (France d’Asie: L’Indochine moderne – Etre ou ne pas être – Vers le dominion) (16). Có thể nói đây là lần đầu tiên Đảng Lập hiến công khai tuyên bố mục tiêu: tiến tới chế độ tự trị (dominion). Và đây cũng chính là mục tiêu đã được thỏa thuận với Phan Châu Trinh.
Như vậy, “chánh tự trị” trong câu thơ của Phan Châu Trinh không có nghĩa là “chính sách tự trị” như Giáo sư Nguyện Văn Dương đã đoán (17). Chánh 政 (còn đọc là chính) có nghĩa là việc của nhà nước, quy tắc để làm việc, chủ trì, tương đương với chữ gouvernement trong tiếng Pháp. Khi sử dụng từ “chánh”, Phan Châu Trinh có ý muốn nói đến “chính thể” 政體, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là thể chế, chế độ, chứ không phải là chính sách (18).
Chính thể tự trị hay chế độ tự trị (Dominion) là một hình thức thuộc địa tự-quản (self-governing colonies), một hình thức chính quyền nửa-độc lập (semi-independent polity) mà Vương Quốc Anh thiết lập từ cuối thế kỷ 19. Năm 1867, lần đầu tiên quy chế tự trị được áp dụng cho Liên bang Canada (Canadian Condeferation) bao gồm ba tỉnh: Canada (Ontario và Quebec ngày nay), Nova Scotia và New Brunswick. Thuật ngữ “Dominion” xuất hiện trong Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh (British North America Act) năm 1867 – một trong những văn bản nền tảng hợp thành Hiến Pháp Canada ngày nay (19). Yếu tố cốt lõi của chế độ tự trị là một chính phủ chịu trách nhiệm (responsible government) trong đó nhánh hành pháp (Chính phủ) phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện do dân của lãnh thổ tự trị bầu ra thay vì chịu trách nhiệm trước Chính phủ hoàng gia Anh. Chính phủ chịu trách nhiệm là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển tiệm tiến từ một thuộc địa đến một quốc gia hoàn toàn độc lập. Đầu thế kỷ 20, ngoài Canada, quy chế tự trị còn được áp dụng cho Newfoundland (vùng Đông Bắc của Canada), Australia, New Zealand, Nhà nước tự do Ái Nhĩ Lan (the Irish Free State) và Nam Phi.
Trong trường hợp cụ thể của sự hợp tác tả-hữu giữa Phan Châu Trinh và Đảng Lập hiến, mầm mống của chế độ dân chủ chính là Hội đồng Thuộc địa (Conseil colonial) tại Nam Kỳ – thường được gọi là Hội đồng quản hạt. Vì vậy trong bài thơ của Phan Châu Trinh, có những câu thơ như: “Có Viện thay mặt quốc dân, Có quan trách nhiệm đại thần phụng công”. Theo quan niệm của Phan Châu Trinh, sự hợp tác giữa phái tả và phái hữu nhằm dân chủ hóa từng bước Hội đồng thuộc địa (mầm mống của Nghị viện trong tương lai) chính là phương thức tốt nhất để “quyền vua đổi lại quyền dân”, và mô hình này sẽ là kiểu mẫu để áp dụng cho toàn Đông Dương.
Như vậy là từ chỗ “tự trị” được coi như một nguyên tắc, một phương châm đấu tranh (tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính) nhằm “phát huy dân quyền”, xây dựng xã hội dân sự thông qua con đường “khai trí trị sinh”, “chấn hưng dân khí”, đến nay “tự trị” đã trở thành “chế độ tự trị”, nghĩa là một “mục tiêu”, ít nhất là mục tiêu gần, nhằm đến một mục tiêu cuối cùng: giành “độc lập hoàn toàn”.
Có lẽ cũng cần phải nói rõ hơn về một chút về “chủ nghĩa ôn hòa, cải lương”. Thật ra, đường lối chính trị của Phan Châu Trinh trước sau vẫn là “một thứ chủ nghĩa ôn hòa”, bởi vì cho đến cuối đời, ông vẫn chủ trương đấu tranh chính trị bất bạo động. Nhưng đó không phải là một đường lối “cải lương” hiểu theo nghĩa xấu (thỏa hiệp vô nguyên tắc, cơ hội chủ nghĩa). Do quan niệm “giành độc lập qua hai giai đoạn: trước đòi chế độ tự trị (dominion), sau đó mới giành độc lập hoàn toàn”, Phan Châu Trinh chủ trương đoàn kết toàn thể dân tộc trong một chế độ dân chủ, không phân biệt giàu nghèo hay tả hữu, dựa vào sức mình là chính chứ không nhờ vả vào bất cứ lực lượng chính trị nào từ bên ngoài, vì nhờ ngoại viện để giành độc lập (nhất là bằng con đường vũ trang) thì suy cho cùng “quốc dân đồng bào chung quy vẫn nguyên cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi”.
Đó chính là điểm khác biệt giữa Phan Châu Trinh với Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, vì hai nhân vật này từ chối cộng tác với phái hữu – dù là phái hữu ôn hòa. Mặt khác, đó cũng là sự khác nhau căn bản giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc (cũng như những người cộng sản Việt Nam nói chung), vì những người cộng sản coi mâu thuẫn giàu-nghèo, xung đột tả-hữu là mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn, không thể hòa giải, chỉ có thể giải quyết bằng con đường bạo lực cách mạng để thiết lập nền chuyên chính vô sản.
Có thể chính vì lý do đó mà tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh đã bị xuyên tạc, nói xấu một cách có hệ thống suốt gần một thế kỷ vừa qua…
Đà Lạt, tháng 5/2019
M.T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét