Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

10491 - Lính Mỹ, quân phục, quân trang “made in China” và án tù


Cảnh bề bộn, xuống cấp ở một số ga của tuyến metro Cát linh-Hà đông (ảnh tư liệu tháng 3/2019).


Tuần trước, Ramin Kohanbash, 49 tuổi, chủ một doanh nghiệp chuyên bán sỉ quần áo ở New York, chính thức bị cáo buộc phạm hai tội: “Buôn bán hàng giả” và “Âm mưu lừa đảo”. Ngày 12 tháng này, Tòa án sẽ xem xét cáo buộc và công bố hình phạt. Người ta ước đoán, Kohanbash sẽ ở tù ít nhất cũng 15 năm.
Vụ án liên quan đến Kohanbash được công chúng chú ý vì nó liên quan tới quân đội Mỹ. Kohanbash và một số đồng phạm đã gửi một số mẫu quân phục, quân trang của quân đội Mỹ cho các đối tác ở Trung Quốc. Các đối tác này dựa vào đó để sản xuất hàng loạt rồi gửi chúng cho Kohansbach. Sau khi nhận hàng, Kohansbach rót các lô hàng vào hệ thống phân phối nhiều tầng nấc để tẩy rửa nguồn gốc “made in China”, chuyển hóa thành quân phục, quân trang sản xuất tại Mỹ (1).
Trị giá số quân phục, quân trang “made in China” bị Kohanbash biến thành sản xuất tại Mỹ, rồi bán cho quân đội Mỹ, từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 10 năm 2018 lên tới 20 triệu Mỹ kim. Tại sao Kohanbash phải dụng công tẩy rửa nguồn gốc quân phục, quân trang do Trung Quốc sản xuất? Khi “lộ” thì bị phạt tù?
Do quân đội Mỹ nói riêng và chính phủ Mỹ nói chung hoạt động bằng tiền do dân chúng Mỹ đóng góp qua các loại thuế, luật pháp Mỹ qui định, cả chính phủ lẫn quân đội phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp Mỹ sản xuất hay cung cấp. Nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, chính phủ Mỹ và quân đội Mỹ chỉ có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một số quốc gia đã được cân nhắc, lựa chọn kỹ từ danh sách được soạn sẵn. Trung Quốc không nằm trong nhóm này (2).
Tại sao? Có thể dùng một scandal cách nay sáu năm như câu trả lời…
Tháng 3 năm 2013, Thượng sĩ Steve Adachi thuộc lực lượng dự bị của Không quân Mỹ đẩy từ Không quân Mỹ đến hệ thống hậu cần của quân đội Mỹ vào thế dở khóc, dở cười.
Steve nằm trong nhóm những quân nhân dự bị tình nguyện sang phục vụ tại Afghanistan. Giống như tất cả những quân nhân khác, Steve được cung cấp hàng loạt quân phục, quân trang để sử dụng trong chín tháng ở mặt trận. Chàng Thượng sĩ này phát giác, trong mớ quân phục, quân trang cấp phát cho chàng có ba đôi giày do Trung Quốc sản xuất. Steve đòi bộ phận hậu cần phải đổi ba đôi giày đó thành giày “made in U.S.A” nhưng những người có trách nhiệm không thể đáp ứng.
Steve không ưng với cách giải thích: Do chính phủ cắt giảm chi phi dành cho quốc phòng, Quân đội Mỹ phải tìm mua những hàng hóa tương đương về chất lượng với giá rẻ hơn, không may mua nhầm hàng hóa “made in China”! Đó cũng là lý do, sau đó, ở chiến trường Afghanistan, có một chàng Thượng sĩ, nai nịt gọn gàng, vũ trang tới tận răng nhưng chân chỉ mang… vớ đi tới, đi lui, dứt khoát không mang giày vì quân đội Mỹ không cung cấp giày đúng qui định pháp luật.
Khi trò chuyện với một số cơ quan truyền thông dành cho lính tráng, Steve giải thích tại sao chàng lại “cứng đầu, cứng cổ” như vậy: Luật đặt định quân đội, chính phủ phải mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người Mỹ sản xuất, cung cấp là để tạo – giữ việc làm cho dân chúng Mỹ. Tôi cầm súng vì quyền lợi của nước Mỹ, bảo vệ dân chúng Mỹ nên tôi tự thấy phải chiến đấu và phải giành chiến thắng trong chuyện này. Hành động của tôi có thể khiến các cơ quan hữu trách gặp rắc rối nhưng họ có lỗi thì phải sửa.
Chàng Thượng sĩ lì hơn… trâu ấy có thắng không? Có! Bộ phận hậu cần của quân đội Mỹ buộc phải gửi sang Afghanistan cho Steve những đôi giày “made in USA” (3).
Các tin tường thuật về vụ Ramin Kohanbash bị cáo buộc “Buôn bán hàng giả” và “Âm mưu lừa đảo” có một vài chi tiết cho thấy, dường như scandal mà Steve tạo ra đã kích hoạt cuộc điều tra: Từ việc phát giác các lô hàng là quân phục, quân trang được quân đội Mỹ mua để cung ứng cho chiến trường Afghanistan là hàng giả, sản xuất ở Trung Quốc, hệ thống tư pháp bắt đầu lần mò, tìm manh mối…
***
Mỗi năm, “chi thường xuyên” (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách tại Việt Nam. Ngoài trả lương, con số 1,21 triệu tỉ đồng (tương đương 54,5 tỉ Mỹ kim) đã dùng cho “chi thường xuyên” còn bao gồm chi trả cho các loại hàng hóa, dịch vụ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sử dụng. Đã có ai từng nghe các hệ thống “của dân, do dân, vì dân” đề cập tới việc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người Việt như một cách đáp trả sòng phẳng việc sử dụng sức dân chưa?
Ngoài “chi thường xuyên”, mỗi năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn… vay thường xuyên để đầu tư vào đủ loại dự án. Đến giờ, tổng nợ đã lên tới ba triệu tỉ đồng. Năm ngoái, số tiền phải trả cho cả nợ gốc lẫn lãi đối với những khoản đã vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam là 250.000 tỉ đồng. Sắp tới, nợ nần sẽ còn tăng thêm vì nhiều dự án khác, trong đó có các dự án nhằm hoàn tất tuyến cao tốc Bắc – Nam, sẽ ngốn thêm chừng vài trăm ngàn tỉ nữa.
Cho dù đã có nhiều người, nhiều giới nhìn những dự án liên quan tới cao tốc Bắc Nam như một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho lao động người Việt (4) nhưng hết chính phủ (4) rồi quốc hội (5) đều công khai phản bác đề nghị này. Nói cách khác cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền vẫn tiếp tục tín nhiệm vốn, năng lực, sự thiện lương của các nhà thầu Trung Quốc, bất kể vô số trái đắng đã cũng như đang phải nếm, kiểu như trái đắng “Metro Cát Linh – Hà Đông”.
Tại sao Steve dẫu đơn độc nhưng vẫn có thể thắng còn cả trăm triệu người Việt thì luôn luôn thua khi muốn bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét