Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

11818 - Nhìn từ Venezuela: Làm sao để biết một cuộc bầu cử có gian lận hay không – Kỳ 1


Poster, biểu ngữ phản đối Maduro và cuộc bầu cử bị cáo buộc do ông thao túng. Ảnh: REUTERS/Carlos Garcia Rawlins


Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela kéo dài từ đầu năm 2019 vẫn đang đi từ bế tắc này sang bế tắc khác. Cho đến nay, cuộc giằng co bất phân thắng bại giữa: bên chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Nicholas Maduro (vốn được nhiều nước trong đó có Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ) và bên còn lại là Quốc hội Venezuela do Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó lãnh đạo (vốn được Mỹ, Anh, và Liên minh EU cùng một số nước khác ủng hộ) vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Tổng thống Maduro chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 05 năm 2018, nắm phần lớn ban bệ râu ria của chính quyền và quân đội.


Maduro nhận được sự ủng hộ “vô điều kiện” từ Kremlin. 
Ảnh: Valery Sharifulin / Tass / The Guardian

Ở phía kia thì hôm 24/01 đầu năm nay, Chủ tịch quốc hội Guaidó đã tuyên thệ trước Quốc hội Venezuela để trở  thành Tổng thống tạm quyền theo Hiến pháp nước này. Phe của Guaidó dù thiếu hỗ trợ từ các nhóm quan liêu, lợi ích chính quyền, song ông có vẻ nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn dân chúng Venezuela đang rơi vào tình trạng khốn cùng. 
Gần đây, nhiều cường quốc khác đã chính thức công nhận Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela với nhiều khả năng sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ Guaidó và Quốc hội Venezuela. 
Nguyên do của cuộc khủng hoảng này khởi nguồn từ một lịch sử dài của các quyết sách kinh tế và chính trị sai lầm ở Venezuela, kéo theo sụp đổ về kinh tế và tình trạng khốn khổ lầm than của người dân Venezuela trong các năm qua. 
Tuy nhiên, sự kiện châm ngòi cho thế “nước non chẻ nửa”, Quốc hội đối đầu Chính phủ hiện nay của nước này chính là cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. 
Kết quả bầu cử  tổng thống Venezuela 2018: ‘Xác chết’ loạn giang hồ?
Kết quả bầu cử năm 2018 có thể được xem là điểm mấu chốt giúp chúng ta nhìn nhận khủng hoảng chính trị ở Venezuela theo một cách căn cơ và ít thiên vị nhất. 
Theo Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela, Tổng thống Maduro giành được chiến thắng với 67.84% số phiếu bầu. Ứng cử viên đối lập về nhì là Henri Falcón chỉ giành được 20.93% số phiếu. 
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, tổng số phiếu bầu ở Venezuela chỉ là 9,381,218 phiếu. Tức là trong tổng số 20,527,571 cử tri cả nước, chỉ có khoảng 46% đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Tức là Maduro trở thành Tổng thống khi đại diện cho chỉ khoản 30% người dân Venezuela.
Với kết quả như vậy, không quá khó để dự đoán cuộc bầu cử sẽ phải hứng chịu phê phán nặng nề từ trong và ngoài nước,  kể cả trước hay sau khi có kết quả bầu cử. Chỉ trích quan trọng nhất đối với cuộc bầu cử, là cáo buộc cho rằng nó được tổ chức và diễn ra một cách không minh bạch, không phù hợp với các tiêu chuẩn về bầu cử được quốc tế công nhận.
Trong nước, các đảng phái đối lập và nhiều đoàn thể như Liên đoàn thương mại và sản xuất của Venezuela đã lên tiếng từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử này. Việc chỉ có 46% cử tri đi bầu cũng được cho là một hình thức phản kháng của nhiều cử tri.
Ngoài nước, liên minh 14 nước khu vực Châu Mỹ La-tinh bao gồm cả Argentina và Brazil – hai quốc gia có tiếng nói nhất khu vực, và cũng có thể xem là hàng xóm láng giềng gần của Venezuela – đưa ra tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử này vì tính chất thiếu minh bạch. Bên ngoài Châu Mỹ La-tinh, Liên minh Châu Âu cùng chính quyền một số nước lớn như Pháp, Anh, Tây Ban Nha cũng lên tiếng chỉ trích quy trình bầu cử là không thỏa đáng và có biểu hiện gian lận. 
Hiển nhiên, vẫn có một nhóm các quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ và công nhận quy trình cũng như kết quả của cuộc bầu cử như Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria…
Theo thống kê được công bố một ngày sau cuộc bầu cử, có 46 nước tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử, trong khi 39 nước tuyên bố công nhận. 



Bản đồ khái quát hóa tình hình công nhận hai chính phủ tại Venezuela trên thế giới. 
Ảnh: Twitter

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 tại Venezuela như thế, nhẹ thì có thể nói là “gây tranh cãi”, nặng thì có thể nói là “gian lận bất chính”. 
Trong các luận điểm đã được đưa ra để phản đối tính chính danh của chính phủ tổng thống Maduro, lý do được truyền thông và dư luận Việt Nam chú ý nhất trước nay vẫn là việc chính phủ Maduro không giải quyết được khủng hoảng kinh tế đang làm người dân Venezuela khốn đốn. 
Tuy nhiên một luận điểm phản đối khác không kém phần quan trọng, nhưng ít được phân tích là việc chính phủ Maduro đang nắm quyền dựa trên kết quả của một cuộc bầu cử thiếu minh bạch và có nhiều dấu hiệu gian lận.
Luận điểm này xuất hiện mạnh mẽ nhất có lẽ ở việc là ngay trước khi tuyên thệ trước Quốc hội để trở thành Tổng thống tạm quyền của Venezuela, ông Guaidó đã thẳng thừng tố cáo ông Maduro là một kẻ tiếm quyền (“usurper”) và đang nắm quyền lãnh đạo đất nước một cách bất chính. 
Chừng nào kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 tại Venezuela còn bị vướng vào cáo buộc “gian lận bất chính”, thì chừng đó phe Quốc hội Guaido, và các lực lượng hay các quốc gia ủng hộ phe này, còn có một lý do chính đáng để chống lại Maduro của họ. 
Vậy thế nào là bầu cử công bằng, minh bạch? Thế nào là bầu cử gian lận, bất chính? Đây là câu hỏi nên được tìm hiểu kỹ càng, vì nó không chỉ giúp chúng ta giải thích hiện tượng Venezuela, mà còn hỗ trợ cho việc thấu hiểu hệ thống bầu cử Việt Nam. 
Theo phân tích tổng hợp từ một trang báo trong nước, cáo buộc quy trình bầu cử và kết quả bầu cử gian lận là một “chiêu bài” hay được các phe nhóm “thân phương Tây” sử dụng trong các cuộc “cách mạng màu” nhằm lật đổ các chính quyền “không thân phương Tây”.
Để “vạch mặt” các cuộc “cách mạng màu”, bài báo cho rằng chiêu bài cáo buộc gian lận bầu cử rất thường được sử dụng để phủ nhận bất kỳ kết quả bầu cử nào có phần thắng nghiêng về phe “không thân phương Tây”. 
Phe “thân phương Tây” nào thua tranh cử cứ việc làm loạn lên là “bầu cử không minh bạch”, “bầu cử gian lận” là có thể vận động được ủng hộ trong nước và quốc tế để “đổ bàn cờ đánh lại từ đầu” tới khi nào lật đổ được chính quyền “không thân phương Tây” thì thôi.
Việc tìm hiểu thế nào là bầu cử không gian lận bất chính sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn tình trạng khủng hoảng ở Venezuela, đồng thời có thể tự xác định xem các cáo buộc bầu cử gian lận như là một “chiêu bài chính trị thân phương Tây” nói trên có xác đáng hay không. 
Đâu là các tiêu chí đánh giá chất lượng bầu cử quốc tế?
Một thực tế đáng tiếc là hiện nay trên thế giới vẫn chưa có một cơ quan quốc tế chuyên trách đánh giá chất lượng các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, và cũng không có một bộ chuẩn quốc tế nhất định được toàn thế giới công nhận để xác định một cuộc bầu cử không gian lận 100%. 



Tuy không có một tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận thống nhất, thực hành của các phái đoàn quan sát bầu cử của các tổ chức có uy tín rất đáng quan tâm. Trong hình là một quan sát viên thuộc EU đang xem xét một cuộc bầu cử tại Châu Phi. Ảnh: EU External Action.

Bầu cử, một hoạt động dân chủ ra đời trước bóng đá hàng thế kỷ, hóa ra vẫn chưa có được một vị thế chuẩn mực như bóng đá – môn thể thao vua có một bộ luật quy định luật chơi nhất định và một cơ quan được toàn giới bóng đá chính thức công nhận là có thẩm quyền giám sát bộ luật đó. 
Một nhà quan sát chính trị không chuyên quan tâm đến tình hình bầu cử quốc tế chỉ có thể tiếp nhận và tham khảo đánh giá chất lượng bầu cử từ bốn nguồn nhất định:
  1. Quan điểm chính thức của các quốc gia; 
  2. Quan điểm của truyền thông quốc tế;
  3. Quan điểm chính thức của các tổ chức hay nhóm giám sát bầu cử quốc tế;
  4. Quan điểm của giới chuyên gia và giới nghiên cứu học thuật có chuyên môn về bầu cử.
Việc đánh giá chất lượng của mỗi nguồn thông tin và tham khảo quan điểm nói trên có thể giúp chúng ta tìm đến một công thức chung khả dĩ cho việc đánh giá chất lượng bầu cử. 
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét